Trung Quốc khen ngợi quyết định của chính phủ Nepal về việc từ chối chương trình đối tác với Hoa Kỳ và tái khẳng định sự ủng hộ đối với “chính sách ngoại giao không liên kết” của Nepal, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 23/06.
Nepal đã từ chối Chương trình Đối tác Nhà nước (SPP) sau khi một bản dự thảo chương trình mà Hoa Kỳ chuyển cho giới lãnh đạo Nepal bị rò rỉ làm dấy lên các cuộc tranh luận chính trị gay gắt.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng Nepal coi SPP là “một sáng kiến quân sự và an ninh có liên kết chặt chẽ với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” đi ngược lại lợi ích quốc gia của Nepal và chính sách ngoại giao không liên kết của nước này.
“Là nước láng giềng thân thiện và gần gũi đồng thời cũng là đối tác hợp tác chiến lược của Nepal, Trung Quốc hoan nghênh quyết định của chính phủ Nepal,” ông Uông nói với các phóng viên, cho biết thêm rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng làm việc với Nepal về an ninh khu vực.
Ông nói: “Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Nepal trong việc duy trì chủ quyền, độc lập, và toàn vẹn lãnh thổ cũng như ủng hộ cam kết của Nepal đối với chính sách ngoại giao độc lập và không liên kết của mình”.
Bản thỏa thuận dự thảo SPP bị rò rỉ
Bộ trưởng đặc trách các vấn đề liên bang và hành chính tổng hợp của Nepal, ông Rajendra Shrestha, cho biết hôm 20/06 rằng nội các đã quyết định không tiếp tục với kế hoạch tham gia SPP và sẽ thông báo cho Hoa Thịnh Đốn về quyết định này.
The Kathmandu Post đưa tin, ông Shrestha nói rằng tất cả các thư từ phải thông qua bộ ngoại giao vì “việc trao đổi thư từ trực tiếp của quân đội đã không có lợi cho đất nước.”
Sự việc này diễn ra sau khi Thiếu tướng Michael Turley, sĩ quan quản trị cao cấp của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Utah thuộc Lục quân Hoa Kỳ, được cho là đã bàn giao bản thỏa thuận dự thảo cho Tổng tham mưu trưởng quân đội Nepal Prabhuram Sharma hồi tháng Tư.
Theo thỏa thuận dự thảo mà truyền thông Nepal thu được nói trên, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ tại Utah sẽ đóng quân tại Nepal cho mục đích huấn luyện và sẽ được cấp quyền truy cập vào các cơ sở của Nepal với sự đồng ý của chính phủ Nepal.
Bản dự thảo nêu rõ SPP sẽ có hiệu lực trong 5 năm, nhưng một trong hai bên có thể chấm dứt SPP bằng cách cung cấp thông báo bằng văn bản trước 6 tháng thông qua các kênh ngoại giao.
Quân đội Nepal sau đó đã làm rõ rằng họ không tham gia bất kỳ thỏa thuận nào với quân đội Hoa Kỳ và sẽ không tham gia SPP vì nó “có thể ảnh hưởng xấu đến tính nhạy cảm quân sự” do chính sách ngoại giao không liên kết và vị trí địa chính trị của Nepal.
Hoa Kỳ tuyên bố SPP không phải là sự liên minh quân sự
Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tuyên bố rằng SPP không phải là một liên minh quân sự mà là “một chương trình trao đổi giữa Lực lượng Vệ binh Quốc gia nhà nước Hoa Kỳ và một đối tác ngoại quốc.”
Các quan chức quân đội Hoa Kỳ tuyên bố trên tờ thông tin của SPP, “Chương trình Đối tác Nhà nước không phải là một liên minh dưới bất kỳ hình thức nào. Hoa Kỳ chưa bao giờ tìm kiếm một liên minh quân sự với Nepal, cũng như không có kế hoạch làm như vậy.”
Theo Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, bản dự thảo SPP bị rò rỉ là “giả”, và “không có thỏa thuận được đề nghị” giữa hai nước. Đại sứ quán tuyên bố Nepal đã nộp đơn xin tham gia SPP hai lần vào năm 2015 và năm 2017, mà Hoa Thịnh Đốn đã đồng ý năm 2019.
Đại sứ quán cho biết, “Kể từ khi Hoa Kỳ đồng ý yêu cầu của Nepal tham gia SPP, chúng tôi đã tiếp tục đối thoại cởi mở với các nhà lãnh đạo Nepal để cộng tác về những gì mà các trao đổi hợp tác theo SPP có thể có, bao gồm các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và chuẩn bị sẵn sàng để cứu trợ thiên tai có thể xảy ra.”
“Không có sự kiện nào do SPP lãnh đạo đã diễn ra vì Nepal không muốn chúng diễn ra. Mọi sự kiện theo SPP sẽ chỉ diễn ra khi có sự chấp thuận của Nepal.”
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Thanh Nhã biên dịch