Trung Quốc: Tham tiền giết nhân tình – Bức màn đen tối của ‘3 con hổ’ Nội Mông Cổ

Đức Nhã

Bức màn đen tối của ‘3 con hổ’ Nội Mông Cổ. (Ảnh tổng hợp)

Năm 2021, Đài truyền hình Trung Quốc CCTV đã công chiếu phim truyện chống tham nhũng “Không khoan nhượng”. Những tình tiết tham nhũng của “Ngũ hổ chính trị và pháp luật” như Tôn Lập Quân, cựu Thứ trưởng Bộ Công an, đã bị phanh phui, gây chấn động cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nạn tham nhũng trong các cấp chính quyền Trung Quốc xảy ra khắp nơi, không thể nào chống nổi.

Câu chuyện về “Ba con hổ chính trị và pháp luật” ở Nội Mông Cổ, nếu nhìn vào sự tham ô hắc ám của họ thì cũng chấn động không kém.

Triệu Lê Bình, con hổ đầu tiên của hệ thống chính trị và luật pháp Nội Mông Cổ

Từng là Giám đốc Sở Công an, Phó Chủ tịch Chính quyền, và Phó Chủ tịch Chính Hiệp Khu tự trị Nội Mông Cổ.

Ngày 28 tháng 2 năm 2017, Triệu Lê Bình đã bị Tòa án cấp cao tỉnh Sơn Tây kết án tử hình về các tội danh cố ý giết người, tàng trữ trái phép súng đạn, tàng trữ trái phép chất nổ và tội nhận hối lộ 23,68 triệu nhân dân tệ (khoảng 80 tỷ VND).

Ngày 26 tháng 5 năm 2017, được sự chấp thuận của Tòa án Tối cao, Triệu Lê Bình bị xử tử tại Thái Nguyên, trở thành quan chức cấp tỉnh đầu tiên bị xử tử sau Đại hội 18 của ĐCSTQ. 

Chuyện gì xảy ra với vụ giết người có chủ ý này? Tất cả đều là do háo sắc, dục vọng gây ra.

Cuối năm 2014, nhân tình của Triệu là cô Lý, phát hiện Triệu cặp kè với một phụ nữ khác, còn mua cả nhà cho người phụ nữ kia. Vì thế, cô Lý trong lúc ghen tuông đã cãi nhau kịch liệt với Triệu. Cô này đòi tài sản của Triệu, và nói rằng sẽ tố cáo với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Tại thời điểm này, mâu thuẫn giữa hai người ngày càng trở nên gay gắt.

Theo lời khai của Triệu Lê Bình, trước khi xảy ra vụ án, quan hệ giữa hắn và cô Lý rất căng thẳng, bởi vì cô Lý luôn mượn hắn những khoản tiền lớn, đe dọa hắn một số việc và ghi âm lại các cuộc nói chuyện giữa hai người. Cô Lý hành hạ hắn đến mức “không ra gì”, đến lúc hắn nhìn rõ ra được thì đã quá muộn màng.

Vào tối ngày 20 tháng 3 năm 2015, Triệu Lê Bình, 64 tuổi, và cô Lý, 26 tuổi, hẹn gặp nhau ở gần một cây cầu vượt ở thành phố Xích Phong, Nội Mông Cổ. Lúc này, hai người một lần nữa xảy ra cãi vã. Triệu đã nổ súng vào Lý, nhưng chưa gây ra tử vong. Lý lập tức chặn một chiếc ô tô KIA màu trắng, và gọi số cảnh sát 110 trên đường chạy thoát, nói rằng cô ta đang bị truy sát bởi cựu Giám đốc Cục Công an Nội Mông Cổ.

Triệu Lê Bình thì sao? Hắn lái một chiếc xe Audi màu đen, đuổi theo cô Lý đến tận nơi cô ta ở. Sau đó, hắn ta dùng súng lục kiểu 64 bắn Lý đến chết, và nhét xác vào cốp chiếc xe Audi rồi vội vàng rời đi.

Sau khi Triệu Lê Bình lái xe đến một sườn núi cách đó hơn mười km, cơn thịnh nộ vẫn chưa hết. Hắn lại tiếp tục bắn cô Lý thêm hai phát vào đầu, sau đó tưới xăng lên người rồi đốt xác, cuối cùng dùng phế thải xây dựng để chôn lấp xác. 

Cùng lúc đó, cảnh sát thành phố Xích Long sau khi nhận được trình báo, dựa trên các camera giám sát đã tìm ra dấu vết lái xe của Triệu. Do đó, sau khi vụ án xảy ra khoảng bốn đến năm tiếng đồng hồ, Triệu đã bị bắt.

Tại nơi Triệu Lê Bình chôn giấu xác, cảnh sát đã tìm thấy một khẩu súng lục ổ quay, một khẩu súng lục kiểu 64 và 49 viên đạn. 91 kíp nổ được tìm thấy trong văn phòng của hắn ta. Theo Caixin.com, từ phiên tòa sơ thẩm vụ án lần thứ nhất, lần thứ hai cho đến khi kết án tử hình, Triệu Lê Bình đều không chịu nhận tội.

Triệu Lê Bình trong phiên tòa xét xử. (Chụp video)

Hình Vân, con hổ thứ hai của hệ thống chính trị và luật pháp Nội Mông Cổ

Hình Vân từng là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy kiêm bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Khu tự trị Nội Mông, sau đó chuyển sang làm Phó Chủ nhiệm Đại hội Đại biểu Nhân dân Khu tự trị Nội Mông Cổ. 

Vào ngày 15 tháng 8 năm 2019, hắn bị Tòa án Trung cấp Đại Liên kết án tử hình vì tội nhận hối lộ 449 triệu tệ (khoảng 1527 tỷ VND), với thời gian chờ thi hành án là 2 năm tù. Sau khi mãn hạn hai năm, hắn được chuyển sang án tù chung thân không được ân xá và tạm tha. 

Việc ngã ngựa của Hình Vân được coi là tâm chấn của “trận động đất” đối với hệ thống chính trị và luật pháp ở Nội Mông Cổ, gây ra một phản ứng dây chuyền; một nhóm quan chức từng làm việc dưới quyền của hắn cũng lần lượt rớt đài.

Caixin.com đưa tin, vụ án Hình Vân liên quan đến ba phó giám đốc Sở Công an khu tự trị Nội Mông Cổ, ba phó bí thư Chính ủy Ủy ban pháp luật thành phố Bao Đầu, năm phó giám đốc Sở công an Bao Đầu, và hai phó thị trưởng kiêm trưởng công an thành phố Hohhot. Trong đó, ba phó giám đốc Sở Công an Nội Mông Cổ liên quan đến vụ án là: Mạnh Kiến Vỹ, Triệu Vân Huy và Lý Chí Bân.

Mạnh Kiến Vỹ bị kết án 16 năm tù về các tội danh nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản lớn không rõ nguồn gốc, và tàng trữ trái phép súng đạn. Triệu Vân Huy bị truy tố về các tội danh nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản số lượng lớn không rõ nguồn gốc, và tàng trữ vũ khí trái phép. Lý Chí Bân thì đã treo cổ tự tử trong lúc chờ tuyên án.

Theo các báo cáo chính thức của ĐCSTQ, Lý Chí Bân đã tự tử do trầm cảm. Tuy nhiên, trong một bài báo vào tháng 11 năm 2019 “Caixin.com” đã tiết lộ sự thật là: Lý Chí Bân là cấp dưới cũ của Hình Vân khi Hình Vân làm việc ở Bao Đầu, dưới sự quan tâm của Hình Vân, hắn được đề bạt và trọng dụng. 

Sau khi bị điều tra, Hình Vân rất nhanh chóng đã khai báo các vấn đề của Lý Chí Bân. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật đã nói chuyện với Lý Chí Bân ba lần. Ngày hôm sau, sau cuộc trò chuyện thứ ba, tại phòng nghỉ của Cục cảnh sát, Lý Chí Bân đã dùng một sợi dây thừng để tự kết liễu, đó thực sự là một vụ tự sát.

Các quan chức chính trị và pháp lý liên quan đến vụ án Hình Vân gồm có Đỗ Bảo Quân, cựu Phó giám đốc Sở Công an thành phố Hohhot; Đổng Bỉnh Huệ, cựu Chánh án Tòa án trung cấp Hohhot; Tô Dự, cựu Bí thư Ủy ban Pháp luật thành phố Bao Đầu, và Triệu Quân Thành, cựu Bí thư Ủy ban Pháp luật thành phố Hulunbuir. 

Sau khi vụ án Hình Vân xảy ra, em gái Hình Vân là Hình Yến Cúc, cựu Phó chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân thành phố Hohhot, cũng bị điều tra và bị kết án 16 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ 51,25 triệu tệ (khoảng 178 tỷ VND). 

Hình Vân trước tòa (Chụp video)

Ngoài ra, Caixin.com cũng trích dẫn lời các nguồn tin ở Nội Mông Cổ cho biết, Hình Vân có thể có quan hệ họ hàng với Tiêu Kiến Hoa, người sáng lập Tập đoàn Ngày mai. Quê của vợ của Tiêu Kiến Hoa, Chu Hồng Văn, chính là thành phố Bao Đầu, nơi Hình Vân từng quản lý.

Tiêu Kiến Hoa là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Bao thương, ông ta đã chiếm đoạt 156 tỷ tệ (tương đương 530 nghìn tỷ VND) từ Ngân hàng Bao thương theo cách “tay không bắt giặc”. Vụ án của Tiêu Kiến Hoa được coi là “vụ án lớn nhất ở Trung Nam Hải” và vẫn chưa được xét xử công khai. Vụ án này nếu xét đến cùng, có thể sẽ có những sự thật kinh thiên động địa được phơi bày.

Mã Minh, con hổ thứ ba của hệ thống chính trị và luật pháp Nội Mông Cổ

Mã Minh từng là Giám đốc Sở Công an tỉnh Cát Lâm, Giám đốc Sở Công an Nội Mông Cổ, sau đó là Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nội Mông Cổ. Hắn kế nhiệm Triệu Lê Bình làm Giám đốc Sở Công an Nội Mông Cổ. 

Vào ngày 24 tháng 3 năm 2015, tức là bốn ngày sau vụ án Triệu Lê Bình xảy ra, Mã Minh đã phê phán Triệu Lê Bình vì đã làm trái với kỷ luật của Đảng và pháp luật của nhà nước, gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của cái gọi là cơ quan công an.

Tuy nhiên, vào ngày 17 tháng 2 năm 2022, hơn 5 năm sau khi Triệu Lê Bình bị xử tử, Mã Minh bị Tòa án Trung cấp thành phố Tri Bác, tỉnh Sơn Đông kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ 157 triệu tệ (khoảng 549 tỷ VND). Tòa án kết luận rằng, Mã Minh đã bắt đầu nhận hối lộ từ năm 2000, khi hắn ta giữ chức Phó thị trưởng thành phố Song Viên, tỉnh Cát Lâm, sau đó được đề bạt và trọng dụng, liên tục nhận hối lộ cho đến năm 2019, một khoảng thời gian gần 20 năm.

Bản án cho rằng Mã Minh nhận hối lộ với số lượng đặc biệt lớn, nhưng sau khi kết án, hắn ta chủ động giao nộp cho cơ quan thụ lý vụ án hơn 150,71 triệu tệ (khoảng 513 tỷ VND), chiếm hơn 95% tổng số tiền nhận hối lộ. Đồng thời Mã Minh cũng đã tố cáo những người khác. Vì tất cả số tiền và tài sản tham ô đã được thu hồi nên Mã Minh được đưa ra một hình phạt “khoan hồng”.

Một người trong cuộc từng nói với tạp chí “Integrity Outlook”: “Nếu không có tình huống đặc biệt, mỗi tháng Mã Minh ở Nội Mông Cổ chưa đến nửa tháng. Vào những ngày nghỉ, ông ta sẽ về quê ở Cát Lâm hoặc đến Bắc Kinh. Bình thường ông ta cũng thích chạy đến Bắc Kinh.” Sau khi đến Nội Mông Cổ, Mã Minh đã rất nổi tiếng, thường thực hiện các thương vụ “bán quan“.

Vào ngày 18 tháng 11 năm 2020, tạp chí “Global People” đưa tin về trường hợp Mã Minh bán một chức quan, nói rằng: Năm 2017, Vương Vĩnh Thanh, người đứng đầu Đội quản lý giao thông thành phố Hohhot, muốn chi tiền nhờ người chạy cho ông ta từ vị trí hiện tại, lên chức trưởng phòng thành phố Bao Đầu hoặc thành phố khác có điều kiện kinh tế tốt hơn.

Ông ta nhờ Triệu Vân Huy, một Phó Giám đốc Sở Công an Nội Mông Cổ, giúp đỡ. Triệu đòi 10 triệu tệ (gần 35 tỷ VND), nhưng Vương nói ông ta không có nhiều tiền nên chỉ đưa 7 triệu tệ (khoảng 24 tỷ VND). Sau đó, Triệu giấu đi 5 triệu tệ (khoảng 87 tỷ VND), và đưa cho Mã Minh 2 triệu tệ (khoảng 7 tỷ VND). Với 2 triệu NTD, Mã Minh “đưa” Vương Vĩnh Thanh đến Hưng Yên Minh, nơi điều kiện kinh tế lạc hậu, nhận nhiệm vụ phó ban hành chính kiêm trưởng phòng công an.

Mã Minh trước tòa. (Chụp video)

Những hành vi phủ bại của “3 con hổ chính trị và luật pháp” ở Nội Mông Cổ khiến người ta phẫn nộ, và kết cục cuối cùng cũng có thể nói là ác hữu ác báo. Nhưng tại sao họ vẫn không dừng tay sau khi ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng và diệt hổ vào năm 2013?

Có rất nhiều lý do. Một trong những điểm quan trọng là, dưới thời Chu Vĩnh Khang, một cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, đã đi đầu trong việc thao túng quyền lực, tham tiền háo sắc, dối trên lừa dưới, coi thường pháp luật, dẫn đến việc hầu hết các quan chức trong toàn bộ hệ thống chính trị và pháp luật các cấp của ĐCSTQ không có quan chức nào là không tham nhũng. Một lý do quan trọng khác là chiến dịch chống tham nhũng của ĐCSTQ là có tính chọn lọc.

Lấy vụ án Mã Minh làm ví dụ. Số tiền hối lộ 157 triệu tệ của Mã Minh đã được điều tra rõ ràng, vậy thì việc nhận hối lộ có được điều tra rõ ràng hay không? Người đưa hối lộ có phải là có tội không và có phải chịu trách nhiệm không? Tuy nhiên, ngoại trừ cá nhân các quan chức, hầu hết các quan chức đưa hối lộ đều không bị truy cứu trách nhiệm. Việc họ bỏ tiền mua quan là không thể nhầm lẫn được. Những người này không chỉ muốn lấy lại số tiền đã mua quan mà chắc chắn họ sẽ dùng vị trí mà mình mua được để kiếm thêm nhiều tiền hơn.

Lại nói, Mã Minh đã nhận hối lộ 157 triệu tệ (549 tỷ VND) trong 20 năm, nhưng ông ta chưa bao giờ đưa hối lộ hay sao? Hoàn toàn không thể. Tuy nhiên, vụ án của Mã Minh đã khép lại, và không có quan chức nào mà ông ta hối lộ bị điều tra. Ngoài ra, tất cả các quan chức chịu trách nhiệm giám sát vụ án tham nhũng của Mã Minh, từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, đến Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Nội Mông Cổ, đều không phải chịu trách nhiệm về hành vi thiếu trách nhiệm nghiêm trọng. Việc chống tham nhũng như thế này, thì ‘điều tra xử lý’ Mã Minh có thể có tác dụng gì? Chỉ là làm ‘đánh bùn sang ao’ mà thôi.

Đức Nhã
Theo Epochtimes

Related posts