Huyền Anh
NATO sẽ gọi Trung Quốc là một ‘thách thức có hệ thống’ trong bản tóm tắt chiến lược mới sẽ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, Tây Ban Nha, diễn ra từ ngày 29/06 đến ngày 30/06. Đây sẽ là bản tóm tắt chiến lược đầu tiên của NATO trong một thập niên nêu lên mối đe dọa ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc.
Các nhà ngoại giao NATO nói với tờ Reuters rằng Hoa Kỳ và Vương quốc Anh muốn sử dụng những từ ngữ cứng rắn khi đề cập đến Trung Quốc, nhưng Pháp và Đức thì thận trọng hơn.
Chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tuần này là giải quyết các mối đe dọa ngày càng tăng do Trung Quốc và Nga gây ra. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Bắc Kinh ngày càng mang đến nhiều mối lo ngại hơn cho cộng đồng quốc tế vì ủng hộ Moscow trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Nga đã tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/02 và gọi đây là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc còn tham vọng tiếp tục bành trướng ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan, đe dọa quyền tự do hàng hải của tàu bè và sự toàn vẹn lãnh thổ của hòn đảo này. Chính quyền Trung Quốc tuyên bố hòn đảo này là của mình, mặc dù Đài Loan là một quốc gia độc lập trên thực tế với quân đội, chính phủ được bầu cử dân chủ, và hiến pháp của riêng mình.
Một ‘thách thức có hệ thống’
NATO đã dán nhãn Trung Quốc là một ‘mối đe dọa’ trong tài liệu chiến lược mới của tổ chức này.
Báo cáo chiến lược của NATO “sẽ nói theo những cách chưa từng có về thách thức mà Trung Quốc đặt ra”, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với các phóng viên tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 27/06.
Ông nói rằng sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc “không có nghĩa là đối đầu hay xung đột”.
Một ngày trước đó, một quan chức Nhà Trắng nói với tờ Reuters rằng báo cáo chiến lược của NATO sẽ dùng ngôn ngữ cứng rắn đối với Trung Quốc.
Ông John Kirby, điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSC) về truyền thông chiến lược, nói với các phóng viên hôm 23/06: “Tôi cho rằng đó là sự phản ánh mối quan tâm của các đồng minh của chúng tôi trước những ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế, sử dụng lao động cưỡng bức, đánh cắp trí tuệ, và các hành vi gây hấn cưỡng chế không chỉ trong khu vực mà còn ở những nơi khác trên toàn thế giới. Phản ánh rằng họ tin điều quan trọng là phải xét đến Trung Quốc trong khái niệm chiến lược mới”.
Một báo cáo của Reuters hôm 27/06 dẫn lời các nhà ngoại giao NATO nói rằng Hoa Kỳ và Anh đã thúc đẩy ngôn ngữ cứng rắn hơn để phản ánh những tham vọng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và sự lo ngại đang lớn dần rằng chính quyền này có thể tấn công Đài Loan. Các nhà ngoại giao yêu cầu ẩn danh vì báo cáo chiến lược đang trong quá trình hoàn thiện.
Trong khi đó, Pháp và Đức — với khoản đầu tư công nghiệp lớn của họ ở Trung Quốc — ủng hộ việc nhắc đến [Trung Quốc] một cách chừng mực hơn, các nhà ngoại giao NATO cho biết.
Một nhà ngoại giao cho biết một thỏa hiệp đang hình thành, theo đó Trung Quốc sẽ được mô tả là một “thách thức có hệ thống” trong khi điều chỉnh ngôn ngữ đề cập đến “sự sẵn sàng làm việc trên các lĩnh vực có lợi ích chung” với Bắc Kinh.
Báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc cho Quốc hội Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “đáp ứng thách thức về tốc độ mà quân đội ngày càng có năng lực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và tham vọng toàn cầu của nước này đặt ra”.
Một trong những nhà ngoại giao cho biết, các nhà đàm phán đang điều chỉnh cách mô tả mối bang giao giữa Trung Quốc và Nga, với việc Cộng hòa Séc và Hungary phản đối mạnh mẽ cụm từ “sự hội tụ chiến lược” để định nghĩa mối bang giao này.
Hội nghị thượng đỉnh NATO
Úc, New Zealand, Nhật Bản, và Nam Hàn đã lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO.
NATO sẽ không “rời mắt khỏi Trung Quốc”, Reuters dẫn lời một quan chức NATO hôm 27/06. “Liên minh đang củng cố thế giới dân chủ trước cả Nga và Trung Quốc”.
“NATO không thể phớt lờ Trung Quốc”, một quan chức Châu Âu nói với Reuters. “Châu Âu đã đi sau một chút trong việc nhận ra điều này, nhưng các quan điểm chắc chắn đã thay đổi sau tình hình ở Hồng Kông”, đề cập đến cuộc đàn áp an ninh của Bắc Kinh đối với trung tâm tài chính Châu Á này.
Ông Kirby, Điều phối viên NSC, cho biết: “Thay vì khiến chúng tôi phân tâm khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Trung Quốc, sự lãnh đạo của tổng thống trong việc hỗ trợ Ukraine đã thực sự tạo cảm hứng cho các nhà lãnh đạo trong khu vực đó và liên kết hiệu quả các nỗ lực của chúng ta ở Châu Âu và ở Châu Á, đồng thời các nước Châu Á đó sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO, tôi nghĩ điều này nói lên rất nhiều về thực tế đó”.
G-7 đối phó với các bẫy nợ của Bắc Kinh
Các nền dân chủ công nghiệp giàu có G-7 cũng giải quyết các mối đe dọa của Trung Quốc.
Hôm 26/06, các quốc gia G-7 đã quyết định huy động 600 tỷ USD trong vòng năm năm tới cho một chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu — Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) — đó sẽ là “giải pháp thay thế tích cực” cho các mô hình bán “các bẫy nợ”.
Mọi người đều biết rằng chính quyền Trung Quốc tạo ra “các bẫy nợ” trên khắp thế giới. Nước này sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường để cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển vay tiền. Bắc Kinh sử dụng các khoản nợ để chiếm quyền sở hữu các dự án này một khi các quốc gia không trả được nợ.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times