Lâm Yến
Nikkei Asian Review đưa tin, mặc dù ông Lý Cường (Li Qiang) vẫn giữ chức Bí thư thành ủy Thượng Hải, nhưng lại có tương lai chính trị ảm đạm. Việc phong tỏa thành phố Thượng Hải trước đó có lẽ đã làm tổn hại đến cơ hội vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) của ông.
Ông Lý Cường, được coi là đồng minh thân cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một lần nữa được bầu lại làm Bí thư Thượng Hải hôm thứ Ba (ngày 28/6). Tuy nhiên, người dân Thượng Hải bất mãn đối với chính sách “zero COVID” nghiêm ngặt mà ông thực thi trong 2 tháng qua, điều này đã làm tương lai chính trị của ông trở nên mờ nhạt.
ĐCSTQ đang lựa chọn đại biểu đảng từ 31 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước để tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ 20 vào mùa thu năm nay, được tổ chức 5 năm một lần. Mặc dù đại diện của Thượng Hải đã được bầu vào thứ Hai, việc tái nhiệm Bí thư Thượng Hải của ông Lý Cường được quyết định vào thứ Ba, làm dấy lên suy đoán rằng ông đã phải đối mặt với tiếng nói phản đối trong đảng.
Ông Lý Cường là Tổng thư ký Tỉnh ủy Chiết Giang trong thời gian ông Tập Cận Bình giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, được xem là ứng cử viên cạnh tranh vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 20 sắp tới. Ông cũng được coi là người kế nhiệm tiềm năng của ông Lý Khắc Cường khi ông mãn nhiệm chức vị Thủ tướng vào tháng 3/2023.
Nhưng việc ông Lý Cường không kiểm soát được sự gia tăng các ca nhiễm virus corona ở Thượng Hải trong năm nay, và việc xử lý sau đó của ông đối với việc phong tỏa thành phố, được coi là đã làm tổn hại đến cơ hội vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của ông. Theo Financial Times đưa tin hồi tháng Năm, ông Hàn Chính, người đứng thứ 7 trong Ủy ban Thường vụ ĐCSTQ kiêm Phó Thủ tướng, là một trong nhiều người lên tiếng kêu gọi ông Tập yêu cầu ông Lý Cường từ chức. Ông Hàn Chính trước đây là một quan chức Thượng Hải.
Mục tiêu của ông Tập Cận Bình là sẽ tại vị thêm nhiệm kỳ thứ 3 tại Đại hội 20 của ĐCSTQ sắp diễn ra, đối với ông mà nói, vận mệnh chính trị của ông Lý Cường xuất hiện vào một thời điểm khó xử.
Nikkei Asian Review dẫn lời một nguồn thạo tin cho biết: “Việc đề bạt ông Lý Cường trong bối cảnh có tiếng nói phản đối, sẽ không tránh khỏi dẫn đến căng thẳng hơn trong đảng.”
Trong lịch sử, ngoại trừ ông Trần Lương Vũ (Chen Liangyu), người từ chức vì bê bối quỹ lương hưu, các Bí thư thành ủy Thượng Hải trong quá khứ đều được đề bạt vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Điều thú vị là không một quan chức cấp cao nào ở Bắc Kinh trở thành tổng bí thư của ĐCSTQ hoặc thủ tướng quốc vụ viện.
Ngày 24/3/2007, ông Tập Cận Bình, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, được bổ nhiệm trở thành Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Chỉ 7 tháng sau khi nhậm chức, ông Tập được đề bạt vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và được điều động tới Bắc Kinh. Ông ngay lập tức trở thành nhân vật số 6 của ĐCSTQ, đứng trước ông Lý Khắc Cường và ở vị trí hàng đầu kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Katsuji Nakazawa, phóng viên cấp cao của Nikkei Asian Review, từng viết bài phân tích, nói rằng điều đáng quan tâm là liệu ông Lý Cường có nhanh chóng được thăng chức lên Bắc Kinh, và giữ chức vụ cao hơn sau khi thực hiện chính sách “zero COVID” hay không. Hay việc điều động ông đến Bắc Kinh sẽ bị tạm dừng, khiến cho những thay đổi nhân sự ở những nơi khác trong nước bị trì hoãn?
Phóng viên Katsuji Nakazawa nói: “Dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, thì cũng sẽ ảnh hưởng đến những thay đổi nhân sự tại Đại hội 20 của ĐCSTQ sắp tới.”
Phóng viên Katsuji Nakazawa cũng cho rằng Thượng Hải khác Bắc Kinh, Thượng Hải có hậu trường đấu tranh chính trị riêng, “bang Thượng Hải” do cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân lãnh đạo từng có ảnh hưởng rất lớn ở Thượng Hải.
Washington Post đưa tin rằng hiện tại Bắc Kinh xuất hiện các tin đồn khác nhau, liệu có phải cho thấy khi ông Tập Cận Bình bước vào nhiệm kỳ thứ ba sẽ gặp phải một mức độ phản công nhất định từ cao tầng trong nội bộ đảng, đồng thời buộc ông đưa ra một số thỏa hiệp về lựa chọn nhân sự của ban lãnh đạo mới.
Sau khi ông Tập Cận Bình triển khai chiến dịch chống tham nhũng và phong trào trung thành kéo dài 10 năm qua, hiện vẫn chưa rõ liệu có nhóm nhỏ nào có đủ sức ảnh hưởng để thách thức sự thống trị của ông hay không. Hiện không thể nói ông Tập không có đối thủ.
Đại hội 20 sẽ thay thế các ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có 25 thành viên Bộ Chính trị và hơn 200 thành viên Ủy ban Trung ương. Một số quan chức trong hệ thống ước tính rằng khoảng một nửa số ủy viên Bộ Chính trị là người mới, và ít nhất 1/3 số ủy viên Trung ương ĐCSTQ cũng sẽ là người mới.
Theo Lâm Yến, Epoch Times