Hôm thứ Sáu (01/07), Tổng thống Indonesia cho biết rằng nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã đồng ý mở một tuyến hải vận để xuất cảng các mặt hàng lương thực của Ukraine. Đây là một bước đi nhằm duy trì chuỗi cung ứng thực phẩm trong bối cảnh Moscow tiếp tục xâm lược Ukraine.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gặp ông Putin tại Moscow chỉ một ngày sau khi gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kyiv hôm 29/09, khi ông đề nghị trở thành “cầu nối giao tiếp” giữa hai nhà lãnh đạo.
Trong cuộc gặp với ông Putin, ông Widodo đã thảo luận về sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm và phân bón cũng như tác động của nó đến hàng trăm triệu người trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển.
Ông được Bộ Ngoại giao dẫn lời: “Tôi thực sự đánh giá cao Tổng thống Putin, người đã nói rằng ông ấy sẽ bảo đảm an ninh cho nguồn cung cấp thực phẩm và phân bón từ cả Ukraine và Nga. Đây là một tin tốt lành.”
Ông Widodo cho biết ông ủng hộ các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc nhằm tái hòa nhập các sản phẩm thực phẩm và phân bón từ Nga và Ukraine vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả kế hoạch mở lại tuyến hải vận cho các mặt hàng xuất cảng thực phẩm của Ukraine.
Ông nhận xét: “Cụ thể đối với tuyến đường xuất cảng các mặt hàng thực phẩm của Ukraine, đặc biệt là thông qua đường biển, Tổng thống Putin đã đưa ra lời cam kết.”
Nga đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt của phương Tây
Ông Putin bác bỏ bất kỳ quan điểm nào cho rằng đất nước của ông phải chịu trách nhiệm về sự gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu do cuộc chiến Ukraine, thay vào đó đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên quốc gia của ông, vốn là nguyên nhân cản trở xuất cảng của Nga.
Nga đã phải chịu một loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây kể từ khi xâm lược Ukraine hồi tháng Hai, bao gồm cả việc bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu SWIFT. Moscow đã trả đũa bằng cách áp đặt các lệnh cấm xuất cảng đối với các sản phẩm của mình.
Trong một tuyên bố, ông Putin cho biết sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm là “hậu quả trực tiếp của chính sách kinh tế vĩ mô thiếu trách nhiệm lâu đời của một số quốc gia, việc phát hành thiếu kiểm soát, và sự tích tụ nợ không có bảo đảm.”
“Tuy nhiên, thay vì thừa nhận rằng các chính sách kinh tế của họ đã sai lầm, các nước phương Tây đang gây bất ổn hơn nữa cho sản xuất nông nghiệp toàn cầu bằng cách áp đặt các hạn chế đối với nguồn cung phân bón của Nga và Belarus, cản trở xuất cảng ngũ cốc của Nga ra thị trường thế giới.”
Nga là một trong những nhà sản xuất và xuất cảng lương thực hàng đầu thế giới, xuất cảng hơn 43 triệu tấn ngũ cốc và 33 triệu tấn lúa mì sang 161 quốc gia vào năm ngoái (2021), nhà lãnh đạo Nga cho biết.
Ông Putin nói rằng đất nước của ông sẵn sàng “đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất nông nghiệp ở Indonesia và các quốc gia thân thiện khác về phân đạm, phốt pho, kali và các nguyên liệu thô [khác] cho sản xuất của họ.”
Khủng hoảng lương thực đang rình rập
Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP) đã cảnh báo về nhiều cuộc khủng hoảng lương thực tiềm ẩn do Nga xâm lược Ukraine, khủng hoảng khí hậu và tác động dai dẳng của đại dịch COVID-19.
Trong một báo cáo hôm 07/06 (pdf) có tiêu đề “Những điểm nóng Nạn đói – FAO-WFP cảnh báo sớm về tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng”, các tổ chức cho biết tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng có khả năng “tồi tệ hơn nữa” ở 20 quốc gia trên toàn cầu từ nay đến tháng Chín năm 2022, đồng thời kêu gọi hành động nhân đạo khẩn cấp.
Ngoài ra, các tổ chức cho biết, 49 triệu người ở 46 quốc gia trên khắp thế giới có thể đang phải đối mặt với nạn đói hoặc các tình trạng tương tự như nạn đói trừ khi họ nhận được “cứu trợ ngay lập tức về cuộc sống và sinh kế.”
Theo bản báo cáo, cùng với những khủng hoảng khí hậu lặp lại như hạn hán, lũ lụt, và bão ảnh hưởng đến nông nghiệp và chăn nuôi, và điều kiện kinh tế vĩ mô tồi tệ ở một số quốc gia sau đại dịch COVID-19, tác động tiêu cực trên toàn cầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine đang làm trầm trọng thêm tình trạng ở một số quốc gia.
Trong khi đó, chi phí năng lượng ngày càng tăng — một tác dụng phụ khác của cuộc xung đột quân sự đang diễn ra ở Ukraine — và gánh nặng nợ công lớn đang khiến tình hình ở nhiều quốc gia trở nên tồi tệ hơn.
Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) cho biết: “Chúng tôi vô cùng lo ngại về tác động tổng hợp của các cuộc khủng hoảng chồng chéo gây nguy hiểm cho khả năng sản xuất và tiếp cận thực phẩm của người dân, đẩy hàng triệu người vào những mức độ mất an ninh lương thực nghiêm trọng.”
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống ở Malaysia, đưa tin về Á Châu Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Vân Du biên dịch