Không chỉ là chuyện phá thai, mà là quyền tự quyết của phụ nữ

Trùng Dương

Sáng thứ Sáu, ngày 24 tháng Sáu, 2022, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu 6-3 bãi bỏ kết quả vụ xử Roe v. Wade – phán quyết cho phép phá thai đã thành tiền lệ quốc gia từ 50 năm qua.

Quyết định này sẽ dẫn tới việc cấm phá thai tại một nửa trong số 50 tiểu bang Mỹ, với những cấm đoán có khi khe khắt như truy tố và bỏ tù phụ nữ phá thai vì bị hãm hiếp hay mang thai trong trường hợp loạn luân, và cả những trường hợp bị sẩy thai, hoặc truy tố phạt vạ người cung cấp dịch vụ phá thai. Có tiểu bang còn đang tính cấm phụ nữ đi sang các tiểu bang mà quyền này vẫn còn được tôn trọng để được giúp đỡ. Đây là các biện pháp vốn thường chỉ xẩy ra tại vài quốc gia chậm tiến, lạc hậu.

Dưới tựa đề “Phán quyết hủy bỏ luật Roe là một nguyền rủa đối với người phụ nữ và hệ thống pháp lý,” tờ The New York Times viết, “Lần đầu tiên trong lịch sử, Tối Cao Pháp Viện đã hủy bỏ tiền lệ về quyền hiến định liên quan tới quan tâm nhân bản nền tảng nhất: đó là tư cách và quyền tự quyết về việc làm gì với thân thể của mình. Kể từ ngày 24 tháng Sáu, 2022, khoảng 64 triệu phụ nữ Mỹ ở tuổi sinh nở sẽ có ít quyền quyết định làm gì với thân thể của họ so với ngày hôm trước, ít quyền hơn so với mẹ và cả bà của họ nữa.”

Chưa hết, các quyền khác như quyền dùng thuốc ngừa thai, quyền đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng tính, cũng cần “xét lại,” như ông Clarence Thomas, một trong sáu vị thẩm phán bảo thủ bỏ phiếu, tuyên bố. Tổng thống Joe Biden cũng đã báo động về đe dọa này của TCPV trong bài nhận định của ông trong cùng buổi sáng thứ Sáu, khi lên tiếng phản đối quyết định đi ngược lại với tiền lệ do chính TCPV đã từng công nhận.

Trước quyết định như cơn địa chấn đã đẩy nước Mỹ về thời Trung Cổ này của TCPV Mỹ, những cuộc biểu tình đầy phẫn nộ đã diễn ra khắp nơi khiến TT Biden phải kêu gọi những người biểu tình phản đối trong hoà bình.

Các công ty lớn – như Amazon, Walt Disney, Netflix, Uber, Lyft, Citigroup – cũng lên tiếng sẽ sẵn sàng tài trợ nhân viên cần tới tiểu bang còn duy trì quyền phá thai của phụ nữ.

Các nguyên thủ quốc gia, như Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cũng lên tiếng xác định lập trường tôn trọng quyền phụ nữ, kên án quyết định của TCPV Mỹ, cùng biểu tỏ quyết tâm đoàn kết và đồng hành với phụ nữ Mỹ.

“Với quyết định [bác bỏ phán quyết Roe], phe đa số bảo thủ của Tối Cao Pháp Viện đã cho thấy họ đã cực đoan và xa rời với đa số dân Mỹ như thế nào,” TT Biden nói trong bài phát biểu tại Tòa Bách Ốc sáng thứ Sáu sau khi quyết định Roe được công bố. “Họ đã biến Hoa Kỳ thành một kẻ bên lề trong thế giới của những nước mở mang. Thế nhưng quyết định này không thể là lời cuối cùng.”

“Chính phủ của tôi sẽ sử dụng mọi quyền hành trong phạm vi luật pháp,” TT Biden tiếp. “Nhưng Quốc hội cần hành động. Đây chưa phải là hồi kết.”

Thực ra Quốc Hội Mỹ hồi đầu tháng Năm vừa rồi đã đệ trình một đề luật, tựa là Women’s Health Protection Act of 2022 (Luật Bảo Vệ Sức Khoẻ Phụ Nữ). Nhưng đề luật này không qua được Thượng Viện.

Nhiều người thuộc đảng Dân Chủ hy vọng sẽ có đông cử tri, nhất là giới trẻ, thất vọng trước quyết định phá bỏ phán quyết Roe của TCPV và sẽ biến bất mãn của họ thành hành động vào kỳ bầu cử tháng 11 tới.

Hai trong sáu vị thẩm phán bảo thủ bỏ phiếu thuận là các ông Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh (do cựu Tổng thống Trump đề bạt) khi điều trần trước Thượng Viện để được nhận vào TCPV, đã công nhận Roe đã thành tiền lệ quốc gia, không có lý do gì gỡ bỏ. Nhưng nay thì họ đã nuốt lời. Nghị sĩ Cộng Hoà Susan Collins, người đã bỏ phiếu thuận cho ông Kavanaugh vào TCPV sau khi được ông cam kết là sẽ tuân thủ luật Roe, đã phát biểu là bà bị ông này “lừa.”

Trong khi đó, bà thẩm phán Amy Coney Barrett, cũng do TT Trump đề cử và là một tín đồ sùng đạo Thiên Chúa, nói là thay vì phá thai thì cứ… đẻ đi, rồi đem con đi cho làm con nuôi là an toàn nhất.

Quyết định gỡ bỏ phán quyết Roe không chỉ là vấn đề cấm phá thai, cho các bào thai ra đời mà không cần biết tương lai của chúng ra sao.

Vấn đề là quyền của người phụ nữ, quyền tự quyết định đối với cơ thể và sức khỏe của họ – từ tinh thần tới thể chất, việc sinh nở của họ, sự riêng tư và hạnh phúc cá nhân, quyền chọn lựa tùy theo khả năng kinh tế của gia đình, quyền chọn cơ hội theo đuổi việc học vấn và sự nghiệp, và cũng là tương lai của con cái họ – liệu bà mẹ có thể có được sự độc lập về tài chính để cung cấp cho con một môi trường tốt để trở thành người hữu dụng, hay lại trở thành gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội? Và những đứa trẻ bị miễn cưỡng ra đời và lớn lên trong sự túng thiếu rồi sẽ ra sao, liệu có thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của nghèo túng mà không trở thành bất mãn, nổi loạn?

Điều mỉa mai là trong khi TCPV hủy bỏ quyền phá thai nhân danh bảo vệ thai nhi, thì đồng thời chính tòa này cũng xoá bỏ luật cấm mang súng ở nơi công cộng của tiểu bang New York, coi đó là quyền hiến định, công nhận bởi Tu Chính Án thứ Hai trong Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Quyết định đó sẽ có nghĩa là các nơi công cộng như trường học, nhà thờ, viện bảo tàng, công viên, sẽ dần trở thành nơi ai cũng có quyền mang súng công khai không cần phải giấu giếm hay xin phép. Hệ quả của việc tự do sở hữu súng quá trớn đã đưa đến thảm nạn chỉ riêng tại các trường học, nơi lẽ ra phải là nơi an toàn nhất sau mái gia đình đối với các em: Columbine (1999), Sandy Hook (2012), Parkland (2018), và Uvalde mới đây.

Giới bảo thủ Mỹ reo mừng sau khi Tối Cao Pháp Viện Mỹ gỡ bỏ phán quyết Roe v. Wade sáng ngày 24 tháng Sáu, 2022, trái. (Ảnh newsweek.com)

Một cô bạn của tôi, một tiến sĩ kinh tế và nhà vận động cho nữ quyền, đã không khỏi tức giận gửi text cho tôi: “Tôi có thể hiểu người ta có quyền hiến định mang súng nhưng họ không cần súng tấn công loại của quân đội [military-style assault weapons]. Thật mỉa mai khi các nhà bảo thủ đảng Cộng Hoà làm mọi cách để bảo vệ thai nhi bất chấp quyền của phụ nữ, nhưng lại không muốn bảo vệ các em khỏi bị súng đạn tàn sát!

Trong một cái text kế, cô bạn cay đắng mỉa mai: “Hãy bảo vệ các thai nhi, và sau khi chúng ra đời, hãy thây kệ chúng: Đừng cho chúng tiền trợ cấp xã hội hay bảo hiểm sức khoẻ, đừng tài trợ việc học vấn, đừng tạo cơ hội tiến thân. Hãy để các bà mẹ đơn độc phấn đấu giật gấu vá vai lấy, xong rồi xây thêm nhà tù giam giữ tụi nó khi chúng trở nên nghiện ngập hay buôn bán ma túy… Nếu chúng có bị súng đạn giết chết, thì đã sao!?”

Cô bạn tôi đã tóm gọn những nghịch lý và đạo đức giả của các chính sách mà những thành phần bảo thủ, cực đoan trong đảng Cộng Hòa đang chủ trương, trái với nguyện vọng của 63% người Mỹ ủng hộ phán quyết Roe và 80% ủng hộ đạo luật an toàn súng đạn.

Xin đừng nói tới việc đem con cho làm con nuôi, như bà thẩm phán TVPV da trắng Barrett, vốn có tài sản bạc triệu, đề nghị. Vì làm vậy đau lòng lắm, bà thẩm phán có biết thế không?!

Tôi là một phụ nữ đã có ba con nay đã trưởng thành, mỗi cháu có một đứa con trai, không hơn, vì chúng hiểu không dễ gì gầy dựng con cái trong xã hội nhiều vấn đề như hiện tại, chưa kể đến các đe dọa thiên tai từ hệ quả của hiện tượng nhiệt hoá toàn cầu. Với hai đứa con đầu khi chúng còn nhỏ, tôi là một bà mẹ độc thân, nhưng không hề một lần nghĩ mình có thể bỏ con mặc dù có những lúc gặp khó khăn trong đời sống kinh tế. Và càng không thể bỏ con ngay cả khi phải xớn xác tất tả tìm đường chạy khỏi một đất nước sắp bị cộng sản độc tài đô hộ gần 50 năm về trước.

Tôi vẫn nghĩ không gì đau đớn hơn cho một bà mẹ khi phải giao con mình cho một người khác nuôi. Tôi đã nghe nhiều chuyện mẹ phải bỏ con trong những hoàn cảnh bất khả kháng và sống với ám ảnh đó suốt đời, chưa kể đó cũng là ám ảnh của nhiều người con nuôi nghĩ là đã bị bố mẹ bỏ rơi.

Vào những năm cuối thập niên 1970 và suốt thập niên 1980, nhiều bà mẹ Miền Nam đã phải cắn răng dứt ruột đẩy con xuống thuyền vượt biển với một nhóm người lạ đi tìm một tương lai tốt đẹp hơn. Nhiều em đã tới bến bờ tự do, đã thành người nên danh nên phận. Nhưng nhiều em đã nằm trong số vài trăm ngàn thuyền nhân đã không tới bến mà bỏ mình trong lòng đại dương. Trong số đó có con gái vị thành niên của một chị bạn rất thân của tôi, nhà văn quá cố Bùi Bích Hà.

Một chị bạn bên Pháp kể khi phải gửi con trai lớn, lúc ấy 7 tuổi, đi Pháp một mình duới giấy khai sinh giả của một em có quốc tịch Pháp để cậu có một tương lai sáng sủa hơn là nếu phải sống dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam, chị đã ngất xỉu sau khi con đi khuất. Chị may mắn vì cậu con học hành thành danh, sau đón cha mẹ và em trai qua đoàn tụ. Cũng trong thời gian này, một chị bạn khác gửi đứa con gái 2 tuổi xuống thuyền với một người quen để mang sang Pháp giao cho gia đình người anh lớn, hy vọng em sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Cô bé lớn lên mất hướng, không hoà giải được với cơn chấn động tâm lý thuở thơ ấu, bỏ nhà đi hoang. Lâu tôi không nghe tin, nên không biết cô giờ ra sao.

Một trong những chuyện đau lòng khi người phụ nữ không được quyền tự quyết về chính đời mình đã thành phim, đó là phim bán tài liệu Philomena, về một bà mẹ trẻ bị nhà dòng tu nữ, nơi chứa bà khi mang thai, ép cho con đi làm con nuôi, và đã mất 50 năm đi tìm con, qua sự tiếp tay của một nhà báo. Cũng do việc tiếp tay giúp bà mẹ này mà nhà báo đồng thời cũng phanh phui ra việc dòng nữ tu đạo Thiên Chúa này đã “giúp” khoảng 60,000 bà mẹ độc thân cho con đi làm con nuôi để nhận lại một số tiền tặng.

Chuyện tuy xảy ra tại Ái Nhĩ Lan giữa thế kỷ trước, nhưng không khó để tìm ra những vụ việc tương tự khắp nơi trên thế giới qua Internet. Tất cả chỉ vì người phụ nữ không có quyền tự quyết trên đời mình, trên thân thể mình, và nhất là đối với những đứa con mình đã đứt ruột đẻ ra.

Thành ra tôi… hết ý kiến khi nghe bà thẩm phán Barrett tuyên bố là thay vì phá thai thì cứ… sinh con đi rồi đem cho làm con nuôi!

Đấy là chưa kể việc cấm phá thai không có nghĩa là phụ nữ sẽ ngưng phá thai vì nhiều lý do, phần lớn là bất khả kháng. Hiển nhiên không ai phá thai… cho vui cả. Và thay vì phá thai một cách an toàn, có bảo đảm y khoa, thì sẽ là những cảnh phá thai lén lút, nguy hiểm, chết người như không. Những chuyện này cũng không thiếu trên Internet.

Cây bút bình luận Pamela Paul trong bàiSure, just have a baby (Đấy, cứ sinh con đi rồi biết), sau khi mô tả ba lần thai nghén và sinh nở khó khăn, phải mổ bụng (C-section) để đem em bé ra song may mắn an toan vì bà đã có bảo hiểm sức khoẻ tốt và gặp thầy gặp thuốc tốt, đã viết:

“Tôi thật đã may mắn. Tôi đã không phải cưu mang tới kỳ khai hoa nở nhuỵ kết quả của một vụ hiếp dâm hay loạn luân. Tôi đã không phải cho các em bé làm con nuôi, với cái đau đớn khi thấy hai bầu vú sữa vẫn chảy nhắc tới sự mất mát đó, và băn khoăn tự hỏi cái gì sẽ xẩy ra cho cái con người đã từng là một phần của thân thể tôi và sẽ mãi bị ám ảnh vì tôi đã chọn bỏ rơi nó. Tôi cũng có thể bị ám ảnh nữa.

“Tôi đã thật may mắn không phải cần tới thuật phá thai. Và quyền chọn lựa của người phụ nữ có nghĩa là tôi có quyền chọn lựa có con hay không, không có phần thưởng nào cho cái đau đớn của thai nghén và sinh nở, không có trách nhiệm nào lớn hơn trách nhiệm đem một con người vào thế giới này. Tôi có đủ khả năng cưu mang các con tôi, về tình cảm cũng như tài chính. Tôi không phải cho chúng đi làm con nuôi, song nhiều phụ nữ không có cái may mắn đó.

“Vì thế mà nhiều phụ nữ đã chọn phá thai thay vì cho con đi làm con nuôi. Sinh nở có cái nguy hiểm của nó. Nước Mỹ có thống kê tử vong trong lúc sinh nở cao nhất trong số các nuớc mở mang.”

Một số tiểu bang lập ra một số nơi và đề nghị ai không muốn nuôi con có thể đem các em tới bỏ đó mà không bị lôi thôi và các em sẽ được nhận làm con nuôi một cách an tòan, như trong bản ý kiến sơ thảo bị lọt ra ngoài của thẩm phán bảo thủ Samuel Alito, một trong sáu vị bỏ phiếu hủy phán quyết Roe. Ông Alito đã khuyên các bà mẹ mang thai là “cứ có em bé đi” rồi cho chúng đi làm con nuôi là sự chọn lựa toàn vẹn nhất. Bình luận gia Pamela Paul chia sẻ:

“Chọn lựa đó có vẻ toàn vẹn nhất đối với ai chưa hề thai nghén hay sinh đẻ. Toàn vẹn đối với người không có ý niệm gì về những quan tâm và lo âu của người phụ nữ. Toàn vẹn đối với nhưng kẻ nào chưa hề phải đối diện với những chọn lựa này—và sau đó phải sống với hậu quả của chúng.”

Related posts