Hôm Chủ nhật (3/7), Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka cho biết nhiên liệu nước này chỉ còn đủ dùng cho chưa đến một ngày, trong bối cảnh giao thông công cộng bị đình trệ khi cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước ngày càng trở nên sâu sắc.
Tại thủ đô Colombo, những hàng người kéo dài nhiều km xếp hàng mua xăng và dầu diesel dù hầu hết các trạm bơm đã không có nhiên liệu trong nhiều ngày.
Bộ trưởng Năng lượng Kanchana Wijesekera cho biết dự trữ xăng dầu trong nước chỉ còn khoảng 4.000 tấn, dưới mức tiêu thụ một ngày.
Ông Wijesekera nói với các phóng viên tại Colombo: “Chuyến hàng dầu tiếp theo dự kiến đến từ ngày 22 đến ngày 23 tháng 7.”
“Chúng tôi đã liên hệ với các nhà cung cấp khác, nhưng chúng tôi không thể xác nhận bất kỳ nguồn cung cấp mới nào trước ngày 22”.
Tuần trước, Sri Lanka đã thông báo tạm dừng bán nhiên liệu trong vòng 2 tuần, ngoại trừ cho các dịch vụ thiết yếu, nhằm tiết kiệm xăng và dầu diesel cho các trường hợp khẩn cấp. Hầu hết các cửa hàng đã đóng cửa vào Chủ nhật.
Trên đường phố, nhiều người tuyệt vọng vẫy xe mong được đi nhờ.
Hai phần ba xe buýt ở Sri Lanka thuộc sở hữu tư nhân, cho biết họ chỉ có thể vận hành các dịch vụ cốt lõi do bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu nhiên liệu.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà khai thác xe buýt tư nhân Gemunu Wijeratne cho biết: “Chúng tôi đã chỉ vận hành được khoảng 1.000 xe buýt trên khắp đất nước trong số 20.000 xe buýt.”
“Tình hình chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn vào ngày mai [thứ Hai] bởi vì chúng tôi không có cách nào để có được dầu diesel.”
Ông cho biết các dịch vụ sẽ được cắt giảm thêm vào thứ Hai và không có giải pháp nào thay thế ngay lập tức.
Taxi ba bánh – phương tiện giao thông phổ biến – cũng không còn xuất hiện trên đường phố.
Việc thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng đã đẩy Sri Lanka đến cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất cho đến nay, với 22 triệu người phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng hàng ngày.
Nước này cũng phải đối mặt với lạm phát cao kỷ lục và tình trạng mất điện kéo dài kể từ cuối năm ngoái.
Tất cả các tổ chức chính phủ và trường học không thiết yếu đã được lệnh đóng cửa cho đến ngày 10/7 để giảm thiểu việc đi lại và tiết kiệm năng lượng.
Truyền thông địa phương đưa tin đã có những cuộc đụng độ lẻ tẻ bên ngoài các trạm nhiên liệu.
Tuần trước, quân đội đã nổ súng để giải tán một đám đông phản đối quân đội chen hàng.
Sri Lanka hiện đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để có được một gói cứu trợ sau khi nước này vỡ nợ 51 tỷ USD vào tháng 4.
Xuân Lan (theo AFP)