Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang đồi mặt với nhiều rủi ro và khó khăn khi đối mặt với các kế hoạch trừng phạt của Hoa Kỳ vì hỗ trợ Nga.
Năm công ty Trung Quốc gần đây đã bị Hoa Kỳ trừng phạt vì cáo buộc hỗ trợ Nga. Các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ thừa nhận rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và khi ông Tập Cận Bình, tổng bí thư ĐCSTQ thị sát công ty Kỹ thuật Hoa Công Laser Vũ Hán (Wuhan Huagong Laser Engineering Co., Ltd), ông nhấn mạnh rằng cần nhanh chóng đột phá các công nghệ cốt lõi chủ chốt. Các chuyên gia cho rằng các biện pháp trừng phạt củaHoa Kỳ đã làm gia tăng cảm giác khủng hoảng của Trung Quốc.
Vào ngày 28/6, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa 5 công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, 3 trong số đó có liên quan đến sản xuất chip, linh kiện điện tử bán dẫn và các ngành công nghiệp khác, với lý do họ bị nghi ngờ cung cấp hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng và quân sự của Nga.
Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết tại cuộc họp thường niên của Bộ Thương mại rằng nếu các công ty bán dẫn của Trung Quốc như SMIC bị phát hiện cung cấp chip cho Nga, Hoa Kỳ có khả năng sẽ buộc họ phải đóng cửa, vì hầu như tất cả chip trên toàn thế giới được sản xuất bằng thiết bị và công nghệ của Hoa Kỳ.
Vào ngày 30/6, tờ “Tân Kinh” một tờ báo trực thuộc ĐCSTQ trích dẫn các nguồn tin liên quan nói rằng Hoa Kỳ đang có kế hoạch áp đặt một lệnh trừng phạt mới đối với các công ty chip Trung Quốc, có thể bao gồm các công ty Trung Quốc như Hua Hong Semiconductor, Changxin Storage Technology và Yangtze Memory Technology, cũng như các công ty nước ngoài như SK Hynix của Hàn Quốc, Infineon của Đức, Texas Instruments của Hoa Kỳ và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác đã thiết lập nhà máy tại Trung Quốc.
Tờ Tân Kinh cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc từ lâu đã “bế tắc” và hiện đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Ngoài các lệnh trừng phạt của Mỹ, các công ty bán dẫn Trung Quốc còn phải đối mặt với nhiều bất ổn chính trị quốc tế, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Khi giá năng lượng và chi phí vận chuyển tiếp tục tăng cao, chi phí nguyên liệu bán dẫn toàn cầu đã tăng 20% trong năm nay. Đặc biệt, Nga và Ukraine đều là những nhà cung cấp chính về khí hiếm và kim loại, và chi phí của khí neon, thứ không thể thiếu cho sản xuất chất bán dẫn đã tăng gấp 5 lần.
Trung Quốc là nước tiêu thụ chất bán dẫn lớn nhất thế giới, nhưng khả năng nghiên cứu phát triển và sản xuất chất bán dẫn của nước này còn khá lạc hậu.
Theo báo cáo của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), năm 2020, logic chip và chip nhớ của Trung Quốc chiếm chưa đến 1% thị trường toàn cầu, và chỉ chiếm 3% lĩnh vực thiết kế điện tử tự động hóa, thiết bị rời (discrete device) và thiết bị tương tự (analog devices) chỉ chiếm 7% và sản xuất tấm wafer chiếm 16%, nhưng về cơ bản nó vẫn là hàng cấp thấp, cách tiêu chuẩn quốc tế từ 2 đến 3 thế hệ.
Các chuyên gia cao cấp trong ngành nói với tờ Tân Kinh rằng lấy máy in thạch bản cao cấp của công ty ASML của Hà Lan làm ví dụ, các công ty Trung Quốc sẽ mất ít nhất 15 năm để đạt được bước đột phá trong toàn bộ máy nếu họ muốn bắt kịp khoảng cách thế hệ công nghệ với ASML.
Kể từ khi chính quyền Trump cấm các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, ĐCSTQ đã sử dụng toàn bộ sức mạnh quốc gia của mình để đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn nhằm giải quyết vấn đề các công nghệ quan trọng đang bị hạn chế bởi các công nghệ của nước ngoài. Khi ông Tập Cận Bình thị sát công ty Kỹ thuật Hoa Công Laser Vũ Hán, một trong những nhà sản xuất thiết bị laser lớn nhất Trung Quốc, vào ngày 28/6, ông đã nhấn mạnh lại rằng cần nhanh chóng đột phá các công nghệ cốt lõi chủ chốt và ĐCSTQ cần sử dụng “thể chế quốc gia” để đẩy nhanh việc thực hiện khả năng tự lực và tự hoàn thiện về khoa học và công nghệ.
Ông Cát Lâm (Ji Lin), một kỹ sư trong ngành công nghệ thông tin Nhật Bản, nói với Epoch Times rằng các lệnh trừng phạt toàn diện mà cộng đồng quốc tế áp đặt lên Nga, đặc biệt là lệnh trừng phạt chip, không chỉ khiến vũ khí tối tân của Nga trên chiến trường trở nên suy yếu mà còn khiến sức mạnh quốc gia của nước này rơi vào tình trạng sa sút trong thời gian dài. Các lệnh trừng phạt quốc tế đã làm trầm trọng thêm cảm giác khủng hoảng của ĐCSTQ, bằng chứng là gần đây Bắc Kinh đã ra lệnh yêu cầu tất cả các cơ quan chính quyền trung ương và doanh nghiệp nhà nước chuyển sang sử dụng máy tính trong nước.
Xuất khẩu chất bán dẫn toàn cầu sang Nga đã giảm mạnh 90% kể từ khi Hoa Kỳ và các đồng minh áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Nga. Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Raimondo cho biết tại cuộc họp thường niên rằng Hoa Kỳ đã làm việc với 37 nền kinh tế phát triển để khởi động sự phối hợp kiểm soát xuất khẩu chưa từng có chống lại Nga, khiến các công ty Nga thiếu nhiều loại chip, bao gồm tên lửa dẫn đường chính xác, xe tăng và vũ khí.
Theo Bloomberg, trích dẫn từ những nguồn thạo tin về vấn đề này, ĐCSTQ đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ trung ương và các doanh nghiệp nhà nước thay thế tất cả các máy tính cá nhân bằng máy tính sản xuất trong nước trong vòng hai năm. Mục đích là để thoát khỏi sự phụ thuộc của các thể chế nhạy cảm nhất của ĐCSTQ vào các công nghệ quan trọng của nước ngoài, đồng thời cũng phơi bày những lo ngại của ĐCSTQ về các vấn đề bảo mật thông tin.
Tuy nhiên, những nguồn thạo tin về vấn đề này cho biết lệnh thay thế máy tính của ĐCSTQ có thể chỉ liên quan đến thương hiệu máy tính và phần mềm, không bao gồm các thành phần khó thay thế như bộ vi xử lý. Hiện tại, các công ty hàng đầu của Trung Quốc như Inspur và Lenovo vẫn phụ thuộc vào các linh kiện tân tiến của Hoa Kỳ, bao gồm cả chip của Intel hoặc Advanced Micro Devices (AMD).
Tờ Tân Kinh cho biết, mặc dù trong lĩnh vực sản xuất chip, không quốc gia nào có thể tự mình hoàn thành toàn bộ dây chuyền sản xuất, nhưng trong những trường hợp khắc nghiệt nhất (như bị xử phạt về mọi mặt), ĐCSTQ có thể buộc phải xem xét sản xuất chip khép kín hoàn toàn.
Ông Cát Lâm nói rằng chip liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau như điện tử, quang học, cơ khí chính xác, mô phỏng phần mềm, v.v, và không quốc gia nào trên thế giới có thể đạt được sản xuất hoàn toàn khép kín, ngay cả TSMC, được công nhận là công ty dẫn đầu toàn cầu, cũng không thể làm được. Đối với các công ty Trung Quốc đi sau TSMC 10 năm, gần như không thể đạt được mục tiêu sản xuất chip hoàn toàn khép kín một cách độc lập.
Theo Epoch Times