Ngày 2 tháng 7, bão Chaba đã đổ bộ vào Mậu Danh, Quảng Đông, gây ra các thảm họa ở tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam. Một tàu công binh bị chìm làm 27 người bị mất tích; một cổng chào ở Thạch Gia Trang bị đổ do mưa bão lớn, khiến 8 người thiệt mạng.
Gần đây, Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, tài sản và tính mạng. Chuyên gia thủy lợi Trung Quốc đang sống và làm việc ở Đức- Vương Duy Lạc tin rằng “xả lũ không báo trước” đã trở thành điều đặc thù của chính quyền Trung Quốc, và “nhân họa” đã trở thành “thiên tai “.
Chiều 2/7, bão Chaba đã đổ bộ vào quận Điện Bạch, thành phố Mậu Danh, Quảng Đông, trở thành cơn bão đầu tiên đổ bộ vào Trung Quốc trong năm nay. Chaba đi đến đâu, những trận mưa to gió lớn tàn phá đến đó. Khi bão Chaba đổ bộ vào đất liền, phía đông nam của tỉnh Quảng Đông, phía nam tỉnh Quảng Tây, đảo Hải Nam và những nơi khác tiếp tục hứng chịu lượng mưa lớn xối xả và ngập úng cục bộ. Thành phố Tam Á của đảo Hải Nam đã phá vỡ kỷ lục lịch sử về lượng mưa lớn trong một ngày
Trung tâm Tìm kiếm và Cứu nạn trên biển của tỉnh Quảng Đông sáng sớm ngày 3/7 đưa tin, dưới ảnh hưởng của bão Chaba, xích neo của một tàu cần cẩu trên biển mang tên “Fujing 001” (Phúc Cảnh 001) đã bị đứt và con tàu đã bị chìm tại vùng biển gần đảo Hải Lăng, thuộc thành phố Dương Giang, tỉnh Quảng Đông.
Tính đến 12h ngày 2/7, 3 trong số 30 thuyền viên trên tàu đã được trực thăng cứu hộ của Lực lượng không quân Hong Kong giải cứu, hiện vẫn chưa rõ tung tích của 27 người còn lại.
Đoạn video do đội cứu hộ công bố, có thể thấy sức gió rất mạnh khiến thân tàu kỹ thuật bị vỡ, sau đó gần như con tàu bị nhấn chìm.
Theo lời kể của 3 thuyền viên được cứu, lúc đó thân tàu bị nghiêng và gãy nghiêm trọng, họ chỉ kịp bám vào hàng rào của tàu trước khi trực thăng đến, trong khi các thuyền viên khác có thể đã bị sóng cuốn trôi trước khi có chiếc trực thăng đầu tiên.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão, vận tải đường sắt toàn tỉnh Hải Nam đã tạm ngừng hoạt động trong ngày 2/7, hơn 400 chuyến bay tại sân bay Hải Khẩu và Tam Á đã bị hủy. Nhiều đường phố ở khu đô thị Tam Á chìm ngập trong nước, người dân phải chèo thuyền khi di chuyển.
Theo NetEase, vào ngày 3 tháng 7, chính quyền quận Lộc Tuyền của thành phố Thạch Gia Trang đã phát đi thông báo cho biết vào tối ngày 2 tháng 7, do mưa lớn bất ngờ và gió bão, phần mái của cổng chào ở phía bắc của làng Đài Đầu, thị trấn Thượng Trang đã bị sập và rơi xuống từ độ cao 12 mét, khiến cho 9 người đang trú mưa dưới cổng chào bị đè bẹp. Hiện cơ quan chức năng đã tìm kiếm và cứu hộ, 8 người đã thiệt mạng và 1 người đang được điều trị tại bệnh viện.
Sự việc này đã thu hút sự chú ý của Internet TQ đại lục, và cư dân mạng đã cáo buộc đây là một “dự án đậu phụ”.
Theo NetEase, trong những năm gần đây, không hiếm những dự án yếu kém, hư hỏng do cắt xén nguyên vật liệu và các nguyên nhân khác, thương vong do tai nạn thì nhiều vô kể. Những công trình như vậy được dân Trung Quốc gọi là “dự án đậu phụ”. Tờ báo của Trung Quốc này nói rằng, việc ăn bớt nguyên vật liệu là nguyên nhân chính dẫn đến sự tồn tại của “dự án bã đậu”, theo tính toán sơ bộ của các ban ngành liên quan, các công trình có hiện tượng này chiếm tới 85% tổng các công trình xây dựng.
Theo bài báo của NetEase, có một quy luật bất thành văn là “1/3 số tiền của dự án được dùng để hối lộ”. Có nhiều lớp thầu phụ của các thế lực ngầm và những kẻ trục lợi, và còn có tồn tại vấn đề mượn bằng cấp của người khác để tiếp quản một dự án sau đó phải trả cái gọi là “phí quản lý”.
Những ngày gần đây, Trung Quốc đại lục thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Vào tháng 6, khu vực trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi lượng mưa lớn, sạt lở đất đá thường xuyên xảy ra khiến nhiều ngôi nhà bị sập và nhiều người thiệt mạng.
Thời tiết cực đoan không chỉ gây ra thương vong, thảm họa trong khu vực mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, lượng mưa lớn do bão Chaba gây ra đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản ở những vùng bị ảnh hưởng.
Trước khi cơn bão Chaba đổ bộ vào Trung Quốc, khiến các tỉnh Quảng Đông và khu vực phía nam Trung Quốc hứng chịu lượng mưa lớn và lũ lụt trong nhiều tuần. Nhiều ngôi nhà bị phá hủy, giao thông tê liệt, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Bị ảnh hưởng bởi lượng mưa lớn vào giữa tháng 6, thiệt hại kinh tế chỉ riêng quận Tân La, thành phố Long Nham, tỉnh Phúc Kiến đã vượt quá 300 triệu nhân dân tệ (tương đương 45.000 đô la), hơn 50 ngôi nhà bị sập và 37.571 người bị ảnh hưởng bởi thảm họa.
Trong những năm qua, lũ lụt đã xảy ra ở vùng trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử hầu như mỗi năm, xu hướng ngày càng nặng nề hơn. Theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc, từ năm 2010 đến năm 2016, trung bình mỗi năm có hơn 180 thành phố ở Trung Quốc bị ngập lụt .
Theo tài liệu công khai, trước năm 1949, lưu vực sông Châu Giang trung bình 24 năm sẽ gặp lũ lụt một lần; kể từ sau năm 1949, lũ lụt xảy ra ba năm một lần; trong những năm gần đây, lũ lụt xảy ra hàng năm. Từ năm 2020 đến năm 2022, Dương Sóc thuộc thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây phải hứng chịu lũ lụt trong ba năm liên tiếp. Vào tháng 6 năm nay, Dương Sóc đã bị ngập lụt ba lần.
Một số người cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến các thảm họa lũ lụt ngoài việc thời tiết càng càng khắc nghiệt, thì nguyên nhân chính là do con người tạo ra. Sound of Hope đã tổng kết một số nguyên nhân trong bài viết ngày 4/5 của mình như sau:
Đầu tiên là sự yếu kém và quy hoạch không hợp lý của hệ thống thoát nước đô thị. Điều này chủ yếu thể hiện ở tiêu chuẩn thiết kế và tiêu chuẩn xây dựng mạng lưới đường ống thoát nước khá thấp, dẫn đến lưu lượng tổng thể đường ống dẫn nước mưa trong hệ thống thoát nước tương đối nhỏ. Trong trường hợp xảy ra mưa lớn, nước không thoát kịp dẫn đến khu đô thị bị ngập úng.
Quan trọng hơn là, thảm họa xảy ra hết năm này qua năm khác, thế nhưng hệ thống thoát nước vẫn không thực sự được cải thiện.
Thứ hai, sự phát triển của ngành bất động sản Trung Quốc diễn ra quá nhanh trong vài thập niên qua đã chiếm dụng các bãi bồi ven sông, làm chúng mất đi tác dụng hồ chứa thiên nhiên. Tuy nhiên, do vấn đề trầm tích địa chất ở vùng ngập lụt đã gây ra vấn đề về chất lượng của các công trình xây dựng ở đó, thậm chí trở thành công trình bã đậu (jerry-built building project).
Tiến sĩ Vương Duy Lạc, một chuyên gia về thủy lợi ở Đức, đã có một bài phỏng vấn dài với Epoch Times, đưa ra góc nhìn của ông về tình hình hiện nay xảy ra lũ lụt ở nhiều nơi miền nam Trung Quốc và lý do đằng sau thảm họa này.
Ông tin rằng chính quyền Trung Quốc đã biến “mùa lũ ” thành “nạn lụt”, “thiên tai” thành “nhân họa” và việc xả lũ không cảnh báo trước cho người dân là một trong những nguyên nhân chính.
Có ba lý do dẫn đến việc xả lũ không cảnh báo trước:
Thứ nhất, dự báo thời tiết không chính xác nên không thể dự đoán chính xác thời gian mùa lũ và lượng mưa trong mùa lũ. Thêm vào đó, dung tích của hồ chứa ở Trung Quốc ngày càng nhỏ nên không thể chứa nổi lượng nước trong mùa lũ. Lý do thứ ba và quan trọng nhất là chính quyền TQ né tránh việc bồi thường cho người dân bằng cách đổ lỗi cho ông Trời.
Vương Duy Lạc phân tích rằng, nếu chính quyền nói rằng bây giờ sẽ cảnh báo sắp xả lũ, vậy thì chính quyền phải bồi thường cho tất cả những thiệt hại về người và tài sản phát sinh sau đó, bởi vì người dân đã phải chịu ảnh hưởng từ việc chính quyền xả lũ. Nếu chính quyền nói rằng không còn cách nào khác, phải xả lũ khẩn cấp do cơn mưa xối xả của ông Trời, họ (chính quyền TQ) lại đùn đẩy trách nhiệm lên cho ông Trời, do đó họ sẽ không cần đền bù.
Ông Wang Weiluo cho rằng sức tàn phá của việc xả lũ lớn hơn nhiều so với lũ lụt tự nhiên. Việc xả lũ từ các hồ chứa đã gây ra nạn lụt ở nhiều nơi từ năm này qua năm khác, biến “thiên tai” thành “nhân họa”. Việc “xả lũ không cảnh báo trước” đã trở thành điểm đặc thù của chính quyền Trung Quốc.