Hôm 13/06, một số hãng thông tấn đưa tin loan báo rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký một lệnh nhằm áp dụng những quy định về các hoạt động quân sự phi chiến tranh (MOOTW), gồm 59 điều trong sáu chương mục.
Ông Tập cũng là Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Có hiệu lực từ ngày 15/06, các quy định mới này nhằm mục đích “chuẩn hóa và cung cấp cơ sở pháp lý cho quân đội Trung Quốc thực hiện các nhiệm vụ như cứu trợ thảm họa, viện trợ nhân đạo, hộ tống, và gìn giữ hòa bình, cũng như bảo vệ chủ quyền, các lợi ích an ninh và phát triển quốc gia của Trung Quốc,” theo Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), một hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc.
Nói cách khác, các quy định mới cung cấp khuôn khổ pháp lý cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) hoạt động trong nước và trong các khuôn khổ phi chiến tranh khác để ủng hộ ĐCSTQ. Lời tuyên thệ của PLA khắc sâu sự phục tùng của quân đội đối với ĐCSTQ:
“Tôi là một quân nhân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tôi xin thề: sẽ tuân theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hết lòng phục vụ nhân dân, chấp hành mệnh lệnh, trung thành với nghĩa vụ, chấp hành nghiêm kỷ luật, giữ bí mật, dũng cảm ngoan cường, không sợ hy sinh, rèn luyện kỹ năng giết địch, luôn sẵn sàng chiến đấu, không bao giờ phản bội quân đội, thề quyết tử để bảo vệ Tổ quốc.”
Không có thông báo chuẩn bị
Ý nghĩa của thời điểm đưa ra thông báo này là gì?
ĐCSTQ không cho biết tài liệu này đang được soạn thảo hay là nó sẽ được phát hành. Các tài liệu trước đó của ĐCSTQ, chẳng hạn như các Bạch thư Chiến lược Quân sự Trung Quốc năm 2007 và 2015, đề cập đến khái niệm MOOTW và trọng tâm của khái niệm này là “cứu hộ khẩn cấp và cứu trợ thảm họa, chống khủng bố và duy trì ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích, nghĩa vụ canh gác, gìn giữ hòa bình quốc tế, cũng như hỗ trợ nhân đạo quốc tế và cứu trợ thảm họa (HADR).”
Như Thời báo Hoàn Cầu đã đưa tin, các quy định này sẽ cung cấp “một cơ sở pháp lý” cho quân đội Trung Quốc thực hiện các hoạt động như “cứu trợ thảm họa, viện trợ nhân đạo, hộ tống, và gìn giữ hòa bình” và “bảo vệ chủ quyền, các lợi ích an ninh và phát triển quốc gia của Trung Quốc.”
Mục cuối cùng được liệt kê – “bảo vệ chủ quyền, các lợi ích an ninh và phát triển quốc gia của Trung Quốc” — là phần bổ sung cho các định nghĩa MOOTW trước đây và là điểm mấu chốt để hiểu tầm quan trọng của các quy định mới.
‘Tam chủng chiến pháp’
Tháng 06/1989, trước khi kết thúc các cuộc biểu tình đòi tự do hơn ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, ĐCSTQ đã giao nhiệm vụ cho PLA và cảnh sát dọn sạch quảng trường và giải tán đám đông. Khi làm như vậy, PLA đã sát hại hàng ngàn người biểu tình không vũ trang. Những người biểu tình khác trên khắp Trung Quốc cũng bị sát hại và bị gây thương tích.
ĐCSTQ không muốn lặp lại thảm họa Thiên An Môn mà họ phủ nhận đã xảy ra. Họ muốn kiểm soát bất kỳ “sự tường thuật” nào trong tương lai, như họ đang làm ngày nay với vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn. “Tam chủng chiến pháp” của PLA là tôn chỉ cho các quy định MOOTW về kiểm soát các phương tiện truyền thông (dư luận chiến), nhận thức (tâm lý chiến), và thách thức pháp lý (pháp lý chiến, tức chiến tranh về pháp luật) đối với hành động của quân đội này.
Ví dụ, theo một báo cáo của ông Edwin S. Cochran, các tổ chức của PLA chịu trách nhiệm các cuộc chiến về dư luận, pháp lý, và tâm lý bao gồm “Quân ủy Trung ương (đặc biệt là Bộ Tham mưu Liên hợp và Cục Tình báo thuộc bộ này, Cục Liên lạc thuộc Bộ Công tác Chính trị, và Văn phòng Hợp tác Quân sự Quốc tế), Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược, và các doanh nghiệp truyền thông do PLA kiểm soát.”
Các tổ chức này sẽ tạo ra cách đưa tin thuận lợi nhất cho các hoạt động của PLA và sẽ chống lại những lời chỉ trích về các hoạt động này. Các quy định sẽ phân định vai trò và trách nhiệm của từng bộ phận trong các sự kiện MOOTW.
Liên tưởng tới vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn
Việc công bố các quy định MOOTW mới gần với kỷ niệm 33 năm vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn diễn ra vào ngày 04/06, chắc chắn nằm trong tâm trí của nhiều người khi đọc các quy định mới vào thời điểm chúng được công bố, gần một tuần sau dịp tưởng niệm này.
Mặc dù ĐCSTQ không công bố các quy định MOOTW trước lễ tưởng niệm vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn; nhưng ngay cả cư dân mạng Trung Quốc cũng có thể liên tưởng tới Quảng trường Thiên An Môn. Bằng cách công bố các quy định MOOTW một tuần sau lễ tưởng niệm, ĐCSTQ đã giảm bớt sự chỉ trích cho rằng các quy định này áp dụng cho lễ tưởng niệm Quảng trường Thiên An Môn.
Dư âm về thảm họa thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn vẫn dai dẳng, bất chấp những nỗ lực của ĐCSTQ để ngăn chặn việc đề cập đến nó. Ví dụ, tính đến năm 2017, hơn 170 cụm từ (chủ yếu liên quan đến Thiên An Môn) đã bị cấm trên WeChat, phiên bản Twitter của Trung Quốc.
Tự do ngôn luận và tự do tư tưởng bị hạn chế ở đất nước Trung Quốc bị ĐCSTQ kiểm soát. Chẳng hạn như năm 2017, Tổng cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình (SAPPRFT) của ĐCSTQ đã công bố 45 chỉ thị cho tất cả các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc. 13 trong số các chỉ thị đó “bao gồm các hạn chế về thuật ngữ đối với các vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, trong đó có Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao, và Tân Cương, cũng như các quần đảo Trường Sa và Senkaku đang tranh chấp,” theo một bài báo trên The News Lens.
Dưới đây là danh sách các quy định SAPPRFT và những ví dụ về các cụm từ bị cấm, được The News Lens dịch từ phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã:
- Không bao giờ được phép gọi Đài Loan là một quốc gia.
- Nếu không thể tránh được việc nhắc đến hệ thống chính phủ của Đài Loan và các tổ chức khác như vậy, thì phải sử dụng dấu ngoặc kép, ví dụ “Lập Pháp Viện”, “Hành Chính Viện” của Đài Loan, “Đại học Quốc lập Thanh Hoa”, “Bảo tàng Cố Cung” của Đài Loan, và các tên khác như vậy phải đặt trong dấu ngoặc kép.
- Không bao giờ được phép sử dụng “Tổng thống (hoặc Phó Tổng thống) của Trung Hoa Dân Quốc” để chỉ các nhà lãnh đạo của Đài Loan, ngay cả khi các chức danh được đặt trong dấu ngoặc kép.
- Không được sử dụng Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao, và Trung Quốc cùng nhau; ví dụ: “Trung Quốc–Hồng Kông”, “Trung Quốc–Ma Cao” và “Trung Quốc–Đài Loan”. Thay vào đó, phải dùng “nội địa và Hồng Kông”, “Đại lục và Đài Loan” hoặc “Bắc Kinh–Hồng Kông”, “Thượng Hải–Hồng Kông” và “Mân Nam–Đài Loan”.
- Phải để “Đài Loan độc lập” trong dấu ngoặc kép.
- Không được gọi Đài Loan là “Formosa”. Nếu diễn giải hoặc trích dẫn trong một bài báo, để từ này trong ngoặc kép.
- Không được gọi “Quần đảo Nam Sa” là “Quần đảo Trường Sa”.
- Không được gọi Quần đảo Điếu Ngư là “Quần đảo Senkaku”.
- Cấm gọi Tân Cương là “Đông Turkestan”.
ĐCSTQ sẽ công bố danh sách cấm mới nào liên quan đến Đài Loan và Biển Đông trong chiến dịch Tam chủng chiến pháp MOOTW của họ?
Sử dụng vũ lực sát thương
Các quy định mới của MOOTW hướng dẫn PLA, công an, và các lực lượng an ninh khác về việc sử dụng vũ lực sát thương. ĐCSTQ có các sĩ quan chính trị trong mọi cấp độ của PLA. Tiểu đội và trung đội của PLA có các Lãnh đạo nhóm nhỏ của Đảng, đại đội có các Giảng viên chính trị, tiểu đoàn có các Chủ nhiệm chính trị, lữ đoàn và căn cứ có các Chính ủy, và cấp cao hơn thì do các cán bộ chính trị của ĐCSTQ đồng chỉ huy.
Các sĩ quan chính trị này sẽ bảo đảm việc thực hiện trung thành các hướng dẫn mới của MOOTW. Trong các hoạt động (chiến tranh) hỏa lực chống lại quân đội Đài Loan, các chính ủy sẽ bảo đảm rằng các mục tiêu chính trị của ĐCSTQ được thực hiện.
Tác động đối với Đài Loan và Biển Đông
Nhiều nhà quan sát Đài Loan đã so sánh việc ông Tập sử dụng “hoạt động quân sự” với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông Putin. Họ cảnh báo rằng các hướng dẫn MOOTW áp dụng cho Đài Loan và là cách thức hoạt động của PLA. Sự so sánh này là chính xác, nhưng câu chuyện còn nhiều thứ để bàn hơn.
Cụm từ trong các quy định mới được loan báo (về pháp lý chiến) bảo vệ “chủ quyền, các lợi ích an ninh và phát triển quốc gia của Trung Quốc” liên quan đến Đài Loan và các đảo liên quan của nước này. Nó cũng áp dụng cho tất cả các khu vực mà PLA đã chinh phục hoặc có thể sẽ chinh phục. Cụ thể hơn, Biển Đông đang bị xâm chiếm, và các quy định MOOTW mới này sẽ áp dụng cho các công dân và binh sĩ ngoại quốc bị bắt giữ trên các đảo và vùng biển của Biển Đông. Các quy định MOOTW sẽ đặt ra các thủ tục đối với các tù nhân quân sự và việc sử dụng biện pháp giam giữ với các đặc điểm của cộng sản Trung Quốc.
Theo phân tích của Quân đội Hoa Kỳ về pháp lý chiến (chiến tranh về pháp luật) của PLA, phần sau đây tóm tắt cách PLA sử dụng pháp luật trong bối cảnh các hoạt động của mình:
“Pháp Lý Chiến đề cập đến việc thiết lập các điều kiện pháp lý để chiến thắng — cả trong nước và quốc tế. … Pháp Lý Chiến tìm cách làm mất cân bằng các đối thủ tiềm năng bằng cách sử dụng các luật quốc tế hoặc trong nước để phá hoại các hoạt động quân sự của họ, nhằm tìm kiếm sự hợp pháp cho các hoạt động của PLA trên toàn thế giới, và hỗ trợ các lợi ích của Trung Quốc thông qua một khung pháp lý hợp lệ. Pháp Lý Chiến đã nổi lên với một vai trò đặc biệt nổi bật thông qua các hoạt động chính trị khác nhau của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là những khu vực xung quanh các tuyến đường thủy quốc tế, các vùng đất tranh chấp, và các quyền thông hành kinh tế. … Nó hướng dẫn cách PLA huấn luyện để đối xử với các tù nhân chiến tranh, những người bị giam giữ, và dân thường, và cách PLA tuân thủ các công ước, quy định, và luật pháp quốc tế,” trích cuốn “Các chiến thuật của Trung Quốc” (“Chinese Tactics”), Ấn phẩm Kỹ thuật Quân đội (Army Techniques Publication), 7-100.3, ngày 09/08/2021.
Các quy định MOOTW mới sẽ không tuân theo truyền thống pháp lý lâu đời của Công ước Geneva nhằm bảo vệ các quân nhân bị bắt trong thời chiến bằng cách lấy cớ rằng các lực lượng Trung Quốc đang tiến hành MOOTW và giải phóng lãnh thổ của chính họ. Lập trường này cho phép ĐCSTQ sử dụng pháp lý chiến để nâng cao khả năng hoạt động của mình trong khi hạn chế quyền tự do hành động của đối thủ.
ĐCSTQ sẽ không tuân theo luật nhân đạo quốc tế về chiến tranh và đối xử với các tù nhân chiến tranh khi ứng xử với Đài Loan và Biển Đông vì ĐCSTQ sẽ tuyên bố rằng họ tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang phi quốc tế, nơi các binh sĩ bị bắt của địch quân không được trao quy chế tù binh và họ có thể “truy tố các tay súng phiến quân bị bắt đơn thuần bởi lý do là đã chiến đấu,” theo Công ước Geneva về đối xử nhân đạo với tù binh, hàng binh chiến tranh (Third Geneva Convention).
Công dân và quân nhân Đài Loan sẽ được phân loại khác với công dân và quân nhân của Philippines, Việt Nam, và Malaysia vì ĐCSTQ không công nhận quốc tịch Đài Loan.
Một lĩnh vực khác được quan tâm là việc giải quyết các quyền tài sản của những người sống trên các đảo bị chiếm giữ, cũng như các quyền của họ trên biển. Liệu tài sản dân sự ở Đài Loan sẽ được tôn trọng hay bị chiếm đoạt, như ĐCSTQ đã làm đối với giới thượng lưu chính trị và giàu có của Trung Quốc? ĐCSTQ sẽ trả lại các tàu dân sự cho chủ sở hữu của họ, hay các tàu sẽ bị tịch thu dựa trên các quy định mới của MOOTW?
ĐCSTQ và PLA có ý định phớt lờ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) như họ đã làm hồi năm 2016 để đáp lại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye rằng ĐCSTQ không có quyền hoặc yêu sách đối với vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hoặc bất kỳ phần nào khác trong tuyên bố chủ quyền của ĐCSTQ, bao gồm cái gọi là đường chín đoạn.
Trung Quốc và Philippines đều đã ký và phê chuẩn UNCLOS. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã chọn cách phớt lờ và từ chối thẩm quyền của Tòa Trọng tài Thường trực. Các quy định MOOTW sẽ củng cố lập trường này, cho dù là đề cập đến Đài Loan hay Biển Đông. Yêu sách về đường chín đoạn của ĐCSTQ bao gồm cả Đài Loan, đó là một lý do khác khiến ĐCSTQ phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016.
Kết luận
Ngoài việc ảnh hưởng đến Đài Loan, Biển Đông, và Quần đảo Senkaku, các quy định MOOTW mới của ĐCSTQ cũng áp dụng cho các vùng lãnh thổ do ĐCSTQ kiểm soát, chẳng hạn như Tây Tạng, Đông Turkestan (Tân Cương), Hồng Kông, và Ma Cao. Các quy định của MOOTW cũng áp dụng cho các hành động nội bộ nhằm hỗ trợ các hoạt động an ninh, chẳng hạn như các cuộc biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và các cuộc biểu tình COVID-19 khi các binh sĩ PLA được khai triển đến các thành phố để thực thi các cuộc phong tỏa.
Cần cố gắng hết sức để phơi bày các quy định MOOTW để những người bị ảnh hưởng, đặc biệt là người dân Đài Loan và người dân các nước ở Biển Đông, hiểu họ sẽ bị đối xử như thế nào. Những quốc gia phản đối các quốc gia độc tài mở rộng biên giới và sự áp bức của họ cũng nên chuẩn bị để chống lại việc ĐCSTQ sử dụng tâm lý chiến, dư luận chiến, và pháp lý chiến.
Ông Guermantes Lailari là một sĩ quan khu vực ngoại giao của Không quân Hoa Kỳ đã về hưu chuyên về Trung Đông và Âu Châu cũng như chống khủng bố, chiến tranh bất thường, và phòng thủ hỏa tiễn. Ông đã học tập, làm việc, và phục vụ ở Trung Đông và Bắc Phi trong hơn 14 năm và ở Âu Châu trong sáu năm. Ông từng là Tùy viên Không quân tại Trung Đông, phục vụ tại Iraq, và có bằng cấp cao về quan hệ quốc tế và tình báo chiến lược. Ông nghiên cứu các chế độ độc tài và toàn trị đe dọa các nền dân chủ. Ông sẽ là học giả được Đài Loan tài trợ tại Đài Bắc vào năm 2022.
Minh Ngọc biên dịch