Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang đi trên một con đường độc đạo, bơm tiền thoải mái qua chính sách lãi suất thấp bất chấp lạm phát để chạy theo thành tích tăng trưởng trong ngắn hạn. Trong khi lạm phát là nguyên nhân gốc rễ bào mòn tài sản, tích lũy và thúc đẩy nợ nần của khu vực dân cư. Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ thất bại sinh động khi điều hành chính sách tiền tệ theo cách nghĩ khác với cả thế giới…
Lạm phát gần 79%, cao nhất trong 24 năm qua
Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng tốc trong tháng thứ 13 liên tiếp lên 78,6% vào tháng 6/2022 (cùng kỳ năm trước lạm phát tăng 17,5%), mức cao nhất kể từ tháng 9/1998 và vượt qua kỳ vọng của thị trường là 78,3%.
Giá trị đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ là lira ngày một giảm sâu khi nước này thực thi chính sách lãi suất thực âm (lãi suất huy động bình quân trừ đi kỳ vọng lạm phát bình quân nhỏ hơn 0).
Nhưng đây chỉ là số liệu công bố chính thức. Theo các chuyên gia từ Nhóm Nghiên cứu Lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ độc lập (ENAG), con số này thực sự vẫn cao hơn nhiều. Họ cho rằng có nhiều khả năng lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ gần 160,8% (lớn gấp hơn 2 lần so với số liệu thống kê của chính phủ).
84 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đang chìm trong bão giá
Giá tiêu dùng tăng cao đã ảnh hưởng nặng nề đến dân số 84 triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Người dân nước này ít có hy vọng giá cả cải thiện trong thời gian tới do hậu quả của chiến tranh Nga-Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm cao, đồng thời đồng lira mất giá mạnh.
Trang tin DW của Đức mô tả hoàn cảnh một người phụ nữ nghỉ hưu tức giận với tài xế xe buýt vì phải trả giá vé cao gấp hơn 3 lần, từ 2,5 lira lên tới 7 lira cho cùng một quãng đường trong thời gian ngắn. Sau khi tức giận với tài xế xe buýt, người phụ nữ nói bà tức giận dù biết đó không phải lỗi của tài xế. Đó là lỗi của ông ấy [ám chỉ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ].
Trang DW cho biết người phụ nữ từ chối công khai tên họ của bà vì sợ bị trả thù. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị trả thù, thậm chí bị bắt giữ vì xúc phạm tổng thống. Điều này diễn ra ở khắp mọi nơi.
Người lái xe nói với DW: “Chúng tôi không muốn tăng giá. Mọi người đang gặp khó khăn vì giá vé tăng phi mã. Nếu giá tăng một lần nữa, chúng tôi sẽ có ít khách hàng hơn”.
Tổng thống muốn chứng minh lý thuyết và thực hành của NHTW khắp thế giới là sai
Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong những năm trước, nhưng trước rủi ro giá cả bắt đầu tăng và dấu hiệu lạm phát rõ ràng, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã từ chối tăng lãi suất điều hành để hạ nhiệt tình trạng lạm phát. Ông Erdogan cho rằng “lãi suất là mẹ của mọi tệ nạn”, rằng lãi suất tăng sẽ bóp nghẹt tăng trưởng. Để chạy theo tăng trưởng ngắn hạn, vốn có thể là thành tích cho đợt bầu cử nhiệm kỳ kế tiếp vào năm 2023, ông Erdogan thà chấp nhận nhìn túi tiền của người dân bốc hơi vì lạm phát.
Với lý do đó, tổng thống Erdogan đã chỉ thị cho ngân hàng trung ương của đất nước – mà các nhà phân tích cho rằng không độc lập với quyền lực của ông – liên tục cắt giảm lãi suất điều hành năm 2020 và 2021, ngay cả khi lạm phát tiếp tục tăng. Cũng trong hai năm này, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ đã thay liên tiếp tới 4 vị thống đốc.
Lãi suất của đất nước đã dần dần giảm xuống 14% vào mùa thu năm ngoái và không thay đổi kể từ đó. Đồng lira đã mất giá tới 93,59% so với đồng USD trong 12 tháng qua.
Các chuyên gia tài chính, trong đó có nhà kinh tế Murat Birdal của Đại học Istanbul, đổ lỗi rất nhiều cho Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Birdal cho biết ông dự kiến tỷ lệ lạm phát ba con số vào cuối năm nay.
Ngân hàng Trung ương lẽ ra phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong nhiều tháng qua khi đối mặt với lạm phát phi mã; phản ứng chính sách này ít nhất là đã được chấp nhận trên thực tế, là kiến thức phổ quát của các NHTW khắp toàn cầu. Nhưng có vẻ như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không tin vào mớ lý thuyết này, ông ấy muốn thử nghiệm một con đường khác dù cái giá phải trả là gì.
Tổng thống Erdogan đã khẳng định một cách kiên định rằng lạm phát là kết quả của lãi suất cao. Và kết quả là lạm phát ở đất nước này tăng chóng mặt khi lãi suất thấp. Chưa rõ khi nào ông Erdogan sẽ thay đổi quan điểm chính sách của mình và không rõ liệu các chuyên gia kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng tác động tới quan điểm kiên định của tổng thống hay không.
Quang Nhật