Huyền Anh
Trung Quốc hôm 4/7 đã bác bỏ cáo buộc rằng họ đang cố gắng chiếm lấy mặt trăng thông qua chương trình không gian của mình, một quan ngại được Giám đốc NASA Bill Nelson bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Trước đó, Giám đốc NASA Bill Nelson trong bài phát biểu trên nhật báo Bild của Đức phát hành hôm 2/7 đã nói: “Chúng ta phải rất chú ý rằng Trung Quốc đang đổ bộ lên Mặt Trăng và nói: ‘[Mặt Trăng] bây giờ là của chúng tôi, và quý vị hãy tránh xa’”.
Theo ông Nelson, chương trình không gian của Trung Quốc có nguồn gốc trong quân đội, và quốc gia này nổi tiếng với việc đánh cắp các ý tưởng và công nghệ của Mỹ và các nước phát triển.
Chính quyền Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc của ông Nelson.
Bác bỏ cáo buộc của ông Nelson, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong cuộc họp báo thường nhật tại Bắc Kinh hôm 4/7 cho hay: “Đây không phải lần đầu tiên người đứng đầu Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Mỹ đã phớt lờ sự thật và phát ngôn vô trách nhiệm về Trung Quốc”.
“Phía Mỹ đã liên tục xây dựng chiến dịch bôi nhọ chống lại những nỗ lực không gian bình thường và hợp lý của Trung Quốc, và Trung Quốc cực lực phản đối những tuyên bố vô trách nhiệm như vậy”, ông Triệu nhấn mạnh.
Ông nói thêm: “Trung Quốc luôn thúc đẩy việc xây dựng tương lai chung cho loài người trên không gian vũ trụ và phản đối vũ khí hóa cũng như tất cả các cuộc đua vũ trang trong không gian”.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói với tờ The Epoch Times tiếng Trung rằng việc đánh cắp công nghệ vũ trụ là hành vi phổ biến của ĐCSTQ và bản thân chương trình không gian là một phần của Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược của quân đội.
Đánh cắp công nghệ
Ông Nelson cảnh báo về cuộc chạy đua không gian với Trung Quốc trong cuộc điều trần trước Quốc hội vào ngày 17/5 . Đặc biệt, ông cảnh báo về sự hung hăng của Trung Quốc trong không gian vũ trụ và các nguy cơ an ninh mạng do đánh cắp công nghệ gây ra. Ông nói, “Họ rất giỏi trong việc đánh cắp công nghệ”.
Bà Yue Changzhi là một kỹ sư điện tử đã nghỉ hưu tại Viện số 2 của Bộ Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng bà không nghi ngờ gì về việc Bắc Kinh đã cải tiến công nghệ hàng không vũ trụ của mình bằng cách dựa vào hành vi đánh cắp công nghệ.
Bà nói rằng các vụ đánh cắp công nghệ bắt đầu từ những năm 1960. Thời điểm đó, bà làm việc tại Bộ Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc với nhiệm vụ là phát triển tên lửa và các hệ thống chống tên lửa.
“Đó là khoảng thời gian khi Bộ Công nghiệp Hàng không Vũ trụ mới được thành lập. Đánh cắp công nghệ là cách tiếp cận của bộ này, tức là tạo ra một bản sao của những thứ do người khác phát minh ra với một chút thay đổi về giao diện”, bà Yue nói.
Tham vọng quân sự
Ông Nelson đưa ra một tuyên bố vào ngày 19/5/2021 sau khi Trung Quốc công bố những bức ảnh đầu tiên từ tàu thám hiểm sao Hỏa Zhurong.
“Xin chúc mừng Cục Không gian Quốc gia Trung Quốc đã nhận được những hình ảnh đầu tiên từ tàu thám hiểm Sao Hỏa Zhurong!”, ông Nelson nói.
Tuy nhiên, trong phiên điều trần của Quốc hội năm nay, ông Nelson đã cảnh báo rằng “chúng ta có trách nhiệm phải rất coi trọng vấn đề an ninh mạng… đối với chính phủ cũng như khu vực tư nhân”.
Khi được hỏi những mục đích quân sự nào mà Trung Quốc có thể theo đuổi trong không gian, ông Nelson thẳng thắn trả lời: “Chà, quý vị nghĩ điều gì đang xảy ra trên trạm vũ trụ của Trung Quốc? Ở đó họ học cách phá hủy vệ tinh của đối phương”, tờ Bild đưa tin.
Nhà bình luận Wang He chỉ ra rằng chương trình hàng không vũ trụ của Trung Quốc được xây dựng với sự liên kết của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Ông giải thích rằng các trung tâm phóng vệ tinh như Tửu Tuyền (Jiuquan) và Thái Nguyên (Taiyuan) đều thuộc quyền kiểm soát của quân đội. Cả hai trung tâm đều được đặt tại cơ sở thử nghiệm và huấn luyện của Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược của PLA.
Ông nhấn mạnh, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thao túng tuyên bố “sử dụng không gian bên ngoài cho mục đích hòa bình, thúc đẩy nền văn minh và tiến bộ xã hội của nhân loại”, như một vỏ bọc để tìm kiếm sự hợp tác quốc tế nhằm mục đích đánh cắp công nghệ.
Ông nói, “Cái gọi là các công ty tư nhân của Trung Quốc tham gia vào sự hợp tác quốc tế vẫn nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ”.
Nói cách khác, họ chỉ là những “công ty bình phong”, ông nói.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times