Thị trường việc làm Mỹ hỗn loạn sau các biện pháp chống Covid-19

Bảo Nguyên

Trung tâm mua sắm Galleria ở Houston, Texas, vào ngày 01/05/2020. (Ảnh: Mark Felix / AFP qua Getty Images)

Tại Mỹ, một điều bất thường đang diễn ra: tỷ lệ thất nghiệp thấp nhưng nền kinh tế lại đang đứng trước bờ vực suy thoái. Thực tế là, các chính sách đối phó với đại dịch của Mỹ đã tạo ra một sự hỗn loạn lớn trong thị trường việc làm. Đạo đức làm việc tiếp tục xuống cấp. Trong khi đó, các kế hoạch thúc đẩy kinh tế bằng chi tiêu và in tiền của chính quyền Biden đã hoàn toàn phá sản.

Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhưng kinh tế sắp suy thoái

Trong gần 100 năm qua, thất nghiệp luôn là nỗi ám ảnh của cả các nhà kinh tế và các chính quyền. Đó là do thất nghiệp thường phản ánh khá chính xác chu kỳ lên xuống của nền kinh tế. Khi tình hình thuận lợi, tỷ lệ thất nghiệp giảm và khi tình hình khó khăn, tỷ lệ này sẽ tăng cao.

Điều này thường dẫn đến sự nhầm lẫn giữa nguyên nhân và kết quả. Các nhà hoạch định chính sách tưởng tượng ra rằng nếu họ có thể khiến tất cả những người muốn có việc làm đều có được công việc, thì sự phục hồi kinh tế sẽ tự xảy ra.

Ý tưởng đó hoàn toàn là ngớ ngẩn, nhưng chính tham vọng này đã dẫn dắt phần lớn chính sách kinh tế trong những năm 1930 tại Mỹ, và nó gây ra nỗi ám ảnh kéo dài về tỷ lệ thất nghiệp trong công chúng. Nếu dựa trên quan điểm đó, nước Mỹ hiện nay đang chứng kiến một sự bất bình thường lớn về kinh tế vĩ mô. Nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp (3,6%), hiện giờ có vẻ là một thời kỳ tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, tất cả người dân Mỹ đang nín thở chờ đợi những công bố chính thức về suy thoái kinh tế.

Thị trường việc làm bị hủy hoại 

Đâu là nguyên nhân của tình trạng hiện nay tại Mỹ? Câu hỏi này sẽ được nghiên cứu trong nhiều năm tới. Nhưng ta cần nhắc tới một chính sách kinh tế rõ ràng là tồi tệ nhất trong lịch sử loài người: phong tỏa kinh tế ép buộc dưới danh nghĩa kiểm soát một mầm bệnh về đường hô hấp. Điều này dẫn đến sự hỗn loạn không thể tưởng tượng được trong hoạt động của thị trường tại Mỹ. Nó tấn công mạnh mẽ vào các doanh nghiệp bình thường. Không những thế, nó khiến việc phân chia toàn bộ việc làm trong nền kinh tế thành 2 loại, thiết yếu và không thiết yếu, rơi vào tay các quan chức.

Nhiệm vụ này hóa ra lại khá phức tạp. Các chuyên gia ưu tú trong chính quyền đã đưa ra quyết định và công bố cho toàn người dân Mỹ dưới dạng tài liệu PDF. Tất nhiên, lĩnh vực thiết yếu bao gồm các nhân viên chăm sóc sức khỏe, nhưng cũng bao gồm cả nhân viên tạp hóa, cộng với các chuyên gia truyền thông, các tài xế xe tải, những người chịu trách nhiệm về hệ thống đèn chiếu sáng, đưa thư và thu gom rác. Những người lao động không thiết yếu bao gồm những người làm việc trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, địa điểm giải trí, v.v. Những điều này hẳn sẽ làm những nhà sử học kinh ngạc.

Dù sao đi nữa, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng vọt ngay lập tức, như người ta có thể dự đoán. Theo sau đó là sự khủng hoảng theo hướng ngược lại (thiếu nhân lực) khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Những chính sách kỳ lạ này hoàn toàn thành công trong việc phân chia dân số theo loại hình lao động: vật chất và phi vật chất. Những người làm việc bằng cách gõ và nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính được hướng dẫn ngồi ở nhà để giữ an toàn. Trong khi đó, những người khác được yêu cầu phải phục vụ xã hội và dũng cảm đối mặt với virus. Trên thực tế, điều này đã tạo ra sự khác biệt khổng lồ giữa công việc cổ cồn trắng và cổ cồn xanh (nhân viên văn phòng và công nhân nhà máy).

Biểu đồ dưới đây thể hiện các rối loạn trong thị trường việc làm. Biểu đồ này so sánh tỷ lệ thất nghiệp với phần trăm thay đổi về số người có việc làm của nước Mỹ. Thường thì hai đường này biến đổi ngược chiều nhau (cái này tăng thì cái kia giảm). Trong suốt 70 năm qua, ngoài thời điểm hiện tại, chỉ có hai lần tỷ lệ phần trăm thay đổi về số người có việc vượt cao hơn tỷ lệ thất nghiệp, và chúng đều diễn ra trong thời gian rất ngắn ngủi. Cả hai lần trước, nó đều là dấu hiệu của sự bùng nổ kinh tế. Tuy nhiên, trong lần này, nền kinh tế Mỹ đang suy thoái.

Biểu đồ so sánh tỷ lệ thất nghiệp và thay đổi trong số người có việc làm. Đường màu xanh: tỷ lệ thất nghiệp. Đường màu vàng: phần trăm thay đổi trong số người có việc làm. (Ảnh: FRED / Jeffrey A. Tucker)

Điều này chủ yếu là do số lượng khổng lồ người lao động đã bỏ việc trong dân số. Dễ dàng nhận thấy rằng đây là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt lao động rất lớn. Góp phần vào xu hướng bỏ việc là các phụ nữ nghỉ việc để chăm sóc con cái, việc nghỉ hưu sớm và sự thay đổi nhân khẩu học khổng lồ khi người dân rời bang này sang bang khác. Ngoài ra nó cũng phản ánh sự mất tinh thần chung trong nhóm dân số có cuộc sống bị hủy hoại bởi sự nhàn rỗi bắt buộc trong phần lớn thời gian hơn một năm.

Các chính sách trong thời kỳ đại dịch tại Mỹ đã bóc lột mạnh mẽ tầng lớp người lao động không có bằng đại học. Chính tầng lớp này đã hứng chịu tỷ lệ thất nghiệp đáng kinh ngạc là 17,5% do các đợt phong tỏa.

Không còn nghi ngờ gì nữa, phong tỏa là một biện pháp được xây dựng bởi và phục vụ cho một tầng lớp chuyên gia, những người đã trải qua ít đau đớn và khó khăn hơn nhiều. Ông Fauci, bà Birx, ông Collins (những người phụ trách chống Covid-19 của chính quyền Mỹ) có quan tâm tới hậu quả của các chính sách Covid-19 không? Các “quan chức y tế” đã gây ra tình hình tồi tệ hiện tại có bận tâm đến các tác động phi dân chủ và bất bình đẳng của các chính sách chống dịch không?

Hãy chuẩn bị đối mặt với thực tế được thể hiện trong biểu đồ sau: khu vực màu xanh biểu thị cho dân số không có bằng đại học và khu vực màu đỏ là đám đông có trình độ đại học.

Biểu đồ so sánh tỷ lệ thất nghiệp trong người có bằng đại học và không có bằng đại học. Khu vực màu xanh: tỷ lệ thất nghiệp của người có bằng trung học, từ 25 tuổi trở lên. Khu vực màu đỏ: tỷ lệ thất nghiệp của người có bằng đại học và trên đại học, từ 25 tuổi trở lên. (Ảnh: FRED / Jeffrey A. Tucker)

Các chính sách chống dịch khiến tỷ lệ tham gia lực lượng lao động bị sụt giảm và chưa phục hồi hoàn toàn. Hiện tại, nó đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1977, gần một thập kỷ trước khi hơn một nửa dân số phụ nữ có con tham gia lực lượng lao động. Bốn mươi năm phát triển của thị trường lao động đã bị xóa sổ với các chính sách hoàn toàn được ủng hộ bởi phe cánh tả!

Biểu đồ tỷ lệ tham gia lực lượng lao động. Đường màu xanh: tỷ lệ tham gia lực lượng lao động. (Ảnh: FRED / Jeffrey A. Tucker)

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn vấn đề bằng cách phân tích xu hướng của việc tham gia lực lượng lao động từ năm 2015, thời điểm mà thị trường lao động cuối cùng đã bắt đầu phục hồi sau khi bị tàn phá bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chúng ta sẽ thấy rõ mức độ nghiêm trọng của tình hình. Đây chính là thứ do các chính sách chống dịch tạo ra.

Biểu đồ thể hiện xu hướng tham gia lực lượng lao động. Đường màu xanh: tỷ lệ tham gia lực lượng lao động. Đường màu đỏ: xu hướng đáng lẽ đã xảy ra. (Ảnh: FRED / Jeffrey A. Tucker)

Mới tối qua, tôi đang uống rượu martini trong một quán bar nằm tách biệt với một nhà hàng tại khách sạn ở Washington, D.C.. Người đàn ông tốt bụng phục vụ tôi đã làm việc ở nơi này 30 năm và rõ ràng là đã quá tuổi nghỉ hưu. Ông ấy phục vụ khách hàng ở cả quán bar và nhà hàng – và ông ấy hoàn toàn làm việc đó một mình. Có một người nấu ăn trong nhà bếp. Người phục vụ của tôi rất vui vì công việc nhưng ông đang chạy qua lại một cách điên cuồng chỉ đơn giản là vì khách sạn không thể tìm được nhân công mà khách sạn có đủ khả năng để thuê, những người thực sự muốn làm việc.

Đạo đức làm việc xuống cấp

Và bây giờ chúng ta hãy nói về một vấn đề nhạy cảm: sự suy giảm đạo đức làm việc. Nhiều người trẻ tuổi đang sai lầm nghiêm trọng khi tin rằng sau khi thụ hưởng nền giáo dục hào nhoáng được tài trợ bằng nợ, họ sẽ có được công việc đầu tiên một cách dễ dàng với mức lương sáu con số.

Rất lâu trước đại dịch, những sinh viên trong trường đại học được dạy rằng tiền mọc ở trên cây (tiền dễ kiếm và nhiều vô số) và họ sẽ không bao giờ thực sự cần phải học một kỹ năng nào đó để kiếm tiền. Những người này đơn giản là sẽ không bao giờ cúi đầu làm những công việc bình thường. Họ tự đề cao bản thân tới mức không thể chấp nhận được và phần lớn không có kỹ năng. Tuy nhiên, họ mong đợi nền kinh tế Mỹ bằng cách nào đó sẽ mang lại cho tất cả bọn họ một mức sống cao.

Lời dối trá của chính quyền Biden đã được phơi bày.

Giờ đây, chúng ta có một nền kinh tế được tô điểm bởi tỷ lệ thất nghiệp thấp. Trên thực tế, nền kinh tế đang kém hiệu quả về năng suất cơ bản trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát rất cao đang cướp đi sức mua của tầng lớp trung lưu và người nghèo. Trong khi đó, toàn bộ lĩnh vực việc làm chuyên nghiệp đang phải chịu gánh nặng từ tầng lớp tinh hoa đặc quyền. Những người này có ít kỹ năng nhưng lại có yêu cầu rất cao về địa vị cùng với nguồn thu nhập không gián đoạn cộng với các gói phúc lợi đáng kinh ngạc.

Không có gì lạ khi tầng lớp công nhân lao động ở Mỹ tỏ ra cay đắng, phẫn uất và chán ngấy thực tế cuộc sống. Họ đã chịu đựng sự đối xử không thể chấp nhận được trong thời gian phong tỏa, dũng cảm đối mặt với virus, và họ tiếp tục bị yêu cầu phải che mặt và đi chích ngừa

Những điều này sẽ không thể kéo dài. Các mô hình quản lý kinh tế theo kiểu tập trung từ chính quyền Mỹ đã phá sản. Lời dối trá rằng việc chi tiêu và in tiền của chính quyền có thể điều phối hoạt động của thị trường đã được phơi bày trước công chúng.

Đây là lý do tại sao các quan chức Bộ Tài chính, các nhà kinh tế của Fed và các quan chức quản lý dường như rất bối rối và mất phương hướng khi họ được hỏi về kế hoạch khắc phục tất cả những điều này. Sự thật là họ thực sự không biết.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng Tổng thống Mỹ không biết gì về kinh tế, thể hiện qua dòng tweet của ông yêu cầu rằng xăng phải được bán tương đương với giá thành sản xuất. Vị chính khách cuối cùng tin vào những điều tương tự là Nikita Khrushchev (nhà lãnh đạo của Liên Xô). Điều thực sự đáng báo động là các nhân viên tại Tòa Bạch Ốc có thể đã phê duyệt dòng tweet đó, cho thấy rằng sự thiếu hiểu biết đang lan tràn trong toàn bộ chính quyền Mỹ hiện nay.

Những người này sẽ không giúp người dân Mỹ ra khỏi khó khăn hiện tại. Nước Mỹ có thể điều chỉnh lại thị trường lao động, nhưng không phải thông qua các cách thức chỉ huy và kiểm soát lỗi thời.

Bảo Nguyên

Theo Jeffrey A. Tucker – The Epoch Times

Related posts