Không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ mới mất rất nhiều tiền trên thị trường chứng khoán. Trong nửa đầu năm 2022, 500 người giàu nhất thế giới đã mất 1.4 ngàn tỷ USD, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg.
Sau hai năm giới tỷ phú trên thế giới có mức tăng trưởng ấn tượng, thì tổng giá trị tài sản ròng của họ đã giảm hàng chục tỷ dollar chỉ trong sáu tháng, mức giảm lớn nhất được ghi nhận.
Giám đốc điều hành Meta, ông Mark Zuckerberg, chứng kiến tài sản của mình giảm khoảng 64 tỷ USD xuống còn 59.6 tỷ USD. Sự sụt giảm tài sản mạnh mẽ của ông Zuckerberg được tiếp đà khi cổ phiếu Meta sụt giảm 50%.
Ông Elon Musk, CEO của Tesla Motors và SpaceX, đã thiệt hại gần 62 tỷ USD, khiến tổng tài sản giảm xuống còn khoảng 204 tỷ USD. Sự trượt giá mạnh này được thúc đẩy bởi sự sụt giảm mạnh 51% của cổ phiếu Tesla, giao dịch chỉ dưới 700 USD.
Người sáng lập Amazon, Jeff Bezos, mất 63 tỷ USD, khiến khối tài sản của ông giảm còn 137 tỷ USD. Mặc dù là một trong những công ty hoạt động tốt nhất trong suốt thời gian xảy ra dịch bệnh, nhung cổ phiếu Amazon đã giảm gần 34% từ tháng Một đến tháng Sáu.
Ông Bill Gates đã mất hơn 22 tỷ USD, đưa giá trị [tài sản] của ông xuống còn 114.8 tỷ USD.
Hai nhà đồng sáng lập Google, Sergey Brin và Larry Page, mất lần lượt là 28 tỷ USD và 29 tỷ USD.
Ở cấp độ quốc tế, ông Triệu Trường Bằng (Changpeng Zhao) đứng đầu danh sách với khoản thâm hụt 79 tỷ USD. Vị tỷ phú người Canada này là Giám đốc điều hành của Binance, sàn giao dịch mã kim lớn nhất thế giới.
Các khoản lỗ lớn này là do hiệu quả hoạt động kém của công ty, biến động dữ dội trong một số lĩnh vực nhất định của thị trường, và xu hướng giảm rộng hơn.
Đây là sự đảo ngược hoàn toàn những gì đã xảy ra kể từ những ngày đầu của đại dịch virus corona, khi các chính phủ và ngân hàng trung ương tung ra hàng ngàn tỷ dollar trong các gói kích thích và cứu trợ tài chính tiền tệ khiến giá trị của gần như mọi tài sản cao hơn. Bây giờ Cục Dự trữ Liên bang và các đối tác của họ đã cho ngừng thực hiện các công cụ hỗ trợ thời đại dịch, nên các nhà đầu tư đã chạy khỏi [thị trường] cổ phiếu và tìm kiếm nơi trú ẩn trong các tài sản trú ẩn an toàn thông thường.
Lĩnh vực công nghệ đang bị suy giảm trong năm nay. Chỉ số tổng hợp Nasdaq nặng về công nghệ đã giảm khoảng 30% trong năm nay, với nhiều tên tuổi lớn đã sụp đổ. Nasdaq đã rơi vào thị trường giá xuống vào mùa xuân vừa qua.
Mã kim cũng đã bị xóa sổ khoảng 2 ngàn tỷ USD khỏi mức đỉnh vốn hóa thị trường của ngành này vào tháng Mười Một, giảm xuống dưới 900 tỷ USD.
Chỉ số Dollar Mỹ (DXY), thước đo đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, tăng 11% từ đầu năm đến nay lên mức cao nhất trong 20 năm.
Cơ hội thị trường?
Nhiều tỷ phú có thể đã mất một phần đáng kể tài sản của họ trong nửa đầu năm nay. Nhưng vì họ đã kiểm soát một lượng vốn đáng kể, họ có thể đang săn tìm cơ hội, các chuyên gia thị trường giải thích.
Ông Musk có thể sắp hoàn tất việc mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD. Ông Sam Bankman-Fried, Giám đốc điều hành của sàn giao dịch mã kim FTX, đã mua lại 7.6% cổ phần của Robinhood Markets. Người ta đã suy đoán rằng ông Bankman-Fried có thể tiếp quản Robinhood. Ông Vladimir Potanin, người giàu nhất nước Nga với khối tài sản trị giá 35.2 tỷ USD, đã mua lại toàn bộ cổ phần của Societe Generale trong Rosbank PJSC và cổ phần của ông trùm Nga Oleg Tinkov trong một tổ chức tài chính kỹ thuật số sau khi Moscow xâm lược Ukraine.
Liệu giới tỷ phú và thương nhân tài chính có thể bù đắp khoản lỗ của họ trong nửa cuối năm 2022? Các chỉ số chuẩn hàng đầu đã có một vài phiên giao dịch khó khăn. Chỉ số Công nghiệp Dow Jones giảm xuống dưới 31,000. Chỉ số tổng hợp Nasdaq đang dao động trên 11,000. Chỉ số S&P 500 đang giao dịch quanh mức 3,800.
Ông Sankar Sharma, một chiến lược gia thị trường cảnh báo, với những lo ngại về suy thoái và lạm phát chi phối xu hướng chứng khoán, đây có thể là một trận chiến cam go cho các nhà đầu tư vào mùa hè này.
Ông Sharma gần đây đã nói với The Epoch Times: “Phân tích thị trường của chúng tôi trong thời gian còn lại của năm 2022 cho thấy thị trường vẫn có thể trượt dốc thêm vào mùa hè này. Chúng tôi đang theo dõi một số mức quan trọng nhất định và ở những mức này, chúng tôi muốn nhìn thấy thị trường ngừng suy thoái, đi ngang và ổn định trước khi chúng tôi có thể nói rằng chúng ta đã sẵn sàng cho một chiều hướng đi lên. Chúng tôi dự đoán nhiều công ty sẽ đưa ra triển vọng tiêu cực hoặc không có triển vọng gì trong nửa cuối năm khi họ công bố lợi nhuận. Các công ty sẽ phải đề phòng hàng tồn kho của họ. Cục Dự trữ Liên bang có nhiệm vụ nan giải nhất là tránh lạm phát đình trệ và tránh được một cuộc hạ cánh cứng.”
Nhưng ông Robert R. Johnson, Giáo sư Tài chính, Trường Kinh doanh Heider, Đại học Creighton cho biết, các nhà đầu tư có thể bắt đầu xem xét các nguyên tắc căn bản một lần nữa, sử dụng các số liệu như bảng cân đối kế toán và dòng tiền.
Ông Johnson nói với The Epoch Times: “Đối với các nhà đầu tư dài hạn, cổ phiếu chắc chắn hấp dẫn hơn so với thời điểm đầu năm 2022. Các nhà đầu tư nên ưu tiên các công ty có bảng cân đối kế toán mạnh, dòng tiền mạnh, nợ thấp hơn và vị thế tiền mặt cao hơn. Có nghĩa là, cổ phiếu giá trị trông hấp dẫn hơn cổ phiếu tăng trưởng trong môi trường đầy biến động này.”
Nhìn chung, ông Jim Reid, người đứng đầu chiến lược tín dụng căn bản toàn cầu tại Deutsche Bank, không tin rằng nửa cuối năm có vẻ khả quan.
Ông viết trong một ghi chú hôm thứ Sáu: “Tin tốt là nừa đầu năm đã qua đi rồi, tin xấu là triển vọng của nửa cuối năm có vẻ không tốt.”
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).
Vân Du biên dịch