Người Ukraina chuẩn bị cho cuộc xâm lược của Belarus dự kiến vào giữa tháng Bảy
Cuộc chiến của Nga tiếp tục diễn ở ở miền đông và miền nam Ukraina, nhưng người dân Ukraina ở miền bắc và miền tây hiện đang chuẩn bị cho một cuộc chiến mới do lo ngại rằng Belarus có thể tiến hành một cuộc xâm lược trên bộ vào giữa tháng 7.
Sau những nỗ lực đầu tiên của Nga nhằm chiếm thủ đô Kyiv và việc rút quân sau đó khỏi miền Bắc, người dân Ukraina đã nỗ lực hết sức để trở lại cuộc sống bình thường.
Anastasiya Koval, một người Mỹ gốc Ukraina vừa trở về từ Lviv, cho Fox News biết các quán bar, nhà hàng và cửa hiệu đã mở cửa trở lại khoảng một tháng sau khi Nga tấn công Ukraina.
“Nền kinh tế phải tiếp tục phát triển”, Koval nói với Fox News. “Đó là một cảm giác rất lạ, có những đồn bốt, có những người lính đi xung quanh với súng trường. Có những bao cát. Những tòa nhà được che chắn, những tượng đài được bao phủ.
“Đó chắc chắn là thời chiến,” cô nói thêm.
Koval, người đã trở về Mỹ vào tuần trước cho biết còi báo động của cuộc không kích đã vang lên ba đến bốn lần một ngày khi cô ở Lviv.
“Nó nhiều đến mức không ai còn phản ứng với chúng nữa”, cô nói.
Chiến tranh với Nga còn chưa có dấu hiệu suy giảm nhưng ngày càng có nhiều lời bàn tán rằng Belarus sẽ chính thức tham chiến và tiến hành một cuộc xâm lược trên bộ vào giữa tháng Bảy.
Tuần trước, tên lửa của Nga đã được bắn vào các mục tiêu Ukraina từ bên trong lãnh thổ Belarus lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng Hai.
Vẫn chưa rõ liệu Belarus có chính thức tham chiến hay không, nhưng Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko đã nhiều lần ủng hộ ông Putin và hôm Chủ nhật ông đã nói với truyền thông Belarus rằng ông đã ủng hộ cuộc xâm lược của Matxcova vào Ukraina “ngay từ ngày đầu tiên.”
Các đợt bắn phá mới của Nga ở miền bắc và miền tây Ukraina đã gia tăng trong những tuần gần đây bất chấp những tuyên bố của Nga nhiều lần rằng hoạt động quân sự này là nhằm giành “toàn quyền kiểm soát” đối với những nhà nước cộng hòa tự xưng ở miền đông và miền nam Ukraina.
“Tôi không biết liệu Belarus có thực sự xâm lược hay không [hay] đó chỉ là một chiến thuật hù dọa”, Koval nói và cho rằng đây cũng có thể là một âm mưu khuyến khích Kyiv di chuyển binh lính ra khỏi tiền tuyến của mình, điều này sẽ giúp Nga có được lợi thế.
Koval, người có các thành viên gia đình ở tiền tuyến và ông bà vẫn ở Lviv, đang giúp đỡ Ukraina thông qua một tổ chức phi lợi nhuận do gia đình tự quản có tên “Ác quỷ không thể lên Thiên đường” (Evil Cannot Enter Heaven) – một tổ chức từ thiện do cha cô, Ihor Koval điều hành để chuyên cung cấp cho quân đội Ukraina những thiết bị cần thiết.
Cha của Koval sinh ra ở Ukraina và phục vụ trong Quân đội Liên Xô trước khi giải thể vào năm 1992. Sau đó, ông chuyển đến Mỹ.
Ông đã hỗ trợ các dịch vụ vũ trang của Ukraina kể từ cuộc xâm lược năm 2014 của Nga và sử dụng các mối liên hệ của mình để có được các thiết bị chiến đấu tiền tuyến như mũ bảo hiểm, áo chống đạn, bộ lọc nước, ủng, bộ garô và các vật tư y tế khác.
Koval giải thích rằng do quy mô của cuộc chiến, chính phủ Ukraina chỉ có thể cung cấp khoảng 65% nhu cầu cơ bản trên chiến trường. 35% còn lại phải được cung cấp thông qua các phương tiện cá nhân hoặc nhờ sự trợ giúp của tổ chức.
Koval nói: “Chúng tôi sẽ giành chiến thắng. Đây là điều mà mọi người đều nói – chúng tôi sẽ giành chiến thắng, nhưng khi nào và với cái giá nào? Vấn đề là, tinh thần sẽ luôn đánh bại các nguồn lực,” cô tiếp tục. “Nga có rất nhiều nguồn lực, và chúng tôi có rất nhiều tinh thần.”
Koval thừa nhận rằng Belarus tham chiến có thể sẽ dẫn đến thiệt hại lớn hơn về nhân mạng và cơ sở hạ tầng, nhưng cô ấy nhắc lại, “Tinh thần sẽ luôn đánh bại các nguồn lực. Lúc nào cũng như vậy.”
Anh: Hàng chục thành viên nội các từ chức để phản đối, ông Johnson thề “tiếp tục chiến đấu”
Thủ tướng Anh Boris Johnson đang phải đối mặt với khủng hoảng chính trị nghiêm trọng khi một loạt thành viên nội các từ chức nhằm gây áp lực buộc ông phải bước xuống. Đáp trả lại, ông Johnson đã sa thải một quan chức thân cận hàng đầu và thề sẽ “tiếp tục chiến đấu”.
Sau cú sốc từ chức vào cuối ngày thứ Ba của Rishi Sunak với tư cách là Bộ trưởng Tài chính và Sajid Javid với tư cách là Bộ trưởng Y tế, cùng hàng loạt đơn xin từ chức khác, ông Johnson đã sa thải Bộ trưởng Cộng đồng Michael Gove – cánh tay phải của mình trong chiến dịch trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016 – khi ông này lên tiếng phản đối.
Thư ký quốc hội riêng của ông Johnson, James Duddridge, nói với hãng tin Sky News rằng ông Johnson “sẽ chiến đấu”.
“Thủ tướng đang có tâm trạng phấn chấn và sẽ chiến đấu tiếp,” ông Duddridge nói, đồng thời cho biết thêm rằng tuần tới ông Johnson sẽ công bố một chiến lược mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt đang ảnh hưởng đến nước Anh.
Ông Gove được cho là thành viên nội các đầu tiên đối đầu với ông Johnson vào thứ Tư với thông điệp rằng ông phải ra đi vì lợi ích của đảng Bảo thủ (Tory) và đất nước.
Bộ trưởng Xứ Wales Simon Hart và Bộ trưởng trẻ em và gia đình Will Quince cũng đã từ chức.
Sau đó, một phái đoàn gồm các thành viên nội các khác đã chờ đợi ông Johnson trở lại Phố Downing và nói với ông rằng thời gian của ông đã hết.
Ông Johnson đã phớt lờ lời kêu gọi từ chức.
“Boris Johnson đã nói với các bộ trưởng nội các rằng ông sẽ không từ chức, lập luận rằng điều đó sẽ gây ra ‘hỗn loạn’ và phe Bảo thủ sẽ rơi vào thất bại ‘gần như chắc chắn’ tại cuộc bầu cử tiếp theo,” theo Daily Mail.
Trong vòng hơn 24 giờ, đã có tổng cộng 43 bộ trưởng và các trợ lý nghị sĩ đảng Bảo thủ từ chức.
Tại quốc hội, ông Johnson nhấn mạnh đất nước cần “chính phủ ổn định, yêu thương nhau với tư cách là những người Bảo thủ, thực hiện các ưu tiên của chúng tôi”.
Những tiếng kêu “Tạm biệt, Boris” vang vọng khắp căn phòng khi bài phát biểu của ông kết thúc.
Ông Johnson đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm giữa các nghị sĩ Đảng Bảo thủ cách đây một tháng, điều này thường có nghĩa là ông không thể bị thách thức tiếp trong một năm nữa. Nhưng điều này cũng vẫn có thể thay đổi, theo Ủy ban 1922.
Một cuộc thăm dò nhanh của Savanta ComRes hôm thứ Tư chỉ ra rằng ba trong năm cử tri Đảng Bảo thủ nói rằng ông Johnson không thể lấy lại lòng tin của công chúng, trong khi 72% tổng số cử tri cho rằng ông nên từ chức.
Xuân Lan
Tiết lộ đoạn ghi âm của Phúc Cảnh 001 trước khi gặp nạn: Cứu hộ Trung Quốc từ chối ứng cứu
Sáng sớm ngày 2/7, tàu cần cẩu Phúc Cảnh 001 (Fujing 001) phục vụ cho việc xây dựng dự án trang trại điện gió ngoài khơi của Trung Quốc, đã gặp nạn tại vùng biển gần thành phố (Yangjiang) Dương Giang, tỉnh Quangdong (Quảng Đông).
Thông tin mới tiết lộ cho thấy các thành viên thủy thủ đoàn đã nhờ tàu cứu hộ của Cục Cứu hộ Biển Đông và Hải quân Trung Quốc gần đó giúp đỡ, nhưng không một đơn vị nào đến cứu hộ, vài giờ sau tàu “Fujing 001” liền bị vỡ thành hai mảnh chìm xuống biển, trước khi chìm hẳn, một trực thăng cứu hộ của Hong Kong đã đến cứu được 3 thành viên thủy thủ đoàn.
Theo truyền thông Trung Quốc NetEase, vào ngày 4/7, tức là ngày thứ ba của cuộc tìm kiếm và cứu nạn con tàu đắm “Phúc Cảnh 001”, đoạn băng ghi âm cầu cứu vào ban đêm khi con tàu đang gặp nạn đã được tiết lộ, cho thấy những tình tiết như sau:
Vào lúc 5h42 tối ngày 2/7, “Phúc Cảnh 001″ cầu cứu tàu cứu hộ của ”Cục Cứu hộ Biển Đông 113″ gần đó: “Các anh bây giờ hãy cố gắng đến đây một chút, các anh là hy vọng duy nhất của chúng tôi”. Cục Cứu hộ trả lời, do sóng và gió quá lớn nên thuyền cứu hộ không thể đến đó được.
Đến 6 giờ 30 phút, tàu “Phúc Cảnh 001” lại kêu gọi sự trợ giúp từ Hải quân Trung Quốc: “Hiện tại tàu chúng tôi đang nghiêng 21 độ, con tàu đang bị nước vào. Chúng tôi đang ở trong khu vực xây dựng điện gió ngoài khơi”. Nhưng hải quân cũng trả lời rằng họ không thể tiếp cận con tàu do điều kiện thời tiết xấu.
Vào lúc 11 giờ 20 tối ngày 2/7, tín hiệu của “Phúc Cảnh 001” đã biến mất khỏi hệ thống nhận dạng tự động của tàu.
Theo NetEase đưa tin, lúc 5h14 ngày 4/7, tàu khu trục tên lửa dẫn đường 162 của Hải quân Trung Quốc đã cứu được một người ở khu vực tìm kiếm bên ngoài, người được cứu trong tình trạng thể chất bình thường thuộc công nhân boong tàu “Phúc Cảnh 001”, và đã được sắp xếp di chuyển vào bờ. Nói cách khác, Hải quân Trung Quốc và Cục Cứu hộ Biển Đông đã đợi đến khi cơn bão đi qua, và tàu “Phúc Cảnh 001” đã gặp nạn 2 ngày mới cử tàu tham gia ứng cứu.
Theo đài RFI, ngay trước khi tàu cần cẩu “Phúc Cảnh 001” chìm hoàn toàn, 3 thuyền viên còn lại trên tàu đã được đội cứu hộ trực thăng Hong Kong cứu lên, 27 người còn lại mất tích.
Chiếc trực thăng cứu hộ do Hong Kong cử đi cách khu vực xảy ra tai nạn hơn 300 km đã đến hiện trường vào lúc 12h ngày 2/7.
Đoạn video được cư dân mạng đăng tải cho thấy, khi trực thăng cứu hộ Hong Kong tới hiện trường, tàu cần cẩu “Phúc Cảnh 001” đã bị vỡ làm hai phần, phần đầu chìm hoàn toàn, phần đuôi tàu vẫn còn trên mặt nước đang dần dần chìm xuống. Đến phút cuối, lực lượng cứu hộ đã giải cứu được ba thuyền viên.
Theo báo cáo của Sina.com, tính đến 15:30 ngày 4/7, trong số 30 người trên tàu “Fujing 001”, 4 người đã được cứu sống, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy và vớt được thi thể của 12 nạn nhân bị nghi đuối nước. Hoạt động tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang được tiếp tục.
Sau sự cố này, cư dân mạng đại lục đã đăng trên Weibo, chất vấn hải quân Trung Quốc và Cục Cứu hộ Biển Đông:
Đài phát thanh ”Sound of Hope” đã trích dẫn một số bình luận của cư dân mạng như sau:
“Tin tức này phải hiểu thế nào đây? Nghĩa là khoảng 5h30-11h30 tối, trong gần 6h đồng hồ vẫn không có ai thực hiện các biện pháp ứng cứu sao?”
“Trong sáu tiếng đồng hồ, một chiếc máy bay đã bay từ Hồng Kông và cứu được ba người. Nghe nói là gió ở Hong Kong nhẹ nên có thể từ đó qua. Nhưng bão là theo hình tròn, ở Hồng Kông thì gió lại nhẹ hơn còn ở trong bán kính ảnh hưởng của tâm bão các chỗ khác lại mạnh hơn sao? Và sao chỉ cử có một chiếc máy bay thôi? Tại sao không có phương tiện truyền thông tin cậy nào đưa tin chi tiết rằng gió ở Hong Kong đủ nhẹ để bay nhỉ? ”
Người khác nói: “Phải yêu cầu Hong Kong điều máy bay qua biên giới để cứu hộ sao. Bên Trung Quốc đại lục này ngay cả khả năng cứu hộ trên biển tối thiểu cũng không được trang bị sao? Đây thực sự là một chuyện lớn, hơn 20 nhân mạng đấy!”
Người khác thẳng thắn nói: “Tàu cứu hộ gặp chuyện mà không làm được gì thì sao gọi là tàu cứu hộ được? Thật là vô dụng.”
Một số cư dân mạng đặt câu hỏi về các biện pháp dự phòng mà nhà chức trách thực hiện trên tàu cần cẩu “Fujing 001” trước khi cơn bão ập đến, rằng:
“Tin tức cho biết là tàu đang tránh bão Chaba tại khu neo đậu chống bão nhưng xích neo bị đứt. Sau khi đọc tin tôi có chút không thể lý giải. Tại sao neo đậu chống bão lại ở tại chính xác chỗ đường đi của bão? Là không nắm được hướng đi của cơn bão sao? Và tại sao các thuyền viên không di tản sớm hơn?”
“Cấp quản lý làm việc cẩu thả nghiêm trọng! Đài quan sát khí tượng đã đưa ra cảnh báo bão thì tất cả thuyền viên phải được di tản chứ”.
Nam Hàn tái khởi động việc xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân
Hôm 05/07, Nam Hàn thông báo nước này sẽ khởi động lại công việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân và tiếp tục vận hành những lò đã đang hoạt động rồi.
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp, và Năng lượng Nam Hàn, hành động này được thực hiện “theo các thủ tục ra quyết định cao nhất” của chính phủ tân Tổng thống Yoon Suk-yeol .
Bộ Năng lượng cho biết việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân Shin-Hanul số 3 và số 4 sẽ giúp đạt được mục tiêu tăng điện hạt nhân trong sản xuất điện của Hàn Quốc lên 30% hoặc hơn vào năm 2030. Điện hạt nhân hiện chiếm khoảng 27% trong số các loại năng lượng của quốc gia này. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Nam Hàn hiện có 25 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động.
Hôm 05/07, Bộ Năng lượng cho biết họ cũng sẽ nghiên cứu cách xử lý “chất thải phóng xạ mức độ cao”.
Ông Yoon, người nhậm chức hôm 10/05, đã hứa sẽ thúc đẩy việc đầu tư vào ngành công nghiệp hạt nhân và phục hồi vị thế của ngành này như một nhà xuất cảng chủ chốt với các lò phản ứng hạt nhân an toàn. Các công ty năng lượng ở Nam Hàn đã và đang mở rộng hoạt động kinh doanh năng lượng hạt nhân sau khi ông Yoon hứa sẽ tăng các nhà máy điện hạt nhân.
Việc đẩy mạnh năng lượng hạt nhân cho thấy sự đảo ngược chính sách rõ ràng so với chính sách của chính phủ tiền nhiệm, do tổng thống khi đó là Tổng thống Moon Jae-in, người đã thúc đẩy loại bỏ dần điện hạt nhân trong khoảng 45 năm. Công việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân đã bị dừng lại kể từ năm 2017 khi ông Moon nhậm chức.
Một đợt suy thoái toàn cầu trong ngành điện hạt nhân được kích hoạt vào năm 2011 sau khi một trận động đất và sóng thần làm hư hỏng ba lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy hạt nhân Fukushima Dai-Ichi của Nhật Bản. Tâm lý của công chúng đối với điện hạt nhân nghiêng hơn về sự thận trọng vào năm 2016 sau khi một trận động đất lớn 5.8 độ richter tấn công khu vực đông nam của bán đảo Triều Tiên, nơi có hầu hết các nhà máy hạt nhân của quốc gia này.
Xuất cảng điện hạt nhân
Ngoài việc tái khởi động xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân, Bộ Năng lượng Hàn Quốc cho biết họ có kế hoạch xuất cảng 10 nhà máy hạt nhân vào năm 2030 và cũng phát triển một loại lò phản ứng mô-đun nhỏ với vốn đầu tư 300 triệu USD vào cùng năm đó.
Ông Yoon và các quan chức khác gần đây đã đến Âu Châu để tham dự các hội nghị thượng đỉnh G-7 và NATO, nơi ông Yoon đã quảng bá năng lượng hạt nhân của Hàn Quốc trong các cuộc họp với các quan chức của Ba Lan và Cộng hòa Séc, cả hai nước này đều đang tìm kiếm nhà thầu cho các nhà máy điện hạt nhân mới của họ.
Ông Choi Sang-mok, Thư ký tổng thống cấp cao của Hàn Quốc về các vấn đề kinh tế, nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm 28/06 rằng: “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để giành được các đơn đặt hàng cho các nhà máy điện hạt nhân đối với các nước, bao gồm Ba Lan và Cộng hòa Séc, nơi mà việc lựa chọn nhà thầu sắp diễn ra.”
“Trong 5 năm qua, chúng ta đã chứng kiến một tình huống mâu thuẫn ở chỗ trong nước thì, chúng ta đang tìm cách phi hạt nhân hóa, nhưng ngoại quốc thì, chúng ta lại đang theo đuổi việc xuất cảng các nhà máy điện hạt nhân,” ông cho biết, ý nói đến chính sách của chính phủ tổng thống Moon. “Ngành công nghiệp hạt nhân gần như đã trên bờ vực sụp đổ, nhưng hiện giờ chúng tôi dự định phục hồi lại việc xuất cảng điện hạt nhân.”
Khởi động lại việc xây dựng các lò phản ứng và xuất cảng điện hạt nhân là một phần của kế hoạch mà Bộ Năng lượng Nam Hàn đã chia sẻ hôm 05/07 nhằm đạt được các mục tiêu chính sách về bảo đảm an ninh năng lượng và đạt được “mục tiêu trung hòa carbon” trong bối cảnh áp lực của chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu.
Bộ Năng lượng cho biết họ cũng tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhập cảng nhiên liệu hóa thạch từ 81.8% trong năm 2021 xuống còn 60% vào năm 2030. Bộ này cũng lưu ý rằng việc loại bỏ dần than, một loại nhiên liệu hóa thạch, phải được thực hiện một “cách có lý trí” và xem xét các điều kiện cung và cầu.
Nam Hàn là nhà nhập cảng dầu lớn thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản, theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nam Hàn thuộc sở hữu nhà nước, trong khi Tập đoàn Khí đốt Nam Hàn thuộc sở hữu nhà nước của họ là công ty mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, theo một phát ngôn viên của Tập đoàn Khí đốt Nam Hàn.
Cô Mimi Nguyen Ly là một phóng viên sống và làm việc tại Úc, đưa tin về thời sự thế giới với trọng tâm là tin tức Hoa Kỳ.
Vân Du biên dịch
Giám đốc tình báo Anh, Mỹ cảnh báo mối đe dọa hết sức to lớn từ Trung Quốc
Th.Long
Giám đốc cơ quan tình báo Anh và Mỹ lần đầu tiên cùng xuất hiện trước công chúng để cảnh báo mối đe dọa từ Trung Quốc, theo BBC.
Cuộc gặp gỡ chưa từng có này diễn ra tại trụ sở chính của Cơ Quan An Ninh Anh (MI5) ở London, Anh, hôm Thứ Tư, 6 Tháng Bảy.
Ông Ken McCallum (trái), giám đốc MI5, và ông hristopher Wray, giám đốc FBI, cùng xuất hiện tại trụ sở MI5 ở London, Anh, hôm Thứ Tư, 6 Tháng Bảy. (Hình: FBI)
Ông Christopher Wray, giám đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Mỹ (FBI), tuyên bố Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất về lâu dài cho an ninh kinh tế và quốc gia của chúng ta” và từng can thiệp vào chính trị, như những cuộc bầu cử gần đây.
Ông Ken McCallum, giám đốc MI5, cho hay cơ quan này phải tăng hơn gấp đôi số lượng công việc chống lại hoạt động của Trung Quốc trong ba năm qua và sẽ phải tăng gấp đôi lần nữa.
Số vụ điều tra mà MI5 đang thực hiện liên quan hoạt động của đảng Cộng Sản Trung Quốc nhiều gấp bảy lần năm 2018, ông McCallum cho biết thêm.
Ông Wray cảnh báo nếu Trung Quốc cưỡng chiếm Đài Loan, sự kiện đó sẽ “là một trong những vụ làm gián đoạn kinh tế khủng khiếp nhất thế giới từ trước tới nay.”
Ông McCallum cũng cho rằng mối đe dọa từ đảng Cộng sản Trung Quốc đang làm “thay đổi tình thế,” còn ông Wray nói mối đe dọa đó “rộng lớn” và “gây kinh ngạc.”
Ông Wray cảnh báo người dự buổi gặp gỡ này – gồm giám đốc doanh nghiệp và giới chức cao cấp của trường đại học – rằng chính phủ Trung Quốc “muốn trộm cắp công nghệ của quý vị” bằng hàng loạt công cụ khác nhau.
Ông cho hay mối đe dọa Trung Quốc gây ra “cho doanh nghiệp Tây Phương nghiêm trọng hơn mức nhiều thương gia thông thái nhận thấy.” Ông dẫn ra nhiều vụ những người dính líu tới công ty Trung Quốc ở vùng quê Mỹ đào trộm hạt giống biến đổi di truyền, mà nếu tự chế tạo, họ có thể tốn hàng tỷ đô la và gần 10 năm.
Ông Wray cũng cho biết Trung Quốc dùng tình báo mạng để “lừa đảo và trộm cắp quy mô lớn,” bằng chương trình tấn công mạng lớn hơn chương trình của tất cả nước lớn cộng lại.
Ông McCallum cho biết MI5 chia sẻ tin tình báo về mối đe dọa trên mạng với 37 quốc gia và hồi Tháng Năm, họ chặn được mối đe dọa tinh vi nhắm vào hàng không.
Ở Mỹ, ông Wray cho hay chính phủ Trung Quốc trực tiếp can thiệp bầu cử Quốc Hội ở New York mùa Xuân vừa qua vì họ không muốn ứng cử viên từng biểu tình trong vụ Thiên An Môn đắc cử.
Theo ông Wray, Trung Quốc đang rút ra “đủ kiểu bài học” từ vụ Nga xâm lăng Ukraine, như cách đối phó những lệnh cấm vận giống như Tây Phương đang áp đặt lên Nga.
Nếu Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan, kinh tế sẽ bị gián đoạn nặng nề hơn nhiều so với năm nay, theo ông Wray, và đầu tư của Tây Phương ở Trung Quốc sẽ trở thành “con tin,” còn hệ thống cung ứng sẽ đổ vỡ.
Ông McCallum loan báo Anh sẽ ra luật mới giúp đối phó mối đe dọa từ Trung Quốc nhưng Anh cũng cần trở thành “mục tiêu khó tấn công hơn” bằng cách bảo đảm mọi thành phần xã hội hiểu biết rõ hơn mối đe dọa đó. Ông cho hay sau khi Anh sửa lại hệ thống cấp visa, hơn 50 sinh viên ở Anh dính líu quân đội Trung Quốc phải cuốn gói về nước.