Lạm phát gia tăng khiến một số quốc gia Á Châu thực hiện các biện pháp

Aldgra Fredly

Quang cảnh đường chân trời thành phố Kuala Lumpur ở Malaysia hôm 07/02/2018. (Ảnh: Lai Seng Sin/Reuters)

Các chính phủ ở Châu Á đang đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát giá lương thực, đưa ra các gói cứu trợ kinh tế bổ sung cho các gia đình trong bối cảnh lạm phát tăng cao do cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra.

Malaysia dự kiến ​​sẽ chi khoảng 17.5 tỷ USD cho các khoản trợ cấp trong năm nay, bao gồm cả khoản trợ cấp thịt gà và trứng trị giá 83 triệu USD được công bố gần đây, để kiểm soát lạm phát.

Hãng thông tấn nhà nước Bernama đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Zafrul Abdul Aziz hôm 30/06 cho biết tỷ lệ lạm phát của Malaysia có thể tăng 11.4% trong tháng Năm, nhưng chính sách trợ cấp đã giúp giữ lạm phát ở mức 2.8%.

Ông Zafrul cho biết nền kinh tế mở của nước này bị ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát toàn cầu, với giá dầu thô Brent tăng lên 100 USD/thùng và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá lương thực tăng.

Chính phủ Malaysia sẽ cung cấp thêm 142 triệu USD hỗ trợ tiền mặt để bảo vệ các gia đình có thu nhập thấp “khỏi gánh nặng chi phí sinh hoạt tăng cao,” ông cho biết.

Singapore

Hôm 21/06, chính phủ Singapore đã công bố gói hỗ trợ 1 tỷ USD để cung cấp cứu trợ ngay lập tức cho các nhóm thu nhập thấp hơn và giúp các công ty trong nước duy trì hoạt động kinh doanh và lực lượng lao động của họ.

Theo các bản tin trong nước, tỷ lệ lạm phát cơ bản của nước này đã tăng lên 3.3% so với cùng thời kỳ năm ngoái vào tháng Tư, mức cao nhất kể từ tháng 01/2012, khi con số này lên tới 3.5%.

Bộ Tài chính Singapore cho biết cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra và các hạn chế COVID-19 ở một số quốc gia đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến giá năng lượng và lương thực tăng cao.

Bộ này cho biết trong một tuyên bố: “Nhiều khả năng lạm phát toàn cầu sẽ vẫn ở mức cao trong một thời gian và thậm chí có thể tăng hơn nữa trước khi tình hình ổn định và cải thiện hơn. Tương tự như vậy ở Singapore, chúng tôi phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho giá cả tăng cao hơn trong vài tháng tới.”

Nhật Bản

Nhật Bản đã phân bổ 48 tỷ USD để chi cho các khoản trợ cấp và cung cấp các khoản chi trả bằng tiền mặt cho các gia đình có thu nhập thấp như một phần của nỗ lực nhằm giảm nhẹ đòn giáng kinh tế do giá nhiên liệu và nguyên liệu thô tăng.

Tỷ lệ lạm phát cơ bản của nước này là 2.1% trong tháng Tư. Khoản ngân sách được phân bổ sẽ bao gồm cả các khoản chi tiêu của chính phủ để giải quyết giá nhiên liệu tăng cao và bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng, nguyên liệu thô, và thực phẩm ổn định.

Tokyo đang dựa vào cả biện pháp kích thích tài khóa hào phóng cũng như chính sách tiền tệ cực độ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế, trái ngược hẳn với sự chuyển hướng sang tăng lãi suất ở Hoa Kỳ, Âu Châu, và các nơi khác.

Thái Lan

Thái Lan đã gia hạn các biện pháp cứu trợ thêm ba tháng cho đến tháng Chín, bao gồm trợ cấp hàng tháng 100 baht (2.83 USD) cho khí ga nấu ăn và ổn định giá xăng xe cho các tài xế taxi.

Các biện pháp này được đưa ra khi lạm phát toàn phần của Thái Lan đạt mức cao nhất trong 14 năm là 7.1% vào tháng Năm, do giá dầu tăng.

Phát ngôn viên Thanakorn Wangboonkongchana cho biết chính phủ cũng sẽ tìm kiếm các nhà máy lọc dầu và nhà máy tách khí để đóng góp một số lợi nhuận vào quỹ dầu mỏ nhà nước trong ba tháng.

Ông Thanakorn nói rằng các công ty sẽ được khấu trừ thuế đối với các chi phí liên quan đến hội thảo và triển lãm từ tháng Bảy đến tháng Mười Hai, và một chương trình hiện có cho phép người dân địa phương đi du lịch trong nước sẽ được gia hạn cho đến tháng Mười.

Cô Aldgra Fredly là một cây viết tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.

Nhật Thăng biên dịch

Related posts