Nguyễn Thơ Sinh
Ngày 06/07/2022
Tháng sáu đi. Tháng bảy về. Mới đó mà đã đó. Dưa hấu mùa trước hương vị ký ức chưa kịp phai lạt dưa hấu mùa này đã chen lấn, đổ tràn tại mấy thùng giấy carton to đùng trong các chợ. Chỉ khác là năm nay dưa hấu không còn rẻ nữa. Nó đắt hơn (do đồng tiền lạm phát, mất giá). Mà gẫm lại có thứ gì hôm nay không tăng vọt khi đồng tiền tuột giảm giá trị như cái cạp quần thun đã cũ. Dưa hấu đắt. Pháo hoa cũng sẽ đắt. Phen này người Mỹ hẳn sẽ phải thắt lưng buộc bụng bởi không thể vung tay quá trán mãi. Gì chứ, giá cả leo thang, đến một lúc nào đó quyết liệt hơn không muốn khéo ăn, khéo co cũng không được.
Có thiệt mọi cái sẽ tồi tệ như vậy hay không? Tiệm nail vẫn ì đùng những mợ, những cô người Mỹ bản xứ đến làm đẹp và hưởng thụ. Vẫn quần tà lỏn, vẫn đôi dép nhựa lẹp kẹp, thượng lên ghế, vắt vẻo chân, miệng nhóp nhép nhai kẹo cao su. Những đôi mắt dán lông mi dài, cong vút. Những bàn tay móng đỏ trau chuốt, sành điệu. Tóc vẫn nhuộm. Son vẫn tô. Má vẫn giồi phấn. Nhu cầu làm đẹp có thể đã miễn nhiễm trước vật giá leo thang?
Còn chuyện dân Mỹ ăn tiệm thì sao? Chao ôi. Dân làm nhà hàng nhiều cấp nhăn nhó bởi tình hình không còn sầm uất như trước nữa. Hồi xưa cứ nghĩ người giàu ở Mỹ tiền của dư thừa, kinh tế trồi sụt chẳng ảnh hưởng gì đến họ. Thậm chí có người còn xót xa nhận xét kinh tế càng xấu, người nghèo càng khổ thì người giàu càng tha hồ lũng đoạn, càng có thêm cơ hội hốt bạc. Nhưng theo nhận xét của dân làm nhà hàng khách khứa dạo gần đây kém hẳn. Giá xăng ngất ngưởng tầm 5 đôla một gallon, mọi thứ tăng vọt. Từ rau cải đến thịt gà, cam táo đến hành hẹ, ngay cả đậu lon, trứng, sữa, phó mát cũng tăng theo. Nhiều loại hàng còn khan hiếm, không có. Tình hình này có muốn bằng chân như vại cũng không được!
Thế đấy. Lượng khách tại những nhà hàng giảm hẳn. Dân giàu không xài tiền nữa ư? Hay giới trung lưu mới thực sự là lượng khách cốt lõi của những nhà hàng. Và như thế, khi Phố Wall liên tục gởi đi những tín hiệu u ám, giá cổ phiếu bốc hơi qua đêm, họ mất tiền do giá cổ phiếu giảm mạnh buộc không thể tiêu xài rộng rãi như trước nữa? Ấy là chưa kể chỉ số lạc quan (confidence index) tại Mỹ hiện đang tạo ra những cảm giác hoang mang khá rõ.
Trò chuyện với vài anh bạn cùng sở về tình hình chiến sự tại Ukraine mới thấy vụ này có phần giảm hẳn tám phần hào hứng. Có thể do tại Mỹ, Tòa tối cao mạnh tay bức tử luật Roe (Roe V Wade) cho phép các tiểu bang quyền định đoạt luật cấm phá thai đã ảnh hưởng không ít đến bầu không khí chính trị Mỹ. Với 5 vị rặt máu Cộng hòa, một đứng giữa và 3 nghiêng về Dân chủ; biểu quyết lần này (6-3) đã tung một cú chưởng chí mạng vào đầu luật Roe vốn cho phép phụ nữ Mỹ được quyền phá thai hợp pháp. Hai phần ba dân số Mỹ khi được thăm dò cho biết họ muốn luật Roe vẫn giữ nguyên (sau gần 50 năm chẳng chết thằng Tây nào)!
Thế là dân Mỹ nhiều nơi biểu tình với phán quyết lần này của Tòa tối cao. Hiển nhiên tương tự như bao vấn đề gay cấn khác trong xã hội, sân khấu chính trị Mỹ hôm nay đang dấy lên những pha tấn công gió tanh mưa máu, lơ tơ mơ là toi ngay. Tình trạng chia rẽ chưa bao giờ ngột ngạt căng thẳng nghiệt ngã đến thế. Ngôn từ nhào nặn. Tư tưởng cũ, mới được tút lại. Người ta tấn công nhau bằng mọi thủ đoạn, từ xảo biện tinh vi đến tầm thường trắng trợn, từ chiết tự giằng co đến chụp mũ, ngậm máu phun người. Kết cục: Những kẻ to mồm hoặc biết gãi đúng chỗ ngứa các cử tri là có đất đứng. Úm ba la. Miệng chó từ nay tha hồ mọc ngà voi, có điều trong mắt cử tri ai là chó, ai là người xem ra càng lúc càng khó nhận diện hơn!
Thế là tháng sáu sau chín mươi ngày chứng kiến bao cảnh éo le nực cười ở Mỹ vừa hết ca trực đã vội vã chuồn (dù nó là đứa chẳng tử tế, tốt lành gì bởi đã từng hả hê vui thú hành hạ dân chúng Mỹ bằng những đợt nóng lột da người). Nó vừa đi. Tháng Bảy kéo đến.
Nói thì nói vậy tháng Bảy xem ra chẳng đánh lừa được ai. Bàn dân thiên hạ đang cố tình quên đi những điều không vui đang lù lù án ngữ trên lộ trình kinh tế. Khái niệm suôn sẻ chưa bao giờ gặp phải những khúc khuỷu gập ghềnh khi giá xăng càng lúc càng là hiện thân điểm nhấn cơn dư chấn do thiên thạch “Chiến tranh Ukraine” va vào hành tinh dẫn đến hiệu ứng thọc gậy bánh xe, phá hỏng bao dây chuyền sản xuất cũng như đập vỡ nồi cơm của biết bao nhiêu khâu hậu cần vận chuyển. Tình hình này nếu không kết thúc sớm không biết chuyện gì tồi tệ hơn sẽ xảy ra trong nay mai.
Một dạo người ta kháo nhau $15/hr cho mức lương lao động phổ thông tại Mỹ là điều bất khả. Vậy mà… Sau vài đợt chính phủ Mỹ quẳng hàng núi tiền vào xã hội cứu nguy nền kinh tế do Covid-19 liên tục giáng những cú trời sập lên mọi lĩnh vực sinh hoạt đời sống lạm phát đã trở thành thứ phản ứng phụ ngoài mong đợi. Giới lao động phổ thông bây giờ thấy lương $15/hr là chau mày, lắc đầu. Từ những gì đang thấy hiện nay, tiền thuê nhà tăng nhanh như biết mọc cánh, đi chợ thì ngán ngẩm bởi tiền xỉa ra sao mà xót ruột. Ông nội ơi. Trăm dâu đổ đầu tằm. Cái gì cũng đắt đỏ, muốn lạc quan lên một chút cũng không được.
Trong bối cảnh đó, tháng Bảy về, năm nay dường như nó khác hẳn so với mọi năm (nếu bạn sống ở Mỹ được bốn, năm “mùa tháng Bảy” tại đây để có dịp so sánh). Dưa hấu vẫn đỏ. Dâu tây vẫn ngọt lịm (nếu bạn gặp may). Cherry có phần đắt hơn (một phần do mất mùa, một phần do lạm phát). Tất nhiên pháo hoa vẫn được bày bán dọc lề đường bởi người trẻ Mỹ vẫn thích cảm giác mạnh, thích vui chơi thả cửa. Nhưng nếu quan sát kỹ, có vẻ tháng Bảy năm nay người ta bớt hẳn những hào hứng. Cờ vẫn cắm đấy nhưng Lễ Độc lập nhưng trong suy nghĩ riêng tư của họ liệu có còn hào hứng? Hay người ta phải tự dặn phải chịu khó nghe ngóng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra những quyết định có dính dáng đến tiêu pha, tiền bạc.
Mà thôi. Nói thì nói vậy. Bi quan hay lạc quan gẫm lại vẫn là một phần của đời sống vốn trực tiếp liên quan đến quá trình hình thành nhân cách. Tuổi tác bao giờ cũng là một yếu tố then chốt. Trẻ thì mạnh bạo xông xáo. Có thêm chút tuổi sẽ chững lại. Bước vào ngưỡng lá vàng sẽ xuề xòa, rộng rãi hơn bởi suy nghĩ nay mai sẽ xuống lỗ. Đó là chuyện đương nhiên, là lẽ đất trời. Một khi “tri thiên mệnh” hẳn sẽ quán triệt rõ hơn cái gọi là thời-cuộc. Người ta sẽ thấu đáo hơn cơ sự trắng đen và dễ dàng trong việc chấp nhận những đổi thay. Răng lỏng, gối chùng, tóc trên đầu có thể nhuộm nhưng ai có thể nhuộm được tóc trong lòng một khi nó bạc? Nếu đã thế, lo làm quái gì cho nhọc óc! Đọc thêm
Đong đưa tâm trạng xúc cảm tháng Bảy man mác bâng khuâng, bối cảnh kẻ ra đi người ở lại bao giờ cũng u hoài, dùng dằng lưu luyến. Những chiếc lá vàng buông tay, nhả cuống, gió dẫu nhẹ vẫn trở thành gió mạnh. Một khoảnh khắc hiền hòa vừa kịp đến bởi lòng đã ngộ ra giá trị của hai chữ vô thường. Từ đây nẻo Tứ Diệu và vườn Bát Chánh Đạo mở rộng cổng hơn. Tiếng chào cao hơn mâm cỗ và những thị phi cũng đã bắt đầu nhạt phai tám phần hiềm khích. Hạt kinh lặng thầm. Cõi lòng thanh thản. Cơm chay bỗng trở thành cần thiết cho tâm trạng vơi bớt những ưu phiền. Chợt muốn biết: Tháng Bảy trong mắt chúng ta có khác tháng Bảy trong mắt đám con cháu?
Vâng. Tháng Bảy về. Chợt hỏi lòng còn ai nhớ đến dấu hài năm xưa? Những ngày nắng, những ngày mưa của thời cuộc, bấy nhiêu đó liệu có đủ chan vừa bát canh Mạnh Bà nay mai ai cũng uống. Cầm trên tay sợi dây thừng Thiện-Ác, ta sẽ mang về cõi chín suối khúc nào? Những vần thơ lục bát. Tháng Bảy năm nay. Lễ Độc Lập. Của ai? Vì ai? Ai còn mặn mà với nó? Ai đã mệt mỏi nên vô tình trở thành thờ ơ ghẻ lạnh?
Ngã tư đường trời nóng như đổ lửa. Thảng hoặc một kẻ đầu trần đứng đợi. Tấm biển tạm bợ làm bằng giấy carton ghi hàng chữ nguệch ngoạc: Anything helps. Dân qua đường kẻ thương người ghét. Có kẻ nhận xét bằng thái độ xem thường: Sức dài vai rộng thế kia, việc làm sẵn, vậy mà không chịu dẫn xác, điền đơn… Get your ass up to find a job! Họ bảo thế. Nhưng nếu nhìn kỹ, chịu khó quan sát nhiều hơn chắc người ta sẽ thông cảm hơn bởi các công thức thước đo tiêu chuẩn đâu phải áp dụng cho ai cũng đúng. Vâng. Thân xác vẫn còn nguyên hình hài xương cốt nhưng bộ óc đã hỏng. Vẫn còn đó khối não nặng tầm 3 cân Anh (một ký rưỡi) nhưng hệ thần kinh đã bị tuột ốc, lỏng tán, rão rệu những đường ren. Bằng lái xe không có. ID không có. Zero giấy tờ tùy thân. Trong hoàn cảnh đó làm sao họ xin được việc. Đó là chưa kể những tiền án, tiền sự. Rồi do hút sách lâu ngày, cần sa cần xiếc não đã hỏng nặng, họ đáng thương hay đáng trách đây? Cuối cùng ta sẽ đổ lỗi cho ai? Hỏi Phật, chắc Phật chỉ lặng im. Phật sẽ không nói gì. Bởi trước đó, cách đây hơn 2.500 năm Phật đã từng bảo rồi: Im lặng là câu trả lời đầy đủ nhất!
Lễ Pháo Hoa. Hoan hô những niềm vui chiến thắng của những thế hệ đầu tiên định cư trên đất Mỹ cách đây 250 năm. Quốc kỳ Mỹ ba màu xanh-đỏ-trắng oai nghiêm một niềm tự hào. Trên trường quốc tế, một dạo Mỹ là ngọn hải đăng tại nhiều lĩnh vực. Toàn cầu hóa đã từ từ thay đổi cuộc chơi? Đồng Mỹ kim vẫn còn nguyên đó nhưng cái ghế “ông anh cả” của nó hình như đang bị mối mọt gặm dần.
Và tôi. Và bạn. Các anh, các chị nữa. Thế giới chúng ta đang sống. Nước Mỹ chúng ta đang sống. Từ những điều đã thấy, đang thấy, liệu chúng ta có nên lo lắng về những điều nay mai sẽ thấy, phải thấy? Lễ pháo hoa liệu có còn hăm hở như những năm đầu chúng ta mới đến. Cảm giác người mới, việc mới, đời sống mới, những va quật mưu sinh mới, nền văn hóa mới… liệu có còn lưu lại những dấu vết hào sảng? Nước Mỹ có đổi thay, xấu hơn, kém hơn, tồi tệ hơn sau ngần ấy năm chúng ta sinh sống, dan díu? Cảm giác “quê hương thứ hai” có còn sắc nét, óng ả như buổi đầu hào hứng những khao khát lạc quan? Và tôi. Và bạn. Và cả các anh các chị nữa, có khi nào chúng ta tự hỏi về cảm nhận của mình hôm nay với tháng Bảy, với Lễ Pháo hoa trên đất Mỹ?
Vâng. Pháo hoa vẫn bắn lên. Tuổi ngũ tuần. Tuổi lục tuần. Thất tuần. Rồi bát tuần… Di sản chúng ta mang theo từ bên nhà gần năm mươi năm trước liệu có còn nguyên vẹn. Những lưu cữu hoài niệm. Những trăn trở khiêng cõng trong tâm khảm qua nhiều đợt di dân đến Mỹ có đổi thay khi Lễ Độc Lập vẫn cờ xí ngợp trời, vẫn dưa hấu đỏ chót, những quả dâu căng mọng…
Và chúng ta, sau ngần ấy những đổi thay, mùa phiếu 2020 đã trở thành giấy quỳ tím thử thách những giá trị một thuở chúng ta tự hào: Tình đồng bào, đồng hương? Nay nhìn lại, bạn có thấy thương cảm, thấy nuối tiếc một thuở nhường nhau từng hạt muối, hạt đường. Vậy mà… chao ôi, chẳng lẽ cuối cùng mọi thứ lại có thể dễ tiên liệu đến thế khi sân khấu chính trị xứ người hai đảng lao vào đấu đá?
Vâng. Lá thư tháng Bảy… Những tháng ngày oi bức. Cái nóng Texas qua ngòi bút của Phan sao mà vẫn đằm thắm, trung thành những đường nét cũ (thay vì ồn ào nhiễu sự bởi cái gọi là lạm dụng chính trị, chính em, trong đó thay đổi khí hậu – Một hiện tượng lẽ ra nên bình thường tự nhiên cuối cùng bị vo tròn, bóp méo dẫn đến ý nghĩa nhân bản cuối cùng đã bị xô lệch, vặn vẹo đến không còn nhận diện được nữa).
Và vâng. Lá thư tháng Bảy dấy đang lên những xót xa cay đắng khi biến cố hơn 50 xe-thùng-nhân xuất phát từ Nam Mỹ chết hồi cuối tháng sáu (phân biệt với bộ nhân, thuyền nhân, phi-cơ nhân của bao đợt di dân tìm đến với xứ Mỹ). Và từ cuối tháng Sáu, Roe v Wade sẽ mở màn cho bao đợt biểu tình giằng co, lôi kéo sẽ diễn ra nay mai trong tháng Bảy về quyền phá thai.
Và bạn. Và tôi. Cả các anh, các chị nữa. Trong khi đó chúng ta vẫn phải sống. Vẫn phải làm việc. Phải mắt nhắm, mắt mở để tiếp tục những tháng ngày phía trước. Chợt nhớ lời triết gia Albert Camus đã từng viết (nguyên văn): Autumn is a second spring when every leaf is a flower. – Mùa thu là mùa xuân thứ hai trong năm khi mỗi chiếc lá là một nụ hoa. Trong tinh thần ấy, tháng Bảy oi bức, giữa hè; mong thay chẳng mấy chốc nó sẽ hạ màn (sau khi) để lại những món quà dễ thương, bởi hơn lúc nào hết chúng ta đang rất cần đến những món quà dễ thương trước khi có đủ kiên nhẫn chào đón mùa thu sắp tới.
Nguyễn Thơ Sinh