Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện mỏ đất hiếm lớn, TQ lo ngại vị thế cung ứng bị ảnh hưởng

Bình Minh

Cách đây vài ngày, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã loan tin về việc phát hiện ra một mỏ đất hiếm lớn ở đất nước này. Thông tin trên bị các kênh truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công kích dữ dội, vì lo lắng vị thế cung ứng đất hiếm của Trung Quốc bị ảnh hưởng.

Ngày 4/7/2022, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ công bố, đã phát hiện ra một mỏ đất hiếm lớn ở nước này. Tin tức trên đã bị các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ tấn công dữ dội. Bức ảnh cho thấy một lao động khai thác đất hiếm tại quận Nam Thành, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Các kênh truyền thông của ĐCSTQ chất vấn về số lượng tài nguyên đất hiếm trong các mỏ mới của Thổ Nhĩ Kỳ và khả năng khai thác của nước này, đồng thời tuyên bố lợi thế của ĐCSTQ đối với nguồn cung cấp đất hiếm toàn cầu vẫn không thay đổi.

Theo báo cáo của Turkiye, hãng truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 4/7 năm nay, mỏ đất hiếm với tài nguyên lên tới 694 triệu tấn đã được phát hiện ở tỉnh Eskisehir, phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Metin Çekiç, thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội các nhà xuất khẩu khai thác mỏ Istanbul (IMIB), cho biết trữ lượng đất hiếm được phát hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ đủ đáp ứng nhu cầu của thế giới trong 1.000 năm.

Ông Fatih Dönmez, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên xác nhận rằng mỏ đất hiếm này rất gần bề mặt, nên việc khai thác các nguyên tố sẽ ít tốn kém hơn. “Trong số 17 nguyên tố hiếm đã biết, chúng tôi có đủ năng lực sản xuất ít nhất 10 nguyên tố tại đây,” ông nói.

Được biết, mỏ đất hiếm này chứa 17 nguyên tố đất khác nhau, được ghi nhận là khu dự trữ lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau mỏ đất hiếm với trữ lượng 800 triệu tấn của Trung Quốc.

Tổng thống Erdogan đưa thông báo rằng một cơ sở sản xuất có năng lực chế biến 1200 tấn quặng hàng năm sẽ được gấp rút thành lập trong giai đoạn đầu tại Esksehir, nhằm khai thác nguồn đất hiếm này.

Các nguyên tố đất hiếm (Rare Earth) có đặc tính quang học và điện từ rất tốt, có thể tạo thành nhiều vật liệu mới khác nhau. Tác dụng rõ rệt nhất là nó có thể cải thiện đáng kể chất lượng và hiệu suất của các sản phẩm khác, vì vậy nó được gọi là “vitamin công nghiệp”.

Điều quan trọng hơn là, các nguyên tố đất hiếm cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Neodymium, praseodymium, dysprosium và terbium là nguyên liệu chính để sản xuất nam châm vĩnh cửu cho xe điện và tuabin gió. Yttrium và scandium được sử dụng trong một số loại máy điện phân hydro.

Theo CNBC, các nguyên liệu thô trong đất hiếm sẽ được dùng rộng rãi trong ngành sản xuất điện thoại di động, động cơ xe hơi (gồm cả xe xăng và xe điện), pin mặt trời, thiết bị trong ngành vũ trụ, và thậm chí là cả vũ khí tân tiến.

Kể từ cuối thế kỷ trước, nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới, mỏ đất hiếm Mountain Pass ở Hoa Kỳ, đã bị đánh bại bởi chiến lược cạnh tranh giá rẻ, ĐCSTQ đã nắm quyền kiểm soát ngành công nghiệp đất hiếm toàn cầu, và cung cấp hơn 90% đất hiếm trên thế giới. Đến năm 2020, tỷ trọng đó giảm xuống còn gần 60%, nhưng họ vẫn chiếm ưu thế.

Tàu chở đất hiếm ở Trung Quốc. (Nguồn: tab62/ Shutterstock)

Hiện nay, Trung Quốc đứng đầu thế giới về trữ lượng và sản lượng đất hiếm. Theo số liệu của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), năm 2020, trữ lượng đất hiếm đã được kiểm chứng của thế giới là khoảng 120 triệu tấn, trong đó trữ lượng của Trung Quốc là 44 triệu tấn (chiếm 37%). Trong năm đó, tổng sản lượng đất hiếm toàn cầu là 240.000 tấn, và sản lượng của Trung Quốc là 140.000 tấn, chiếm 58%.

Hiện không có thuyết minh tài nguyên chi tiết trong các báo cáo về mỏ mới của Thổ Nhĩ Kỳ, và không rõ có bao nhiêu trong số gần 700 triệu tấn trữ lượng quặng là đất hiếm có thể khai thác được.

Turkiye đưa tin, ông Çekiç của IMIB tiết lộ, mỏ Beylikova mới được phát hiện là mỏ cấp tốt nhất thế giới. Ông cho biết, mỏ này sẽ xây dựng nhà máy thí điểm trong giai đoạn đầu, với công suất chế biến hàng năm là 1.200 tấn quặng. Sau khi hoàn thành dự án ban đầu, công suất chế biến hàng năm của mỏ này sẽ đạt 570.000 tấn quặng.

Sau thông báo về việc phát hiện mỏ đất hiếm mới ở Thổ Nhĩ Kỳ, NetEase, Sohu, Thời báo Hoàn Cầu và các kênh truyền thông khác do ĐCSTQ kiểm soát đều phản ứng dữ dội trước thông tin này.

Những kênh truyền thông này đã đăng các bài viết chất vấn về lượng tài nguyên đất hiếm thực tế trong các mỏ mới do Thổ Nhĩ Kỳ công bố. Họ nói rằng nếu một tấn mỏ đất hiếm tạo ra từ 1kg – 4kg đất hiếm, thì lượng đất hiếm thực tế trong các mỏ mới của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là 700.000 – 2,8 triệu tấn. Bài báo cũng nói rằng các công ty đất hiếm Trung Quốc chỉ hơi kinh ngạc khi họ lo lắng rằng vị thế thống trị của mình sẽ bị thách thức.

Nhưng trên thực tế, nhiều năm khai thác quá mức bằng mọi giá đã khiến trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc giảm mạnh. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, từ năm 2013 – 2020, sản lượng đất hiếm của Trung Quốc đã giảm từ 55 triệu tấn xuống còn 44 triệu tấn, giảm 20%.

Ngoài ra, năm 2010, ĐCSTQ đã trả đũa Nhật Bản bằng cách ngừng cung cấp đất hiếm, làm dấy lên mối quan tâm rộng rãi trong cộng đồng quốc tế về sự kiểm soát của Trung Quốc đối với nguồn cung cấp đất hiếm. Các nước cũng bắt đầu tăng cường nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng đáng tin cậy.

Theo số liệu của USGS, kể từ năm 2009, Greenland, Brazil, Canada, Việt Nam, Myanmar, Lào, Na Uy và các nước châu Phi đã liên tiếp phát hiện ra một lượng lớn tài nguyên đất hiếm.

Từ năm 2010 – 2020, 261 công ty ở 37 quốc gia bên ngoài Trung Quốc đã khởi động tổng cộng 429 dự án đất hiếm, bổ sung thêm sản lượng 80.000 – 100.000 tấn đất hiếm.

Ngoài ra, Thời báo Hoàn cầu của ĐCSTQ cho biết, Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới có chuỗi công nghiệp sản xuất đất hiếm hoàn chỉnh, và lợi thế chế biến này sẽ không bị suy yếu chỉ đơn giản vì đất hiếm được phát hiện.

Tuy nhiên, báo cáo điều tra do “Địa Cầu Học Báo” của Trung Quốc công bố vào tháng 3/2021 đề cập rằng Trung Quốc không còn là nguồn cung cấp các sản phẩm luyện và tách đất hiếm duy nhất trên thế giới.

Hiện Mỹ đã xây dựng chuỗi cung ứng, gồm mỏ Mountain Pass, mỏ Mount Weld ở Úc và nhà máy Kuantan, Malaysia, với sản lượng hàng năm gần 60.000 tấn quặng đất hiếm và 20.000 tấn phân tách, bước đầu xây dựng chuỗi cung ứng tài nguyên đất hiếm độc lập với Trung Quốc.

Bình Minh

Related posts