Ngoại trưởng Nga Lavrov bỏ ngang hội nghị G20
Hôm thứ Sáu 8/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã rời khỏi hội nghị ngoại trưởng của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) tại Indonesia, trước khi sự kiện kết thúc. Ông nói với các phóng viên rằng thảo luận về Ukraine còn kéo dài chừng nào các nước phương Tây vẫn hy vọng chiến thắng.
Sau khi ông Lavrov rời khỏi phiên thảo luận về chủ nghĩa đa phương, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chỉ trích Nga trực diện, bao gồm vấn đề phong toả để chặn xuất khẩu vũ khí.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh xung đột ác liệt tiếp diễn ở Ukraine, trong khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản triển khai hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Ngoại trưởng 20 nền kinh tế đã có phiên thảo luận về khủng hoảng lương thực và năng lượng, tình trạng giá cả tăng vọt sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi phát biểu tại phiên thảo luận về chủ nghĩa đa phương rằng cộng đồng quốc tế cần đoàn kết và khiến Nga “phải trả giá”.
Đây là sự kiện quốc tế đầu tiên mà ông Lavrov tham gia cùng với các ngoại trưởng các nước G7 kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2.
Một diễn biến cho thấy sự mâu thuẫn gay gắt trong sự kiện này là màn chụp ảnh chung theo thông lệ giữa các bộ trưởng đã không diễn ra.
Ngược với hội nghị các bộ trưởng tài chính G20 diễn ra ở Washington hồi tháng 4 và một số sự kiện quốc tế khác, các đại diện G7 lần này không rời khỏi phòng họp khi ông Lavrov phát biểu.
Để thể hiện thái độ với Nga, các nhà ngoại giao hàng đầu của G7 tẩy chay một sự kiện ăn tối hôm 7/7, sự kiện mở màn cho chuỗi hội nghị kéo dài 2 ngày, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết.
Bà Retno có thể ra thông cáo khi chuỗi hội nghị khép lại, nhưng có thể sẽ không có một thông báo chung nào được đưa ra vì mâu thuẫn vấn đề Ukraine, một quan chức Nhật Bản cho biết.
Tỷ phú Elon Musk rút khỏi thương vụ mua lại Twitter trị giá 44 tỷ USD
Hôm thứ Sáu 8/7, tỷ phú Elon Musk, giám đốc công ty Tesla đồng thời cũng là người giàu nhất thế giới, cho biết ông đã chấm dứt thương vụ mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD vì công ty truyền thông xã hội này đã không cung cấp thông tin về các tài khoản giả mạo (spam bots) chiếm ít hơn hơn 5% tổng số người dùng của họ.
Cổ phiếu của Twitter đã giảm 7% trong phiên giao dịch mở rộng.
Vào ngày 9/7, Chủ tịch Twitter Bret Taylor viết trên twitter rằng hội đồng quản trị đã chuẩn bị các quy trình pháp lý để thực thi thỏa thuận sáp nhập.
“Hội đồng quản trị Twitter cam kết hoàn tất giao dịch theo mức giá và các điều khoản đã thỏa thuận với ông Musk …”
Trong một hồ sơ, các luật sư của ông Elon Musk cho biết Twitter đã từ chối hoặc không thể cung cấp thông tin về các tài khoản giả mạo hoặc tài khoản spam trên nền tảng mạng xã hội này, trong khi đây là điều cơ bản đối với hoạt động kinh doanh của công ty.
Theo nội dung hồ sơ, “Twitter vi phạm nghiêm trọng nhiều điều khoản của Thỏa thuận, dường như đã đưa ra những tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm mà ông Musk đã dựa vào khi tham gia Thỏa thuận sáp nhập.”
Các điều khoản của thỏa thuận yêu cầu ông Musk phải trả khoản phí phá vỡ hợp đồng trị giá 1 tỷ USD nếu ông không hoàn thành giao dịch.
Ông Musk đã đe dọa sẽ dừng thỏa thuận trừ khi công ty đưa ra bằng chứng rằng có ít hơn 5% người dùng là các tài khoản spam và tài khoản tự động đang xem quảng cáo trên Twitter.
Quyết định này có thể dẫn đến một cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài giữa tỷ phú Musk và công ty Twitter có trụ sở tại San Francisco.
Mike Pompeo: ‘Bây giờ Thế giới sẽ tồi tệ hơn khi không còn Thủ tướng Abe’
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Sáu (8/7) là một trong những chính khách đã có những phản ứng đầu tiên sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bất ngờ bị ám sát chết.
Ông Pompeo bày tỏ tiếc thương về cái chết của ông Abe và nói rằng ông ấy là “người bạn thân thiết của nước Mỹ”. Cựu ngoại trưởng nhận định rằng thế giới bây giờ “sẽ tồi tệ hơn nhiều” khi không còn Shinzo Abe.
“Sáng nay tôi rất đau buồn – rất đau buồn cho Thủ tướng Abe và gia đình ông”, ông Pompeo nói trên chương trình “America’s Newsroom” của Fox News. “Tôi đang cầu nguyện cho họ [gia đình Abe] và tất cả người dân Nhật Bản. Ông ấy luôn luôn đặt gia đình lên trên hết, người dân Nhật Bản lên trên hết, và cũng là người bạn thân thiết của nước Mỹ. Ông ấy biết rằng một nước Mỹ thành công và một mối quan hệ tốt đẹp với chúng ta sẽ làm mọi thứ trở lên tốt đẹp hơn cho chính người dân đất nước ông”.
“Tôi gặp ông ấy lần đầu vào năm 2015 sau khi ông có bài phát biểu tại phiên họp lưỡng viện Quốc hội Mỹ, khi đó tôi là thành viên cao cấp của Quốc hội đến từ Kansas và sau đó khi làm Giám đốc CIA, tôi đã biết ông ấy nhiều hơn”, ông Pompeo nói tiếp.
“Và khi chúng ta đẩy lùi Chủ tịch Kim của Triều Tiên, Thủ tướng Abe là đối tác tốt nhất của chúng ta trong việc giúp chúng ta hoàn thành kết quả cho thế giới và giữ cho đất nước ta an toàn hơn. Ông ấy là một người bạn tốt. Ông và tổng thống Mỹ khi đó đã có mối quan hệ tuyệt vời. Ông luôn luôn rất tốt bụng với tôi. Thế giới ngày nay sẽ tồi tệ hơn nhiều khi không còn Thủ tướng Abe, người đã giúp chúng ta nghĩ về cách chúng ta có thể thực hiện phản kháng Đảng Cộng sản Trung Quốc và đem lại những kết quả kinh tế tốt đẹp cho người dân Nhật Bản và châu Á, và quan trọng nhất, chúng ta luôn biết ông ấy cũng muốn điều đó cho nước Mỹ”.