Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Lã Minh Luận

Hôm nay (7/7/2022) là ngày thi đầu tiên, kì thi TN PTTH của các sĩ tử. Trước đó mấy ngày, nhiều thầy cô ở Hà Nội đã tổ chức cho học sinh đến Quốc Tử Giám để viết sớ cầu may. Vì sao họ dẫn nhau đến đó để cầu vận may cho kì thi mà không phải là dựa vào năng lực và kiến thức của chính mình? Phải chăng ở đó có thờ tượng ông Khổng Tử và có hơn 80 bia ghi danh tiến sĩ thời phong kiến, họ đến đó để cầu may từ những thứ đã lỗi thời?

Xem ra cái nền GD và cái tư duy về nền học vấn, khoa cử… của nhà trường hiện nay vẫn không thoát ra được cái cảnh của trường thi xưa kia mà nhà thơ Tế Xương đã chụp lại qua “Vịnh khoa thi hương”, phản ánh một nền giáo dục cổ hủ, lỗi thời và sự sa sút của đất nước trước nạn xâm lăng… “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ/ Ậm oẹ quan trường miệng thét loa…”

Trước đó, nhà thơ Cao Bá Quát cũng tỏ thái độ phẫn uất, chán chường với chế độ khoa cử và nền học vấn cũ kĩ, phản tiến bộ của nước nhà qua bài “Sa hành đoản ca” (Bài ca ngắn đi trên bãi cát):

“Xưa nay phường danh lợi

Tất tả trên đường đời

Đầu gió men thơm quán rượu,

Người say vô số tỉnh bao người.”

Trong xã hội phong kiến, người đến trường thi là chỉ mong đỗ đạt để tiến thân, làm quan và hưởng danh lợi. Học thi gian nan, khó nhọc như đi trên bãi cát dài mênh mông nhưng chỉ để đạt được một mục đích là danh – lợi. Danh lợi làm vô số người say như say men rượu thơm trước gió, tỉnh được mấy người.

Nỗi trăn trở về một nền học vấn của các nhà thơ cách đây đã gần 2 thế kỉ mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Các sĩ tử đến trường học – thi, một số thì chỉ cần cái bằng, còn làm gì, ở vị trí nào, bố mẹ sẽ lo hết; còn lại, hầu hết không biết mình học để làm gì? Ngẩn ngơ trước một mớ những lí thuyết mà phi thực hành. Đến nơi tâm linh dâng sớ cầu mong sự trợ giúp của một thế lực mơ hồ để có được một tấm bằng tốt nghiệp mà không phải là dựa vào thực học của chính mình?

Tôi tự hỏi: Các thầy cô đang sống ở thời đại nào mà cứ dẫn các em lùi về tư duy của quá khứ vậy? Các thầy cô có nắm được 4 trụ cột giáo dục của UNESCO (học để hiểu biết, để thực hành, để hội nhập, để khẳng định mình) đã nêu ra cách đây gần 20 năm để hướng đạo cho học sinh không? Sao các thầy cô không dạy cho trò: học để mang kiến thức vào đời mà sống độc lập, đừng dựa vào ai? Sao thầy cô không dạy cho học sinh phải có ý chí, nghị lực, lòng tự trọng để tự quyết cuộc đời? Sao cứ dạy học trò bước vào con đường cổ hủ, u mê, đua chen học hàm học vị, hình thức, dối trá… thế này? Nhớ ngày còn đứng trên bục giảng, tôi luôn chỉ yêu cầu học sinh học lấy kiến thức cơ bản để bước vào đời mà thực hành, mà kiếm sống, mà đứng vững trên đôi chân của mình… Giấy khen, bằng cấp không nói lên điều gì khi chả làm nên cái gì, đó chỉ là loại ăn bám và phá hoại.

L.M.L.

Related posts