Tin Việt Nam sáng Chủ Nhật: Người tố giác phá rừng bị đánh nhập viện

33 người Việt tổ chức tiệc ma túy ở Nam Hàn bị bắt: Bộ Ngoại giao nói ‘chỉ là thiểu số’

Trụ sở Văn phòng quản lý xuất nhập cảnh thành phố Busan, (Ảnh chụp màn hình/Yonhap News dẫn qua KBS)

Bị bắt khi tổ chức tiệc ma túy ở quán karaoke tại Hàn Quốc, một nhóm 33 người Việt bị cáo buộc buôn bán và sử dụng ma túy. Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận thông tin, cho hay tình trạng người Việt Nam phạm pháp khi ra nước ngoài chỉ là thiểu số.

“Hiện những công dân này đang bị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc tạm giữ làm các thủ tục chờ ngày trục xuất về Việt Nam”, bà Hằng nói.

Bà Hằng nói thêm rằng Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã đề nghị phía Hàn Quốc đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam.

Trước đó, theo Đài KBS (Hàn Quốc), ngày 3/7, Văn phòng quản lý xuất nhập cảnh thành phố Busan và Cảnh sát thành phố Busan bắt giữ 33 người Việt Nam với cáo buộc buôn bán và sử dụng ma túy, vi phạm Luật quản lý ma túy của Hàn Quốc.

Những người này bị cảnh sát bắt quả tang đang tổ chức việc ma túy vào rạng sáng 3/7 trong phòng karaoke dành riêng cho người Việt ở quận Masanhoewon, thành phố Changwon (Nam Gyeongsang), trong đó phần lớn đang lưu trú bất hợp pháp tại thành phố Busan và khu vực tỉnh Nam Gyeongsang.

Theo Văn phòng quản lý xuất nhập cảnh thành phố Busan, trong số những người bị bắt, một nam giới từng nhập cảnh Hàn Quốc năm 2018 với tư cách là du học sinh sau đó lưu trú bất hợp pháp, bị cáo buộc bán ma túy cho du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc và sử dụng ma túy.

Tại cuộc họp báo ngày 7/7, đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh rằng tình trạng người Việt Nam phạm pháp khi ra nước ngoài chỉ là thiểu số.

“Trong những năm gần đây, số lượng người Việt đi học tập, làm việc và du lịch ở nước ngoài ngày càng tăng. Đại đa số đều tuân thủ nghiêm túc luật pháp sở tại, góp phần tạo ra hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam”, bà Hằng khẳng định.

Đại diện Bộ Ngoại giao cho hay cơ quan này và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài luôn duy trì các đường dây nóng bảo hộ công dân; đề nghị phối hợp với các cơ quan trong nước tăng cường việc rà soát, xử lý vi phạm, đồng thời phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức của công dân về pháp luật, phong tục của nước sở tại; “khuyến cáo công dân khi đi nước ngoài tránh bị lợi dụng hay vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật sở tại”.

Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở Nước ngoài, hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển.

Thượng tướng Lương Tam Quang – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết đã tiếp nhận hơn 25.000 người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài bị trục xuất kể từ năm 2018 đến nay, theo tin công bố tại hội nghị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài diễn ra tại Hà Nội ngày 29/5 vừa qua.

Ông Quang cho rằng tình hình công dân Việt Nam phạm pháp ở nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng cư trú, lao động bất hợp pháp xảy ra ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, các nước châu Âu và Mỹ hay đảo Đài Loan, gần đây có xu hướng gia tăng ở Australia, Trung Đông và châu Phi, trong khi tình trạng nhập cư bất hợp pháp ở châu Âu diễn ra chủ yếu ở Anh, Pháp, Đức.

Nguyễn Quân

Người tố giác phá rừng bị đánh nhập viện

Huệ Liên

Ông Ba đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm sau khi bị 3 người hành hung (Ảnh: Dân Việt).

Hôm 8/7, phát hiện hàng loạt cây rừng bị cưa hạ, ông Lê Văn Ba tới hiện trường quay phim, chụp hình thì bị 3 người lao tới đánh gãy tay.

Cụ thể báo Tuổi Trẻ đưa tin, khoảng 16h ngày 8/7, ông Phan Văn Ba (ngụ tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm) phát hiện nhiều cây thông tại khoảnh 6, tiểu khu 438A (xã Lộc Phú) bị đốn hạ nên trình báo UBND xã Lộc Phú và Hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm.

Sau đó, ông Ba tới hiện trường những cây thông bị đốn hạ quay phim, chụp hình làm bằng chứng thì bị 3 người đàn ông lao tới dùng mũ cối đánh vào đầu và nhiều vị trí khác.

Công an xã Lộc Phú đã có mặt kịp thời để can ngăn và xử lý. Những người hành hung ông Ba là Nguyễn Đức Dạo, Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Chung Đức (cùng ngụ xã Lộc Phú).

Ông Phan Văn Ba được Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm xác định bị gãy cánh tay, nứt xương bả vai, xuất hiện chấn thương bên ngoài ở vùng đầu.

Hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm và Công an xã Lộc Phú đã có mặt tại tiểu khu 438A thuộc rừng cộng đồng tại xã Lộc Phú để lập biên bản ghi nhận vụ phá rừng trái pháp luật, đồng thời điều tra hành vi hành hung công dân khi phản ảnh phá rừng.

Theo Hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm, qua kiểm tra ban đầu tại hiện trường có 8 cây thông tại tiểu khu 438A bị đốn hạ cắt khúc với 60 lóng gỗ thông tại hiện trường.

Ngoài ra còn có 20 gốc thông bị ken (rạch vỏ quanh thân – PV), trong đó nhiều cây đã chết khô.

Ông Lê Văn Ba cho biết trên báo Dân Việt: “Tôi mong muốn cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm xử lý những đối tượng hành hung tôi và phá rừng tại khu vực trên theo đúng quy định của pháp luật. Những đối tượng đánh tôi rất manh động, đã từng hành hung cả lực lượng chức năng địa phương”.

Chuyển công an vụ CDC Đắk Nông mua sắm kit test của Việt Á

Hội An

Ảnh tổng hợp.

Chuyển công an vụ CDC Đắk Nông mua sắm kit test của Việt Á

24h – Ngày 9/7, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã chuyển vụ việc mua sắm của 4 gói thầu sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông cho Công an tỉnh Đắk Nông xem xét, xác minh, xử lý theo quy định.

Theo cơ quan thanh tra, trong năm 2020-2021, CDC tỉnh Đắk Nông đã thực hiện mua sắm 22 gói thầu hóa chất, sinh phẩm. Trong đó, có 4 gói thầu của Công ty Việt Á.

Trong 4 gói thầu này có ba gói thầu được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, 1 gói thầu do Sở Y tế phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Tổng 4 gói thầu này có số lượng 1.502 kit test với tổng giá trị hơn 743 triệu đồng, hiện đã thanh toán hơn 672 triệu đồng, còn hơn 70 triệu đồng chưa thanh toán.

Tuy nhiên, trình tự, thủ tục mua sắm 4 gói thầu hóa chất, sinh phẩm được xác định đã có một số khuyết điểm.

Cụ thể, ở gói thầu số 1, số 2 và số 3 đều chưa thực hiện công khai kết quả chỉ định thầu. Riêng gói thầu số 2 còn có việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước thời điểm ký biên bản thương thảo hợp đồng, trước thời điểm có kết quả thẩm định của Tổ thẩm định.

Đối với gói thầu số 3 là mua môi trường vận chuyển mẫu virus Covid -19  đợt 3 năm 2021 với giá 90,240 triệu đồng cũng chưa thực hiện công khai kết quả chỉ định thầu…

Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu có tên là Mua môi trường vận chuyển mẫu virus Covid. Tuy nhiên hàng hóa lại là sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus, điều này không phù hợp với tên gói thầu.

Cà Mau: Xử lý hơn 13 tỉ đồng tiền hỗ trợ COVID-19 bị trùng danh sách

Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Sở LĐ-TB-XH Cà Mau vừa có văn bản đề nghị Sở Tài chính phối hợp xử lý kinh phí hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bị trùng lắp danh sách với số tiền 13,628 tỉ đồng.

Đây là những trường hợp được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP và các quyết định UBND tỉnh Cà Mau.

Theo Sở LĐ-TB-XH Cà Mau, toàn tỉnh có 423.043 người được hưởng hỗ trợ với số tiền 637,415 tỉ đồng. Tỉnh đã chi hỗ trợ 413.142 người với số tiền hơn 619 tỉ đồng.

Có 7.635 trường hợp được phát hiện bị trùng lắp nên không chi, đang tạm giữ trong tài khoản của xã, phường, thị trấn hoặc đang làm thủ tục nộp hoàn ngân sách với số tiền 13,628 tỉ đồng.

Mặt khác, còn lại 2.266 người với số tiền 4,736 tỉ đồng chưa chi do người thụ hưởng đi làm ăn xa, địa phương chưa liên lạc được.

Để việc chi hỗ trợ nêu trên đảm bảo nguyên tắc tài chính và thanh, quyết toán đúng quy định, Sở Tài chính Cà Mau đề nghị Sở LĐ-TB-XH phối hợp Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Tài chính – Kế hoạch phối hợp UBND các xã, phường, thị trấn nộp trả toàn bộ số kinh phí còn thừa (kể cả kinh phí do trùng lắp đối tượng và kinh phí chưa liên hệ được đối tượng chi trả) về ngân sách cấp huyện. Đồng thời, Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện nộp trả (nộp giảm chi chuyển giao) về ngân sách tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: ‘Tất cả cửa ngõ TP HCM đều tắc’

VnExpress – Là đô thị lớn nhất nước nhưng tất cả cửa ngõ TP.HCM đều tắc nghẽn, nếu không cải thiện thành phố sẽ là nơi ùn tắc nhất Đông Nam Á, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Nhận định trên được Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu tại Hội nghị tổng kết 17 năm thực hiện Nghị quyết 53 về phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, sáng 9/7.

Theo ông Thể, giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Nhờ hệ thống hạ tầng tương đối tốt so với các khu vực khác mà thời gian qua, Đông Nam Bộ là một trong những động lực phát triển kinh tế chủ yếu của cả nước. Nhưng 20 năm qua, tốc độ phát triển giao thông ở khu vực này rất chậm. Do đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực ngày càng chậm lại.

Trong đó, TP.HCM – trung tâm của vùng và là đô thị lớn nhất nước nhưng tất cả cửa ngõ đều ách tắc. Thành phố chưa đột phá được đường cao tốc kết nối trung tâm thành phố với các nơi. Khu vực nội đô cũng ùn tắc nghiêm trọng. “Nếu tình hình này không cải thiện, chắc chắn TP HCM sẽ là đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam, và có thể ở cả khu vực Đông Nam Á”, ông Thể nói và cho rằng phát triển hệ thống giao thông trục chính, vành đai là việc cấp thiết của thành phố hiện nay.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong hạ tầng của Đông Nam Bộ khiến nơi đây có hệ thống cảng biển rất tốt nhưng hiệu quả khai thác chưa như mong muốn. Cụ thể, Cát Lái là cảng container tốt nhất khu vực nhưng đường ra vào luôn tắc nghẽn, nhất là giờ cao điểm. Tương tự, đường lên xuống cảng Cái Mép – Thị Vải nhưng quốc lộ 51 đang quá tải, cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu chưa thực hiện được.

Về đường bộ, Vành đai 2 TP.HCM có vai trò rất quan trọng nhưng đến nay chưa khép kín. Vành đai 3 vừa được Quốc hội bố trí gần 80.000 tỷ để thực hiện. Vành đai 4 còn trong quá trình nghiên cứu. Cao tốc kết nối TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các địa phương khác như tuyến đi Trung Lương – Mỹ Thuận đang ùn tắc, sắp tới phải mở rộng; tuyến Long Thành – Dầu Giây mới đưa vào khai thác đã quá tải.

Về hàng không, sân bay Tân Sơn Nhất liên tục quá tải. Đường sắt cũng lạc hậu. Đường thuỷ nội địa tương đối tốt nhưng nhiều cầu thấp nên không vận chuyển được container. “Đầu tư cho giao thông Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang là vấn đề rất cấp bách”, ông Thể nói.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng thời gian tới cần tập trung toàn bộ nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông ở Đông Nam Bộ. Nếu không, đầu tàu sẽ chậm dần và có thể trở thành gánh nặng của nền kinh tế cả nước.

Vải thiều tươi lần đầu tiên xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu tại Móng Cái

Tuổi Trẻ – Thông tin từ Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết phía Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu trở lại các loại nông sản của Việt Nam.

Theo đó, trong ngày 9/7 đã có 3 xe vải thiều tươi với tổng sản lượng 64,7 tấn, trị giá gần 600 triệu đồng lần đầu tiên được Trung Quốc nhập khẩu qua lối mở cầu phao tạm km3+4 Hải Yên, TP. Móng Cái.

Thống kê 6 tháng đầu năm (tính đến ngày 30-6), tổng lượng hàng hóa qua các cửa khẩu tại TP. Móng Cái đạt trên 270.000 tấn; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 1.400 triệu USD; thu hút 128 doanh nghiệp mới, nâng lên tổng số 455 doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu.

Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Móng Cái đạt 558,64 tỉ đồng, tăng 24,14% so với cùng kỳ năm 2021.

Related posts