Năng lượng Nga là một cơ hội nguy hiểm cho Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh Ukraine

Andrew Thornebrooke

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) bắt tay lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ tiếp đón tại Hội đồng Nguyên thủ Quốc gia của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Thanh Đảo hôm 10/06/2018. (Ảnh: Sergei Guneyev/Sputnik/AFP qua Getty Images)

Giới lãnh đạo ĐCSTQ đang theo đuổi các cơ hội tăng nhập cảng than, dầu, và khí đốt của Nga trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Các chuyên gia cho rằng hành động này có thể giúp ổn định các thảm họa năng lượng đang tiếp diễn của Trung Quốc, nhưng cũng có thể phản tác dụng do đem đến các lệnh trừng phạt quốc tế lên chính nước này.

Với việc các nước phương Tây đang áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn đối với xuất cảng năng lượng của Nga trong những tháng tới, câu hỏi về việc Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào trước sự giận dữ của quốc tế đối với Nga đang được đặt ra trong tâm trí nhiều người. Đó là chủ đề thảo luận của hội nghị bàn tròn cho các chuyên gia chính sách đối ngoại hôm 08/07 tại một sự kiện do Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn về chính sách đối ngoại, tổ chức.

Với việc Nga trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Trung Quốc, quan hệ năng lượng giữa hai nước vẫn phức tạp, do các công ty năng lượng quốc doanh của Bắc Kinh cũng đã đình chỉ một số dự án năng lượng ở Nga. Tuy nhiên, trước những lợi ích thương mại rõ rệt từ việc Nga tiếp tục bị cô lập trên trường thế giới, một số người tự hỏi liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể muốn kéo dài tình hình này hay không.

Nguy cơ và cơ hội đồng tại đối với Trung Quốc ở Nga

Trong số các diễn giả tại sự kiện của Hội đồng Đại Tây Dương có bà Erica Downs, học giả nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia.

Bà Downs nói: “Nga là một trong những đối tác năng lượng quan trọng nhất của Trung Quốc.”

Bà giải thích rằng Trung Quốc là nhà nhập cảng than, khí đốt tự nhiên và dầu lớn nhất của Nga, và đã tăng lượng tiêu thụ trong năm ngoái bất chấp việc Nga xâm lược Ukraine.

Trên thực tế, ĐCSTQ đã tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập cảng từ Nga vào tháng Hai so với một năm trước đó, tăng nhập cảng dầu của Nga ngay cả khi nhu cầu giảm. Ngay từ tháng 11/2021, Trung Quốc đã chiếm gần một nửa tổng lượng nhập cảng dầu thô toàn cầu từ Nga và xu hướng đó không có dấu hiệu chậm lại.

Bà Downs nói rằng có nhiều khía cạnh trong động lực của Trung Quốc. Bà nói, một mặt, ĐCSTQ đang tận dụng mức giá thấp hơn do thiếu thị trường ở những nơi khác trên thế giới, trong khi mặt khác, nhà cầm quyền này đang cố gắng một cách tuyệt vọng để cải thiện an ninh năng lượng của mình sau sự cố mất điện lịch sử năm ngoái buộc chính quyền đóng cửa các nhà máy vì thiếu điện.

Đáng chú ý, bà Downs cũng nói rằng các đường ống trên đất liền đi vào Trung Quốc từ Nga đã né tránh các điểm nghẽn hàng hải có thể bị nhắm mục tiêu trong trường hợp Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế trừng phạt.

Bà Downs cho biết cuộc chiến ở Ukraine “chắc chắn mang lại cơ hội cho Trung Quốc, cũng như gây ra một chút nguy hiểm.”

“Trung Quốc được mua rất nhiều nhiên liệu hóa thạch của Nga với giá rẻ.”

Bà Downs lưu ý rằng cuộc chiến cũng mang lại cho ĐCSTQ lợi thế của khả năng đàm phán mối bang giao với Nga từ một vị thế mạnh, do Nga không thể tham gia một cách thành công vào thị trường ở những nơi khác. Tuy nhiên, bà nói, các công ty Trung Quốc vẫn rón rén trong việc vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế bất chấp những lời lẽ nghi vấn của ĐCSTQ về tính hợp pháp của các lệnh trừng phạt.

Tác động địa chấn sắp xảy ra đối với thị trường năng lượng toàn cầu

Mặc dù giới cầm quyền cộng sản của Trung Quốc tỏ ra sẵn sàng né tránh những khó khăn của tình trạng khan hiếm năng lượng năm ngoái, nhưng một số người tin rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy đến đối với cộng đồng toàn cầu.

Ông Edward Chow, cộng sự cấp cao của Chương trình An ninh Năng lượng và Biến đổi Khí hậu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, một tổ chức tư vấn tập trung vào an ninh, cho biết: “Cuộc tấn công ồ ạt của Nga vào Ukraine là một sự kiện chính trị lớn, hiển nhiên là vậy, nhưng nó cũng có tác động địa chấn với nền kinh tế dầu khí toàn cầu.”

“Còn hơi sớm để hoàn toàn chắc chắn về tác động lâu dài sẽ như thế nào. Cảm giác của tôi là điều này có thể lớn hơn hai cú sốc giá của những năm 1970.”

Nhận xét của ông Chow ám chỉ lệnh cấm vận dầu mỏ kéo dài năm tháng đối với phương Tây do Ả Rập Xê Út dẫn đầu bắt đầu từ năm 1973. Lệnh cấm vận đó, mặc dù xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nguồn cung dầu của Hoa Kỳ, làm tăng giá xăng của Hoa Kỳ lên gấp bốn lần và gây ra tình trạng thiếu hụt trên toàn quốc. Các vấn đề bắt đầu bởi cuộc khủng hoảng đó sau đó dẫn đến cú sốc dầu mỏ năm 1979, khi các thị trường phản ứng quá mức với việc mất sản lượng dầu từ Iran, khiến giá cả tăng và tình trạng thiếu hụt rốt cuộc đã gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu dài hạn.

Ông nói: “Điều này sẽ diễn ra trong một thời gian dài.”

Vì có khung thời gian dài như thế, nên ông Chow cho rằng mối bang giao giữa Trung Quốc và Nga sẽ có nguy cơ trở nên phức tạp hơn — hoặc rạn nứt — theo những cách thú vị, đặc biệt là trong bối cảnh mối quan hệ thân thiết trước đây của Trung Quốc với Ukraine.

Trước khi Nga xâm lược nước láng giềng, Trung Quốc đã ký hiệp ước cam kết bảo vệ Ukraine khỏi sự xâm lược của các cường quốc hạt nhân. Chính quyền này này thậm chí còn mua hàng không mẫu hạm đầu tiên từ Ukraine vào năm 1998.

Ông Chow nói: “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine. Thương mại của Trung Quốc với Ukraine lớn hơn thương mại của Đức với Ukraine, lớn hơn thương mại của Ba Lan với Ukraine.”

“Chiến tranh sẽ chỉ làm cho tình hình phức tạp hơn rất nhiều trong tương lai.”

Bóng tối ngày càng tăng của chủ nghĩa độc tài Trung-Nga

Các nhà lãnh đạo tình báo Mỹ đã nhiều lần nói rằng quan hệ đối tác giữa ĐCSTQ và Điện Kremlin sẽ chỉ tiếp tục phát triển trong thập niên tới. Mặc dù có thể có một số nghi ngờ sau tuyên bố về quan hệ đối tác “không giới hạn” giữa hai chính phủ trong cuộc gặp trực tiếp giữa ông Tập và ông Putin hồi tháng Hai, cam kết của một trong hai bên đối với bên kia cho đến nay vẫn không thể lay chuyển. Thật vậy, tuyên bố đó và bản chất không giới hạn của quan hệ đối tác này một lần nữa được tái khẳng định hồi tháng Tư.

Ngoài ra, ĐCSTQ được cho là đã được thông báo trước về kế hoạch xâm lược của ông Putin và yêu cầu hoãn cuộc chiến ở Ukraine cho đến khi Thế vận hội Bắc Kinh 2022 kết thúc. Chính phủ ông Biden đã đi xa tới mức tham gia các cuộc hội đàm kéo dài hàng giờ với các quan chức ĐCSTQ về sự cân nhắc của Trung Quốc trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho nỗ lực chiến tranh của Nga. Ngoài ra, một báo cáo từ Ukraine, có khả năng được biên soạn bởi một quốc gia phương Tây thân thiện, tuyên bố rằng tin tặc Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch tấn công mạng quy mô chống lại cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự quan trọng của Ukraine — bao gồm cả các cuộc tấn công vào các tài sản hạt nhân — một ngày trước khi Nga xâm lược.

Các quốc gia thành viên NATO đã kêu gọi Trung Quốc khước từ Nga và không ủng hộ nỗ lực chiến tranh của họ, mặc dù không rõ phương Tây sẵn sàng gây áp lực ở mức độ nào với Bắc Kinh về mối quan hệ kinh tế với Moscow trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng.

Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.

Nhật Thăng biên dịch

Related posts