Dự trữ ngoại hối giảm 56.5 tỷ USD trong khi thặng dư thương mại tăng: Tiền Trung Quốc đã đi đâu?

Quang Nhật

Kể từ khi ĐCSTQ đàn áp các doanh nghiệp Trung Quốc, dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc ngày một nhiều. Bức ảnh này cho thấy một nhân viên giao dịch ngân hàng đang đếm những xấp USD và tờ 100 nhân dân tệ của Trung Quốc tại một ngân hàng ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: STR / AFP / Getty Images)

Trong 6 tháng đầu năm, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 56,5 tỷ USD. Trong khi xuất khẩu vẫn tăng, thặng dư thương mại dồi dào. Vậy tiền của Trung Quốc đi đâu? Câu trả lời là dòng vốn ngoại rút khỏi Trung Quốc trong khi nợ xấu do thị trường bất động sản (BĐS) sụp đổ, các ngân hàng điêu đứng thanh khoản, chính quyền địa phương cạn tiền, tăng cường dự trữ cho chiến tranh… đang ngốn của Bắc Kinh một lượng tiền lớn…

Ngày 8/7, một phương tiện truyền thông của Bắc Kinh là Tin tức Chứng khoán Thượng Hải, trích lời người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc Shu Jueting nói rằng Trung Quốc dự báo tốc độ tăng trưởng thương mại trong 6 tháng đầu năm ở mức khá cao.

Ông Shu Jueting nói rằng Bộ Thương mại sẽ tiếp tục thúc đẩy dòng chảy thông suốt của ngoại thương, cung cấp hỗ trợ tài chính và thuế hỗ trợ doanh nghiệp và ổn định chuỗi cung ứng.

Nghịch lý

Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc là 2,51 nghìn tỷ USD, tăng 10,3%. Trong đó, xuất khẩu là 1,40 nghìn tỷ USD, tăng 13,5%; nhập khẩu là 1,11 nghìn tỷ USD, tăng 6,6%; xuất siêu 290,46 tỷ đô la Mỹ, tăng 50,8%.

Chỉ riêng với Hoa Kỳ, thị trường xuất siêu lớn nhất của Bắc Kinh, trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đạt 313,57 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ là 236,86 tỷ USD, tăng 15,1%; nhập khẩu từ Hoa Kỳ là 76,71 tỷ USD, tăng 4,0%; xuất siêu 160,15 tỷ USD, tăng là 20,9% so cùng kỳ.

Dữ liệu cho thấy Trung Quốc duy trì thặng dư thương mại tốt hơn năm 2021, thu được rất nhiều ngoại tệ từ xuất khẩu.

Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm 56,5 tỷ USD trong tháng Sáu.

Trang web của Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc đã công bố thông tin vào ngày 7/7. Ông Wang Chunying, Phó giám đốc kiêm người phát ngôn của Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước, đã trả lời câu hỏi của các phóng viên về những thay đổi trong quy mô dự trữ ngoại hối trong tháng 6/2022.

Ông Wang Chunying cho biết, tính đến cuối tháng 6/2022, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là 3.071,3 tỷ USD, giảm 56,5 tỷ USD, tương đương 1,81% so với cuối tháng 5. Theo cơ quan này, chỉ số USD tăng đáng kể và giá tài sản tài chính ở các nước lớn giảm mạnh đã tác động làm suy giảm giá trị dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh. Dự trữ ngoại hối được quy đổi theo USD. Một lượng ngoại tệ trong rổ dự trữ ngoại hối quy đổi thành USD bị giảm giá trị do USD tăng giá.

Nhưng lý giải của Cục Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có hợp lý không? Thực tế, giá trị đồng USD đã tăng cao trong suốt một năm nay; DXY tăng từ 92 điểm lên 106 điểm (tăng 15% giá trị). Nhưng trong một năm nay, dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh không hề vì thế mà giảm, chỉ mới sụt giảm mạnh trong 3 tháng gần đây (quý 2/2022).

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc mất 56,5 tỷ USD trong tháng 6/2022. Mức giảm cao nhất kể từ tháng 3/2020 bất chấp nước này đạt thặng dư thương mại lớn (Nguồn: Trading Economics).
Chỉ số giá trị đồng USD là DXY tăng 15% trong một năm qua (Nguồn: Trading Economics).

Dòng vốn ngoại đang từ bỏ Bắc Kinh 

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ghi nhận dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi bắc kinh với quy mô lớn nhất theo quý trong quý 1/2022. Nguyên nhân khiến dòng vốn tháo chạy khỏi Bắc Kinh do: (i) Phong toả khắc nghiệt vì chính sách ‘zero-covid’ đi kèm với đàn áp kinh tế tư nhân; (ii) suy giảm tăng trưởng; (iii) rủi ro lạm phát và nợ xấu bùng phát trong khi đồng tiền đối thủ là USD tăng giá; (iv) ủng hộ Nga trong cuộc xâm lược Ukraine khiến dòng vốn ngoại e sợ Trung Quốc phải nhận đòn trừng phạt.

Trang tin National News, trích báo cáo của IIF, nhận định rằng các đầu tư ngoại đã bán cổ phiếu, trái phiếu nội tệ; chiếm phần lớn trong dòng tiền ra khỏi Bắc Kinh.

Việc Nga bán một phần dự trữ ngoại tệ, ước tính 70 tỷ USD, cho Trung Quốc cũng là nguyên nhân dẫn đến dòng chảy khổng lồ. Nga đang chịu các đòn trừng phạt kinh tế từ Mỹ và Phương Tây, việc Trung Quốc bất chấp đòn trừng phạt này để hỗ trợ Nga khiến các nhà đầu tư nước ngoài e sợ rằng Bắc Kinh có thể nằm trong danh sách bị trừng phạt kế tiếp.

IIF cho biết: “Dòng vốn đầu tư tháo chạy khỏi Trung Quốc đạt mức cao chưa từng có”. Tuy nhiên, theo National News, IIF không đưa ra con số chính xác để chứng minh cho nhận định này.

Mặc dù không đưa ra số liệu cả quý 1/2022, nhưng IFF đưa số liệu trong tháng 3/2022, 17,5 tỷ USD vốn ngoại đã rời khỏi thị trường Trung Quốc; trong đó 11,2 tỷ USD tháo chạy khỏi thị trường trái phiếu, còn lại là rời bỏ thị trường cổ phiếu.

Dữ liệu chính thức của Trung Quốc cũng khẳng định số liệu của IIF, một lượng vốn kỷ lục đã từ bỏ thị trường trái phiếu của nước này. Chỉ trong tháng 3/2022, khoảng 52 tỷ nhân dân tệ (CNY) vốn ngoại đã tháo chạy khỏi Bắc Kinh.

IIF cho biết: “Chúng tôi coi dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang ngày càng thận trọng hơn về rủi ro địa chính trị”.

Kẹt thanh khoản ở các NHTM địa phương cũng tiêu tốn tiền của Bắc Kinh

Như NTDVN đã đưa tin, Bắc Kinh đang phải đối mặt với khủng hoảng mất thanh khoản và niềm tin nghiêm trọng trong hệ thống NHTM địa phương, từ Hà Nam cho tới Thâm Quyến; từ NHTM nông thôn của tỉnh có tới các NHTM lớn cấp trung ương.

Đỉnh điểm của khủng hoảng này là chính quyền còn phải dùng đến ‘thủ đoạn’ bật chế độ cảnh báo nguy hiểm về Covid-19 với những người gửi tiền ở NHTM ở Hà Nam nhằm ngăn họ tập trung biểu tình và xếp hàng rút tiền mặt ở các NHTM đã cạn sạch tiền này. Bản thân các NHTM này tuyên bố đóng cửa dịch vụ thanh toán, chuyển tiền qua ứng dụng trực tuyến một cách đột ngột.

Gần đây, một đoạn video về Bank of China (Ngân hàng Trung Quốc) được điều hành bởi những người gửi tiền tại một chi nhánh ở Thâm Quyến đã được lan truyền trên mạng xã hội. Đoạn video cho thấy chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc đặt tại phố Shiyan, Thâm Quyến, mỗi ngày chỉ có 2 cửa sổ rút tiền thủ công và 200 người đã xếp hàng dài để rút tiền.

Người dân xếp hàng chờ rút tiền từ 6h sáng tại Ngân hàng Trung Quốc, chi nhánh Thâm Quyến trong một video được post lên twitter (Nguồn: Ảnh chụp từ video trên internet ngày 26/6/2022).

Người quay video cho biết: “Để xem nào. Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh Shiyan, người chờ rút tiền xếp hàng lúc 6 giờ và 7 giờ sáng. Mọi người chạy qua mà không kịp ăn sáng. Bây giờ mới 10 giờ, và tất cả chúng tôi vẫn ở đó. Xếp hàng, không có số (chip) ở đây, và chúng tôi sẽ không xử lý công việc kinh doanh cho chúng tôi, đây là Ngân hàng Trung Quốc, đây là Ngân hàng Trung Quốc của Shiyan. Hãy đến xem”.

Vào ngày 22/6, một người nào đó đã chia sẻ đoạn video trên Twitter và viết: “Đang có sấm sét trong ngân hàng, không ai có thể thoát. Để dập tắt sự tức giận của công chúng, họ sẽ gây chiến, chuyển hướng sự chú ý, tìm cách để đổ lỗi rằng [việc ngân hàng mất thanh khoản] là do người Mỹ làm ra và người dân sẽ buộc phải chấp nhận tin vào điều này. Bạn có tin hay không? Hãy cùng xem”.

Song song sự kiện này, 4 NHTM ở Hà Nam, Trung Quốc, đang là tâm điểm cơn bão dư luận và các cuộc biểu tình liên miên không dứt của người gửi tiền. Mất thanh khoản trong hệ thống NHTM rõ ràng là đang lan rộng trong hệ thống ngân hàng. Người gửi tiền Trung Quốc biểu tình đòi NHTM nông thôn tỉnh Hà Nam phải trả lại tiền gửi cho họ, yêu cầu giải thích và đối thoại.

Trong ảnh người biểu tình giăng biểu ngữ trước Cục Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm tỉnh Hà Nam ngày 27/6 (Ảnh chụp từ video)

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã phải liên tiếp bơm tiền vào hệ thống để chống đỡ thanh khoản. Bất chấp lạm phát đang bùng phát, PBOC là một trong những ngân hàng trung ương hiếm hoi trên thế giới không tăng lãi suất, duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Vỡ nợ quốc tế hàng ngàn tỷ USD trên thị trường BĐS

Không gì có thể cứu vãn nổi tình trạng vỡ nợ bất động sản (BĐS) hiệu ứng domino đang diễn ra ở Trung Quốc. Chỉ 30 doanh nghiệp BĐS đã vỡ nợ 1.000 tỷ USD. Hàng chục tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp BĐS phát hành trên thị trường quốc tế (ước tính khoảng 42 tỷ USD) có nguy cơ vỡ nợ trong nửa cuối năm 2022 vì đến kỳ thanh toán.

BĐS đóng góp vào 25% GDP của Trung Quốc, nó cũng là khoản nợ chính nằm trong các NHTM; tăng trưởng và đổ vỡ tài chính là những vấn đề Trung Quốc đang phải đối mặt. Vấn đề đang ngày một u ám hơn.

Hãng tin Bloomberg, trích dẫn nhận định từ chuyên gia BĐS, bà Charlene Chu, người đã từng làm việc tại Fitch Rating (một trong 3 cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn nhất toàn cầu), hiện là nhà phân tích tài chính cấp cao tại Autonomous Research, một công ty con của Sanford C.Berntein & Co., ước tính rằng chỉ khoảng 30 công ty BĐS ở Trung Quốc đã vỡ nợ tới 1.000 tỷ USD.

Nhưng vấn đề nợ BĐS của Trung Quốc không chỉ ở trái phiếu doanh nghiệp phát hành bằng đồng USD ra thị trường quốc tế. Chẳng qua, đây là loại công cụ nợ đầu tiên buộc phải bộc lộ tình trạng mất khả năng trả nợ mà thôi.

Địa phương cạn kiệt tiền: rủi ro vỡ nợ chính quyền địa phương

Sự suy kiệt tài chính từ trung ương đến địa phương, trước hết thể hiện ở tình trạng khó khăn của chính quyền địa phương. Gần đây, chính quyền nhiều địa phương đã quyết định thành lập ‘văn phòng giảm lương’ đặc biệt, điều này chứng tỏ giảm lương không còn là hiện tượng cá biệt, mà là chính sách chung lâu dài.

Không chỉ giảm lương, công chức ở nhiều địa phương khắp Trung Quốc đã phải lên tiếng, thậm chí biểu tình vì chính quyền địa phương không trả lương cho họ trong nhiều tháng.

Gần đây, ở các tỉnh lớn giàu có, các viên chức chính quyền đã bị giảm 50% tiền lương, tất cả các khoản gọi là ‘tiền thưởng thành tích’ đã bị hủy bỏ. Không chỉ quan chức chính quyền bị cắt giảm lương, mà ngay cả giáo viên, nhân viên y tế cũng không được tha, thậm chí có những ‘thiên thần áo trắng’ cũng đã gia nhập ‘đội quân đòi lương’, điều này cho thấy tính phổ biến và nghiêm trọng của vấn đề.

Do chính quyền địa phương thiếu tiền, vào tháng 12/2021, có thông tin rằng công chức ở Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông, Phúc Kiến và Thượng Hải liên tiếp nhận được thông báo giảm lương, mức giảm từ 20 đến 30%. (Ảnh Getty)

Đồng thời, các ngân hàng địa phương cũng bắt đầu đổ vỡ. Một ngân hàng nông thôn ở Hà Nam bất ngờ sụp đổ, gần 100 tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 350 nghìn tỷ đồng) tiền gửi của 400.000 người gửi tiền đã biến thành hư vô. Một số ngân hàng bắt đầu hạn chế người gửi tiền rút tiền, chỉ được rút không quá 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3.5 triệu đồng) mỗi ngày. Ngân hàng Thượng Hải giữ tài khoản lương của người già, khiến những người già nhận lương hưu rất khó khăn, nỗi khổ không nói hết, mục đích là giảm việc rút tiền gửi.

Việc cạn kiệt nguồn tài chính của chính quyền địa phương bắt nguồn từ sự suy giảm kinh tế không thể đảo ngược, và sự suy thoái toàn diện của ngành bất động sản. Chính quyền địa phương không thể kiếm tiền bằng cách bán đất, và chính quyền trung ương cũng thiếu nguồn thu thuế do suy thoái kinh tế. Trung ương không cứu được các địa phương, các địa phương lại càng nguy, khó tự cứu mình. Giữa chính quyền trung ương và địa phương, không những không dùng lợi ích để dụ dỗ lẫn nhau, mà thậm chí còn xung đột vì lợi ích. Mạnh Tử nói: “Trên dưới không giao nộp thuế, lợi ích, thì đất nước lâm nguy”.

Nợ địa phương Trung Quốc tăng không kiểm soát do cơ chế phân cấp nguồn thu thuế bất hợp lý giữa trung ương và địa phương trong khi các quan chức địa phương chịu áp lực thúc đẩy tăng trưởng GDP – tăng trưởng càng cao thì thăng tiến càng nhanh bất chấp hậu quả trong trung và dài hạn. Thêm vào đó, luật pháp “láu cá” quy định một số phương thức huy động nợ địa phương như trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt không tính vào nợ chính quyền, hoặc bản thân các chính quyền địa phương cũng lách luật khi huy động qua các công ty tài chính tự lập, như vậy các khoản nợ này cũng không chịu sự giám sát nào về minh bạch và an toàn tài chính công, do vậy càng khuyến khích nợ địa phương bùng phát dữ dội.

Ví dụ, theo luật, phát hành trái phiếu thông qua chính quyền tỉnh là cách hợp pháp duy nhất để chính quyền địa phương gây quỹ. Song nhiều địa phương cấp thấp hơn vay thông qua các công ty tài chính do họ tự thành lập.

Một số tận dụng các mối quan hệ đối tác công tư bằng cách cung cấp bảo lãnh của chính phủ cho các khoản vay mà các nhà đầu tư tư nhân huy động. Chương trình này được giới thiệu vào năm 2014 để giảm bớt áp lực dịch vụ nợ đối với chính quyền địa phương. Song trên thực tế, nhiều chính quyền địa phương chỉ mời các nhà đầu tư giả để được chấp thuận cho vay. 

Những khoản vay như vậy thường không xuất hiện ở bất cứ đâu trong ngân sách của chính phủ (không được hạch toán chính thức vào nợ chính quyền trung ương bởi luật pháp Trung Quốc quy định như vậy nhằm làm đẹp bảng cân đối thu chi và nợ quốc gia một cách giả tạo), làm tăng rủi ro trong hệ thống tài chính của quốc gia khi chúng cứ tiếp tục đảo lại.

Quỹ  Tiền tệ Quốc tế ước tính nợ công địa phương ẩn ở mức 30,9 nghìn tỷ nhân dân tệ tính đến cuối năm 2018. Đơn vị xếp hạng tín dụng quốc tế Trung Quốc Chengxin cho biết quy mô đã tăng lên 43 nghìn tỷ nhân dân tệ vào cuối năm 2019. Ngoài ra còn có 21,3 nghìn tỷ nhân dân tệ nợ công trên ngân sách địa phương – chủ yếu là trái phiếu – vào cuối năm ngoái, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết.

Cầu ngoại tệ mua dự trữ lương thực, năng lượng và chạy đua vũ trang

Trung Quốc đang tăng cường dự trữ lương thực, năng lượng và chay đua vũ trang chưa từng có. Các động thái của Bắc Kinh khiến ngoại giới nghi ngờ rằng quốc gia này đang chuẩn bị cho chiến tranh.

Vào tháng 12/2021, hãng tin Reuters đưa tin rằng Trung Quốc có kho dự trữ ngũ cốc lớn nhất thế giới: “Quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc, đã dự trữ hơn một nửa lượng ngô và các loại ngũ cốc khác trên toàn cầu, và dự kiến sẽ tăng cường dự trữ lương thực hơn nữa”.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, dự trữ ngô của Trung Quốc có khả năng chiếm 69% toàn cầu trong nửa đầu niên vụ 2022, dự trữ gạo chiếm 60% và lúa mì là 51%. Các dự báo cho thấy mức tăng khoảng 20 điểm phần trăm trong 10 năm qua.

Dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy quốc gia này đã chi 98,1 tỷ USD nhập khẩu thực phẩm (không bao gồm đồ uống) vào năm 2020, tăng 4,6 lần so với một thập kỷ trước đó. Trong chín tháng đầu năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều lương thực hơn so với lượng nhập khẩu từ năm 2016; điều này cách  xa so với dữ liệu hiện có.

Không chỉ lương thực, Trung Quốc đang vơ vét năng lượng khắp toàn cầu. Trung Quốc đã mua rất nhiều dầu từ nước ngoài với giá “rẻ mạt” vào mùa xuân năm 2020. Theo một số con số thống kê, cho tới ngày 29/6/2020, Trung Quốc đã tích lũy được 73 triệu thùng dầu, tương đương 3/4 nhu cầu về dầu cho toàn bộ thế giới. Lượng dầu này được tích trữ trên 59 tàu khác nhau trôi nổi trên biển ngoài khơi bờ biển phía bắc của đất nước, theo ClipperData.

“Kho lưu trữ nổi của Trung Quốc” vào cuối tháng 6/2020 đã tăng gần gấp 4 lần kể từ cuối tháng 5/2022 và tăng gấp 7 lần so với mức trung bình hàng tháng trong quý I/2020. Nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã tăng 19% trong tháng 5 so với năm trước, và đạt mức cao kỷ lục 11,3 triệu thùng mỗi ngày, theo S&P Global Platts.

Nhưng ngay cả khi giá dầu leo thang trong suốt năm 2021 và 2022 trong khi cầu về năng lượng trong nước giảm, Trung Quốc vẫn không ngừng gia tăng tích trữ năng lượng.

Theo số liệu từ Reuters, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga đã tăng 55% so với một năm trước đó lên mức kỷ lục vào tháng 5/2022; điều này khá ngạc nhiên khi cầu về dầu thô của Trung Quốc đang suy giảm do phong tỏa kinh tế. Nga đã thay thế Arab Saudi trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho Trung Quốc nhờ chiết khấu lớn cho “đồng minh”. Nga áp dụng mức giá dầu chiết khấu cao để tăng nguồn thu trong bối cảnh nước này phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế liên tiếp do xâm lược Ukraine.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu của Nga, bao gồm nguồn cung được bơm qua đường ống ở Thái Bình Dương ở Đông Siberia và các chuyến hàng bằng đường biển từ các cảng Châu Âu và Viễn Đông của Nga, đạt tổng cộng gần 8,42 triệu tấn dầu vào tháng 5/2022. Con số này tương đương với khoảng 1,98 triệu thùng/ngày (bpd) và tăng tới 25% so với mức nhập khẩu 1,59 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2022.

Ngoài ra, việc chạy đua vũ trang để chuẩn bị cho một cuộc chiến trong lúc căng thẳng địa chính trị toàn cầu đang leo thang cũng đang tiêu tốn một khoản ngân sách khổng lồ của chính quyền Bắc Kinh.

Cầu ngoại tệ tăng khi làn sóng đào thoát khỏi đất nước gia tăng

Một xu hướng không chỉ ở giới tinh hoa Trung Quốc, mà ở cả tầng lớp trung lưu, đó là ôm tiền bỏ chạy khỏi đất nước.

Người Trung Quốc gần đây ngày càng hỏi nhiều hơn về vấn đề di cư (nhập cư vào các nước châu Âu, Mỹ hoặc Canada); đó là người ở tầng lớp trung lưu. Thực tế, nhiều người giàu đã bỏ trốn từ lâu. Đặc biệt là sau khi chính quyền Bắc Kinh thực hiện chính sách phòng chống dịch bệnh ‘zero-covid’.

Mối quan tâm của người Trung Quốc về vấn đề nhập cư, từ khoá ‘học hỏi’ trở thành từ được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội. Trong tiếng Trung Quốc, từ ‘học hỏi’ đồng âm với từ tiếng Anh là ‘run’ (bỏ chạy). Từ khoá này khi tìm kiếm trên internet sẽ dẫn người Trung Quốc tới các trang hướng dẫn nhập cư.

Trung Quốc từ vài năm nay, đã phải đưa ra chính sách hạn chế số lượng ngoại tệ người Trung Quốc được phép mang theo khi đi du lịch, công tác ra nước ngoài. Bản thân đồng nhân dân tệ cũng không được phép tự do chuyển đổi ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, trừ Trung Quốc. Dù vậy, làn sóng tìm đường từ bỏ đất nước cùng với ngoại tệ cũng làm trầm trọng thêm quy mô tháo chạy của dòng tiền.

Với tất cả các lý do trên, việc dự trữ ngoại hối của Trung Quốc suy giảm là hợp lý. Trong ngắn và trung hạn, dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh có thể tiếp tục suy giảm vì các nền tảng vĩ mô, ổn định thị trường tài chính đang ngày một xấu đi.

Quang Nhật

Related posts