Quang Nhật
Trước sự phẫn nộ của người biểu tình tràn vào Dinh Tổng thống, Ngân hàng nhà nước, Tổng thống Sri Lanka phải chạy trốn. Theo tin từ Reuters, ông Rajapaksa đã bỏ trốn đến Maldives, chấm dứt hoàn toàn sự thống trị của dòng họ Rajapaksa trên đất nước này.
Theo tin từ Reuters, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã bỏ trốn khỏi Sri Lanka đến Maldives vào ngày hôm nay, thứ Tư (13/7), vài giờ trước khi tuyên bố từ chức trong bối cảnh hỗn loạn và biểu tình phản đối ông và gia tộc Rajapaksa lan rộng khắp đất nước.
Ông Rajapaksa cùng với vợ và hai vệ sĩ đã rời khỏi đất nước bằng máy bay của Không quân Sri Lanka, theo một tuyên bố của lực lượng không quân.
Một nguồn tin chính phủ và một người thân cận với ông Rajapaksa cho biết hiện ông đang ở Male, thủ đô của Maldives.
Chuyến bay của tổng thống sẽ chấm dứt sự cai trị của gia tộc Rajapksa hùng mạnh đã thống trị chính trị Sri Lanka, một quốc gia Nam Á trong suốt hai thập kỷ qua.
Trong suốt hai thập kỷ, gia tộc Rajapksa đã bắt tay với Trung Quốc, tham gia vào Sáng kiến Vành đai – Con đường, mở rộng nợ chính phủ để đầu tư vào vô số dự án cơ sở hạ tầng khắp quốc gia. Như nhiều quốc gia đang phát triển, khi đã lọt lưới bẫy nợ của Bắc Kinh, Sri Lanka không còn con đường nào khác ngoài việc phải gán nợ cho Trung Quốc.
Tháng 12/2017, Sri Lanka đã buộc phải ký hợp đồng cho thuê 99 năm, bàn giao tài sản và hoạt động của Cảng Hambantota cho Tập đoàn Trung Hoa Chiêu Thương Cục (China Merchants Group), một doanh nghiệp nhà nước hoạt động dưới quyền Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc. Nguyên nhân là Sri Lanka không có khả năng trả khoản nợ lớn phát sinh trong việc xây dựng cảng.
Hiện tại, quốc gia này chỉ còn 50 triệu USD tiền dự trữ. Số tiền không đủ để nhập khẩu năng lượng, lương thực. Người Sri Lanka cùng cực trong đói nghèo, cả xã hội tê liệt vì khủng hoảng năng lượng. Liên Hợp quốc ra thông cáo rằng 5,7 triệu người Sri Lanka cần phải được cứu đói khẩn cấp.
Hôm 09/07, hàng trăm người dân Sri Lanka do phẫn nộ cùng cực đã tấn công tự phát vào Dinh Tổng thống. Đất nước Sri Lanka dường như đổ sụp hoàn toàn sau khi tuyên bố vỡ nợ vào tháng 5 năm nay. Phần nhiều trong số các khoản nợ này là nợ Bắc Kinh.
Các cuộc biểu tình, gần như hàng ngày của người dân được ghi nhận từ 31/3. Người dân yêu cầu chính phủ gia đình do Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đứng đầu phải từ chức. Trong nỗ lực dập tắt sự phẫn nộ của công chúng, chính phủ Sri Lanka đã thông báo việc từ chức của 26 bộ trưởng nội các (ngoại trừ Tổng thống và Thủ tướng) và 41 nhà lập pháp từ đảng cầm quyền.
Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka khi đó là hai anh em ruột nhà Rajapaksa; gia tộc đã nắm quyền ở Sri Lanka 20 năm qua.
Người dân tiếp tục biểu tình đòi gia tộc Rajapaksa phải từ chức. Khoảng 180 người bị thương và 5 người, bao gồm cả một thành viên quốc hội, đã thiệt mạng trong vụ bạo lực lớn nổ ra vào ngày 09/05. Thủ tướng Sri Lanka là Mahinda Rajapaksa, em trai của Tổng thống đương nhiệm khi đó, đã tuyên bố từ chức sau vụ bạo lực này. Trong khi đó, các nhà chức trách đã công bố lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên toàn quốc. Tuyên bố từ chức của Thủ tướng dường như là một động thái để cứu nhiệm kỳ Tổng thống của anh trai ông.
Hôm nay, khi Tổng thống Sri Lanka chính thức từ chức và chạy trốn khỏi đất nước, quyền lực của nhà Rajapaksa chính thức chấm dứt ở quốc gia Nam Á này.
Quang Nhật