Bắc Kinh để lộ dấu hiệu tuyệt vọng

Milton Ezrati

Khách bộ hành băng qua đường trước các tòa nhà ở khu thương mại trung tâm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 23/11/2021. Sự suy thoái kinh tế rõ rệt của Trung Quốc trong nửa cuối năm đang thử thách bản lĩnh chính sách của ngân hàng trung ương và chia rẽ các nhà kinh tế về việc liệu có cần hành động mạnh mẽ hơn để tránh suy thoái sâu hơn hay không. (Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg qua Getty Images) Trung Quốc

Giới lãnh đạo Trung Quốc thực hiện những bước đi đa phần có thể dự đoán được và có lẽ khó có khả năng thành công để thúc đẩy nền kinh tế đang tụt hậu của Trung Quốc

Bắc Kinh đang bắt đầu trông có vẻ tuyệt vọng. Nhiều tháng trước, nhà cầm quyền này đã giảm mục tiêu tăng trưởng thực tế cho năm 2022 xuống chỉ còn 5.5%. Những hạn chế nghiêm trọng nhằm giải quyết COVID-19 khiến ngay cả số liệu đã được điều chỉnh giảm đó cũng khó mà đạt được.

Bắc Kinh cũng cần phải vượt qua xu thế tự nhiên của bất kỳ nền kinh tế nào, đó là tăng trưởng chậm lại khi đạt được những mức phát triển cao hơn. Điều dễ hiểu là giới lãnh đạo Trung Quốc lo lắng về sự gia tăng trong tỷ lệ thất nghiệp, mà gần đây đã đạt tới mức hơn 6% lực lượng lao động và gần 20% dân số giới trẻ. Giờ đây, các nhà hoạch định chính sách dường như đã làm mọi cách để giữ cho mọi thứ hoạt động, và rõ ràng như thế là chưa đủ.

Gần đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đưa ra các biện pháp kích thích chi tiêu được nội các Trung Quốc, gọi là Quốc Vụ Viện, ưa chuộng. Được đặt tên là “Gói Các Biện Pháp Chính Sách nhằm Ổn Định Nền Kinh Tế”, kế hoạch này rất lớn, có tổng trị giá khoảng 800 tỷ nhân dân tệ (120 tỷ USD) và bao gồm 33 sáng kiến ​​riêng biệt, mặc dù số lượng sáng kiến chính xác là bao nhiêu thì còn tùy thuộc vào cách tính.

Để tài trợ cho sáng kiến ​​này, Bắc Kinh đã thúc ép các chính quyền địa phương phát hành cái gọi là “các trái phiếu cho mục đích đặc biệt.” Bởi vì các đợt phong tỏa COVID đã làm căng thẳng ngân sách của các chính quyền địa phương, nên Bắc Kinh cũng đã dựa vào các ngân hàng quốc doanh để cấp tín dụng.

Chương trình này có quá nhiều chi tiết để liệt kê mọi thứ ở đây. Một bản tóm lược là đủ.

Một người phụ nữ cao tuổi đẩy xe hàng sau khi tìm trong các thùng rác thu gom các vật dụng có thể tái chế để bán dọc một con phố gần Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 05/03/2021. (Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP qua Getty Images)

Khoảng 14 trong số các biện pháp là nhằm bù đắp những tác động xấu của các đợt phong tỏa và cách ly chống COVID. Trong đó, Bắc Kinh tập trung vào cái mà họ gọi là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ, và vừa (MSME).

Viện trợ chính sách bao gồm giảm thuế phí, các biện pháp hoãn đóng bảo hiểm xã hội và các khoản thanh toán cho quỹ dự phòng nhà ở, và một số khoản thanh toán gốc và lãi cho các khoản nợ phải trả cho các ngân hàng nhà nước. Phần này của chương trình mở rộng khoản cứu trợ này dành cho một số doanh nghiệp lớn hơn trong các lĩnh vực nhất định, bao gồm sản xuất, dịch vụ công nghệ, năng lượng, giao thông vận tải, và bảo vệ sinh thái. Quốc Vụ Viện cũng đã cung cấp cho các MSME một số ưu đãi về hỗ trợ hợp đồng và vay vốn của chính phủ, đặc biệt là trong các lĩnh vực vận chuyển, ẩm thực, lưu trú, và du lịch.

Phần lớn các biện pháp còn lại của chương trình này nhắm vào cơ sở hạ tầng, lĩnh vực mà Trung Quốc lâu nay vẫn thường viện đến khi tìm cách tăng trưởng kinh tế. Ở đây, trọng tâm là dự trữ nước, kiểm soát lũ lụt, và tân trang các đường ống đô thị. Quốc Vụ Viện cũng nhấn mạnh đến năng lượng. Phần này của kế hoạch bao gồm phong điện, quang điện, và thủy điện, nhưng Quốc Vụ Viện cũng có vẻ sẽ nhắm đến tăng sản lượng than.

Quốc Vụ Viện đã cố gắng thừa nhận những mối quan tâm lâu dài về môi trường của than. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh nhu cầu cung cấp năng lượng ngay lập tức, điều này là dễ hiểu sau tác động tàn phá của tình trạng thiếu điện vào năm 2021.

Logistics — vận chuyển, kho bãi, và các trung tâm đô thị — cũng nhận được sự chú trọng, cũng như sản xuất xe hơi và hàng không, phần lớn bằng cách dỡ bỏ các quy định địa phương và quốc gia có thể gây trở ngại cho việc bán hàng.

Ảnh chụp từ trên không của tàu cao tốc trên đường sắt cao tốc mới được xây dựng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, vào ngày 15/12/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Mặc dù, ở nhiều khía cạnh, nỗ lực kích thích mới nhất này trông rất giống những nỗ lực như vậy trong quá khứ, thì sự nhấn mạnh vào MSME là điều mới lạ. Những nỗ lực như vậy trước đây phần lớn đã bỏ qua các doanh nghiệp nhỏ hơn, hầu như chỉ tập trung vào các dự án lớn — đường xá, cầu, cảng, đường sắt, v.v. — thường một cách tự nhiên thu hút sự hỗ trợ của chính phủ vào các doanh nghiệp lớn hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước.

Trước đây, dường như sự thiếu quan tâm đến cái gọi là MSME này ít liên quan đến sự thiếu thiện cảm của chính phủ hơn là việc các doanh nghiệp nhỏ hơn có ít sự hiện diện trong các lĩnh vực mà chính phủ quan tâm. Việc kế hoạch lần này bao gồm cả các doanh nghiệp loại này không liên quan gì đến sự thay đổi trong trọng tâm kinh tế của Bắc Kinh, mà là do nhu cầu cấp bách phải cứu trợ khỏi sự tàn phá của các biện pháp nghiêm ngặt chống COVID. Ngay cả với sự thừa nhận của Bắc Kinh về nhu cầu này, thì ít có điều gì khác trong chương trình của Quốc Vụ Viện nói lên bất kỳ sự thay đổi căn bản nào trong các ưu tiên kinh tế.

Có một khía cạnh dường như nhỏ của gói này là đặc biệt đáng chú ý: Quốc Vụ Viện chỉ định đầu tư ngoại quốc là quan trọng đối với sự tăng trưởng của Trung Quốc.

Kế hoạch mới nhất của Bắc Kinh nói rõ rằng chính phủ muốn các khoản tiền đầu tư như vậy chảy đến các khu vực kém phát triển hơn của đất nước, chẳng hạn như các tỉnh miền trung, miền tây và đông bắc. Nhà cầm quyền này cũng tìm kiếm đầu tư ngoại quốc vào các lĩnh vực sản xuất tân tiến, robot, đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Hầu hết mọi quốc gia trên thế giới đều đưa ra các lời mời đầu tư ngoại quốc đến các khu vực kém phát triển của mình, thường là để giảm nghèo và thất nghiệp. Tuy nhiên, việc Trung Quốc nhấn mạnh vào chuyển giao công nghệ từ ngoại quốc, dù cho chỉ là gián tiếp, đã cho thấy rằng mặc dù có những bước tiến trong lĩnh vực công nghệ nội địa, nhưng Trung Quốc vẫn cần sự giúp đỡ từ các nước phát triển — hoặc ít ra là Bắc Kinh dường như nghĩ vậy.

“Gói Các Biện Pháp Chính Sách nhằm Ổn Định Nền Kinh Tế” của Quốc Vụ Viện nói rõ hai điều. Thứ nhất, Bắc Kinh hiện đang liều lĩnh đạt được mục tiêu tăng trưởng thực tế vốn đã giảm xuống còn 5.5% của mình cho năm 2022. Thứ hai, giới lãnh đạo Trung Quốc có kế hoạch đạt được mức tăng trưởng đó bằng cách sử dụng phần lớn các chính sách mà họ đã dựa vào trong quá khứ — các dự án cơ sở hạ tầng và phụ thuộc vào chuyển giao công nghệ ngoại quốc.

Nhiều nhà quan sát tinh ý tin rằng ngay cả với gói này, Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu của mình. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo mức tăng trưởng thực tế trong năm 2022 sẽ chỉ ở mức 4.5%. Các nhà kinh tế tại đại lý môi giới lớn của Nhật Bản, ngân hàng Nomura, thậm chí còn bi quan hơn. Họ kỳ vọng mức tăng trưởng thực chỉ đạt 3.9%.

Rất có thể là dù thực tế có diễn ra như thế nào, thì Bắc Kinh cũng sẽ công bố đã thành công, ngay cả khi điều đó đòi hỏi phải thực hiện một vài thủ thuật với các số liệu thống kê.

Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (“Ba Mươi Ngày Mai: Ba Thập Niên Tiếp Theo của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống”).

Minh Ngọc biên dịch

Related posts