Huyền Anh
Một tàu khu trục của Hải quân Mỹ di chuyển gần quần đảo Trường Sa vào ngày thứ Bảy (16/7), Hải quân Mỹ cho biết. Đây là hoạt động “tự do hàng hải” thứ hai kiểu như vậy diễn ra trong một tuần ở Biển Đông.
Hôm thứ Tư (13/7), quân đội Trung Quốc cho biết họ đã “xua đuổi” chính con tàu này, USS Benfold, khi nó di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa mà nước này kiểm soát.
Mỹ thường xuyên thực hiện các hoạt động mà họ gọi là tự do hàng hải ở Biển Đông, thách thức điều mà họ nói là các hạn chế đối với việc đi lại vô hại do Trung Quốc và các nước tranh chấp khác áp đặt.
“Vào ngày 16/7, USS Benfold (DDG 65) khẳng định các quyền và quyền tự do hàng hải ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] gần quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”, Hải quân Mỹ cho biết trong một phát biểu.
Hải quân Mỹ khẳng định hoạt động này nhằm “thách thức các hạn chế đối với việc đi qua vô hại” trên Biển Đông.
“Các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và sâu rộng ở Biển Đông đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, giao thương tự do và thương mại không bị cản trở, cũng như tự do cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven Biển Đông”, người phát ngôn của hải quân Mỹ Mark Langford cho biết.
Theo thông báo của hải quân Mỹ, luật pháp quốc tế theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) cho tất cả các nước quyền, tự do và việc sử dụng biển hợp pháp. Cộng đồng quốc tế có vai trò lâu dài trong việc duy trì tự do ở các vùng biển quan trọng đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng toàn cầu.
Cách đây 2 ngày khi tàu khu trục Mỹ di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, Chiến khu Nam bộ thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã tổ chức lực lượng trên biển và trên không để theo dõi, giám sát, cảnh báo và xua đuổi tàu thuyền Mỹ đồng thời công bố một số hình ảnh được chụp từ tàu khu trục Xianning của Trung Quốc nhìn sang tàu Benfold.
Trung Quốc nói họ không cản trở tự do hàng hải hoặc hàng không, cáo buộc Mỹ cố tình kích động căng thẳng.
Ngày thứ Hai đánh dấu kỉ niệm sáu năm phán quyết của một tòa án quốc tế vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc đối với Biển Đông, một thủy lộ nơi khoảng 3 ngàn tỉ USD giá trị thương mại được tàu thuyền chở qua lại mỗi năm.
Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận phán quyết này.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei đều có các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh và thường chồng chéo.
Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo trên một số lãnh thổ mà họ chiếm giữ ở Biển Đông, bao gồm cả các sân bay, khơi lên lo ngại trong khu vực về ý định của Bắc Kinh.
Huyền Anh