rắn sài gòn

Cung Tích Biền

nắng sài gòn anh đi mà chợt mát
bởi vì em mặc áo lụa hà đông

nguyên sa

Hôm ông Nghĩa khóa cửa nhà, ra ga Sàigòn mua cái vé tàu hạng nằm về thăm quê, cũng đã nhiều năm xa quê, thằng Phượt tình cờ tới thăm. Vé tàu rối rắm, hạng nằm hạng ngồi, vé cứng, vé mềm.  

Hạng ngồi, toa tàu không chia buồng riêng. Khách ngồi hai hàng ghế gỗ dọc tuồng luồng hai bên toa, suốt hành trình. Ban đêm ngồi, dựa vào thành toa tàu mà ngủ. Tàu chạy rùng rùng, gió lung, như được ai đấm lưng. Loại toa này đông đúc. Chen chúc nhau, hành khách ngồi / nằm cả trên sàn tàu. Hành lý, hàng buôn chuyến đầy chật.

Hạng vé nằm, mỗi toa chia nhiều phòng. Mỗi phòng nhỏ, cho bốn người. Hai giường đôi, tầng trên tầng dưới, cho mỗi người. Hạng vé mềm, giường có đệm, quạt máy, đèn đọc sách đầu giường. Vé cứng, giường không đệm, trụi trơ mấy thứ kia.

Đương nhiên, giá vé rất khác nhau.

Phượt xách một cái giỏ. Thằng bé chuyên bắt rắn, cười toe, nói với Nghĩa:

– Cháu chộp được con rắn thứ tư, chỗ cà phê lều ông Quỳnh. Còn một con nữa bác có một bình rượu ngũ xà.

Nghĩa nhìn thằng nhỏ gầy nhom, chỉ khuôn mặt sáng sũa, đôi mắt to. Phượt rất nhanh nhẹn, thành thạo việc bắt rắn, ếch nhái, tay không rượt bắt cả cá trong ruộng nước. Như mọi người phụ nữ, mẹ thằng Phượt  không hề lấy phải một con rái cá, đẻ ra một thằng nhanh nhẹn trong dòng nước như thằng Phượt. Chẳng qua, cả một vùng rộng lớn của khu ngoại ô thấp trũng này hơn mười năm nay đã trở thành một khu đất “Quy hoạch treo”. Treo, là để đó, chờ. Dần dà vùng trũng thấp này nhiều nơi biến ra một cái “đại hồ” chứa nguồn nước bao la ngập ứ, mỗi cơn mưa đường phố biến thành con sông, từ vùng nội ô thành phố thải ra. Phượt chuyên nghề sông nước.

Như gã làm xiếc, thằng nhóc lấy một thau nước sạch để sẵn. Mở hé cái giỏ, một con rắn vừa thò đầu ra, hắn nhanh nhẹn thộp ngay. Tay cầm chặt đầu con rắn, thả vào thau nước. Con rắn quậy dữ. Nhóc cười, nói với Nghĩa:

– Con rắn này lịch sự lắm. Nó biết vệ sinh. Tự tắm rửa trước khi cháu bỏ vào hũ rượu của bác.

Nghĩa nói:

– Chỉ một buổi sáng tao đã chộp được từ ao đìa này đến năm con rắn nước, cứ gì phải chờ đợi mới có ngũ xà.

Phọt nói nghiêm chỉnh:

– Một bình ngũ xà phải là năm loại rắn khác nhau bác ạ.

– Thằng này rành dữ.

Cả hai nhìn ra vùng đất rộng lớn, đất tư riêng của dân chúng, có tít mù từ đời cha ông để lại, nay là một khu quy hoạch của nhà nước. Khu quy hoạch, là một vùng đất trong tương lai sẽ là một khu đô thị mới khang trang thịnh vượng, hoặc một khu liên xí nghiệp công nghiệp tiên tiến, hoặc những gì đó lai rai khác.

Cũng là chủ trương chung trong kinh tế xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ, mỗi thành phố lớn phải là một “đại điểm” tập hợp được cả ba ngành, thương, công và nông nghiệp. Là nơi mua bán trao đổi hàng hóa, có luôn cả những xí nghiệp sản xuất đủ thứ ầm bà làng từ hộp sữa tới cái xế bốn bánh, thêm/gồm/ luôn cả nông nghiệp mần ra vườn rau ruộng lúa. Nói chung là ta đủ tự cường lẫn tự cung tự cấp, không cần nguồn ngoại nhập.

Nhưng, do nhiều “lý do khách quan” khu quy hoạch chưa thể thực hiện được ngay. Trong lúc đợi chờ, dù ruộng vườn tư hữu của mình, dân chúng vẫn phải triệt để tuân theo lệnh nhà nước, “Không được mua bán, thay đổi hiện trạng nhà cửa”.

Thằng Phượt lùng rảo khắp vùng, nghe ngóng lắm chuyện, tỏ ra rành việc.

– Bác Nghĩa ạ, khu ngoại ô quê mùa của mình nay là một “cảnh quan” đáng nhìn ngắm.

– Là sao?

– Ông Tám có khu ruộng rộng trên vài nghìn mét vuông. Ông bảo phải biết vận dụng thời cơ. Ruộng đang trồng hoa trái tươi tốt nay ngập nước, biến ra cái hồ sâu non thước nước. Chẳng lẽ sầu não ngồi đó mà than thở. Phải có đồng ra đồng vào chớ. Ông đóng cọc trên ruộng nước, dựng nên những cái chòi vách ván mái lợp tranh, trông rất thơ mộng. Mỗi chòi là một quán cà phê. Trai gái uống cà phê sáng, trưa nhậu nhẹt ôm nhau hát hò từng cặp. Tối, không điện, thắp đèn cầy, tình nam nữ càng nồng nàn sâu đậm, giựt cà tưng. 

Nghĩa nhìn thằng hàng xóm láu lỉnh, lại hỏi:

– Mày thấy vui hay buồn.

– Vui chớ bác.

– Vui cái mả bà mày. Nền nhà bùn đất quanh niên. Ếch nhái nhảy lên đầu giường. Buồn chán, dân muốn bán đất bán nhà bỏ xứ mà đi cũng không được. Dù là đất tư nhân, nhưng nhà nước đã quy hoạch ngang xương, dân không được phép bán. Con cháu có vợ có chồng, con cái, sinh thêm đông người, vườn đất còn rộng, muốn xây thêm cái nhà, thậm chí cơi nới thêm ra chút đỉnh cũng không được. Đù má, đã khu quy hoạch, là dân chúng không được “xây dựng mới”. Mày không thấy hôm kia ức hiếp quá con mụ Tàm chửi chủ tịch phường là thằng đội-quần không hả.

– Bác gái ấy nói tục dòn tan.

Lão già thở dài:

– Trước kia mụ Tàm đâu có vậy. Thời thế biến con người ra tục tỉu, thù hằn, ưa gây hấn, chửi bới đập lộn. Chuyện không đáng cũng mang dao ra đè cổ nhau.

**

Nghĩa sống ở Sàigòn, kể nửa đời người, chưa có sự chờ đợi nào dài lâu như lần này. Nó treo đã hơn mươi năm nay, lẽ ra… Lão vẫn đành sống chung với đồng hoang ao hồ, cóc ếch, nhái, mèo hoang, ểnh ương. Là nơi hoang phế, dễ lộng hành, một lũ xì ke, mẹ đĩ trôi giạt từ nội ô ra tới. Lại vườn chọi gà, sòng bạc. Tất cả là nhơ nhuốc, luộm thuộm, vì cái gì cũng tạm bợ, nằm chờ.

Không phải nằm chờ như con hồ con rồng, “ngọa hổ tiềm long”, nằm đó, ẩn tàng đợi ngày rồng bay cọp hống. Tất cả cái sống trong khu tàn tạ này, là đêm mất ngủ, ngày  nóng bức đợi chờ.

Đêm tanh lạnh, bên ngoài cơn mưa hoang lải nhải. Nước chảy róc rách qua bốn chân giường ngủ. Bên kia bờ ao tiếng đàn bầu của Mậu Đui ai oán. Thình lình một con rắn nước mịn màng từ chăn gối bò ra. Nó im lìm như lão. Chừng cũng hoang mang mệt mỏi, rắn nhìn người. Lão nằm yên, nhìn rắn.

Lại một khuya khoắt khác, ánh trăng cuối tháng nhờ nhờ, đất trời đang bị cảm cúm, con bé Tiêu lạnh run, hai tay bụm vạt áo trước bụng chui vào cửa lều. Con bé rên rỉ, Bố ơi cho con ngủ nhờ, bố còn cái giống gì cho ăn, con đói bụng quá. Nghĩa lục lọi tìm thức ăn. Lão tìm trong cái bụng rỗng. Bây giờ ta có thể chia máu cho con, chẳng còn một chút gì để ăn đâu.

Những sớm mai qua lớp nắng vàng, bọn người câu cá ven hồ. Lão nhớ quê của lão. Cảm ơn người thành phố còn duy trì một thế gian hoang buồn, còn giữ cái hơi thở mỏi mê mà lẽ ra cái ồn ào phồn vinh đã hủy diệt nó từ lâu.

Hơn mươi năm trước, để cổ động, dẫn đường quần chúng lên chốn thiên đường, cái loa phường xã hội chủ nghĩa, con vẹt sắt to bự được treo tòn ten trên cây bàng chỗ ngã ba đường đất – chỗ có mấy mái lều lá, suốt ngày bọn đàn ông ở trần trùng trục nhậu rượu đế hát nhạc Trịnh nối vòng tay lớn; bọn đàn bà rỗi việc ngồi chơi bài tứ sắc, bài ba lá, bọn du côn vào nội ô móc túi chụp giựt khuya khoắt trở về tranh công chia tiền; con vẹt sắt đã thường trực phát ra hai tháng trời tin tức cái công trình quy hoạch vĩ mô sẽ có, những lời ca vang chiến thắng ngập trời thơ mộng anh Trường Sơn đông em Trường Sơn tây, Hà Nội đó niềm tin hy vọng, nóng pháo vươn lên trời cao… cho tới tận hôm nay, lúc lão Nghĩa làm món nem thịt rắn, thiên đàng ấy chưa một dấu hiệu trở thành hiện thực như dự phóng. Bãi rác càng mênh mông do hàng trăm xe rác mang đến. Ruồi nhặn đen như mây thành. Nhà cửa vá đùm vá đụp. Một vùng ngọai ô cỡ mấy trăm héc-ta đất, lưa thưa nhà, không thêm một căn nhà mới nào, đường cũ không được sửa chữa, không con đường nào được mở rộng, lán nhựa, trám ô gà hang hố.

Để an ủi dân tình bớt ta thán, thỉnh thỏang một đoàn cán bộ về đo đạc, địa trắc những con đường đang là đại lộ trên bàn giấy. Một vài năm, một đoàn khác, đại diện mặt trận tổ quốc về tuyên truyền, an dân; thu gom đơn thư khiếu nại của dân chúng. Đâu lại vào đó, Nghĩa vẫn nhậu với gói nem thịt rắn, ếch xào lăn tại nhà, khỏi cần ra tiệm.

Chuyện lạ, không hiểu sao, chỗ cổng chào ngày hội khai trương công trình Nghĩa năm xưa, có một cái Bàn thờ tổ quốc. Nay còn một cái lư nhang xi măng, trên nền xi măng, non thước vuông. Một đêm trăng, thế gian chừng cô quạnh, mụ Tàm mang một nén nhang thơm, một nãi chuối chín, đặt chuối trên cái “bàn thờ mười năm lạnh lẽo”, thắp nhang, mụ tâm thành van vái: “Con cũng như bà con, con luôn tin rằng có một cái tổ quốc. Trăm lạy nghìn lạy tổ quốc có linh thiêng thì xúi cho con cháu tổ quốc nó đang làm cha chú nơi đây nó hè nhau tức tốc bãi bỏ cái khu quy hoạch treo ác nhơn này cho chúng con nhờ. Con bán miếng đất con trả nợ ngân hàng, chia cho con cái chút đỉnh nó mần ăn. Vườn tượt, đất ruộng của cha ông để lại, giá mấy tỉ bạc mà bây giờ bán chui mấy chục triệu không ai dám mua. Trăm lạy nghìn lạy cái tổ quốc linh thiêng ra ân cho chúng con nhờ. Quy hoạch mà ác ôn kiểu này con thề treo cổ trước bàn thờ cho tổ quốc coi”.

Mụ Tàm quả lắm mồm. Mụ khoe với mọi người đã nhang khói cúng vái tổ quốc rồi, chính quyền sẽ xóa quy hoạch, trả lại đất cho dân. Mãi hai năm sau không thấy động tĩnh gì, mọi người cười chê mụ mê tín. Mụ chửi ráo hoảnh, “Tổ quốc cái lồn què”.

Nghĩa rảnh rỗi, cắc cớ nhớ chuyện xưa, thời rùm beng huy hoàng, một thời tưởng như sống bằng khẩu hiệu, khỏi củ khoai chui vô bụng. Buổi sáng ấy xảy cảnh lạ. Một tấm bảng bằng tôn sắt to lớn, diện tích cỡ chục mét vuông ngự trên một dàn trụ sắt kiên cố nằm ngay ngã ba. Đấy là cổng chính đi vào thiên đường quy hoạch. Trên đó là đồ hình khu quy họach với màu sắc sặc sỡ. Bảng tôn vẽ màu xanh cây màu đỏ ngói, màu đen láng đại lộ. Dưới bóng cây có hình vẽ mấy hàng ghế đá, có hình nam nữ ngồi tâm tình. Họa hình chỉ dẫn nơi nào nhà, nơi nào đường, nào khu biệt thự, sân quần vợt, hồ bơi. Đường tình lá me bay. Đời lên phới phới.

Năm ấy con bé Khoai Chiên mới chín tuổi đời, nay đã thành cô gái đẹp xinh, lấy chồng Đại Hàn, tấm bảng sắt thép vĩ đại vẽ đồ hình quy họach nay chỉ còn một dàn trụ sắt sét rỉ. Hồi dựng tấm bảng tương lai huy hòang có liên hoan lễ lạc, cổng chào cờ nước sao vàng, cờ đảng búa liềm, nối dài cả một cây số rực đỏ hai bên đường; đường toàn cây me lá xanh hóa ra mùa hè phượng đỏ; thay tiếng ve sầu, có đòan thiếu nữ cầm nón lá múa; sân khấu nhạc cà thùng, nhi đồng khăn quàng đỏ dâng hoa lãnh đạo; công trình vĩ mô đang trên bàn giấy, nhưng liên hoan rượu thịt nhạc gái, để mừng công hoàn thành hoành tráng cổng chào. 

Điện yếu, bóng đèn tròn vàng khẹt. Không có nước máy. Hệ thống điện thọai hư đứt đường dây nào bỏ chỗ đó. Không mương thoát nước, đường sá mười năm không được láng nhựa. Nắng bụi bặm trẻ em đỏ mắt hàng lọat, mưa mù nước ngập dâng tới chân bàn thờ ông bà ông vãi. Không thể nâng cao cái nền nhà vì không được phép tu sửa nhà khi đất đai trong chờ đợi thực hiện quy họach. Bao nhiêu thằng xỉn về khuya thay vì về thẳng nhà bỗng ngự trong xe cấp cứu quay một trăm tám mươi độ trực chỉ bệnh viện vì xe hai bánh đang ngon trớn sụp hố nước sâu.
  Trước đây mấy tháng có một một toán thợ chở một lộ ống cống xi măng cỡ bự đến bỏ ở chỗ bãi đất hoang. Tuyên truyền rằng lọai ống cống có đường kính một thước hai tất này đặt dưới lòng đất có độ bền cả trăm năm. Ngay chiều tà một cụ già đi đường tình cờ gặp cơn mưa lớn. Cụ ta thấy ống cống to rộng chui vào núp mưa. Ống cống dỏm bị mưa lớn gió mạnh bể tan, sụp cái rầm. Cụ già phải nằm xe cấp cứu. Báo Tuổi Trẻ có đăng tin này đàng hòang.

Cô người mẫu Thiên Trúc về thăm bà ngọai ở khu quy họach mấy chục năm có ao hồ ếch nhái cức chó ểnh ương có ông cán bộ mặt trận có chủ tịch phường. Cô chạy chiếc dream trên con đường hục hang ngập nước sinh lầy. Mưa và gió chướng trái mùa. Cô không thể nhìn thấy cái lỗ cống to lớn không có nắp đậy có thể lọt gọn con bò tót tây ban nha ngay giữa lòng đường. Thiên Trúc tức thì rơi tỏm xuống đó.

Trường niên sống dưới trời lạ lẫm quê nhà, chiến chinh, hòa bình, thay đổi chế độ, lên voi xuống ngựa, Nghĩa đêm khuya một mình, Nghĩa ngồi nhìn trăng lơ nghĩ quẫn, rằng có khi mình bị bệnh u não chăng.

Chỉ cái não bị xơ cứng, giống cái đầu gối mới chịu đựng được bao nỗi gian truân những thời thế kỳ quặc. Như con trâu quen cái ách kéo cày, con ngựa xà ích, con khỉ trên sàn xiếc; trường niên con người chịu sự ngu muội bất đắc dĩ, thiệt thòi chẳng nên có; vậy mà cái được-gọi-là-thằng-người xơ cứng trước sỉ nhục, bình thản khi mất quyền làm người, sống chẳng ra con người; lại lấy cái điều ứng xử với nhau như súc vật để cùng nhau trong hài hòa, nụ cười người.

Tự bao giờ ta quen với bộ não người được tẩy rữa bởi cuộc sống quanh đây, cuộc đời phải chịu.

**

Câu chuyện khu quy hoạch rồi cũng trở thành xa xăm. Mỗi ngày như một trang giấy lật qua. Một trang mới, ý nghĩa mới, nhưng lũ chữ đã rất cũ, hằng quen. Vẫn là ráp lại từ những mẫu tự vốn có. Từ thưở mẹ sinh ra, tới hổm rày, vẫn đôi mắt, cái mũi, lỗ tai ấy, một ta thôi. Chỉ những điều bên ngoài tràn ngập, dạy dỗ, sai khiến, trắng đen, có không, nhuộm/lẫn.

Hôm nay, hơn vài mươi năm sau, tôi trở lại vùng đất trước kia được quy hoạch treo. Cũng như Nghĩa, tôi người u não, vừa là người, vừa cõi sống thực vật, một thời qua. Nhờ vậy, mà sống được. Do vậy mà vinh nhục như nhau. Một con lợn, không hề biết mình chỉ sống để chờ người ta thịt, khi mồm “vô tư” ụt ịt ăn rau. Hẳn, tôi một Gã Khờ thức thời, một công dân gương mẫu. Một loại người được thời thế nặn/ sinh ra, để thời thế tha hồ xài.

Mấy người bạn mời tôi bữa gặp gỡ, trong đó có Phượt. Phượt đã là một trung niên nhiều kinh nghiệm sống. Vẫn đôi mắt sáng, nụ cười giọng nói trở ra điềm đạm hơn.
Ngồi trong quán xa lạ lần đầu tiên, một nhà hàng to rộng, có vườn cây bóng mát, sao tôi nghe cái khí hậu quen quen. Chừng nơi này tôi đã đi qua nắng vàng gió nổi, đã ngồi trong căn lều, như hoang mị, uống cốc rượu đế với Nghĩa. Mùi rượu Gò Đen nồng, mùi thịt rắn từ chiếc lá nem ươn ướt. Những thửa ruộng nước bạc có chen chúc những xóm nhà ngoại ô hiu quạnh. Tôi trôi trong cái trí nhớ long lanh lẫn hoang mù.

Phượt nói, Hôm nay có đông bạn bè của cháu, tiệc này là buổi dành riêng mừng bác Biền, mừng ông cụ tuổi già đã trước thềm chín mươi.

Phượt hỏi bác dùng gì. Tôi nói, gặp nhau là mừng vui rồi, món gì cũng ngon. Uống cốc rượu để cùng nhau nhớ Nghĩa.

Phượt nói với người hầu  bàn:

– Một chai Henessy. Một con rắn. Chặt cổ rắn. Đổ máu rắn vào rượu. Xương rắn bằm xúc bánh tráng. Bánh tráng dày Xứ Quảng nhé. Thịt rắn chế biến bảy món.

Tôi hiểu. Phượt muốn mời cả ông Nghĩa từ trời mây về dự. Lại nghĩ thầm, Thiếu món nem rắn, theo sở thích của Nghĩa.

Quán nhậu sân vườn rất rộng, cây cảnh đẹp. Chỗ quầy thu ngân có một cô gái xinh đẹp. Tôi hỏi em từ đâu tới. Cô nói, em là dân xứ này, ông nội của em là Ông Nghĩa nổi tiếng ngủ với rắn. Cha của em chủ quán này.

Tôi vô tình kể cho cô nghe cái nơi tôi ngồi uống cốc rượu hôm nay chừng thuở kia là ao hồ có nhiều rắn. Làm sao tôi như rất thân quen, kể tỉ mỉ chuyện thằng Phượt, chuyện lão Nghĩa bạn tôi, chuyện Sàigòn còn-mất, thân thương của cô trước khi cô chào đời. Rượu và rắn bằm giúp tôi nồng nhiệt, với nồng nàn.

Cô gái cười, ngơ ngác.

Cô bảo, “Sao em nghe như chuyện cổ tích”.

Thị Trấn Giữa Đàng,
Bolsa – 2021.

Related posts