Báo cáo: Quân đội Trung Quốc sử dụng chất bán dẫn của Mỹ để huấn luyện công nghệ AI trong chiến đấu

Andrew Thornebrooke

Một loại đĩa bán dẫn (wafer) 300mm mới với vi mạch bán dẫn và vi mạch thành phẩm của nhà sản xuất bán dẫn Đức Bosch được chụp ở Dresden, miền đông Đức hôm 31/05/2021. (Ảnh: Jens Schlueter/AFP qua Getty Images)

Theo một báo cáo mới, Quân đội Trung Quốc đang mua chất bán dẫn do các công ty Hoa Kỳ thiết kế, được sản xuất tại Đài Loan và Hàn Quốc để thúc đẩy những tiến bộ của họ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đang đạt được “tiến bộ đáng kể” trong việc ứng dụng AI vào các công nghệ chiến đấu và hỗ trợ của họ, theo báo cáo tháng Sáu của Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi tại trường Đại học Georgetown (CSET).

Thông qua việc phân tích 66,000 hợp đồng công khai do PLA công bố, các tác giả của báo cáo trên đã phát hiện chính xác 24 hợp đồng có liên quan đến việc mua các loại vi mạch bán dẫn cao cấp được sử dụng cho các ứng dụng AI, phần lớn trong số đó là các thiết kế của Mỹ.

Báo cáo cho biết: “Bất chấp những nỗ lực ngày càng tích cực của chính phủ Tổng thống Trump và chính phủ Tổng thống Biden nhằm hạn chế xuất cảng công nghệ cho quân đội Trung Quốc, PLA vẫn đang đặt hàng các vi mạch AI do các công ty Hoa Kỳ thiết kế và được sản xuất tại Đài Loan và Hàn Quốc.”

“Trong số 97 vi mạch bán dẫn AI riêng lẻ mà chúng tôi có thể xác định trong các hồ sơ mua hàng công khai của PLA, hầu như tất cả chúng đều được thiết kế bởi Nvidia, Xilinx (nay là AMD), Intel, hoặc Microsemi.”

Trung Quốc phụ thuộc vào chất bán dẫn cao cấp của Hoa Kỳ

PLA đã liên tục nâng cao năng lực AI của mình kể từ năm 2017, khi chính phủ cộng sản của Trung Quốc công bố “Kế hoạch Phát triển AI Thế hệ mới”. Tài liệu đó đã phác thảo kế hoạch của nhà cầm quyền này nhằm đạt được sự thống trị toàn cầu về AI vào năm 2030.

Để theo đuổi mục tiêu đó, PLA đã tìm cách mở rộng và tăng cường mạnh mẽ khả năng AI của mình, nhưng khả năng huấn luyện các hệ thống học máy tiên tiến của bản thân họ hiện lại đang phụ thuộc vào việc tiếp cận được các chất bán dẫn hàng đầu do các công ty Hoa Kỳ thiết kế, theo báo cáo của CSET.

Thật vậy, trong số 97 vi mạch bán dẫn AI được liệt kê rõ ràng để mua trong số các hợp đồng của PLA, chỉ có một vi mạch có nguồn gốc từ Công ty Vi điện tử Fudan của Trung Quốc, và một vi mạch là bản sao của một thiết kế của Hoa Kỳ.

“Chúng tôi đã tìm kiếm, nhưng không thể tìm thấy, bất kỳ hồ sơ nào về các đơn vị PLA hoặc các doanh nghiệp quốc phòng của nhà nước (SOEs) trao hợp đồng cho các công ty vi mạch AI do Trung Quốc thiết kế… Thật vậy, mặc dù hầu hết các hợp đồng đề cập đến những công ty này là về CPU và các bộ vi xử lý khác, nhưng không có hợp đồng nào về vi mạch AI,” báo cáo cho biết.

Sự phân biệt đó đem lại hiểu biết mới về việc quân đội Trung Quốc phụ thuộc lớn nhường nào vào các sản phẩm của Mỹ để thúc đẩy nghiên cứu tân tiến nhất của họ. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên những vi mạch do Hoa Kỳ thiết kế đã tìm được đường vào bộ máy an ninh nhà nước của chính quyền này.

Không phải lần đầu tiên chip của Mỹ xuất hiện ở Trung Quốc

Hồi năm 2020, cả Intel và Nvidia đều bị giám sát khi người ta phát hiện ra rằng các vi mạch bán dẫn của những công ty này đang được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để tăng cường chương trình giám sát rộng lớn của họ tại Tân Cương, nơi hơn một triệu người dân tộc thiểu số Hồi giáo đã bị giam giữ trong các trại tập trung.

Một báo cáo trước đó của CSET cũng cho thấy Intel đã tiến hành nghiên cứu với công ty Trung Quốc 4Paradigm cùng thời điểm công ty này có một hợp đồng mở để phát triển nhu liệu ra quyết định bằng AI cho PLA.

Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản, một nhóm vận động có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, thậm chí nói rằng Intel đã “trực tiếp tiếp tay” cho PLA và cáo buộc công ty này cùng với những công ty khác đã trợ giúp “hiện đại hóa quân đội, công nghệ giám sát của nhà nước, chứng khoán hóa trong nước, và những vi phạm nhân quyền kèm theo của Bắc Kinh.”

Do đó, sự xuất hiện của các công nghệ của Intel và Nvidia ngay tại trọng tâm của nghiên cứu AI của PLA là một ví dụ nữa minh họa cách các công nghệ do các công ty Hoa Kỳ phát triển đang làm tăng sức mạnh cho ĐCSTQ và phát triển quân sự của họ thông qua chuyển giao công nghệ quy mô lớn.

Báo cáo cũng làm sáng tỏ cách Trung Cộng có thể tiếp tục giành được một cách có vẻ hợp pháp các công nghệ tiên tiến bằng cách tận dụng các tổ chức bình phong để thay mặt họ mua hàng khi họ bị cấm hoàn toàn.

Như một tờ thông tin liên quan của CSET (pdf) về vấn đề này đã lưu ý: “Những trường hợp trước đây chưa được biết đến này chứng minh rằng quân đội Trung Quốc sử dụng các nhà cung cấp trung gian nhằm tiếp cận được các vi mạch AI do Mỹ thiết kế để hỗ trợ hiện đại hóa quân đội của họ”.

Quân đội Trung Quốc là người dùng cuối của các chất bán dẫn của Mỹ

Báo cáo của CSET cũng nhấn mạnh một tình trạng căng thẳng mang tính sống còn tại trọng tâm của chính sách xuất cảng của Hoa Kỳ và sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Việc Trung Cộng nhấn mạnh vào cái gọi là công nghệ lưỡng dụng vốn có thể được sử dụng cho cả các ứng dụng dân dụng và quân sự, kết hợp với chính sách hợp nhất quân sự-dân sự, có nghĩa là tất cả các hoạt động xuất cảng những công nghệ như vậy sang Trung Quốc đại lục có thể được PLA tận dụng.

Bất chấp rủi ro đó, báo cáo lưu ý rằng thị trường bán dẫn toàn cầu trị giá 600 tỷ USD có nghĩa là các công ty công nghệ Hoa Kỳ khó có thể sẵn sàng tự nguyện làm chậm dòng chảy của công nghệ này.

Đó là vấn đề, vì chính phủ Hoa Kỳ hiện đang hạn chế xuất cảng của mình dựa trên sự kiểm soát người dùng cuối, có nghĩa là thực tế họ không thể ngăn quân đội Trung Quốc mua vi mạch bán dẫn cao cấp thông qua một bên thứ ba.

Để đạt được mục tiêu đó, các tác giả của báo cáo gợi ý rằng Hoa Kỳ nên thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất cảng chính xác hơn, trong đó tập trung vào các đặc tính vật lý và kỹ thuật của bản thân các vi mạch bán dẫn, thay vì các ứng dụng dự kiến và người dùng cuối của các vi mạch đó.

Báo cáo cho biết: “Trong mỗi trường hợp, các đơn vị PLA và các công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước đã trao hợp đồng mua vi mạch bán dẫn do Hoa Kỳ thiết kế cho các công ty trung gian của Trung Quốc.”

“Để hạn chế hiệu quả tiến bộ quân sự của Trung Quốc trong lĩnh vực AI và các công nghệ tiên tiến khác sẽ đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ phải áp dụng các hình thức kiểm soát xuất cảng mới và sáng tạo, vượt ra ngoài sự tập trung hiện tại vào mục đích sử dụng cuối cùng và người dùng cuối có thể quan sát được”.

Báo cáo cho biết, chỉ bằng cách thay đổi các thông số kỹ thuật mà các biện pháp kiểm soát xuất cảng được xây dựng dựa vào đó, thì Hoa Kỳ mới có thể đối phó một cách thỏa đáng với thực tế rằng PLA là bên sử dụng cuối cùng của các chất bán dẫn của Hoa Kỳ theo mọi cách thức không công khai.

“Cần nhắc lại rằng không có nhà cung cấp nào trong số bảy nhà cung cấp vi mạch AI của PLA được xác định trong nghiên cứu này có tên trong Danh sách Đen các Tổ chức hoặc Danh sách Người dùng cuối thuộc Quân đội của Hoa Kỳ,” báo cáo cho biết.

“Quốc hội nên cho phép, và Bộ Thương mại nên xây dựng một hệ thống kiểm soát xuất cảng đa phương dựa trên các đặc tính vật lý và kỹ thuật của các công nghệ xuất cảng sang Trung Quốc, bao gồm cả chất bán dẫn cao cấp.”

Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.

Bảo An biên dịch

Related posts