Đệ nhất phu nhân Ukraine kêu gọi Quốc hội Mỹ cấp thêm vũ khí để chống lại Nga tại ‘Đấu trường Sinh tử’
Huyền Anh
Hôm 19/7, Đệ nhất phu nhân Ukraine, Olena Zelenska kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ giúp đỡ nhiều hơn nữa cho đất nước của bà trong bối cảnh Ukraine đang vất vả chống lại cuộc xâm lược kéo dài 5 tháng của Nga. Bà Zelenska nói vũ khí có thể giúp đảm bảo “chiến thắng chung vĩ đại”.
“Chúng ta hoàn toàn suy sụp khi thế giới của chúng ta bị tàn phá bởi chiến tranh. Hàng chục nghìn thế giới như vậy đã bị tàn phá ở Ukraine”, bà nói thông qua một phiên dịch, trong bài phát biểu dài 15 phút đầy xúc động trước các thành viên Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ.
Bà Zelenska, phu nhân của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, đã chiếu video về những đứa trẻ mà bà nói đã bị thương hoặc thiệt mạng, trong đó có một cậu bé ba tuổi hiện đang ở Đức học cách sử dụng chân tay giả.
“Có bao nhiêu đứa trẻ như em như thế này ở Ukraine? Bao nhiêu gia đình như thế có thể bị hủy hoại bởi chiến tranh? Đây là ‘Đấu trường Sinh tử’ của Nga”, bà nói khi nhắc đến một loạt tiểu thuyết và loạt phim cùng tên.
“Tôi xin quý vị cấp thêm vũ khí, những vũ khí mà sẽ không được sử dụng để gây chiến trên đất nước của người khác, mà chỉ để bảo vệ nhà mình và quyền được thức dậy sống sót trong ngôi nhà đó”, bà Zelenska nói.
Bà nói: “Câu trả lời ở ngay tại Washington D.C. … Hãy giúp chúng tôi ngăn chặn cuộc khủng bố chống lại người Ukraine và đây sẽ là chiến thắng chung vĩ đại của chúng ta nhân danh cuộc sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc”.
Chính quyền ông Biden cho biết Mỹ đã cung cấp 8 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu, bao gồm 2,2 tỷ USD vào tháng trước. Các thành viên của Quốc hội đã nhiệt liệt hưởng ứng và cho biết họ sẵn sàng chấp thuận thêm.
“Họ không yêu cầu binh lính Mỹ. Họ yêu cầu vũ khí của Mỹ. Tôi nghĩ bây giờ là lúc để cùng nhau đưa ra một gói viện trợ khác để tiến tới năm 2023 với nguồn cung cấp vũ khí tiên tiến và hỗ trợ kinh tế để tiếp tục chiến đấu”, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói sau bài phát biểu của bà Zelenska.
“Những gì chúng ta thấy ở đây là thảm kịch của con người ngay trước mắt chúng ta, những người vô tội bị sát hại. Tại sao? Bởi vì họ là người Ukraine. Đó là tội ác diệt chủng. Đó là những gì đã xảy ra trong Thế chiến II. Và điều đó cần phải được chấm dứt”, Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal nói.
Tổng thống Ukraine nói ông mong đợi “những kết quả quan trọng” từ các cuộc gặp của vợ ông ở Washington. Bà Zelenska đã gặp Tổng thống Joe Biden và đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden ngày 19/7 tại Nhà Trắng.
Nga gọi hành động của mình ở Ukraine là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm đảm bảo an ninh cho Moscow. Ông Zelenskyy đã lãnh đạo đất nước Ukraine đứng lên chống lại Moscow.
NASA dự kiến phóng tên lửa lên Mặt Trăng vào cuối tháng 8
Lam Giang
Nhân kỷ niệm 53 năm ngày Apollo 11 đáp xuống Mặt Trăng, hôm 20/7 Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) công bố sẽ tiến hành khởi động loạt sứ mệnh Artemis – biểu tượng cho tham vọng vũ trụ mới của Mỹ vào cuối tháng 8. Tuy nhiên, sứ mệnh sẽ mất một số giai đoạn cho tới khi trực tiếp đưa con người đặt chân tới Mặt Trăng.
Vụ phóng Artemis 1 là một vụ phóng thử nhằm mục đích cung cấp cho cơ quan vũ trụ NASA dữ liệu có giá trị để làm quen với các hệ thống của mình, thực hiện một loạt các thao tác phức tạp sẽ đưa các phi hành gia đến vùng lân cận Mặt Trăng rồi đưa họ trở lại Trái Đất.
Trong cuộc họp từ xa, các quan chức NASA cho hay, cơ quan này sẽ tiến hành phóng sớm nhất vào ngày 28/8, tiếp theo là hai lần phóng khác vào ngày 2/9 và ngày 5/9.
Việc NASA có sẵn sàng với vụ phóng vào tháng 8 hay không phụ thuộc vào một số yếu tố, vì cơ quan này đang làm việc với tên lửa và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong vài tháng qua. Một số trong số này bao gồm việc các phụ kiện lỏng lẻo của tên lửa, lắp đặt pin cho tầng lõi, thiết bị an toàn và vũ khí cho hệ thống kết thúc chuyến bay (FTS) và trình diễn công nghệ cho tàu vũ trụ Orion như ma-nơ-canh và hệ thống video hỗ trợ cho không gian sâu.
Tên lửa SLS tạo ra lực đẩy mạnh hơn 15% so với Saturn V và dự kiến sẽ là tên lửa mạnh nhất thế giới ở thời điểm được vận hành.
Sau khi di chuyển đến SLS bệ phóng, các nhà khoa học sẽ mất khoảng 2 tuần để kiểm tra trước khi nạp hơn 3,2 triệu lít nhiên liệu đẩy siêu lạnh vào SLS và diễn tập từng giai đoạn đếm ngược trước khi cất cánh.
Hiện NASA đặt mục tiêu sớm nhất là vào ngày 29/8 để thực hiện sứ mệnh Artemis-1 không người lái, với sự kết hợp đầu tiên giữa SLS và Orion. Theo đó, SLS sẽ đưa Orion vào quỹ đạo tầng thấp của Trái Đất, và sau đó sử dụng tầng trên để thực hiện hành trình được gọi là đi xuyên Mặt Trăng.
Tàu vũ trụ Orion sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chuyến bay thử nghiệm, vì NASA sẽ tập trung một phần đáng kể nỗ lực vào việc thử nghiệm và nghiên cứu nó.
Được biết, toàn bộ sứ mệnh Artemis-1 sẽ được lập trình để vận hành tự động, và hoàn toàn không có phi hành đoàn. Mục tiêu của sứ mệnh là kiểm tra tính hiệu quả của tấm chắn nhiệt trên khoang phi hành đoàn Orion (hay còn gọi là viên nang), đặt phía trên cùng của hệ thống phóng.
Khi đi vào bầu khí quyển, tàu vũ trụ sẽ di chuyển với vận tốc Mach 32 hoặc khoảng 24.500 dặm một giờ và tấm tản nhiệt của nó sẽ phải chịu được nhiệt độ nóng bằng một nửa bề mặt Mặt trời. Những điều kiện này không thể tái tạo trên Trái đất. Trên thực tế, tấm tản nhiệt là một thiết kế mới, NASA sẽ đề phòng mọi sự cố phức tạp có thể phát sinh do điều kiện đầu vào và cấu hình khắc nghiệt.
Tấm tản nhiệt này được xây dựng trong các khối bằng vật liệu mới gọi là AVOCAT và nhiệm vụ thử nghiệm sẽ kiểm tra các điểm nóng và bất kỳ khoảng trống nào giữa các khối này có thể gây nguy hiểm cho tàu vũ trụ khi nó quay lại Trái đất và đối mặt với nhiệt độ cao tới 5.000 độ F.
Sau khi viên nang này quay trở lại Trái Đất và vượt qua các bài thử nghiệm về độ bền, sứ mệnh Artemis-2 sẽ được thực hiện ngay sau đó, với sự góp mặt của phi hành đoàn bên trong, và đây cũng là cột mốc mà chúng ta mong đợi, khi chính thức đưa con người chạm tới bề mặt của Mặt Trăng lần thứ 2 trong lịch sử.
Ở giai đoạn 3, hay còn gọi là Artemis-3 sẽ tiếp tục đưa các phi hành gia chạm xuống cực Nam của Mặt Trăng, với mục tiêu thiết lập một căn cứ lâu dài tại đây.
Tên lửa Hệ thống Phóng Không gian 30 tầng và viên nang Orion kèm theo hiện đang ở trong nhà chứa máy bay tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, sau khi sửa chữa bắt nguồn từ cuộc thử nghiệm đếm ngược vào tháng trước. Rò rỉ nhiên liệu và các sự cố kỹ thuật khác đã xảy ra trong các cuộc diễn tập phóng lặp đi lặp lại của NASA tại bệ phóng.
Các quan chức NASA đảm bảo với các phóng viên hôm 20/7 rằng các vấn đề đã được giải quyết và việc kiểm tra gần như đã hoàn tất. Nhưng họ cảnh báo ngày phóng có thể chưa cố định, tùy thuộc vào tình hình thời tiết bất ổn của Florida và các vấn đề có thể phát sinh trước khi tên lửa được cho là quay trở lại bệ vào ngày 18/8.
Mặc dù buổi diễn tập không diễn ra như mong muốn, song các quan chức của NASA vẫn khẳng định SLS đã đáp ứng khoảng 90% các mục tiêu trước khi phóng, và hiện chỉ còn một vài công đoạn nhỏ để hoàn thiện.
Ông Free, người đứng đầu bộ phận phát triển hệ thống thăm dò của NASA cho biết: “Chúng tôi sẽ cẩn thận”.
Với tàu vũ trụ Orion gắn ở phần đỉnh, tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) Block 1 cao 98m, cao hơn Tượng nữ thần tự do, dù nhỏ hơn một chút so với tên lửa Saturn V trong các sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng Apollo trước đây.
Đây được NASA coi là một trong những hệ thống phóng vào không gian ấn tượng nhất từng được chế tạo, với khả năng cung cấp lực đẩy khoảng 4 triệu kg, nhiều hơn 15% so với tên lửa Saturn V được sử dụng trong các sứ mệnh thập niên 60, 70.
Nếu chuyến đi của Orion đến Mặt Trăng và quay trở lại diễn ra suôn sẻ, các phi hành gia có thể bay vòng quanh Mặt Trăng vào năm 2023 và có thể chính thức đặt chân lên Mặt Trăng vào năm 2025.
Các phi hành gia khám phá Mặt Trăng lần cuối vào năm 1972. Người đầu tiên trong số 12 người đặt chân trên Mặt Trăng, Neil Armstrong và Buzz Aldrin, bước lên bề mặt xám đầy bụi vào ngày 20/7/1969, trong khi phi hành gia Michael Collins bay quanh mặt trăng.
Cụ Aldrin 92 tuổi, đã ghi nhận ngày kỷ niệm trong một dòng tweet: “Neil, Michael & tôi tự hào đại diện cho nước Mỹ khi chúng ta thực hiện những bước nhảy vọt khổng lồ đó cho nhân loại. Đó là khoảnh khắc gắn kết thế giới và giờ phút tuyệt vời nhất của nước Mỹ”.
Lam Giang
Theo The Epoch Times
Tesla bán 75% số Bitcoin nắm giữ, thu về hơn 900 triệu USD trong quý 2
Tesla cho biết đã bán khoảng 75% số lượng tiền ảo Bitcoin mà hãng xe này sở hữu, thu về 936 triệu USD trong quý 2 năm nay.
Giá Bitcoin sụt giảm trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của Tesla khiến hãng này quyết định bán khoảng 75% số tiền Bitcoin đang nắm giữ.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh vừa công bố, Tesla ghi nhận thêm 936 triệu USD tiền mặt tại bảng cân đối kế toán từ giao dịch này.
Trong báo cáo nộp lên Uỷ ban Chứng khoán Mỹ đầu năm, Tesla cho biết sở hữu lượng Bitcoin trị giá gần 2 tỷ USD tính đến hết năm 2021. Công ty này chi 1,5 tỷ USD mua Bitcoin hồi tháng 2/2021 và bán 10% sau đó 2 tháng. Hiện tại, Tesla cho biết chỉ nắm giữ lượng Bitcoin trị giá 218 triệu USD.
Trong quý 2, Tesla đạt tổng doanh thu 16,9 tỷ USD, thấp hơn mức 17,1 tỷ USD dự báo trước đó của Refinitiv. Trong đó, doanh thu từ ôtô chiếm 14,6 tỷ USD. Năng lượng đóng góp 866 triệu USD. Dịch vụ cùng các mảng khác đóng góp 1,47 tỷ USD.
Tỷ suất lợi nhuận gộp của Tesla đạt 27,9%, thấp hơn mức 32,9% của quý 1 và 28,4% cùng kỳ năm ngoái do tác động của lạm phát và sự cạnh tranh trên thị trường pin cũng như các linh kiện khác của xe điện.
Năm ngoái, Elon Musk đã liên tục bày tỏ sự quan tâm đến Bitcoin và Dogecoin. Tesla cũng từng cho phép khách hàng mua xe điện của công ty bằng Bitcoin. Tuy vậy, sau đó công ty này tuyên bố dừng chấp nhận với lý do lo ngại về môi trường từ việc ‘đào Bitcoin’.
Kiến Minh, theo Bloomberg
Nga nối lại nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream
Hôm thứ Năm (21/7), Nga đã nối lại nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Đức, mở lại đường ống dẫn khí Nord Stream sau 10 ngày. Tuy vậy, việc liệu châu lục này có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông này hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Chính phủ Đức trước đó lo ngại rằng Moscow sẽ không mở lại đường ống, tin rằng Nga đang siết chặt nguồn cung để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với cuộc xâm lược Ukraine của Moscow.
Hãng tin AFP dẫn lời một phát ngôn viên của Nord Stream nói rằng đường ống “đang hoạt động”, nhưng không nói rõ khối lượng khí đốt được vận chuyển.
Theo dữ liệu do tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga cung cấp cho Gascade, nhà điều hành đường dây của Đức, 530 gigawatt/giờ (GWh) sẽ được giao trong ngày.
Klaus Mueller, chủ tịch cơ quan quản lý năng lượng của Đức, Cơ quan Mạng lưới Liên bang, cho biết trên Twitter, đây chỉ là 30% công suất của nó.
Gazprom đã cắt giảm dòng chảy đến Đức qua đường ống Nord Stream 1 khoảng 40% trong những tuần gần đây, đổ lỗi cho việc không có tuabin khí Siemens đang được sửa chữa ở Canada.
Chính phủ Đức đã bác bỏ lời giải thích của Gazprom.
Đường ống Nord Stream 1 dưới Biển Baltic đã ngừng hoạt động kể từ ngày 11 tháng 7 để bảo trì hàng năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc nối lại 40% nguồn cung sẽ không đủ để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vào mùa đông này.
Ủy ban châu Âu hôm thứ Tư kêu gọi các nước EU giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên xuống 15% trong những tháng tới để đảm bảo nguồn dự trữ mùa đông và phá vỡ “vụ tống tiền” của Nga.
Việc ngừng nhập khẩu hoàn toàn hoặc giảm mạnh dòng chảy từ đông sang tây có thể gây ra tác động lớn đối với nền kinh tế châu Âu, đóng cửa các nhà máy và buộc các hộ gia đình phải giảm tiêu thụ các thiết bị sưởi.
Năm ngoái, Nga chiếm 40% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU và bất kỳ sự gián đoạn nào nữa về nguồn cung cũng sẽ đẩy giá tiêu dùng lên cao hơn và làm tăng nguy cơ suy thoái sâu.
“Nga đang tống tiền chúng tôi”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với các phóng viên.
“Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí và do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, cho dù đó là việc cắt giảm một phần khí đốt lớn của Nga hay cắt giảm toàn bộ … Châu Âu cần phải sẵn sàng.”
Lê Vy (theo AFP)