Tin thế giới trưa thứ Sáu: HIMARS bắn liên tiếp trúng đích, cây cầu tiến quân của Nga thành tổ ong

Ukraina sắp có cơ hội phản công, quyết ‘lật ngược thế cờ’

Trần Phong | DKN 3 giờ trước 6 lượt xem

Chánh Văn phòng của Tổng thống Ukraina, ông Andrey Yermak

Giới chức Ukraina tuyên bố nước này sẽ tìm cách lật ngược tình thế trong cuộc chiến với Nga trước mùa đông năm nay.

Bình luận trên Telegram hôm 21 tháng 7, Chánh Văn phòng của Tổng thống Ukraina, ông Andrey Yermak cho biết: “Điều quan trọng là không để Nga kéo dài cuộc chiến đến mùa đông. Tổng thống Zelensky đang xem xét nghiêm túc và sẵn sàng làm mọi cách để giải phóng các vùng lãnh thổ của chúng ta càng sớm càng tốt”.

“Kế hoạch trên phụ thuộc rất nhiều vào cách các binh sĩ của chúng ta được huấn luyện. Chúng ta sẽ lật ngược tình thế của cuộc chiến này. Sẽ có rất nhiều điều bất ngờ”.

Ông Yermak cho rằng sau mùa đông, Nga sẽ có nhiều thời gian để củng cố lực lượng. Khi đó, tình hình sẽ khó khăn nhiều hơn cho Kyiv.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn hôm 19/7, ông Yermak tuyên bố mục tiêu chính của Ukraina ở thời điểm hiện tại là “giành chiến thắng”.

Để làm được điều này, ông Yermak nói chúng tôi phải đáp ứng cho quân đội mọi thứ họ cần về vũ khí và trang bị.

Khi được hỏi liệu quân đội Ukraina có thể giành lại quyền kiểm soát khu vực ven bờ Biển Đen trước mùa đông hay không, ông Yermak không trả lời trực tiếp, thay vào đó nói rằng “mục tiêu của chúng tôi chắc chắn là giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ của chúng tôi”. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Alexey Reznikov nói với báo Sunday Times của Anh hồi đầu tháng rằng, Ukraina có thể giành lại quyền kiểm soát khu vực ven bờ Biển Đen trước mùa đông.

Tổng thống Volodymyr Zelensky hồi tháng 6 nhận định “với tình hình hiện tại’ mùa đông tới sẽ là mùa đông khó khăn nhất từ trước đến nay với Ukraina “. Ông lý giải, Ukraina sẽ phải đối mặt với các vấn đề làm sao mua đủ lượng khí đốt, tích lũy đủ than đá, điện để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông.

Giám đốc Cục Tình báo MI6 của Anh, ông Richard Moore hôm 21 tháng 7 khi phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Mỹ nhận định Nga ‘sắp cạn kiệt sức lực’, và khi lực lượng của họ mệt mỏi, Ukraina sẽ có cơ hội đánh trả.

Ông cho rằng Nga sắp tạm dừng hoạt động quân sự tại Ukraina dưới hình thức nào đó do thiếu nhân lực và đây là điều kiện để Ukraina phản công.

Theo ước tính của giới chức Ukraina, nước này cần khoảng 50 giàn hoả tiễn phóng loạt HIMARS của Mỹ để chặn đà tiến công của Nga và cần tới 100 hệ thống này để tiến hành phản công.

Trần Phong

HIMARS bắn liên tiếp trúng đích, cây cầu tiến quân của Nga thành tổ ong

Ảnh: Aboluowang.

Chuyên gia bình luận các vấn đề thời sự Vương Định Hà đã có một vài nhận định về tình hình chiến trường Ukraina ngày hôm qua. Theo đó tên lửa HIMARS của Ukraine đã bắn 6 quả rocket vào cây cầu bắc qua sông Dnepr ở vùng Kherson, tên lửa phòng không Nga đã đánh chặn và phá hủy 4 quả rocket, nhưng 2 quả vẫn đánh trúng cây cầu và tạo thành hai lỗ lớn.

Tuy nhiên, người Nga đã cho phép các phóng viên chạy ra chụp ảnh cây cầu và kết quả là người Ukraine một cách miễn phí đã thấy được tác động của các cuộc tấn công, và họ cảm thấy rằng nó không thật sự hiệu quả. Ngay sau đó, 8 tên lửa dẫn đường vệ tinh M31 khác của HIMARS đã ập tới. Tất cả 8 quả đều trúng đích cùng một lúc.

Và 8 quả rocket đánh rất dày đặc khiến mặt cầu trở nên lỗ chỗ như tổ ong. Có thể thấy lần này quân đội Ukraine đã nhắm vào một điểm và đánh trúng nó với độ chính xác cao. Nhưng suy cho cùng, cầu Dnepr là một cây cầu bê tông cốt thép khổng lồ với nhiều trụ vững chắc.

Quân đội Ukraine không thể phá hủy hoàn toàn cây cầu với mười hoặc tám quả rocket. Tuy nhiên, cây cầu này chỉ có thể cho ô tô 2 tấn đi qua. Lực lượng cơ giới của Nga đã không thể vượt qua cầu Dnepr. Bước tiếp theo, quân đội Ukraine dự tính sẽ đánh cầu đường sắt sông Dnepr, miễn là đánh trúng hai cầu đường bộ và cầu đường sắt, hệ thống hậu cần và quân tiếp viện của Nga trong khu vực đô thị Kherson sẽ bị cắt đứt.

Giờ đây, trước chiến thuật tấn công bão hòa bằng hỏa lực hạng nặng của quân đội Nga, biện pháp đối phó của quân đội Ukraine là tấn công các cây cầu, kho đạn, trạm quân sự và các mục tiêu khác. Sau nhiều tháng chiến đấu, quân đội Nga gần đây đã dần đi vào trạng thái nghỉ ngơi.

Chiến trường Nga-Ukraine hiện tại có thể miêu tả bằng 3 chữ – trận địa pháo! Nhiều trận chiến pháo binh khác nhau đã diễn ra ở Chukhuyv, phía nam Kharkov, ở Seversk, ở Kherson, v.v.

Mặc dù Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng mục tiêu địa lý của các cuộc tấn công đã thay đổi, và giờ mục tiêu không chỉ là Donetsk và Luhansk, mà còn nhiều khu vực khác. Nhưng theo ông Vương Định Hà, thực lực hiện tại của quân đội Nga không còn khả năng mở rộng phạm vi hoạt động.

Lý do rất đơn giản, phần lớn lực lượng chủ lực của quân đội Nga đều tập trung ở chiến trường Donbas. 45% khu vực Donetsk vẫn nằm trong tay quân đội Ukraine. Gần 5 tháng sau khi chiến tranh bùng nổ, quân đội Nga vẫn chưa tiếp cận được 2 thành phố Slavyansk và Kramartos, vốn là những vị trí nòng cốt của quân đội Ukraine.

Quân đội Ukraine ở Slavyansk về cơ bản áp dụng phương thức phòng thủ hai tuyến gồm hai khu vực phòng thủ chính. Tuyến phòng thủ thứ nhất và tuyến phòng thủ thứ hai của Ukraine có chiều sâu 30 km, và quân đội Ukraine đã bố trí đội hình phòng thủ chiều sâu chính diện theo kiểu Liên Xô rất đặc trưng.

Mục tiêu chính của quân đội Nga lúc này là Seversk, vị trí bên ngoài của 2 thành phố Slavyansk và Kramartos nòng cốt của Ukraina. Nếu tuyến phòng thủ Slavyansk được kiểm soát, có thể nói rằng hầu như không có nguy hiểm ở bờ đông ngoại trừ một vài thành phố lớn và sông Dnepr. Do đó, quân đội Nga hiện đang tập trung toàn lực vào 2 thành phố Slavyansk và Kramartos. Hạ gục 2 thành phố này mới thực sự chiến thắng ở Donbass.

Nhiều người nghĩ rằng quân đội Nga có thể chiến đấu chậm rãi và không vội vàng, nhưng có thể thấy qua những lần thay đổi chiến trường liên tục của quân đội Nga, Nga vẫn hy vọng có thể giải quyết trận chiến càng sớm càng tốt. Có thể thấy, các xe tăng kể từ đầu cuộc chiến, như T-90, T-80 và T-72B3 cùng tên lửa Iskander của quân đội Nga giờ đã phải dùng những chiếc xe tăng T-72 sơ khai từ các kho bí mật của Liên Xô cũ, cùng Xe tăng T- 62M và tên lửa đạn đạo Dot-U.

Nó cũng cho thấy năng lực sản xuất quân sự của Nga không thể duy trì mức tiêu thụ chiến đấu như hiện nay, và phải được bổ sung bằng các loại vũ khí cũ kỹ chưa được niêm phong từ thời Liên Xô.

Nếu chiến tranh kéo dài đến năm 2023, quân đội Ukraine sẽ có thêm tên lửa HIMARS, nhiều pháo tự hành hơn, nhiều tên lửa hơn và thậm chí cả F-15 và F-16. Điều này sẽ rất bất lợi cho cuộc tấn công then chốt của quân đội Nga. Đặc biệt là chống lại Kherson và Zaporozhye nơi quân đội Nga còn yếu.

Anh chặn Trung Quốc mua lại công nghệ camera thông minh

Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng phát biểu tại một sự kiện ở London, Anh, hôm 14/07/2022. (Ảnh: Justin Tallis/AFP/Getty Images)

Trong lần đầu tiên sử dụng các quyền hạn an ninh quốc gia mới của chính phủ, Anh đã chặn một công ty Trung Quốc mua lại công nghệ camera thông minh nhằm ‘giảm thiểu rủi ro đối với an ninh quốc gia’ vì lo ngại về vấn đề bảo mật.

Hôm 20/7, Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng thông báo rằng ông đã ban hành một lệnh (pdf) theo Đạo luật An ninh Quốc gia và Đầu tư nhằm ngăn chặn nỗ lực mua công nghệ cảm biến thị giác từ Đại học Manchester của Công ty Beijing Infinite Vision Technology Co. (BIVT) của Trung Quốc.

Công nghệ cảm biến thị giác SCAMP-5 và SCAMP-7, được phát triển bởi Xưởng Đổi Mới (Innovation Factory) của trường đại học. Nó cho phép các ứng dụng thị giác cài đặt trong các lĩnh vực như robot, thực tế ảo, công nghiệp xe hơi, đồ chơi và giám sát.

Nỗ lực chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ này sẽ cho phép công ty Trung Quốc phát triển, thử nghiệm, sản xuất, sử dụng, và bán các sản phẩm được cấp phép.

Theo quyết định của chính phủ khi ngăn chặn việc mua lại, bộ trưởng kinh doanh coi công nghệ này có “ứng dụng kép”, nghĩa là nó có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

‘Cần thiết và tương xứng’

Lệnh này cho biết: “Có khả năng công nghệ này sẽ được sử dụng để xây dựng các năng lực quốc phòng hoặc công nghệ có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia cho Vương quốc Anh”.

Do đó việc ngăn chặn thỏa thuận là “cần thiết và tương xứng để giảm thiểu rủi ro đối với an ninh quốc gia”, theo văn bản trên.

Đại học Manchester cho biết họ đã tuân thủ các quy trình hợp pháp và sẽ tuân theo quyết định của chính phủ Anh.

Phát ngôn viên của trường đại học nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua email: “Chúng tôi có các quy trình nội bộ kỹ lưỡng để xem xét các thỏa thuận quốc tế. Trong trường hợp này, chúng tôi cũng tuân theo quy trình này và tự nguyện chuyển thỏa thuận này cho chính phủ Vương quốc Anh. Tất nhiên, chúng tôi sẽ tuân theo quyết định đã được đưa ra”.

The Epoch Times đã liên lạc với Công ty Beijing Infinite Vision Technology Co. để yêu cầu bình luận.

Mối quan tâm về bảo mật

Đạo luật An ninh Quốc gia và Đầu tư, có hiệu lực từ ngày 04/01. Đây được đánh giá là sự rung chuyển lớn nhất đối với cơ chế an ninh quốc gia của Vương quốc Anh trong 20 năm qua.

Đạo luật trao quyền hạn mới cho chính phủ Anh nhằm xem xét kỹ lưỡng và can thiệp vào một số thương vụ ‘mua đi bán lại’ mà có nguy cơ gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Vương quốc Anh bởi bất kỳ ai, bao gồm cả các doanh nghiệp và nhà đầu tư thực hiện.

Theo luật, ông Kwarteng hiện cũng đang chủ trì một cuộc điều tra về việc Nexperia, một công ty con có trụ sở tại Hà Lan của nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Wingtech Technology, tiếp quản nhà máy đĩa bán dẫn Newport (Newport Wafer Fab).

Việc bán nhà máy vi mạch lớn nhất của Anh cho người Trung Quốc đã thu hút sự phẫn nộ và phản ứng không thể tin nổi ở Anh và các nơi khác. Đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nơi có 9 nghị sĩ, trong đó có thành viên Đảng Cộng Hòa đứng đầu trong Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), đã ký một lá thư hồi tháng Tư yêu cầu chính phủ Anh “hành động khẩn cấp” để lật ngược thương vụ mua lại.

Việc tiếp quản “đóng vai trò là một trường hợp thử nghiệm quan trọng” về sự sẵn sàng của Anh trong việc “giải quyết mối quan tâm chung về an ninh liên quan đến công nghệ quan trọng”, bức thư viết.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Giám đốc CIA bác bỏ tin đồn Tổng thống Nga ‘không khoẻ’

Giám đốc Cơ quan Tình báo Liên bang (CIA) William Burns điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện vào ngày 10/03/2022 tại Washington, DC. Ủy ban đã tổ chức một phiên điều trần về các mối đe dọa trên toàn thế giới. (Ảnh của Kevin Dietsch / Getty Images)

Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Williams Burns đã bác bỏ những tin đồn về sức khoẻ của Tổng thống Nga Putin trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, khẳng định ông Putin ‘hoàn toàn khoẻ mạnh’.

Giám đốc CIA William Burns nói với một khán giả rằng ông Putin “hoàn toàn quá khỏe mạnh” và bác bỏ về những tin đồn, thường được đăng trên các tờ báo lá cải của Anh. Đầu năm nay, có nhiều đồn đoán và các báo cáo ẩn danh cáo buộc ông Putin, 69 tuổi, đang mắc bệnh ung thư và thậm chí còn được cho là đã tắm trong máu của gạc hươu để chữa bệnh. Tin đồn này chưa bao giờ được xác nhận chính thức.

Tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado hôm 20/7, ông Burns cho biết: “Có rất nhiều tin đồn về sức khỏe của Tổng thống Putin, và theo như chúng tôi thấy, ông ấy quá khỏe mạnh”.

Tuy nhiên giám đốc CIA, một cựu quan chức ngoại giao tại Moscow, nói rằng nhận xét của ông Burns về ông Putin “không phải là một nhận định tình báo chính thức”.

Và hôm 21/7, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peksov cũng đưa ra bình luận tương tự và cho biết ông Putin đang có sức khỏe tốt.

“Ông Putin hoàn toàn khoẻ mạnh”, ông Peksov khẳng định khi trả lời câu hỏi tại cuộc họp giao ban hàng ngày của mình. “Quý vị biết rằng các chuyên gia thông tin Ukraine, Mỹ và Anh, đã tung ra nhiều tin đồn thất thiệt về tình trạng sức khỏe của tổng thống trong những tháng gần đây. Đây không phải là thứ gì khác ngoài tin giả”, ông nói thêm.

Trong bài phát biểu của mình, ông Burns cũng giải thích chi tiết những dự tính của ông Putin đối với cuộc chiến kéo dài nhiều tháng ở Ukraine.

Ông nói: “Ông Putin tin rằng chìa khóa để làm được điều đó là tạo ra một vùng ảnh hưởng trong khu vực lân cận của Nga. Do đó, Tổng thống Nga khó có thể làm được điều đó nếu không kiểm soát Ukraine”.

Chỉ hai ngày trước khi phát động cuộc chiến ở Ukraine hồi tháng Hai, Tổng thống Nga Putin trong một bài phát biểu đã nói rằng, ông tin rằng chính phủ Kyiv đang tiến quá gần đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cáo buộc khối quân sự này liên tục mở rộng về phía đông. Tổng thống Nga, người mô tả cuộc xâm lược là một “hoạt động quân sự đặc biệt”, nói thêm rằng chính phủ Ukraine đã đàn áp những người nói tiếng Nga ở nước này sau cuộc cách mạng màu năm 2014 – lật đổ một chính phủ thân Nga và thay thế nó bằng một chính phủ ‘phù hợp hơn’ với phương Tây.

Ông Burns nói thêm, “Ông Putin thực sự tin vào tài hùng biện của mình. Tôi đã nghe ông ấy nói riêng điều này trong nhiều năm rằng Ukraine không phải là một quốc gia thực sự”.

Sau gần sáu tháng xung đột, Hoa Kỳ ước tính rằng Nga đã thiệt hại 15.000 quân trong khi khoảng 45.000 người bị thương, theo Giám đốc CIA.

“Và, người dân Ukraine cũng đã phải gánh chịu không ít, song có lẽ ít hơn Nga một chút. Tuy nhiên, thương vong là rất đáng kể”, ông nói thêm.

Ông Burns lưu ý rằng Moscow đã thích nghi sau những thất bại chiến thuật đáng kể trong thời gian bắt đầu xung đột và hiện đang tập trung vào khu vực phía đông Donbass.

Ông William Burns từng là đại sứ của Mỹ tại Nga và đã làm việc với Tổng thống Putin hơn hai thập niên. Năm ngoái, ông được cử tới Moscow để thuyết phục ông Putin ngừng tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Ông Burns cho biết như trên một ngày sau khi Tổng thống Nga thăm Tehran và gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Lầu Năm Góc nói Nga chưa phá hủy được bất kỳ hệ thống HIMARS nào của Mỹ

Theo Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Nga cho đến nay vẫn chưa phá hủy được bất kỳ hệ thống phóng tên lửa HIMARS nào mà Mỹ gửi tới Ukraine để hỗ trợ nước này trong cuộc chiến đang diễn ra.

Phát biểu trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III hôm thứ Tư, ông Milley nói rằng quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không hạ gục được bất kỳ Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) nào do Mỹ cung cấp.

“Cho đến nay, những hệ thống đó vẫn chưa bị người Nga phá hủy”, ông Milley nói với các phóng viên. “Và họ [người Ukraine] đang sử dụng chúng rất hiệu quả, nhắm chính xác vũ khí chống lại các mục tiêu.”

Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó đã tuyên bố rằng các hệ thống HIMARS đang có “tác động đáng kể đến những gì đang diễn ra, trên tiền tuyến” ở Ukraine.

Hôm thứ Tư, ông Austin thông báo trong một cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine rằng Mỹ sẽ gửi thêm 4 hệ thống M142 HIMARS tới Ukraine, nâng tổng số lên 16. Ngoài các hệ thống phóng tên lửa, ông Austin nói rằng chính quyền Biden cũng sẽ sớm sẽ gửi thêm đạn dược cho HIMARS và “đạn pháo dẫn đường chính xác, phương tiện chiến thuật và các hỗ trợ cần thiết khác.”

Tuần trước, Ukraine nói rằng họ đã phá hủy hai kho đạn của Nga ở thành phố Nova Kakhovka, miền Nam Ukraine bằng cách sử dụng HIMARS. Ngoài ra, các lực lượng vũ trang của Ukraine đã phá hủy một phần cầu Đường Antonivka quan trọng ở khu vực phía nam Kherson sau khi tấn công nó bằng HIMARS, Kyiv Post đưa tin hôm thứ Tư.

Ông Austin đã ca ngợi việc sử dụng vũ khí của Ukraine trong cuộc họp báo hôm thứ Tư.

Ông nói: “Người Ukraine đã sử dụng HIMARS một cách xuất sắc, và bạn có thể thấy tác động của nó trên chiến trường.”

Ông Milley cũng nhấn mạnh rằng người Ukraine đã “sử dụng hiệu quả” các hệ thống phóng tên lửa, “với các cuộc tấn công nhằm vào các nút chỉ huy và kiểm soát của Nga, mạng lưới hậu cần của họ, các trận địa pháo của họ gần các địa điểm phòng thủ và nhiều mục tiêu khác.”

Serhiy Haidai, thống đốc vùng Luhansk của Ukraine, nói với Newsweek vào tuần trước rằng các lực lượng của Nga ở trong “trạng thái hoảng loạn” kể từ khi HIMARS đến Ukraine.

Trong khi đó, Trung tướng Igor Konashenkov, đại diện chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, mới đây nói với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS rằng quân đội Nga đã phá hủy một bệ phóng và phương tiện vận tải của một chiếc HIMARS do Mỹ sản xuất.

Ngân Hà (theo Newsweek)

Ukraine, Nga sẽ ký thỏa thuận ngũ cốc ở Thổ Nhĩ Kỳ

Ukraine và Nga dự kiến ​​sẽ ký một thỏa thuận ngũ cốc vào thứ Sáu (22/7) nhằm giúp giải tỏa cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen bị chặn.

Đây là thỏa thuận lớn đầu tiên giữa các bên tham chiến kể từ khi Nga xâm lược nước láng giềng hồi tháng Hai, kéo theo việc giá lương thực toàn cầu tăng vọt và người dân ở một số quốc gia nghèo nhất thế giới phải đối mặt với nạn đói.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm để tham dự lễ ký kết tại Cung điện Dolmabahce của Istanbul trên eo biển Bosphorus.

“Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc này cực kỳ quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu, và sẽ được ký kết tại Istanbul (thứ Sáu) dưới sự bảo trợ của Tổng thống (Recep Tayyip) Erdogan và Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Guterres cùng với các phái đoàn Ukraine và Nga”, phát ngôn viên của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin đã tweet.

Có tới 25 triệu tấn lúa mì và các loại ngũ cốc khác đã bị tàu chiến Nga chặn ở các cảng Ukraine, cũng là nơi Kyiv đặt mìn tại một số khu vực để ngăn chặn việc Nga tấn công đổ bộ.

Đây sẽ là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa các phái đoàn quân sự của các bên tham chiến kể từ tháng 3.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đe dọa làm chệch hướng cuộc đàm phán khi cảnh báo hôm thứ Ba rằng ông mong đợi thỏa thuận cũng sẽ giải quyết vấn đề xuất khẩu ngũ cốc bị chặn của chính nước ông.

Cuộc chiến kéo dài 5 tháng đang được tiến hành trên một trong những khu vực màu mỡ nhất châu Âu bởi hai trong số những nhà sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới.

Hầu hết tất cả ngũ cốc thường được vận chuyển ra khỏi khu vực qua Biển Đen.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm thứ Năm đã thừa nhận những lo ngại của ông Putin.

Ông nói: “Khi chúng tôi giải quyết được vấn đề này, không chỉ con đường xuất khẩu ngũ cốc và dầu hướng dương từ Ukraine được giải phóng, mà còn cho các sản phẩm từ Nga”.

Ông nói thêm: “Ngay cả khi những sản phẩm này của Nga không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, thì vẫn có những điểm tắc nghẽn liên quan đến vận tải biển, bảo hiểm và hệ thống ngân hàng.”

“Hoa Kỳ và EU đã đưa ra lời hứa để dỡ bỏ những điều này.”

Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ làm việc tốt đẹp với cả Moscow và Kyiv trong suốt cuộc xung đột.

Một thành viên trong phái đoàn của Kyiv tham gia đàm phán cho biết các chuyến hàng có thể được nối lại từ ba cảng dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Ukraine.

“Xuất khẩu sẽ diễn ra thông qua ba cảng: Odessa, Pivdennyi và Chornomorsk. Nhưng trong tương lai, chúng tôi hy vọng có thể mở rộng chúng”, nhà lập pháp Ukraine Rustem Umerov nói với các phóng viên.

Ông nói thêm rằng sự an toàn của các chuyến hàng sẽ được giám sát bởi một nhóm của Liên Hợp Quốc tại Istanbul.

Ông Umerov cũng nói rằng các tàu Nga không được phép vào vùng biển Ukraine như một phần của thỏa thuận đã được dự kiến ​​trước.

“Chúng tôi không tin tưởng họ, ngay cả khi họ ký thỏa thuận với LHQ. Đây là một quốc gia xâm lược”, ông nói.

Lê Vy (theo AFP)

Thủ tướng Ý từ chức, Tổng thống tuyên bố giải tán quốc hội

Ngày 21/7/2022, Thủ tướng Ý Mario Draghi (ở giữa) đến quốc hội. Văn phòng Tổng thống cho biết ông đã đệ đơn từ chức cùng ngày sau sự sụp đổ của chính phủ liên minh đoàn kết dân tộc. (Ảnh: Antonio Masiello / AFP qua Getty Images)

Thủ tướng Ý Mario Draghi đã từ chức hôm thứ Năm (21/7) sau khi chính phủ đoàn kết dân tộc của ông tan rã. Tổng thống Sergio Mattarella sau đó đã giải tán quốc hội, dọn đường cho các cuộc bầu cử sớm.

Tổng thống Sergio Mattarella cho biết trong một tuyên bố: “Cuộc thảo luận, bỏ phiếu và các thể thức mà cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Thượng viện ngày 20/7 cho thấy rõ ràng việc thiếu ủng hộ của Quốc hội đối với Chính phủ và không có triển vọng tạo ra đa số mới. Do đó khó có thể tránh được việc sớm giải tán Thượng viện và Hạ viện. Việc giải tán Quốc hội trước thời hạn là sự lựa chọn cuối cùng.”

Ông Mattarella cho biết, cuộc bầu cử phải được tổ chức trong vòng 70 ngày, khiến chính phủ phải ấn định ngày chính xác, có thể là vào cuối tháng Chín.

Hôm thứ Năm (21/7), tại Cung điện Quirinal ở Rome, Tổng thống cho biết trong một bài phát biểu ngắn: “Chúng ta đang trải qua một thời kỳ không cho phép (chính phủ) được tạm dừng hành động. Điều này có lẽ là cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và lạm phát gia tăng.”

Ngày hôm đó, Thủ tướng Draghi đã đề nghị từ chức với Tổng thống Mattarella trong một cuộc họp buổi sáng tại Cung điện Quirinal. Tuần trước, ông Mattarella cũng đã từ chối một đề nghị từ chức tương tự từ Thủ tướng.

Văn phòng Tổng thống cho biết ông đã “ghi nhận” đề xuất từ ​​chức mới và yêu cầu Chính phủ của ông Draghi tiếp tục làm việc như một sự bảo hộ.

Reuters đưa tin, ông Mattarella đã lên kế hoạch gặp gỡ viện trưởng lưỡng viện của quốc hội vào chiều thứ Năm. Từ đầu tuần, các nguồn tin chính trị sớm đã cho biết ông Mattarella có thể giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm vào tháng Mười.

Một cuộc thăm dò ý kiến ​​cho thấy, một khối phe bảo thủ gồm các đảng phái cực hữu do “Đảng Anh em của Ý” (Brothers of Italy) lãnh đạo dường như sẽ giành được đa số rõ ràng trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Bình Minh

Related posts