Liệu Nga có xứng đáng được gọi là một “cường quốc,” chứ chưa nói đến một siêu cường? Không phải chỉ trích người đang trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng thật khó để lập luận rằng ông Vladimir Putin đại diện cho bất cứ điều gì khác ngoài một quốc gia khu vực tầm trung, mặc dù đó là quốc gia lớn nhất thế giới và là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ngay từ đầu, cho đến khi xảy ra Chiến tranh Nga-Ukraine, hãy xem xét nước Nga không quan trọng và tầm thường như thế nào. Đa phần, về các mối bang giao quốc tế, Nga hầu như không quan trọng. Moscow không có một dấu ấn nào ở Trung Đông (chủ yếu là Syria) và không tồn tại ở Á Châu và các khu vực khác trên thế giới. Nga đã mất ảnh hưởng ở Ấn Độ, Venezuela, Phi Châu, và thậm chí ở cả Bắc Hàn.
Nga gần như không phải là một quốc gia phát triển. Dữ liệu kinh tế lớn nhất đã mang lại cho quốc gia này GDP khoảng 4.4 ngàn tỷ USD vào năm 2020, xếp sau Canada và Nam Hàn, và chỉ đứng trước Brazil và Mexico. Các ngành công nghiệp lớn nhất của họ là khai thác, chủ yếu là dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, và khai thác mỏ. Ngoài những mặt hàng như vậy, cũng như vũ khí, Nga xuất cảng rất ít. Như ai đó đã từng nói, không ai xếp hàng mua xe của Nga.
Hơn nữa, sống bên ngoài Moscow hoặc St.Petersburg là quý vị sống trong thế giới thứ ba. Đa phần tài sản của quốc gia tập trung ở và xung quanh hai thành phố này. Ngay cả ở những nơi này, lương thì thấp, cuộc sống có thể khó khăn, và tham nhũng tràn lan.
Như Chiến tranh Nga-Ukraine đã cho thấy, quân đội của ông Putin là một cái bóng của chính Liên Xô trước đây. Các số liệu thu được từ cơ sở dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) về chi tiêu quân sự cho thấy ngân sách quốc phòng của Nga nhỏ hơn của Ấn Độ và chỉ lớn hơn một chút so với Vương quốc Anh hoặc Pháp. Hoa Kỳ chi tiêu cho quân sự nhiều gấp 10 lần và NATO-Âu Châu cộng lại gấp khoảng ba lần. Và đây là trước khi các quốc gia như Đức tuyên bố ý định tăng mạnh mua sắm quốc phòng do Chiến tranh Nga-Ukraine.
Quan trọng hơn, quân đội Nga nhận được rất ít so với nỗ lực của họ. Một khoản lớn ngân sách quốc phòng bị các quan chức tham nhũng cắt xén bớt một cách dễ dàng, khiến các lực lượng vũ trang được huấn luyện kém, lãnh đạo kém, và trang bị kém. Lực lượng mặt đất chủ yếu bao gồm những lính nghĩa vụ ngắn hạn. Họ dành phần lớn thời gian phụng sự quốc gia để huấn luyện và còn phải chịu đựng sự khổ luyện về thể chất.
Hơn nữa, hầu hết các hệ thống quân sự của Nga đều có từ thời Liên Xô. Lực lượng không quân vẫn sử dụng các chiến đấu cơ MiG và Sukhoi được phát triển lần đầu vào những năm 1970. Hải quân Nga không được trang bị bất kỳ con tàu nào lớn hơn một khu trục hạm nhỏ trong hơn hai thập niên qua.
Nga có một số thiết bị hiện đại, chẳng hạn như hỏa tiễn phòng không S-400, nhưng các vũ khí khác như xe tăng T-14 Armata và Su-57, chiến đấu cơ thế hệ thứ năm của Nga, dường như quá đắt đỏ đối với Nga.
Bất chấp những thực tế này, phương Tây đã đánh giá quá cao khả năng quân sự của Nga trong thập niên qua. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) danh tiếng, được công bố hồi cuối năm 2020, cho biết rằng “Các nhà lãnh đạo chính trị của Nga hiện có sẵn các lực lượng vũ trang thông thường được trang bị tốt vốn được xây dựng dựa trên những lực lượng chuyên nghiệp thay vì lính nghĩa vụ” và quân đội Nga thì “được trang bị tốt hơn, với các yếu tố … cấu thành một lực lượng được tổ chức ở trạng thái sẵn sàng cao hơn trước.” Do đó, “những nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Nga đang cung cấp cho Moscow một công cụ quân sự đáng tin cậy để theo đuổi các mục tiêu chính sách của quốc gia.”
Rất tiếc, thật xấu hổ. Cuộc xâm lược vào Ukraine đã tạo ra nhiều lỗ hổng trong lập luận này. Lực lượng lính nghĩa vụ Nga được sử dụng ở Ukraine chỉ được huấn luyện vài tháng, và nhiều người không hề biết rằng họ sẽ được điều đi tham gia chiến đấu. Tinh thần xuống thấp một cách dễ hiểu.
Cuộc chiến này cũng cho thấy hậu cần của quân đội Nga yếu kém ra sao khi các lực lượng được trang bị nhẹ được sử dụng trong các cuộc tấn công ban đầu nhanh chóng hết lương thực và nhiên liệu. Một lần nữa, tham nhũng làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ, các sĩ quan Nga đã mua lốp xe giá rẻ của Trung Quốc cho các loại xe quân đội. Các lốp xe này rất nhanh bị vỡ vụn.
Cuối cùng, cuộc chiến đã cho thấy lực lượng không quân Nga (VVS) tồi tệ như thế nào. Mặc dù là một trong những lực lượng không quân lớn nhất thế giới, nhưng VVS đã không thể giành được ưu thế trên không so với Ukraine hoặc hỗ trợ nhiều trên không cho các lực lượng mặt đất của Nga. Các chiến đấu cơ của Nga thiếu nhiều vũ khí dẫn đường chính xác và về tổng thể, người ta cho rằng VVS thiếu kỹ năng, huấn luyện và kinh nghiệm để hoạt động trong vùng trời tranh chấp.
Tất nhiên, Nga vẫn có hai điều có lợi cho mình. Thứ nhất là số đông: ông Putin có rất nhiều nhân lực mà ông có thể chiêu mộ (và thực sự, ông đã giới hạn tuổi nhập ngũ phải dưới 40), và ông có thể moi vũ khí tích trữ (như xe tăng và xe bọc thép) ra khỏi các kho. Nhưng, trong khi các thiết bị cũ có thể mất hàng tháng để có thể chiến đấu thì những thiết bị cũ hơn có thể đơn giản chỉ là bia đỡ đạn trên chiến trường.
Lợi thế còn lại mà ông Putin có là vũ khí hạt nhân. Ngày nay Nga là một lực lượng hạt nhân hơn là một lực lượng quân sự thông thường. Trong khoảng hơn 20 năm qua, đa phần hoạt động R&D và mua sắm mới của quân đội Nga chủ yếu tập trung vào việc phát triển vũ khí hạt nhân mới, đặc biệt là hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tàu ngầm mang hỏa tiễn đạn đạo.
Tuy nhiên, vũ khí hạt nhân hoạt động chủ yếu như một biện pháp răn đe. Loại vũ khí này khó có thể được sử dụng trong một cuộc chiến tranh trên bộ thông thường.
Tuy nhiên, về tổng thể, ông Putin – mặc dù gần đây đã khoe khoang rằng cuộc xung đột này chỉ mới bắt đầu – chỉ còn rất ít chiến lược mũi nhọn. Ông ấy có thể giữ được miền đông Ukraine (ví dụ như vùng Donbas), nhưng phải trả giá rất đắt và ông ấy có thể thấy khó tiến lên hơn. Bế tắc chỉ làm trầm trọng thêm những điểm yếu của ông ấy.
Cựu Tổng thống Barack Obama từng nói rằng về căn bản Nga là một cường quốc trong khu vực, chỉ có khả năng đe dọa các quốc gia láng giềng dọc biên giới. Tất nhiên, lập luận này đã được chứng minh là không mang lại sự an ủi lớn cho Ukraine và chắc chắn sẽ khiến các quốc gia như Estonia hay Phần Lan (sắp trở thành thành viên của NATO) lo lắng. Điều đó cho thấy, hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine hóa ra là một sai lầm chiến lược lớn, khiến phương Tây thống nhất và kích động một nỗ lực tái vũ trang lớn của NATO.
Nhìn chung, tầm ảnh hưởng chiến lược của Nga sẽ tiếp tục giảm khi sức mạnh kinh tế và quân sự cũng như dấu ấn toàn cầu của quốc gia này tiếp tục suy giảm.
Ông Richard A. Bitzinger là một chuyên gia phân tích an ninh quốc tế độc lập. Trước đây, ông từng là một thành viên cao cấp của Chương trình Chuyển đổi Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, và ông từng đảm nhận các vị trí trong chính phủ Hoa Kỳ và tại nhiều tổ chức tư vấn khác nhau. Nghiên cứu của ông chuyên về các vấn đề an ninh và quốc phòng liên quan đến khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, bao gồm cả sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự, và quá trình hiện đại hóa quân đội cũng như phát triển vũ khí trong khu vực này.
Khánh Ngọc biên dịch