Suy nghĩ về một sự bổ nhiệm

Lê Học Lãnh Vân

Tại một công ty đa quốc gia vào hàng lớn nhất nhì thế giới, một người vừa được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo được hướng dẫn, bàn giao công việc. Câu nói được nhắc không dưới một lần là:

Chúng tôi biết anh là nhà chuyên môn khoa học, kỹ thuật giỏi. Chỉ xin anh đừng chen vào chuyên môn khoa học, kỹ thuật vì nhiệm vụ anh là quản lý. Trách nhiệm của anh từ nay là quan sát tổng quát, sắp xếp mọi việc cho hợp lý nhất để các nhà chuyên môn làm việc, và theo dõi, quản lý thành quả của họ trên cái nhìn tổng quát! Chuyên môn quản trị sẽ cho anh đủ công cụ làm việc!

Một công ty đa quốc gia vào hạng lớn nhất thế giới khi bổ nhiệm giám đốc nhà máy tại Việt Nam rất bực bội với luật lệ tại chỗ. Nhà máy sản xuất hoá học, luật Việt Nam bắt buộc giám đốc phải tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hoá hoặc Đại học Khoa học Tự nhiên ngành Hoá. Công ty thì muốn bổ nhiệm một người không xuất thân ngành hoá học. Đây là lãnh đạo, quản lý, không phải trưởng phần sản xuất, trưởng dây chuyền hay bảo trì máy móc, công ty ngạc nhiên nói như vậy. Tất nhiên công ty phải nghe theo luật tại chỗ, nhưng không vui! Họ cho rằng luật lệ như vậy can thiệp vào quyền tự chủ công ty, khiến việc quản trị công ty không hữu hiệu!

Có một sự lầm lẫn vai trò, trách nhiệm ở đây không?

Hổm rày bà con xôn xao việc bà Đào Hồng Lan được bổ nhiệm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, có không ít thắc mắc rằng tại sao không bổ nhiệm một bác sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm và chính bà Hồng Lan cũng bộc bạch nỗi lo đó.

Bài này không quan tâm tới việc bà Hồng Lan có bằng cấp Y khoa hay không, chỉ quan tâm tới:

1) Trách nhiệm của bà là gì? Trong bảng mô tả trách nhiệm của bà, ngoài trách nhiệm chung của một Bộ trưởng Y tế, có cần cộng với trách nhiệm làm trong sạch môi trường Y tế nước nhà sau nhiều đời Bộ trưởng bị miệng đời đồn lem nhem tiền bạc, nhất là hai Bộ trưởng gần đây nhất!

2) Bà tân quyền Bộ trưởng có thích hợp với trách nhiệm đó không? Thích hợp về đạo đức, về năng lực, về tầm nhìn chiến lược… Chương trình hành động được bà đề ra có được đánh giá hữu hiệu để đạt các mục tiêu quan trọng nhất của Bộ Y tế trong giai đoạn hiện nay không? Giả sử được đánh giá là thích hợp thì phong cách, tác phong, nếp làm việc, thành quả… của bà trong giai đoạn trước có chứng minh được điều đó không? Sự chứng minh đó có được minh bạch cho xã hội tỏ tường không? Sau rất nhiều vụ việc tàn phá lòng tin xã hội về Bộ Y tế nước nhà, hiện đang rất cần một nhân vật sạch, rất sạch, không dính líu với các lem nhem cũ, cũng rất cần sự minh bạch trong việc tuyển chọn và bổ nhiệm để xây dựng lại lòng tin của xã hội. Bài viết này nghĩ đó mới là mục tiêu chính của lần bổ nhiệm này, nếu sự bổ nhiệm nhằm phục vụ quyền lợi người dân.

Bài viết này muốn nêu thêm một suy nghĩ ra khỏi cái hộp thông thường.

Ấy là, sau nhiều tai tiếng của Bộ Y tế, mà trong đó đậm nét nhất là nền Y Đức tan hoang được phơi bày sau những năm dịch COVID-19 hoành hành. Thí dụ dễ thấy nhất là giá cả xét nghiệm được nâng lến gấp chục lần so với chi phí thật, được hợp sức nhịp nhàng bởi chính sách xét nghiệm bắt buộc giữa lúc dân chúng khốn cùng và quốc gia tổn thương trầm trọng vì dịch! Không khó thấy các hậu quả nói trên, và không chỉ có chừng đó, tất cả đều liên quan gần xa với việc cùng lúc thiếu lương tâm chức nghiệp ngành Y và thiếu lương tâm công chức. Sự thiếu lương tâm chức nghiệp đó là do một ngày một buổi hay được chất chồng nhiều thập niên? Những đời Bộ trưởng đã qua có trách nhiệm gì?

Sau bao nhiêu đời Bộ trưởng đều xuất thân từ Đảng, giờ quốc gia có nên bắt đầu nghĩ tới lộ trình đưa yêu cầù tuyển chọn trên cơ sở bình đẳng cơ hội ra cả giới trong và ngoài Đảng không? Suy nghĩ này không mới vì một số nhân vật quan trọng từng nêu lên rồi. Với hiện trạng được phơi bày, có ai chắc được rằng người trong Đảng có năng lực và có đạo đức hơn người ngoài Đảng không?

Số đảng viên chỉ chiếm một phần nhỏ dân số. Nếu không trả lời được câu hỏi về năng lực và đạo đức nêu trên, có nên tiếp tục phí phạm nguồn nguyên khí hiền tài trong phần lớn dân số không?

Ngày 18 tháng 7 năm 2022

Related posts