Tin Việt Nam sáng Chủ Nhật: Người mẹ nghèo nhảy cầu tự tử để lại 6 con thơ khiến ai cũng xót xa

Người mẹ nghèo nhảy cầu tự tử để lại 6 con thơ khiến ai cũng xót xa

Hội An

Chị Thuý tự tử để lại 6 con thơ nheo nhóc. (ảnh: Dân Trí).

Nghi vì nợ nần khi vay lãi nặng qua app, người phụ nữ nghèo quẫn trí đã nhảy cầu tự tử để lại 6 đứa con thơ dại cùng người chồng ốm yếu khiến nhiều người không khỏi xót thương.

Báo Thanh Niên ghi nhận chiều 21/7 tại nhà của chị Nguyễn Thị Thúy (30 tuổi) trú thôn Vạn An 1, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), người đã nhảy cầu tự tử vì nghĩ quẩn.

Từ đầu ngõ đến tận nhà, bà con hàng xóm vây quanh, ai cũng xót xa cho người mẹ xấu số kia và 6 đứa trẻ (lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất gần 2 tuổi) ngơ ngác, bơ vơ đã vĩnh viễn xa vòng tay mẹ.

Cháu Lê Minh Khang (gần 2 tuổi), ngơ ngác ngồi bên hiên, thấy bà con kéo đến mỗi lúc một đông. Cháu không cười, không nói, còn ánh mắt sợ sệt. Dường như cháu đang cảm nhận một mất mát nào lớn lắm, ấm áp dần xa mình. Còn cháu lớn nhất là Lê Anh (14 tuổi) thút thít bảo: Đến giờ con cũng không tin mẹ mất.

Anh Lê Thùy (42 tuổi) là chồng chị Thúy, cho hay anh đang làm phụ hồ, thì nghe tin người chú gọi điện báo vợ anh nhảy cầu tự tử, anh vội chạy đến nơi thì thấy xe máy, đôi dép và mũ bảo hiểm của chị Thúy để lại trên cầu.

Anh Thùy nghĩ, chắc là vợ mình quẫn trí nợ nần nên buồn mà bỏ đi đâu đó. Đến khi lực lượng chức năng vớt được thi thể chị Thúy lên bờ, anh Thùy mới chết lặng, bủn rủn tay chân. Anh Thùy nói mà hai mắt đỏ hoe.

Anh Thùy và chị Thúy cưới nhau về chung sống được 15 năm và sinh được 6 người con (5 trai, 1 gái). Trước kia gia đình anh là hộ nghèo, lo làm ăn nên đã thoát nghèo được một năm.

Gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, hai vợ chồng lo đi làm ăn để các con nhỏ lại gửi lại các con nhỏ cho ông bà nội trông coi. Anh Thùy làm nghề thợ hồ, kiếm được từ 6 – 7 triệu đồng/tháng. Chị Thúy làm công nhân may tại một công ty trên địa bàn H.Tư Nghĩa được khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Lộc (68 tuổi), mẹ chồng của chị Thúy cho biết, khi thấy cơ quan chức năng cùng người dân vớt thi thể chị Thúy lên bờ, bà đã ngất xỉu.

“Bây giờ con Thúy nó mất rồi, để lại 6 đứa còn nhỏ. Ba nó làm sao lo cho các cháu ăn học đến nơi đến chốn? Vợ chồng tôi già rồi…”, bà Lộc vừa thút thít vừa nói.

“Tôi hay qua nhà cháu Thùy uống nước. Thấy gia đình khó khăn, tôi cũng không giúp gì được chỉ biết động viên hai vợ chồng cố gắng làm ăn để chăm lo cho các cháu nhỏ. Giờ lấy gì lo cho 6 đứa nhỏ..”, ông Võ Đình Diệu (68 tuổi) trú thôn Vạn An 1, xã Nghĩa Thương buồn bã nói.

Ông Huỳnh Văn Lộc (60 tuổi) kể mình làm nghề chài lưới trên sông. Nghe tin chị Thúy tự tử, ông bỏ ghe chạy đến cầu Đập Quánh tham gia lặn vớt chị Thúy. 10 giờ lặn, đến gần 11 giờ tìm thấy thi thể chị Thúy.

“Nhìn thi thể ốm gầy không khỏi xót xa. Đưa cháu nó về đến nhà, 6 đứa con bu quanh ôm khóc. Thiệt không thể nào chịu thấu”, ông Lộc nói, mắt đỏ hoe.

Ông Nguyễn Tổng (58 tuổi) bảo, từ trưa đến giờ, cứ thấy 6 đứa con mồ côi là khóc, là nước mắt chảy ra. “Nhà hai vợ chồng nó nghèo lắm, nhưng hiền lành, xóm này ai cũng thương. Thấy nhà cực khổ, bà con hàng xóm hay cho quà mấy đứa nhỏ. Bây giờ con Thúy mất rồi, biết ai lo cho mấy đứa nhỏ bây giờ…”. Ông Tổng nói.

Bà con hàng xóm cho biết, do sinh 6 đứa con nên chị Thúy gầy gò, hay đau ốm, nhưng siêng làm, không làm ai mắc lòng bao giờ.

Có thông tin cho rằng, người phụ nữ tự tử bỏ lại 6 con thơ do túng quẫn vì nhiều khoản nợ nần, trong đó có khoản vay qua ứng dụng công nghệ với lãi suất lên đến 53%/năm.

Liên quan đến thông tin trên, chiều 21/7, một lãnh đạo xã Nghĩa Thương (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết trên báo Dân Trí, kiểm tra trong điện thoại chị Thúy cho thấy chị có vay qua ứng dụng công nghệ (app) khoản tiền 21 triệu đồng, lãi suất lên đến 53%/năm. Ngày 21/7 là ngày chị Thúy phải trả một phần gốc và lãi.

“Nhiều thông tin cho rằng chị T. túng quẫn nợ nần nên đã tự tử. Cơ quan công an đang xác minh, làm rõ nội dung này”, vị này thông tin.

Cựu Phó giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa bị bắt

Ông Nguyễn Bá Hùng, cựu Phó giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa. (Ảnh: truyenhinhnghean.vn)

Ông Nguyễn Bá Hùng bị bắt để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngày 23/7, công an tỉnh Thanh Hóa cho biết cơ quan điều tra đã bắt giữ bị can Nguyễn Bá Hùng (Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Như Xuân, cựu Phó giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa) và bị can Văn Xuân Hùng (cựu Trưởng phòng Quản lý công sản – giá cả Sở Tài chính Thanh Hóa).

Hai người bị bắt để điều tra về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, liên quan đến sai phạm tại dự án đầu tư xây dựng công trình Hạc Thành Tower (số 3 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, TP. Thanh Hóa). Dự án gần quảng trường Lam Sơn nên được xem là khu “đất vàng” tại TP. Thanh Hóa.

Một phần hiện trạng dự án Hạc Thành Tower. (Ảnh: truyenhinhnghean.vn)

Cụ thể, năm 1993, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển giao quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho Công ty kinh doanh nhà Thanh Hóa quản lý và kinh doanh, với tổng diện tích hơn 7.400 m2. Vị trí khu đất thuộc khu nhà ở số 1, 2, và 3 đường Phan Chu Trinh.

Đến năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt giá giao đất thu tiền sử dụng đất tại số 3 Phan Chu Trinh cho Công ty Sông Mã (phường Ngọc Trạo, TP. Thanh Hóa) để triển khai dự án đầu tư và khai thác. Diện tích đất giao thu tiền sử dụng đất là 2.706 m2, với tổng số tiền sử dụng đất giao của cả khu đất mà Công ty Sông Mã phải nộp cho ngân sách nhà nước là 56,826 tỷ đồng, tương ứng 21 triệu/m2.

Đến năm 2013, dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh nâng diện tích đất của dự án Hạc Thành Tower từ hơn 2.706 m2 lên hơn 2.900 m2, nhưng tiền sử dụng đất công ty Sông Mã phải nộp lại giảm từ hơn 56,826 tỷ đồng xuống hơn 48 tỷ đồng.

Năm 2013, công ty Sông Mã mới hoàn tất việc điều chỉnh mặt bằng quy hoạch, và được bàn giao đất thực địa vào năm 2014. Tuy nhiên, từ năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đồng ý cho công ty Sông Mã chuyển quyền sử dụng đất đối với khu đất xây dựng tòa nhà hỗn hợp 15 tầng Hạc Thành Tower cho Công ty TNHH Huy Hoàng (chủ đầu tư cấp 2).

Phạm Toàn

Cựu Bí thư Bình Dương chuẩn bị hầu tòa trong 20 ngày tại Hà Nội

Ông Trần Văn Nam khi đương chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, tháng 2/2017. (Ảnh: baobinhduong.vn)

Ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị truy tố tội “vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Theo dự kiến, ngày 15/8 tới đây, TAND TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử 28 bị cáo trong vụ án bán rẻ 43 ha “đất vàng” xảy ra tại Tổng công ty sản xuất – xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2). Phiên tòa kéo dài trong 20 ngày.

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Vũ Quang Huy. 4 kiểm sát viên của Viện KSND Hà Nội tham gia công tố cùng gần 60 luật sư đăng ký bào chữa cho 27 bị cáo, trong đó, ông Trần Văn Nam có 5 luật sư.

HĐXX triệu tập đại diện Tỉnh ủy Bình Dương, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương, Cục Thuế tỉnh, các Sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường… đến tòa với tư cách bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, HĐXX triệu tập 8 cá nhân và giám định viên.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Nam bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh (SN 1955, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty 3/2) cùng con gái là Nguyễn Thục Anh (SN 1982, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát triển) bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”.

Ngoài ra, bị cáo Minh cùng con rể là Nguyễn Đại Dương (SN 1965) còn bị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Liên quan đến vụ án, hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng bị đưa ra xét xử như: Phạm Văn Cành (cựu Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương); Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương); Nguyễn Thanh Trúc (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương); Trần Xuân Lâm (cựu Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương)…

Theo cáo trạng truy tố, Tổng Công ty 3/2 là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu.

Năm 2012, ông Trần Văn Nam với cương vị phó chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định giao khu đất 43 ha và 145 ha cho Tổng công ty 3/2 theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Tuy nhiên, các bị can là lãnh đạo Cục Thuế và cán bộ Văn phòng UBND tỉnh lại tham mưu, đề xuất áp dụng đơn giá từ năm 2006 (thay vì năm 2012) để thu tiền sử dụng đất. Ông Nam nhận thức được đề xuất này trái quy định nhưng vẫn quyết định cho thực hiện.

Hành vi của các bị can gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 761 tỷ đồng.

Vẫn theo cáo trạng, các bị can là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và một số cơ quan tham mưu đều biết việc Nguyễn Văn Minh và đồng phạm chuyển nhượng 43 ha đất và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho tư nhân là trái quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Dù vậy, những bị can này đã không ngăn chặn hành vi của bị can Minh, yêu cầu khắc phục thu hồi tài sản cho Nhà nước. Thậm chí một số cựu lãnh đạo tỉnh còn hợp thức hóa thủ tục để ông Minh hoàn tất việc chuyển nhượng tài sản Nhà nước sang công ty do con rể mình thành lập và bán cho công ty tư nhân.

Hành vi trên của nhóm bị can gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 984 tỷ đồng.

Ngoài ra, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, bị can Nguyễn Văn Minh với động cơ vụ lợi đã sắp xếp đưa một công ty do mình làm chủ tịch và một công ty của con gái tham gia liên doanh thực hiện dự án tại khu đất 145 ha.

Ông Minh chỉ đạo một số người sắp xếp chuyển khu đất trên ra khỏi giá trị doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa, đồng thời cố ý chuyển nhượng khu đất với thủ đoạn góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào một công ty khác.

VKS cáo buộc cựu chủ tịch Trần Thanh Liêm cùng các bị can thuộc Sở Tài chính Bình Dương đã làm trái quy định pháp luật khi không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất đối với khu 145 ha khi cổ phần hóa doanh nghiệp. Điều này dẫn đến bị can Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn, là 4.030 tỷ đồng.

Phạm Toàn

Cục Hàng không VN: Nữ TikToker ngồi trên băng chuyền hành lý có thể bị cấm bay

Nữ hành khách ngồi trên băng chuyền hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất khi băng chuyền đang hoạt động. (Ảnh chụp màn hình clip/TikTok)

Nhà chức trách xác định sau khi kết thúc chuyến bay từ Côn Đảo về TP.HCM, một nữ hành khách đã cố ý ngồi lên băng chuyền hành lý đang hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất, quay clip đăng TikTok.

Ngày 21/7, tài khoản Tiktok có tên H.K.T. đã đăng đoạn clip quay cảnh mình ngồi trên băng chuyền hành lý ở sân bay kèm lời dẫn: “Bất kệ đời, lạc trôi”. Đằng sau cô gái, nhiều hành khách đang đứng chờ lấy hành lý trên băng chuyền.

Với tài khoản 57.000 người theo dõi, đoạn clip được lan truyền rộng trên mạng xã hội, song vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích hành vi trên. Sau đó, chủ tài khoản đã gỡ đoạn clip khỏi tài khoản Tiktok.

Qua rà soát camera an ninh, nữ hành khách được xác định tên H.T.T.K., ngồi ghế 5D, đi chuyến bay QH1044 của hãng hàng không Bamboo Airways từ Côn Đảo về TP.HCM ngày 20/7. Clip ngồi trên băng chuyền được hành khách K. quay tại nhà ga nội địa Tân Sơn Nhất.

Nói về sự việc trên, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng hành vi của nữ hành khách này không vi phạm các quy định liên quan đến an ninh, an toàn hàng không nhưng rất phản cảm và có thể gây nguy hiểm cho chính hành khách đó nếu chẳng may bị kẹt quần áo hoặc trượt ngã, theo báo Lao Động.

Phòng Quản lý cảng hàng không của Cục Hàng không đang tiếp tục làm rõ hành vi của nữ hành khách. Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, trong trường hợp đủ căn cứ, hành vi này có thể khép vào tội cố tình gây rối tại cảng hàng không sân bay và người vi phạm có thể bị xem xét cấm vận chuyển bằng đường hàng không.

Hình ảnh nữ hành khách gây nguy hiểm an toàn bay khi tiến lại gần máy bay đang di chuyển trên sân đỗ, nhảy múa để đăng TikTok. (Ảnh chụp màn hình clip)

Ngày 11/7 vừa qua, vấn đề an toàn bay được đặt ra khi trên mạng xã hội TikTok xuất hiện một clip ghi hình một cô gái mặc đồ đen hở bụng và lưng, đeo khẩu trang, đội mũi lưỡi trai vừa đi lại gần máy bay (hãng Vietnam Airlines) vừa xoay vòng, tạo dáng. Lúc này, máy bay đang di chuyển trên đường băng.

Sự việc được xác định xảy ra tại sân bay Phú Quốc khoảng 1 tháng trước đó. Theo Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, tại thời điểm trên, nữ hành khách đang trên xe buýt ra chuyến bay của mình. Xe vừa mở cửa, nhân lúc một máy bay khác đang lăn vào sân đỗ, nữ hành khách đã chạy ra quay clip nhảy múa, tạo dáng đăng TikTok.

Nhân viên kiểm soát an ninh sau đó nhắc nhở khách quay lại vị trí an toàn. Nhân viên an ninh sân bay nghĩ hành khách chỉ có hành vi phấn khích do ở sân bay, chưa có hậu quả gì, nên không giữ hành khách lại để xử lý về hành vi gây rối, không tuân thủ các quy định về an toàn hàng không.

Khi clip được lan truyền rộng trên mạng xã hội, hành động này được cảnh báo là gây uy hiếp tới an toàn, an ninh hàng không tại sân bay khi động cơ máy bay có lực hút rất mạnh, chỉ cần một vật dụng nhỏ trên người bị hút vào động cơ cũng nguy cơ gây hư hỏng bộ phận này, thậm chí uy hiếp tính mạng của chính người đó.

Sơn Nguyên

Related posts