Ngày 23/7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ được xếp vào loại “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm” (PHEIC). Đây là lần đầu tiên người đứng đầu WHO đưa ra cảnh báo sức khỏe cộng đồng cấp cao nhất theo sáng kiến của mình trong tình huống ủy ban chuyên gia bất đồng về ý kiến, và cũng là lần thứ bảy WHO tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm”.
Ngày 22/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra thông báo cho biết, ông Tedros sẽ tổ chức một cuộc họp báo video và đưa ra tuyên bố vào lúc 13:00 GMT ngày 23/7.Hãng AP đưa tin, ông Tedros một lần nữa triệu tập cuộc họp ủy ban khẩn cấp theo Quy định Y tế Quốc tế (IHR) tại Geneva vào ngày 23/7. Bất chấp sự thiếu đồng thuận giữa các chuyên gia của ủy ban, ông tuyên bố sau cuộc họp rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa ở khỉ là một “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm” (PHEIC). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, người đứng đầu một cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đơn phương đưa ra quyết định như vậy trong tình huống thiếu sự tư vấn của ủy ban chuyên gia. Tổng cộng 9 thành viên của ủy ban chuyên gia của WHO đã bỏ phiếu ủng hộ việc liệt kê dịch bệnh đậu mùa khỉ là PHEIC, trong khi 6 người khác phản đối.
Tạp chí Fortune đưa tin, ông Tedros nói trong cuộc họp báo sau hội nghị rằng: “Bệnh đậu mùa khỉ đang nhanh chóng lây lan khắp thế giới, chúng ta biết rất ít về cách nó lây truyền, và dịch bệnh phù hợp với các tiêu chuẩn y tế quốc tế. Dựa trên những lý do này, tôi đã quyết định tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm.”
Ông còn nói: “Mặc dù tôi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm, nhưng làn sóng bùng phát hiện nay vẫn tập trung ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới, đặc biệt là những người có nhiều bạn tình.” WHO đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 23/6, để quyết định có nên tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là PHEIC hay không. Đây là mức cảnh báo sức khỏe cộng đồng cao nhất của WHO. Vào thời điểm đó, hầu hết các thành viên đã khuyên ông Tedros rằng tình hình không đáp ứng tiêu chuẩn để đưa ra mức cảnh báo cao nhất.
Do số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ngày càng gia tăng, cuộc họp ủy ban khẩn cấp lần thứ hai đã được tổ chức vào ngày 21/7, kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ. Ông Tedros bày tỏ sự lo lắng của mình tại cuộc họp, và nói rằng, “Tôi cần lời khuyên của bạn để ứng phó với tác động sức khỏe cộng đồng trong ngắn và trung hạn.”
Ủy ban khẩn cấp chịu trách nhiệm tư vấn cho ông Tedros, và quyết định cuối cùng là do ông Tedros đưa ra.
Theo Reuters đưa tin, trước đây ông Tedros sẽ tuân theo các khuyến nghị của ủy ban, tuy nhiên nguồn tin chỉ ra rằng lần này mặc dù hầu hết các thành viên cho rằng mức cảnh báo cao nhất là không cần thiết, nhưng ông Tedros vẫn xem xét nghiêm túc việc ban hành mức cảnh báo cao nhất vì tính cấp thiết của tình hình.
Hiện tại, PHEIC chỉ áp dụng cho đợt bùng phát COVID-19 và Chương trình Loại bỏ bệnh bại liệt.
Các chuyên gia trong ủy ban WHO có ý kiến bất đồng
Các chuyên gia từ Ủy ban Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang chia rẽ về việc có nên ban hành cảnh báo cao nhất đối với bệnh đậu khỉ hay không. Một phe cho rằng việc ban hành cảnh báo cao nhất sẽ giúp thế giới đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Một phe cho rằng bệnh đậu mùa khỉ vẫn chưa lây lan sang các nhóm mới, tỷ lệ tử vong không đủ cao để đáp ứng các tiêu chí đưa ra cảnh báo cao nhất.
Vào ngày 23/6 năm nay, ủy ban chuyên gia của WHO cũng đã tổ chức một cuộc họp để quyết định có ban hành cảnh báo cấp cao nhất của WHO về dịch đậu mùa khỉ hay không. Sau cuộc họp, ông Tedros chỉ ra rằng, “đợt bùng phát hiện tại vẫn cấu thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm … Nhưng bản thân việc triệu tập cuộc họp của ủy ban phản ánh những lo ngại ngày càng tăng về sự lây lan quốc tế của bệnh đậu mùa khỉ.”
Tại cuộc họp của ủy ban chuyên gia vào tháng Sáu, chỉ có 3 phiếu ủng hộ tuyên bố PHEIC để ứng phó với sự bùng phát bệnh đậu mùa ở khỉ và 11 phiếu phản đối.
Theo số liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 20/7, hơn 15.800 người ở 72 quốc gia đã bị nhiễm virus đậu mùa khỉ. Chính phủ Mỹ cũng đang xem xét liệu có nên tuyên bố dịch đậu mùa khỉ bùng phát là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng hay không.
Một nghiên cứu quốc tế do các nhà khoa học tại Đại học Queen Mary ở London, Vương quốc Anh dẫn đầu, phát hiện ra rằng khoảng 95% trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ mà họ nghiên cứu là lây truyền qua đường tình dục. Kết quả đã được công bố trên Tạp chí Y học New England ở Mỹ vào ngày 21/6.
Bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan từ lâu ở Tây và Trung Phi, kể từ đầu tháng Năm đến nay, bên ngoài 2 khu vực này đã có sự gia tăng mạnh các ca bệnh đậu mùa khỉ.
Kể từ tháng 12/2019, một nhóm người viêm phổi không rõ nguyên nhân đã được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Hầu hết các trường hợp trong giai đoạn đầu của dịch đều liên quan đến lịch sử hoạt động ở chợ hải sản Hoa Nam, ở Vũ Hán. Ngày 9/1/2020, chính quyền Trung Quốc thông báo rằng mầm bệnh là một loại virus corona mới. Sau đó, dịch bệnh nhanh chóng lây lan sang các tỉnh, thành phố khác và trên thế giới, điều này khẳng định nó có khả năng lây truyền từ người sang người. Vào ngày 30/1/2020, WHO đã tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm.
Do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt bùng phát Hội chứng Hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) ở Châu Á năm 2003, Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) đã thông qua thỏa thuận Quy định Y tế Quốc tế (IHR) vào năm 2005 để cùng nhau ngăn chặn và ứng phó với các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. IHR xác định rõ “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm” (PHEIC), có nghĩa là sự lây lan của dịch bệnh gây ra nguy cơ sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác và cần có phản ứng phối hợp quốc tế.
Nếu được chỉ định là PHEIC, nó đại biểu cho sự kiện sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, đột ngột, bất thường, bất ngờ, v.v; và có khả năng vượt ra ngoài biên giới của quốc gia bị ảnh hưởng; là một sự kiện đòi hỏi hành động quốc tế ngay lập tức.
Trước đây, WHO đã 6 lần tuyên bố PHEIC, bao gồm bệnh cúm mới H1N1 năm 2009, virus Ebola ở Tây Phi năm 2014, bại liệt năm 2014, virus Zika từ năm 2015 đến năm 2016, virus Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo năm 2019, COVID-19 vào năm 2020 (bệnh do virus corona năm 2019).
Dương Thiên Tư, Vision Times