Liên Hoa
Chính sách chống dịch nghiêm ngặt đang khiến Trung Quốc đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, nền kinh tế có khả năng bước vào môt đợt suy thoái mới.
Tỷ lệ trống của trung tâm mua sắm vượt quá mức cảnh báo
Cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc lan sang hệ thống ngân hàng, rủi ro hệ thống đang bị đe dọa. Hậu quả của chính sách phòng chống dịch “Zero Covid” đối với nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết.Theo dữ liệu mức độ sẵn sàng tiêu dùng của người dân ngày càng trở nên chậm hơn. Tỷ lệ trống của các trung tâm mua sắm ở các thành phố lớn hạng nhất vượt quá ngưỡng cảnh báo.
Theo Winshang.com và Winshang Big Data, từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, lưu lượng khách hàng trung bình hàng ngày đến các trung tâm mua sắm Trung Quốc giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước khi dịch bùng phát vào năm 2019, tỷ lệ trống của các trung tâm mua sắm ở các thành phố hạng nhất và hạng hai là khoảng 6,1%. Trong quý 2 năm nay, tỷ lệ trống của trung tâm thương mại tổng thể là 8,7% ở Thành Đô, 9,8% ở Thượng Hải và 14,1% ở Quảng Châu, tất cả đều vượt mức cảnh báo 6%.
Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia của ĐCSTQ công bố, GDP của Trung Quốc chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II và giảm 2,6% so với một năm trước đó. Và Thượng Hải, thành phố có nền kinh tế tốt nhất Trung Quốc, GDP đã giảm 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II và rơi xuống vị trí cuối bảng xếp hạng GDP các khu vực của nước này. Trong bảng xếp hạng tăng trưởng GDP cả nước trong nửa đầu năm, Thượng Hải đứng thứ hai từ dưới lên với mức giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đứng cuối là Cát Lâm, một thành phố công nghiệp quan trọng.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng nếu chính quyền Bắc Kinh vẫn giữ vững lập trường “không khoan nhượng” đối với virus và dịch bệnh bằng mọi giá, như vậy sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% của năm nay.
Ngày 14 tháng 7, Nathan Chow – chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng DBS ở Singapore, cho biết sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ không quá mạnh trong nửa cuối năm, vì mất việc làm và cắt giảm lương do đóng cửa khiến tiêu dùng yếu trở thành thách thức khó khăn nhất.
Theo “Báo cáo khảo sát bảng câu hỏi về người gửi tiền thành thị trong quý II năm 2022” do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phát hành, trong quý 2 năm nay, chỉ có 23,8% người dân có xu hướng tiêu dùng, nhưng 58,3% có xu hướng tiết kiệm.
Nghiên cứu của công ty chứng khoán Guotai Junan cho thấy gần 60% số người được hỏi bị giảm thu nhập đáng kể trong thời kỳ dịch bệnh, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ sẵn sàng tiết kiệm của người tiêu dùng.
Ông Stephen Roach, cựu Chủ tịch Morgan Stanley Châu Á, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 15/7 rằng kinh tế Trung Quốc phục hồi còn yếu và không thể loại trừ suy thoái trong nửa cuối năm. Ông Roach cảnh báo về nguy cơ lạm phát đình trệ của những năm 1970, ông tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã áp dụng các đợt tăng lãi suất tích cực để đối phó với lạm phát cao, chính sách tiền tệ nói chung đã được thắt chặt, chính sách zero covid của ĐCSTQ và cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga-Ukraine, vốn đã phá vỡ nghiêm trọng an ninh của chuỗi cung ứng toàn cầu, nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với áp lực đi xuống trong những năm tới.
Hồng Kông tụt xuống vị trí thứ 52 trong bảng xếp hạng các thành phố tốt nhất thế giới
Gần đây, InterNations – trang web trao đổi cộng đồng người nước ngoài hàng đầu thế giới, đã đưa ra một báo cáo khảo sát với danh sách 52 thành phố đáng sống nhất thế giới dành cho người nước ngoài vào năm 2022. Thật bất ngờ, thứ hạng hiện tại của Hồng Kông chỉ có thể được tính ngược, thứ hạng đã bị tụt xuống vị trí thứ 50 từ trên xuống và đứng thứ ba từ dưới lên. Gần đây nhất là năm 2020, Hồng Kông đứng thứ sáu trong bảng xếp hạng này.
Báo cáo cho thấy mức độ hài lòng của người nước ngoài đối với tài chính cá nhân, chi phí sinh hoạt và môi trường đô thị của Hồng Kông là rất thấp.
Về tài chính cá nhân, Hồng Kông đứng thứ 10 từ dưới lên; về chỉ số sinh hoạt, đứng thứ 40; về chỉ số điểm đến làm việc ở nước ngoài, Hồng Kông cũng đứng thứ 10 từ dưới lên. Trong số này, 68% không hài lòng với chi phí sinh hoạt chung, 46% cảm thấy thiếu tính sáng tạo trong văn hóa kinh doanh địa phương và 56% người nước ngoài cảm thấy rằng họ không thể bày tỏ ý kiến của mình một cách công khai, trong khi 33% người nước ngoài cũng bày tỏ không hài lòng với môi trường đô thị của Hồng Kông.
Ngoài ra, tạp chí Time Out của Anh đã mời 20.000 cư dân thành thị trên khắp thế giới đưa ra ý kiến về mọi thứ từ giải trí, ẩm thực, hoạt động văn hóa đến môi trường sống, giao thông thuận tiện, tinh thần cộng đồng và các khía cạnh khác, để chọn ra 53 thành phố tốt nhất thế giới vào năm 2022. Hồng Kông cũng đã tụt từ vị trí thứ 20 vào năm ngoái xuống vị trí thứ 52 trong năm nay, xếp thứ hai từ dưới lên.
Ngoài ra, theo dữ liệu từ Sở Di trú Hồng Kông, số lượng người nước ngoài đến Hồng Kông đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2018 số lượng đơn đăng ký được chấp thuận theo “Chính sách việc làm chung” là hơn 41.000 đơn, năm 2021 giảm xuống còn 13.000 đơn. Trong nửa đầu năm nay, chỉ có 5.701 đơn đăng ký được chấp thuận, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 72% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hồng Kông thực hiện vào tháng 5 năm nay cho thấy, 42% người nước ngoài được khảo sát đang cân nhắc có nên rời Hồng Kông hay không. Hơn 49% người được hỏi cho rằng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt là một trong những lý do khiến họ muốn rời đi.
Và 62% số người được hỏi đã chọn ra đi cho biết lý do chính để rời khỏi Hồng Kông là việc thực thi “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” khiến họ cảm thấy bất an, hơn 36% người dân lo ngại việc thực thi “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của con cái họ. Nhiều người trong số những người này là người nước ngoài đã sống ở Hồng Kông trong một thời gian dài, một số thậm chí đã sống ở đó hơn 17 năm. Một số người được hỏi nói rằng hầu hết bạn bè trong mạng xã hội của họ đã rời đi.
Theo Epoch Times