Xuân Hoa
Không một Viện Khổng Tử nào tại Mỹ đã thực sự biến mất. Chúng chỉ ‘thay tên đổi họ’ hay núp bóng dưới các dạng thức khác để tiếp tục giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc gây sức ép lên các tổ chức giáo dục ở Mỹ.
Trong một cuốn sách của tôi có tên “Bắt tận tay: Cách giới tinh hoa Mỹ giúp Trung Quốc giành chiến thắng” (Red handed: How American Elites are Helping China Win), chúng ta đã gặp gỡ chàng thanh niên trẻ tuổi Nathan Law – sinh ra ở Trung Quốc, lớn lên ở Hong Kong, nhà lãnh đạo Phong trào Dù vàng phản đối sự đàn áp của Bắc Kinh đối với Hong Kong. Những nỗ lực của Law đã bị chính quyền Trung Quốc đè bẹp một cách tàn nhẫn và anh phải ngồi tù 8 tháng. Tạp chí Time đã vinh danh Law là 1 trong “100 người có ảnh hưởng nhất năm 2020”.
Sau khi thoát khỏi nhà tù Trung Quốc, Law quyết định theo học cao học tại Đại học Yale của Mỹ. Đây là cơ sở giáo dục có lịch sử đào tạo sinh viên Trung Quốc từ những năm 1850, khi sinh viên Trung Quốc đầu tiên tốt nghiệp một trường đại học Mỹ lấy tấm bằng từ đó.
Giờ đã khác xưa. Mọi người tại Yale chào đón Law thật nồng nhiệt. Nhưng hầu hết sinh viên Trung Quốc ngày nay học tại Yale đều được Bắc Kinh tài trợ, do vậy khi Law cố gắng cất tiếng nói trong khuôn viên trường, họ đã liên tục quấy rối anh vì anh đã trực tiếp chống lại sự đàn áp của Trung Quốc đối với dân chủ và tự do ở Hong Kong. Ngay cả ban quản lý của Yale cũng bị ‘điếc’ trước những phiền nhiễu mà Law phải chịu đựng. Tại sao? Bởi vì tiền của chính quyền Trung Quốc có tiếng nói quá lớn.
Câu chuyện của Law cho chúng ta thấy một cách rõ ràng về nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc xây dựng các “Viện Khổng Tử” tại các trường cao đẳng và đại học hàng đầu nước Mỹ. Các hoạt động đã diễn ra từ khoảng năm 2005. Đến năm 2020, hơn 118 “viện” như vậy đã mọc lên, cung cấp các chương trình giáo dục ngôn ngữ và văn hóa (nghe thật trong sáng), được tài trợ trực tiếp bởi Hanban – một nhánh của Bộ giáo dục Trung Quốc.
Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump và Quốc hội đã thừa nhận mức độ độc hại của các Viện Khổng Tử. Trong một tuyên bố năm 2020, cựu Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo đã cảnh báo rằng các Viện Khổng Tử là “một phần của bộ máy tuyên truyền và tạo ảnh hưởng trên toàn cầu của ĐCSTQ”; tuyên bố đó chính thức chỉ định Trung tâm Viện Khổng Tử tại Mỹ (Confucius Institute U.S. Center) là cơ quan đại diện nước ngoài của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo Hội đồng Quản trị các trường đại học và cao đẳng Mỹ rằng Viện Khổng Tử “gây ảnh hưởng độc hại đến các cơ sở giáo dục của Mỹ và gieo rắc tuyên truyền của ĐCSTQ”.
Thậm chí, Giám đốc FBI Chris Wray còn nói với Thượng viện Mỹ vào năm 2018 rằng cơ quan này đang điều tra các Viện Khổng Tử vì phát hiện ra việc Trung Quốc sử dụng “những người thu thập [thông tin] phi truyền thống, đặc biệt là trong môi trường học thuật” trong hoạt động gián điệp.
Dưới áp lực như vậy, các trường đại học buộc phải ngừng các thỏa thuận với Trung Quốc. Có đến 104 trong số 118 Viện Khổng Tử từng tồn tại ở Mỹ đã đóng cửa hoặc đang bị đóng cửa. Nhưng như tôi đã học được từ nghiên cứu của chính mình về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các tổ chức tại Mỹ, Trung Quốc không cần phải nói lớn về việc hợp tác với các tổ chức nước ngoài. Đôi khi một lời thì thầm là đủ rồi.
Các Viện Khổng Tử chưa bao giờ biến mất
Một báo cáo mới, chi tiết và kỹ lưỡng của Hiệp hội các Học giả Quốc gia (NAS) xác nhận rằng không có một viện nào trong số các viện này biến mất; chúng chỉ ‘đổi thương hiệu’ theo một thỏa thuận kết nghĩa giữa các trường đại học ở Trung Quốc với các trường đại học ở Mỹ, hoặc được đặt một cái tên khác, hoặc chuyển một trường tài trợ khác. Và tiền từ Trung Quốc vẫn tiếp tục chảy vào Mỹ.
Chính quyền Trung Quốc đã đổi tên Hanban thành Trung tâm Hợp tác và Giáo dục Ngôn ngữ (CLEC) thuộc Bộ Giáo dục. Trong đó có một tổ chức riêng biệt, được gọi là Quỹ Giáo dục Quốc tế Trung Quốc (CIEF); quỹ này tiếp tục tài trợ và giám sát các Viện Khổng Tử và nhiều cơ sở thay thế của chúng, báo cáo của NAS cho biết.
Báo cáo của NAS theo dõi ‘số phận’ của từng Viện trong số 109 Viện Khổng Tử và đã thực hiện các cuộc điều tra sâu về một vài trong số đó. Một trường hợp điển hình là Viện Khổng Tử tại Đại học Washington ở Seattle – đã được tách ra thành Đại học Pacific Lutheran ở Tacoma, Washington. Trong khi đó, Viện Khổng Tử tại Đại học Western Kentucky đã hợp tác với hệ thống trường học K-12 ở Quận Simpson – nơi nó tiếp tục được điều hành bởi những người cũ.
Giới học thuật coi những viện này là những món quà giống như những món quà từ các nhà tài trợ khác; nhưng có điều luật liên quan đến các quỹ nước ngoài chảy tới các trường học ở Mỹ. Yale đã nhận 30 triệu USD từ vị doanh nhân tỷ phú tốt nghiệp tại Yale có tên là Joe Tsai (Alibaba) cho Trung tâm Trung Quốc của Trường Luật Yale – nơi đã được đổi tên thành Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai (Paul Tsai là tên người cha của Joe Tsai ). Trung tâm Tsai, nơi nghiên cứu luật Trung Quốc, có thể là địa điểm tốt để một người có kinh nghiệm như chàng thanh niên trẻ tuổi Nathan Law đến nói chuyện với kiến thức sâu sắc của anh ấy về chủ đề này. Nhưng Trung tâm Tsai dường như không quan tâm đến việc lắng nghe quan điểm của Law. Anh ấy chưa bao giờ được mời đến.
Bà Jamie P. Horsley, thành viên cấp cao và cựu Giám đốc điều hành của Trung tâm Tsai, đã lên tiếng bảo vệ mục đích của các Viện Khổng Tử tại các cơ sở giáo dục ở Mỹ. Bà lập luận rằng họ cần phải dạy học sinh tiếng quan thoại (Mandarin) – loại ngôn ngữ ngày càng cần thiết cho thành công trong kinh doanh. Bà cũng đã có nhiều bài viết ‘nói giảm nói tránh’ về tác động của hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc, cũng như các bài viết ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Đây chính là điều mà nhiều người Mỹ lo sợ về việc đặt các viện do chính quyền Trung Quốc tài trợ, dù chúng được gọi là gì, trong các cơ sở giáo dục của Mỹ. Đây là lý do khiến Bộ Ngoại giao Mỹ xếp chúng vào các cơ quan đại diện ngoại giao.
Tác giả của báo cáo NAS, bà Rachelle Peterson, từng trò chuyện với Giám đốc người Trung Quốc của một Viện Khổng Tử tại một trường đại học Mỹ mà bà từ chối nêu tên. Bà Peterson hỏi Giám đốc Trung Quốc rằng vị Giám đốc sẽ trả lời như thế nào nếu một sinh viên hỏi về Quảng trường Thiên An Môn. Vị Giám đốc trả lời rằng bà ấy “sẽ cho [sinh viên] xem một bức ảnh [về Thiên An Môn] và chỉ ra kiến trúc của nó đẹp như thế nào. Đó là điều quan trọng nhất về Quảng trường ấy”.
Xuân Hoa