Vụ Tịnh thất Bồng Lai: Bất nhất thông tin “tạm đình chỉ – tái điều tra ‘loạn luân’, ‘lừa đảo”

Nguyễn Xuân

Sáu thành viên của Tịnh thất Bồng Lai vừa bị kết án nhiều năm tù với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”, theo Điều 331 BLHS. (Ảnh: Tịnh thất Bồng Lai)

Năm ngày sau phiên tòa sơ thẩm xét xử 6 người trong nhóm Tịnh thất Bồng Lai với tổng hình phạt lên tới 23 năm, báo nhà nước cùng dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Long An song nội dung bất nhất, một bên “tạm đình chỉ điều tra”, một bên “tái điều tra” tin tố giác “loạn luân” và “lừa đảo” đối với nhóm người trên.

Cùng nguồn tin nhưng tin… trái ngược

“Chiều 26/7, nguồn tin từ Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Long An cho biết cơ quan này tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác của nhiều tổ chức, cá nhân về 2 hành vi “loạn luân” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại căn nhà của bị án Cao Thị Cúc (số 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An – nơi được bị án Lê Tùng Vân đặt tên là Tịnh thất Bồng Lai, sau đó đổi thành Thiền am bên bờ vũ trụ).” – báo Thanh Niên chiều 26/7 đưa tin.

Giải thích về việc không đề cập nội dung trên cho tới nay, cơ quan này cho rằng do nhận nhiều đơn thư tố giác, liên quan đến các lĩnh vực khác nhau, như tôn giáo, chức sắc trong Phật giáo, khoa học về di truyền… nên “đã rất thận trọng” và “tách ra thành các nội dung khác nhau để điều tra”.

“Hiện, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An đang chờ thêm một số kết quả về xét nghiệm, phân tích gen di truyền học từ cơ quan chuyên môn về y tế. Khi có kết quả khẳng định đúng như nội dung tố giác, kết hợp với các chứng cứ cụ thể thu thập được trong quá trình điều tra thì CQĐT sẽ phục hồi điều tra tiếp tục và chuyển tiếp giai đoạn điều tra. Trong trường hợp không có căn cứ chứng minh hành vi phạm tội thì CQĐT sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự hiện hành”, bài báo trích dẫn lời của nguồn tin.

Bất nhất thông tin về việc điều tra theo tin tố giác nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai “lừa đảo”, “loạn luân”. (Ảnh chụp màn hình/zingnews.vn; thanhnien.vn)

Cùng thời gian, trang Zing dẫn lời của một lãnh đạo Công an tỉnh Long An (không nêu danh tính), cho hay sắp phục hồi điều tra tin tố giác “loạn luân” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan Tịnh thất Bồng Lai.

“Trước đây, chúng tôi tiếp nhận 3 nội dung tố giác nhưng điều tra để truy tố, xét xử trước vụ lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Hai nội dung còn lại đã tạm đình chỉ điều tra khá lâu, nay chuẩn bị phục hồi điều tra”, lãnh đạo Công an Long An nói với Zing.

Thông tin “sắp phục hồi điều tra” nội dung tố giác “loạn luân”, “lừa đảo” với nhóm người tại Tịnh thất Bồng Lai được báo Công An Nhân Dân đăng tải trong bài đăng sau Zing một tiếng.

Trong khi đó, với thông tin “tạm đình chỉ điều tra” nội dung tố giác “loạn luân”, “lừa đảo”, tiếp tục có các báo Dân Trí, Pháp Luật TP.HCM, VTC News… đưa tin.

Đối với nguồn tin từ địa phương – báo Long An vào rạng sáng ngày 27/7 cùng dẫn nguồn tin từ Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An cho hay vào chiều 26/7, cơ quan này cho biết “tạm đình chỉ giải quyết tin báo tố giác tội phạm của nhiều tổ chức, cá nhân về 2 hành vi “loạn luân” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến “Tịnh thất Bồng Lai”.

Lý do tạm đình chỉ là vì “đang chờ thêm các hồ sơ, tài liệu và kết quả giám định từ các cơ quan chuyên môn”; sau khi có kết quả, hồ sơ, tài liệu của các cơ quan chuyên môn, Công an tỉnh sẽ phục hồi giải quyết tin báo, tố giác nói trên.

Truyền thông biến tin tố giác thành tội danh

Dù bất nhất, việc tạm đình chỉ điều tra hay (sắp/chuẩn bị) tái điều tra đều có nghĩa các thông tin “loạn luân”, “lừa đảo” hiện chỉ dừng ở nội dung tố cáo, chưa được kết luận là tội danh đối với nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai. .

Ngoài ra, việc điều tra nội dung 2 tố cáo này tại Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An chưa có tiến triển mới khi vẫn “đang chờ thêm các hồ sơ, tài liệu và kết quả giám định từ các cơ quan chuyên môn”.

Tuy nhiên, bản tin thời sự của kênh VTV1 – Đài truyền hình Việt Nam ngày 7/1/2022 đã đưa tin ông Lê Tùng Vân bị khởi tố về 3 tội, trong đó có tội lừa đảo và loạn luân: “Sau khi khởi tố vụ án liên quan tới các sai phạm xảy ra ở Tịnh thất Bồng Lai (sau này đổi tên thành Thiền am bên bờ vũ trụ), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã khởi tố Lê Tùng Vân sinh năm 1932 về 3 tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân và tội loạn luân”.

Nội dung tại bản tin thời sự của VTV1 ngày 7/1/2022 khẳng định ông Vân bị khởi tố 3 tội danh, trong đó có tội loạn luân và lừa đảo. Điều này là sai sự thật. (Ảnh chụp màn hình/Youtube)

Tính tới sáng 27/7/2022, video bản tin này trên nền tảng Youtube đã đạt gần 88 nghìn lượt xem.

Không chỉ VTV1, trong tháng 1/2022, truyền thông Việt Nam dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra tỉnh Long An đưa tin rộng rằng đang trong giai đoạn điều tra, và nhóm người trong căn hộ trên loạn luân. “Kết quả giám định cho hay, nhiều người sinh sống tại Tịnh thất Bồng Lai có quan hệ huyết thống với ông Lê Tùng Vân” (trích Việt Nam Net ngày 7/1/2022).

Từ các trang báo, trang tin được cấp phép, thông tin trên tiếp tục được loan rộng trên mạng xã hội, các nền tảng video với nội dung cáo buộc những người tại Tịnh thất Bồng Lai “lừa đảo” và “loạn luân”.

Với công bố mới nhất từ Công an tỉnh Long An nói trên, thực tế cho đến nay, các cáo buộc trên vẫn là tin tố cáo, chưa phải tội danh bị khởi tố hình sự.

Thông tin khẳng định chuyện loạn luân tại ‘Tịnh thất Bồng Lai’ trên báo Việt Nam Net ngày 7/1/2022 (Ảnh chụp màn hình/vietnamnet.vn)

Tối 21/7, luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong 5 luật sư bảo vệ cho 6 bị cáo là người trong Tịnh thất Bồng Lai nhận định trên BBC Tiếng Việt: “Việc thông tin về các tội danh “Loạn luân” và “Lừa đảo” trước đây là một việc làm đáng xấu hổ. Bôi nhọ danh dự, nhân phẩm công dân.”

Chiều 26/7, trên tài khoản Facebook cá nhân, luật sư Ngô Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đăng lời xin lỗi chính thức tới những người ở Tịnh thất Bồng Lai, rằng đã hồ đồ khi nhận định thông tin về họ.

Ông Tuấn Anh viết: “Ngay từ đầu, khi tiếp nhận thông tin về những vụ việc liên quan tới Tịnh thất Bồng Lai, tôi có cái nhìn có phần ác cảm về họ […] Cho tới thời điểm này, qua một số thông tin mà các tờ báo chính thống đăng tải, có vẻ như những tố cáo về hành vi loạn luân trong Tịnh thất Bồng Lai là suy diễn, thiếu căn cứ khoa học vững chắc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, sự ác cảm của tôi đối với những người nơi đây là thiếu cở sở.”

Cần nhắc lại phiên tòa xét xử nhóm 6 người tại Tịnh thất Bồng Lai các ngày 20-21/7 diễn ra với cáo buộc của 3 bị hại, gồm Công an huyện Đức Hòa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An và cá nhân ông Trần Ngọc Thảo (pháp danh Thích Nhật Từ). Đối với ông Trần Ngọc Thảo, không thuần túy là vấn đề tôn giáo, ông này tố cáo nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai với tư cách cá nhân.

“Thực tế đã có sự đấu khẩu giữa ông Trần Ngọc Thảo và các thành viên của Thiền Am trên mạng Internet mà ông Trần Ngọc Thảo là người khởi xướng.” – luật sư Nguyễn Văn Miếng cho hay. “Trên nguyên tắc của Điều 16 Hiến pháp: “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.”, ông Thảo có thể khởi kiện dân sự đối với người nào có phát ngôn xúc phạm ông.”

Tuy nhiên, “bên Thiền Am đã có đơn tố cáo ông Thảo nhưng không được bất cứ cơ quan nào giải quyết”, vẫn theo luật sư Miếng.

Nêu thông tin tương tự, luật sư Mạnh cho hay trên RFA Tiếng Việt ngày 26/7: “Thực tế, trước đây, gia đình ông Lê Tùng Vân đã từng khiếu nại về việc bị ông Thích Nhật Từ xúc phạm trong suốt một năm nhưng không được cơ quan nào giải quyết cả. Sau khi Lê Thanh Hoàn Nguyên làm clip phản ứng, trong clip có câu “Sư phụ tui nói Nhật Từ ngu như bò”, thì Hoàn Nguyên bị khởi tố hình sự và bị bắt giữ”.

Trở lại với các cáo buộc “loạn luân”, “lừa đảo” đối với những người ở Tịnh thất Bồng Lai, vẫn trong bài báo trên, luật sư Mạnh cho hay: “Sau phiên tòa sơ thẩm ngày 20/7 không xét xử gì các tội “Loạn luân” hoặc “Lừa đảo”, thì có thể gia đình họ sẽ tính đến việc tố cáo bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Theo quy định, thì các tố cáo của họ sẽ phải được thụ lý xem xét. Về phương diện truyền thông đưa tin làm nhục họ thì cũng đã từng bị khiếu nại, nhưng cơ quan truyền thông cho rằng chỉ loan tin từ cơ quan điều tra cung cấp mà thôi. Gia đình ông Lê Tùng Vân cũng đang cân nhắc khả năng tố cáo truyền thông đưa tin làm nhục họ.”

“Sự ngộ độc truyền thông” là một trong những điều được luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nhắc đến sau phiên tòa Tịnh thất Bồng Lai, khi giữa rừng thông tin thất thiệt, bôi nhọ danh dự mà cả những người ở Tịnh thất Bồng Lai và công chúng đều trở thành nạn nhân. Chỉ riêng cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” đã gắn 6 người tại Tịnh Thất Bồng Lai với phán quyết 23 năm tù.

Trong khi đó, danh dự, nhân phẩm của nhóm người trên vẫn bị bỏ ngỏ khi thông tin tố giác “loạn luân”, “lừa đảo” là đúng hay sai vẫn tiếp tục bị kéo dài trong “tranh tối tranh sáng”, khi cơ quan điều tra tỉnh Long An cho hay đang chờ hồ sơ, tài liệu, kết quả giám định liên quan.

Nguyễn Xuân

Related posts