Hôm 28/07, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS, phân bổ tài trợ cho một dự luật hiện đã được gần hai năm tuổi. Hiện đang được trình lên bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden để chờ ông ký, đạo luật mới này sẽ phân bổ 280 tỷ USD trợ cấp, giảm thuế, và tài trợ nghiên cứu để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
“Hôm nay, Hạ viện đã thông qua một dự luật sẽ khiến xe hơi rẻ hơn, thiết bị gia dụng rẻ hơn, và máy điện toán rẻ hơn,” ông Biden nói trong một tuyên bố. “Dự luật đó sẽ giảm chi phí của hàng hóa hàng ngày. Và, nó sẽ tạo ra các công việc sản xuất được trả lương cao khắp đất nước đồng thời củng cố vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong các ngành công nghiệp của tương lai.”
“Đạo luật Khoa học và CHIPS chính xác là những gì chúng ta cần làm để phát triển nền kinh tế của mình ngay bây giờ. Bằng cách sản xuất nhiều chất bán dẫn hơn ở Hoa Kỳ, dự luật này sẽ thúc đẩy ngành sản xuất trong nước và giảm chi phí cho các gia đình.”
Nhiều người ủng hộ đạo luật đã hài lòng khi chứng kiến đạo luật được thông qua và tin rằng nó sẽ mang lại lợi ích cho ngành sản xuất của Hoa Kỳ.
Ông Zach Mottl, chủ tịch của Liên minh cho một Hoa Kỳ Thịnh vượng, một tổ chức bất vụ lợi tập trung vào chính sách thương mại, nói với The Epoch Times, “Quốc hội đã nhận ra tầm quan trọng của việc vượt qua thách thức của quy hoạch công nghiệp, của các ngành công nghiệp chiến lược hỗ trợ, và bảo đảm rằng chúng ta có việc làm công nghệ cao ở Hoa Kỳ, nhưng chúng ta không thể dừng lại ở đây.”
“Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ là một kiểu kinh tế tự do, không can thiệp trong một khoảng thời gian hơi quá lâu. Và chúng ta đã mất nhiều cơ hội.”
Do đó, Tổng thống Biden cho biết dự luật này sẽ cải thiện việc làm và an ninh quốc gia bằng cách làm cho Hoa Kỳ ít phụ thuộc hơn vào các chuỗi cung ứng ngoại quốc.
Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp không đồng ý với tuyên bố đó bởi vì vào phút chót, các thành viên Đảng Dân Chủ đã loại bỏ một điều khoản của đạo luật mà có thể ngăn các công ty Hoa Kỳ thuê Trung Quốc gia công các công nghệ theo sau. Do điều khoản đó bị loại bỏ, các công ty công nghệ ở Hoa Kỳ sẽ có thể sử dụng hàng tỷ dollar tiền thuế của người dân để nghiên cứu các công nghệ bán dẫn mới, sau đó thuê Trung Quốc sản xuất những công nghệ mới này.
Bước đi này đã thu hút sự chỉ trích của những nghị sĩ thường không hay phản đối ở phía Đảng Dân Chủ, Đảng Độc Lập, và Đảng Cộng Hòa. Đáng chú ý nhất trong số đó là Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky) và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont), những người đã chỉ trích dự luật này là phúc lợi doanh nghiệp sẽ nâng đỡ các công ty công nghệ vốn đã phát đạt và tiêu tốn tiền thuế của người dân.
“Thượng nghị sĩ Bernie Sanders nói rằng Đạo luật CHIPS của thượng viện là ‘khoản hối lộ trị giá 53 tỷ USD’ mà các công ty bán dẫn yêu cầu để đổi lấy việc ở lại Hoa Kỳ,” ông Massie viết trên Twitter. “Ông ấy nói đúng. Lấy tiền từ những người Mỹ đang làm việc và trao nó cho các công ty hoạt động vì lợi nhuận là hành động vô đạo đức và thậm chí sẽ không hiệu quả.”
Dân biểu Marjorie Taylor Green viết trên Twitter, “Kế hoạch CHIPS của bà Nancy Pelosi không là gì ngoài việc cung cấp nhiều phúc lợi doanh nghiệp hơn cho các đại công ty thịnh vượng vốn không cần đến khoản đó. Các chính sách Nước Mỹ Sau Cùng buộc chúng ta phụ thuộc và các ngoại quốc và đóng cửa nền kinh tế của chúng ta [là] lý do tại sao chúng ta không có vi mạch bán dẫn.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Thanh Nhã biên dịch