Tháng 7 và tháng 8 hàng năm là thời kỳ đáo hạn các khoản nợ USD cao điểm của nhiều công ty bất động sản Trung Quốc. Từ ngày 21 đến 26/7 năm nay, ít nhất 4 công ty bất động sản top 100 hoặc doanh nghiệp chục tỷ đã công bố thông tin vỡ các khoản nợ USD, trong đó có 3 công ty là doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông.
Trong số 4 công ty bất động sản gần đây tuyên bố vỡ nợ hoặc vỡ nợ một phần, Powerlong (Bảo Long) (01238.HK) là công ty lớn nhất.
Ngày 26/7, Powerlong đưa ra một thông báo được phác thảo vào ngày 25/7, tiết lộ họ không thể trả được nợ gốc và lãi phát sinh của trái phiếu trị giá 21,294 triệu USD trước hạn ngày 25/7.
Ngoài ra, còn có trái phiếu với số tiền gốc là 37,259 triệu USD đến hạn thanh toán vào ngày 8/11 năm nay. Thông báo cho biết, mặc dù “các thỏa thuận tài chính khác nhau liên tục được thảo luận “, nhưng “có thể sẽ không trả được nợ gốc và lãi phát sinh”.
Ngày 4/7, Powerlong đã công bố việc chào bán trao đổi 2 trái phiếu này, nhằm gia hạn chứng từ tháng 7 và tháng 11 năm nay đến tháng 7/2023 và tháng 1/2024.
Tiền gốc của 2 trái phiếu lần lượt là 200 triệu USD và 300 triệu USD. Trong số 2 trái phiếu USD của Powerlong, phần không đạt được thỏa thuận đã bị vỡ nợ.
“Chào bán trao đổi” có nghĩa là người phát hành trái phiếu không thể trả gốc và lãi trái phiếu đúng hạn do dòng vốn thiếu hụt, và đưa ra đề nghị cho các nhà đầu tư trái phiếu, nhằm thay thế một tỷ lệ nhất định của trái phiếu hiện có bằng trái phiếu mới có thể thay đổi về kỳ hạn và lãi suất, nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng thanh khoản và cho phép tái cấp vốn. Tuy nhiên, việc đảo nợ chỉ là trả chậm, áp lực nợ nần vẫn còn đó.
Trong nửa đầu năm 2022, bảng xếp hạng doanh số bán hàng của các công ty bất động sản Trung Quốc do Tổ chức nghiên cứu bất động sản ERIC công bố, Powerlong xếp thứ 45 về doanh thu toàn diện, với tổng số tiền là 23,24 tỷ NDT (khoảng 3,5 tỷ USD). Powerlong đứng thứ 43 trong danh sách bán bất động sản năm 2021.
3 công ty bất động sản còn lại công bố vỡ nợ là Jingrui Hldgs (Cảnh Thụy – 01862.HK), China South City Holdings (Hoa Nam Thành – 01668.HK) và Junfa Group (Tuấn Phát).
Thông báo của Jingrui Hldgs ngày 22/7 tiết lộ rằng họ không thể trả khoản nợ đến hạn vào ngày 25/7, tổng số tiền gốc và lãi phát sinh là 275,6 triệu USD.
Công ty Bất động sản Jingrui (Cảnh Thụy), một công ty con của Jingrui Hldgs, đứng thứ 93 trong danh sách bán bất động sản năm 2021 của ERIC, đã tụt xuống thứ 149 trong bảng xếp hạng doanh thu toàn diện trong nửa đầu năm 2022.
China South City Holdings (Hoa Nam Thành) đã công bố một thông báo quản lý ở nước ngoài vào ngày 21/7, tiết lộ họ đang tìm cách chuyển nhượng 5 trái phiếu USD, với tổng số nợ là 1,57 tỷ USD.
Ngày 22/7, Tập đoàn Junfa (Tuấn Phát), được mệnh danh là “Vua của Vân Nam”, tiết lộ họ sẽ không trả 13,035 triệu USD tiền lãi cho các khoản tiền đến hạn vào ngày 24/7. Trong bảng xếp hạng doanh thu toàn diện của CRIC đối với các công ty bất động sản Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022, Tập đoàn Junfa (Tuấn Phát) đứng thứ 84.
Thông báo tóm tắt các lý do cho việc vỡ nợ là “các yếu tố bất lợi như kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản, môi trường tài chính, và nhiều đợt dịch bệnh.”
Trong khi các công ty bất động sản thường xuyên vỡ nợ USD, thì thuế đất đai và bất động sản của Trung Quốc đang giảm mạnh. Theo dữ liệu thu chi tài chính chính thức của ĐCSTQ trong nửa đầu năm 2022, doanh thu từ thuế đã giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng chú ý là thu ngân sách từ quỹ chính quyền địa phương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở cấp này là 2.610 tỷ NDT (khoảng 387 tỷ USD), giảm 29,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước là 2.360 tỷ NDT (khoảng 350 tỷ USD), giảm so với cùng kỳ năm ngoái là 31,4%.
Có thể suy ra nguồn thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước chiếm tới 90,6% nguồn thu của quỹ chính quyền địa phương cùng cấp. Điều này cho thấy chính quyền địa phương phụ thuộc rất nhiều vào tài chính đất đai.
Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia ĐCSTQ công bố ngày 15/7, trong nửa đầu năm nay, tổng diện tích mua đất của các công ty bất động sản Trung Quốc giảm mạnh 48,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Những người trong ngành gọi dữ liệu này là “điểm đóng băng lịch sử”.
Bình luận kinh tế vĩ mô do Sinolink Securities (Chứng khoán Quốc Kim) công bố cùng ngày cho rằng tháng 6 năm nay, “tình hình tài chính đất đai ngày càng xấu đi”, và đưa ra các rủi ro gồm “hiệu quả chính sách kém hơn mong đợi”.
Do sự phụ thuộc nhiều của nguồn tài chính địa phương Trung Quốc vào ngành bất động sản, tỷ lệ hoàn thành các quỹ của chính quyền địa phương trong nửa đầu năm nay đạt mức thấp mới, chưa đến 27,6% ngân sách hàng năm.
Tờ Financial Times trích dẫn dữ liệu từ công ty tư vấn Dealogic cho biết, trong nửa cuối năm nay, hơn 60 nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc phải đối mặt với việc đáo hạn trái phiếu bằng đô la Mỹ của họ, với tổng số tiền là 13,3 tỷ đô la Mỹ, tương đương với 13% trong tổng số hơn 100 tỷ USD dư nợ của các trái chủ quốc tế, toàn bộ ngành đang đối mặt với làn sóng vỡ nợ.
Nói về nguyên nhân các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc liên tiếp vỡ nợ, nhà bình luận thời sự Miyasita Kiyokawa, cũng là người am hiểu hệ thống tài chính Trung Quốc và hệ thống chính trị, nói với Epoch Times rằng: “Đối với các nhà đầu tư, dù trong nước hay nước ngoài, thị trường nhà ở Trung Quốc rất không chắc chắn, và sự không chắc chắn này đến từ hệ thống chính trị của ĐCSTQ. Bất cứ ai vào thị trường bất động sản Trung Quốc đều phải lấy lòng ĐCSTQ. Khi ĐCSTQ cần đầu tư nước ngoài thì các điều kiện đầu tư nước ngoài rất dễ thương lượng; khi ĐCSTQ cần ‘doanh nghiệp trong nước’, thì việc đầu tư nước ngoài sẽ không thể thấy được sắc mặt tốt của ĐCSTQ,” ông nói.
Bình Minh