Lướt qua lịch các nghị quyết chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho thấy chính trị là yếu tố hàng đầu trong động thái kết thúc cuộc điều tra Didi.
Công ty gọi xe Trung Quốc Didi Global đã bị phạt 1,2 tỷ USD vào ngày 21/07. Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cáo buộc công ty này vi phạm luật an ninh không gian mạng, bảo mật dữ liệu và bảo vệ thông tin cá nhân, bao gồm cả việc thu thập thông tin cá nhân quá mức từ nhiều trong số gần 600 triệu người dùng của nó. Khoản tiền phạt báo hiệu sự kết thúc của cuộc điều tra chính thức đối với Didi, được đưa ra cách đây khoảng một năm sau khi công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York mà không có sự chúc phúc của Bắc Kinh.
Các nhà chức trách Trung Quốc dường như đã thông báo hành động chống lại Didi trước gần hai tháng. Li Daokui, một nhà kinh tế học và cựu cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), phát biểu tại một diễn đàn về cuộc đàn áp lĩnh vực công nghệ của Bắc Kinh vào ngày 03/06 rằng “ảnh hưởng chính trị của các công ty internet giờ là con số không” và những lo lắng của các quan chức cấp cao đã được xoa dịu bớt. Ông nói thêm rằng cơn bão về các quy định công nghệ của Trung Quốc đã kết thúc và các chính sách trong tương lai sẽ tập trung vào việc khôi phục niềm tin của nhà đầu tư.
Vào ngày 06/06, The Wall Street Journal đưa tin rằng các cơ quan quản lý của Trung Quốc đang kết thúc cuộc điều tra về Didi, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này. Tạp chí cho biết thêm rằng Didi và hai công ty công nghệ khác của Trung Quốc dự kiến sẽ cung cấp 1% cổ phần cho nhà nước và trao cho nhà chức trách vai trò trực tiếp trong các quyết định của công ty.
Lướt qua lịch các nghị quyết chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy rằng chính trị là một trong những yếu tố hàng đầu đằng sau động thái kết thúc cuộc điều tra Didi của lãnh đạo Tập vào thời điểm này.
Cảnh giác với những gã khổng lồ công nghệ
Hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê nin của ĐCSTQ và mục tiêu không ngừng giành quyền kiểm soát tuyệt đối giải thích cho nỗ lực đưa chính trị [chi bộ đảng] vào quyền chỉ huy ở những nơi có thể trong chế độ. “Đông, tây, nam, bắc và trung tâm; Đảng lãnh đạo mọi thứ”, như Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nói nhiều lần.
Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc là mối đe dọa đối với sự kiểm soát của ĐCSTQ dựa trên bản chất hoạt động kinh doanh của họ. Các công ty như Didi, Alibaba và Tencent thu được lượng lớn thông tin cá nhân từ khách hàng, trong đó có thể có một số thông tin nhạy cảm. Ví dụ, vào năm 2015, cơ quan ngôn luận nhà nước Tân Hoa xã tiết lộ rằng họ đang làm việc với Didi để phân tích dữ liệu đi lại của các quan chức chính phủ trung ương để theo dõi tình trạng làm việc ngoài giờ của họ. Tân Hoa xã có thể có ý coi tiết lộ này là tuyên truyền về “sự cần cù” một cách chính thức, nhưng nó cũng gián tiếp chỉ ra tiềm năng các công ty công nghệ cạnh tranh với Đảng trong việc khảo sát và thậm chí ảnh hưởng đến dân chúng Trung Quốc.
Mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn đối với ĐCSTQ nếu các ông lớn công nghệ Trung Quốc buộc phải tiết lộ dữ liệu của họ để tuân thủ các yêu cầu niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài. Đặc biệt, Hoa Kỳ đang yêu cầu các công ty Trung Quốc và các kiểm toán viên của họ phải cung cấp tài liệu kiểm toán chi tiết hoặc đối mặt với việc hủy niêm yết vào năm 2024. Việc Didi có thể sở hữu những dữ liệu nhạy cảm đồng thời có nghĩa là động thái niêm yết trên NYSE của họ rất khó có thể được chấp thuận bởi Chính quyền ĐCSTQ. Do đó, Bắc Kinh sẽ coi việc niêm yết của Didi với thái độ không “bật đèn xanh” là một thách thức trực tiếp đối với Đảng và hiển nhiên sẽ có động thái gay gắt chống lại công ty.
Cuối cùng, phe Tập đang cảnh giác với những gã khổng lồ công nghệ có mối liên hệ với các đối thủ phe phái của nó. Tờ Wall Street Journal đưa tin vào tháng 2/2021 rằng Bắc Kinh đã chặn việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group vào cuối năm 2020 một phần vì không muốn các đối thủ của Tập Cận Bình rút hầu bao khỏi danh sách niêm yết, một phần nữa là vì công ty đang tham gia vào lĩnh vực kinh doanh tài chính rủi ro trong khi để các ngân hàng sở hữu nhà nước phải chịu phần lớn rủi ro. Những người được Tạp chí xác định là đối thủ của ông Tập bao gồm các thành viên của phe Giang như cháu trai của Giang Trạch Dân là Giang Chí Thành và con rể của Giả Khánh Lâm.
Các thành viên phe Giang cũng “tình cờ” tham gia trong hội đồng quản trị của Didi. Thành viên hội đồng quản trị Trần Trĩ Nhật đến từ Boyu Capital, công ty cổ phần tư nhân của Giang Chí Thành. Boyu Capital đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Alibaba thực hiện IPO năm 2014 tại Hoa Kỳ. Trong khi đó, CEO Trương Dũng của Alibaba lại là một thành viên khác trong hội đồng quản trị Didi. Không thể loại trừ rằng cuộc điều tra nhắm vào Didi và khoản tiền phạt nặng mà nó nhận được là nhằm mục đích gây chú ý cho phe Giang và giới tinh hoa chính trị khác, những người đang nghĩ đến việc tạo ra lợi nhuận từ việc niêm yết các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bằng việc gây tổn thất cho chế độ ĐCSTQ và sự lãnh đạo của ông Tập.
‘Đình chiến’ chính trị
Giới tinh hoa chính trị và sự kiểm soát chính trị không phải là lý do duy nhất khiến Bắc Kinh kết luận cuộc điều tra Didi. Lãnh đạo Tập đang tìm cách vực dậy nền kinh tế đang suy thoái nhanh chóng, cần phải “đình chiến” để giữ nguồn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Người nước ngoài ngày càng do dự trong việc phân bổ vốn cho Trung Quốc do rủi ro địa chính trị gia tăng bắt nguồn từ quan hệ hữu nghị “không giới hạn” của Bắc Kinh với Nga, tác động của chính sách “zero-COVID” của Bắc Kinh, đàn áp lĩnh vực công nghệ và các yếu tố chính trị khác.
Nói rõ ràng hơn, giới tinh hoa chính trị dường như là lý do chính khiến ban lãnh đạo Tập chọn lúc này để chấm dứt cuộc điều tra Didi. Các quan chức cấp cao và giới tinh hoa của Đảng sẽ đến Bắc Đới Hà vào khoảng giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 cho kỳ nghỉ làm việc hàng năm của họ. Tại cuộc họp không chính thức, giới tinh hoa của Đảng rất có thể sẽ thảo luận về nỗ lực của Tập Cận Bình trong việc phá vỡ các quy tắc hiện đại của Đảng và kéo dài nhiệm kỳ của ông tại Đại hội Đảng lần thứ 20, cũng như xem xét danh sách nhân sự ưu tiên của ông để đảm nhận các vị trí chủ chốt. Bằng cách kết thúc cuộc điều tra Didi xung quanh thời kỳ Bắc Đới Hà, ông Tập dường như đang thể hiện “thiện chí” với các đối thủ chính trị của mình bằng cách ra hiệu rằng sẽ không thực hiện thêm hành động nào chống lại họ miễn là họ đi cùng với chương trình chính trị của ông.
Tuy nhiên, việc ông Tập thể hiện “thiện chí” đối với Didi không nhất thiết có nghĩa là chấm dứt hành động quản lý trong lĩnh vực công nghệ hoặc đình chiến vĩnh viễn trong đấu tranh phe phái. Sự phản đối mạnh mẽ đối với chương trình nghị sự chính trị của Đại hội Đảng lần thứ 20 của ông Tập tại Bắc Đới Hà có thể dẫn đến hành động tiếp theo để giải quyết tình trạng “mở rộng vốn một cách mất trật tự” đang được thực hiện chống lại những người ủng hộ chính trị của Didi và công ty. Các công ty công nghệ và tổ chức tài chính khác có liên hệ với các đối thủ của ông Tập cũng có thể bị ảnh hưởng tùy thuộc vào diễn biến của cuộc họp tại Bắc Đới Hà.
Tuy nhiên, việc thiếu sự can thiệp của phe phái tại Bắc Đới Hà cũng không chuyển thành thuận buồm xuôi gió cho Tập Cận Bình. Việc nới lỏng các cuộc đàn áp theo quy định có thể không đủ để thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài về việc đầu tư hoặc giữ tiền của họ ở Trung Quốc, đặc biệt là khi nền kinh tế toàn cầu hướng tới suy thoái và các biện pháp chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tạo điều kiện cho dòng tiền chảy ra ngoài. Tình hình kinh tế ngày càng xấu đi, bao gồm cả việc gây ra nhiều khoản nợ và rủi ro tài chính hệ thống, gây ra rắc rối cho Bắc Kinh.
Hơn nữa, việc kết thúc các cuộc điều tra về Didi có thể không giúp giải quyết được nhiều vấn đề của công ty. Các nhà đầu tư sợ hãi có thể do dự mua cổ phần của Didi sau khi tính đến những bất ổn chính trị gần đây. Trong khi đó, hai năm áp dụng các biện pháp “zero-COVID” và việc cấm ứng dụng Didi khỏi các cửa hàng ứng dụng trong nước trong một năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của công ty. Một kịch bản mà Didi ngừng kinh doanh phần lớn do các chính sách của Bắc Kinh sẽ là một vết đen lớn đối với ông Tập.
Các nhà lãnh đạo ĐCSTQ từ lâu đã thể hiện sự sẵn sàng hy sinh kết quả kinh tế để kiểm soát chính trị. Ông Tập cũng không khác mấy về phương diện này. Nhưng các vấn đề kinh tế, khi chúng lăn bánh quá xa, cũng trở thành vấn đề chính trị. Các đối thủ của ông Tập trong chế độ chắc chắn sẽ tìm cách khai thác những rắc rối kinh tế chồng chất đều đặn của Trung Quốc để làm suy yếu vai trò lãnh đạo của ông trước Đại hội Đảng lần thứ 20.
Minh Đăng
Theo Vision Times