Chi Anh
Nhiều việc làm hơn đã quay trở lại Nhật Bản khi doanh nghiệp Nhật tháo chạy khỏi Trung Quốc. Điều này không chỉ mang đến cơ hội mà còn tạo ra thách thức cho một quốc gia đang già hóa. Chính phủ Nhật Bản phải ban hành biện pháp ‘đặc trị’ để thu hút lao động lành nghề nước ngoài.
Một số điều trong luật nhập cư của Nhật Bản từng được xếp hạng là ‘khó’ nhất thế giới. Tuy nhiên, chính phủ Nhật đang phải cố gắng cung cấp một con đường nhanh chóng để lao động nước ngoài có được thẻ thường trú nhân, qua đó giúp các công ty địa phương dễ dàng hơn trong việc thu hút lao động lành nghề đến làm việc tại một số khu vực thưa dân.
Theo Nikkei Asia, chính phủ Nhật Bản sẽ sửa đổi một hệ thống đánh giá người lao động. Hệ thống này chấm điểm các cá nhân dựa trên thu nhập hàng năm, nền tảng giáo dục và kinh nghiệm làm việc; những người có điểm số cao sẽ được đối xử ưu tiên.
Chính phủ Nhật sẽ cộng điểm cho những người lao động đồng ý làm việc tại các công ty do cộng đồng địa phương đề xuất, đặc biệt là ở các khu vực bên ngoài các đô thị lớn. Chương trình mới này đang được thử nghiệm ở tỉnh Hiroshima và Kitakyushu, 2 trong số những khu vực ít dân cư ở Nhật Bản, với tầm nhìn triển khai trên toàn quốc.
Động thái này là nỗ lực của chính phủ Nhật nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng ở các vùng ít dân cư do dân số Nhật đang ngày càng giảm và già đi. Khi một quốc gia đóng cửa với người nhập cư trong thời gian dài, áp lực mở cửa biên giới sẽ ngày càng gia tăng.
Yêu cầu để nhận thẻ thường trú nhân là đã sống ở Nhật 10 năm liên tục. Tuy vậy, kể từ tháng 04/2017, chính sách mới sẽ cộng 70 điểm cho những cá nhân có “chuyên môn cao”, cho phép họ đăng ký thẻ thường trú chỉ với 3 năm cư trú thay vì 10 năm.
Các cá nhân lành nghề được đề cập đến trong chính sách thường là các kỹ sư, chuyên gia về nhân văn học, dịch vụ quốc tế, nhân viên luân chuyển trong nội bộ công ty, giám đốc kinh doanh, nhà nghiên cứu và giáo sư.
Chương trình mới cũng cộng thêm 10 điểm cho các cá nhân nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp địa phương nằm bên ngoài các thành phố lớn.
Nếu người nộp đơn có được 80 điểm thì họ chỉ cần có thời gian lưu trú 1 năm để đăng ký thường trú nhân. Ngoài ra, chương trình cũng sẽ cho phép họ mang theo cha mẹ và người giúp việc gia đình, trong khi vợ/chồng của họ cũng được phép làm việc tại Nhật.
Theo Nikkei Asia, đến cuối năm 2021, số người được chứng nhận có “chuyên môn cao” là 31.451 người. Bất chấp đại dịch COVID-19, con số này vẫn tiếp tục tăng.
Trong số những cá nhân có “chuyên môn cao”, khoảng 70% là người Trung Quốc, 6% là người Ấn Độ và 5% là người Mỹ, theo số liệu tính đến cuối năm 2020.
Doanh nghiệp Nhật ‘thoát Trung’
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã đề ra nhiều chính sách để khuyến khích các công ty hoạt động tại Trung Quốc chuyển sản xuất về nước hoặc sang Đông Nam Á, từ đó giảm sự phụ thuộc của Nhật vào Trung Quốc, đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt hơn.
Năm 2020, chính phủ Nhật đã hào phóng cung cấp 70 tỷ yên (khoảng 653 triệu USD vào thời điểm đó) cho 87 công ty để họ rút dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc và chuyển hoạt động sản xuất về nước hoặc sang Đông Nam Á, Nikki Asia đưa tin.
Trong số 87 công ty này, 57 công ty cho biết họ sẽ quay trở lại Nhật Bản, trong khi 30 công ty còn lại sẽ đến Đông Nam Á.
Các công ty quay trở lại Nhật Bản bao gồm những tên tuổi lớn như nhà sản xuất hàng gia dụng Iris Ohyama, hãng điện tử Sharp, nhà sản xuất sản phẩm vệ sinh Saraya, công ty dược phẩm Shionogi, nhà sản xuất thiết bị y tế Terumo và nhà sản xuất hóa chất Kaneka.
Cựu Giám đốc điều hành Kiyoshi Imamura của Tokyo Steel nói với hãng tin địa phương vào tháng 5 rằng sự mất giá nhanh chóng của đồng yên, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, rủi ro địa chính trị và thay đổi trong tiền lương là tất cả những yếu tố đang khiến doanh nghiệp Nhật Bản quay trở lại quê nhà.
Lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của Nhật
Trong một báo cáo gần đây của chính phủ Nhật, nước này đã cảnh báo về các lỗ hổng từ phía nguồn cung của mình, nêu bật những rủi ro do khi Nhật phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo báo cáo Xu hướng Kinh tế Thế giới xuất bản hai lần một năm của Nhật, được công bố vào tháng 2 năm nay, nhập khẩu từ Trung Quốc của nước này trong năm 2019 chiếm 23,3% tổng giá trị nhập khẩu.
Phân tích cho thấy sự phụ thuộc của Nhật Bản vào Trung Quốc lớn gấp đôi sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc, đi kèm là những rủi ro rất lớn có thể xảy ra do gián đoạn trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Sự phụ thuộc của Nhật vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thể hiện rõ rệt nhất ở các mặt hàng điện tử gia dụng như điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính xách tay. Theo Nikkei Asia, thị phần thiết bị cầm tay điện tử từ Trung Quốc đã tăng lên 85,7% vào năm 2019, từ 69,1% vào năm 2009; gần như tất cả (98,8%) máy tính bảng và máy tính xách tay nhập khẩu vào Nhật đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, cơ cấu xuất khẩu của Trung Quốc đã thay đổi khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng và chi phí lao động tăng lên. Các sản phẩm sử dụng nhiều lao động đã chuyển sang sản xuất ở Việt Nam, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác.
Năm 2019, 66% lượng giày dép nhập khẩu của Nhật Bản là từ Trung Quốc, giảm so với mức 91,7% của năm 2009 – một mức giảm đáng kể.
Nhà bình luận về các vấn đề thời sự tại Nhật Bản, Hajime Takamine, nói với The Epoch Times rằng nhiều sản phẩm do Việt Nam sản xuất đã xuất hiện tại các trung tâm thương mại lớn của Nhật trong những năm gần đây. Nhiều nhà máy chế biến đã quay trở lại Nhật, hoặc đến Việt Nam và các nước khác, do đại dịch diễn biến phức tạp và chi phí lao động tăng tại Trung Quốc.
Trong những năm trở lại đây, Nhật Bản đã làm việc chăm chỉ để ‘thoát Trung’. Tháng 5/2022, Quốc hội Nhật thông qua dự luật an ninh kinh tế nhằm củng cố các chuỗi cung ứng quan trọng, đảm bảo an ninh cơ sở hạ tầng cốt lõi, tăng cường nghiên cứu và phát triển, đồng thời thắt chặt việc tiếp cận thông tin về bằng sáng chế. Các biện pháp trong luật chủ yếu nhằm vào Trung Quốc, chẳng hạn như cắt giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và bảo vệ các công nghệ quan trọng; nguyên nhân của việc này đến từ lịch sử ăn cắp tài sản trí tuệ của Bắc Kinh.
Chi Anh
Theo Jenny Li – The Epoch Times