Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Kinh tế Đức đình trệ trong quý II, người dân đã cảm nhận được suy thoái

Cảng Jade-Weser-Port vào ngày 10/03/2022 tại Wilhelmshaven, Đức. (Ảnh: David Hecker / Getty Images)

Tổng sản phẩm quốc nội trong quý II của Đức không có sự thay đổi so với quý trước. Với tâm lý kinh tế tồi tệ hiện nay tại Đức, sự đình trệ có vẻ còn là một tin tốt lành. Nguy cơ suy thoái đang hiển hiện trước mắt nước Đức, với sự không chắc chắn về nguồn cung năng lượng trong mùa đông.

Kinh tế Đức đình trệ trong quý II

Theo dữ liệu được công bố hôm thứ 6 (29/07), kinh tế Đức đã bị đình trệ trong quý thứ 2. Chiến tranh ở Ukraine, đại dịch, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào bờ vực suy thoái.

Văn phòng thống kê liên bang cho biết, tổng sản phẩm quốc nội trong quý II không thay đổi so với quý trước sau các điều chỉnh. Một cuộc thăm dò của Reuters đối với các nhà kinh tế đã đưa ra dự báo tăng trưởng 0,1%.

Tuy nhiên, nền kinh tế Đức đã hoạt động tốt hơn trong quý đầu tiên so với báo cáo ban đầu. Văn phòng thống kê liên bang đã điều chỉnh tăng trưởng của quý I từ 0,2% lên 0,8%.

Tiêu dùng của các hộ gia đình và chính phủ đã đặc biệt giúp hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, trong khi cán cân thương mại đã kìm hãm kết quả kinh tế, theo văn phòng này.

“Các điều kiện về hệ thống đầy khó khăn trong nền kinh tế toàn cầu, bao gồm đại dịch COVID-19, gián đoạn chuỗi cung ứng, và chiến tranh ở Ukraine, được phản ánh rõ ràng trong sự phát triển kinh tế ngắn hạn”, văn phòng cho biết trong một tuyên bố.

Điều kiện của suy thoái đã chín muồi

Các nhà phân tích cho biết, tâm lý kinh tế đang tồi tệ đến mức sự đình trệ gần như có vẻ giống với một tin tốt lành. Các nhà phân tích cũng nói thêm rằng các điều kiện của suy thoái đã chín muồi, khi không thấy được sự đảo ngược nào trước mắt cùng với sự không chắc chắn về nguồn cung năng lượng vào mùa đông tới.

Ông Alexander Krueger từ ngân hàng tư nhân Hauck Aufhaeuser Lampe cho biết: “Tính đến thời điểm này, đó sẽ là một thành công rồi nếu sản lượng kinh tế trong nửa cuối năm tiếp tục bị đình trệ”.

Bà Fritzi Koehler-Geib tới từ ngân hàng phát triển KfW thuộc sở hữu nhà nước nói rằng, mọi người đều cảm thấy suy thoái đang diễn ra với sự sụt giảm của chỉ số môi trường kinh doanh Ifo, đạt mức thấp nhất trong hai năm trong tháng này, và Chỉ số nhà quản lý mua hàng, với các ước tính sớm nằm dưới mốc tăng trưởng.

Ông Joerg Kraemer tới từ ngân hàng Commerzbank cho biết: “Cuối cùng, nền kinh tế thực sự phát triển như thế nào phụ thuộc vào việc cung cấp khí đốt của [Tổng thống Nga Vladimir] Putin”.

Đức đang phải đối mặt với câu hỏi làm thế nào để sưởi ấm các ngôi nhà và vận hành ngành công nghiệp điện khi mùa đông tới. Lượng khí đốt lưu thông qua đường ống Nord Stream 1 nối Đức với Nga đã giảm xuống còn 20% ​​công suất, khiến nước này gần như không thể đạt được mức mục tiêu dự trữ khí đốt nếu không có các biện pháp khác, theo cơ quan quản lý của đất nước.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times

Bộ Quốc phòng Mỹ: Các đòn trừng phạt Nga đã phát huy hiệu quả, làm suy yếu Nga trên chiến trường Ukraine

Bộ Quốc phòng Mỹ: Các đòn trừng phạt Nga đã phát huy hiệu quả, làm suy yếu Nga trên chiến trường Ukraine
Con dấu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong phòng họp báo của giới truyền thông tại Lầu Năm Góc ở Washington, DC, hôm 12/12/2013. (Ảnh: Paul J. Richards/AFP/Getty Images)

Các cuộc giao tranh vẫn đang tiếp diễn ở phía đông và phía nam của Ukraine khi phía Nga đạt được những bước tiến rất chậm, thậm chí tình thế bị đảo ngược ở các khu vực như Kherson, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹcho biết hôm 29/7.

Nga đang thất bại trên cả hai mặt trận: chiến trường và trên sân nhà, quan chức này cho hay.

Vị quan chức này cho biết, Ukraine đã phát huy hiệu quả trong việc tìm kiếm và tiêu diệt các nút chỉ huy và điểm kiểm soát của Nga, cũng như phá hủy hàng loạt vật tư của Moscow.

“Ngay cả khi Nga đang lớn tiếng đe dọa người dân Ukraine, họ vẫn dũng cảm tiến lên phía trước. Họ đang sử dụng rất hiệu quả 8,2 tỷ USD trang thiết bị mà chúng tôi đã cung cấp cho đến nay”.

Mối đe dọa đối với thường dân Ukraine cũng bao gồm các cuộc không kích ở các thành phố Odesa và gần Kyiv của Ukraine trong tuần qua, quan chức này lưu ý.

Các “trại thanh lọc” đáng báo động của Nga

Ngoài ra, Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ (National Intelligence Council – NIC) đã công bố một “báo cáo lạnh gáy”, mô tả ít nhất 18 cái gọi là “trại thanh lọc” (filtration camps) của Nga nơi người Ukraine phải chịu những tra tấn vô nhân đạo, bao gồm cả lạm dụng và trong một số trường hợp là hành quyết, quan chức này cho biết.

Trong một báo cáo được công bố hôm 14/07, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về các trại “thanh lọc” của Nga, được xây dựng để xác định những thường dân Ukraina nào bị nghi có liên hệ với chính quyền Kyiv.

Theo bản báo cáo dày 115 trang, những thường dân Ukraine được di tản từ những thành phố bị quân Nga bao vây, như Mariupol, cũng như từ những vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, đều bị chuyển đến các trại thanh lọc này. Tại đây, người di tản Ukraine bị lấy dấu vân tay. Giấy tờ căn cước của họ được sao chép lại và các dữ liệu cá nhân của được ghi lại, theo tờ AFP.

Theo các chuyên gia tác giả bản báo cáo của OSCE, trong đó có hai chuyên gia đã đến Ukraine để điều tra trong tháng Sáu, ngay sau khi bị phát hiện, những người này bị tách riêng ra và thường là mất dấu hoàn toàn. Một số người được chuyển đến các nước Cộng Hòa tự phong Luhansk và Donetsk, bị giam giữ, thậm chí bị giết ở những nơi đó.

Cũng theo báo cáo của OSCE, những người qua được trại “thanh lọc”,  thường được đưa đến Nga, dù họ có đồng ý hay không. Khi đến nơi, họ được hứa cấp nhà ở miễn phí và sẽ có việc làm. Trên nguyên tắc, họ được tự do đi lại, nhưng thường không có thông tin, không tiền bạc, không điện thoại, để có thể tự mình rời khỏi nước Nga.

Đây là báo cáo thứ hai của OSCE kể từ đầu cuộc chiến Ukraina trong khuôn khổ một cơ chế gọi là “cơ chế Moscow” nhưng Nga vẫn từ chối hợp tác. Báo cáo xác nhận phát hiện “các vụ vi phạm nhân quyền” có thể cấu thành tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại.

Từ nhiều tuần qua, chính quyền Kyiv vẫn tố cáo đã có hơn một triệu người Ukraina bị đày sang Nga, nhưng Moscow khẳng định mục đích của họ chỉ là “sơ tán” thường dân Ukraina khỏi các “vùng nguy hiểm”.

Các đòn trừng phạt Nga bắt đầu có hiệu lực

Liên quan đến hỗ trợ quân sự cho Kyiv, cơ quan này đang tham vấn chặt chẽ với Bộ Quốc phòng Ukraine để đảm bảo cung cấp vũ khí và đạn dược mà phía Ukraine cần trong thời gian tới. Bộ Quốc phòng đang kết hợp một gói hỗ trợ bảo mật khác để giải quyết những nhu cầu đó, quan chức này cho biết.

Về những thất bại trong nước của Nga, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà Hoa Kỳ, các đối tác và đồng minh trên thế giới áp đặt lên Moscow hiện đang bắt đầu có hiệu lực ở các phương diện sau:

– Các công ty quốc doanh lớn của Nga đã mất 70-90% giá trị vốn hóa thị trường.

– Khoảng 1.000 công ty đa quốc gia đã tạm ngừng hoạt động tại Nga.Lạm phát ở Nga đang tăng lên tới 20%.

– Thị trường chứng khoán Nga đã mất một phần ba giá trị.

Quan chức này kết luận: “Đây mới chỉ là bước khởi đầu về tác động của các lệnh trừng phạt đối với Nga”.

Huyền Anh

Nga cáo buộc Ukraine nã đạn khiến 53 tù binh thiệt mạng

Các binh sĩ Ukraine đang được sơ tán khỏi nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol, Ukraine vào ngày 17/5/2022 (Ảnh chụp màn hình lấy từ video của Bộ Quốc phòng Nga/Getty Images)

Nga và Ukraine hôm thứ Sáu (29/7) đã cáo buộc đối phương pháo kích vào một nhà tù ở khu vực ly khai miền Đông Ukraine, sát hại 53 tù binh Ukraine và khiến 75 người khác bị thương, trong đó bao gồm các thành viên từ Trung đoàn Azov.

Nga cho biết quân đội Ukraine đã sử dụng nhiều bệ phóng tên lửa do Mỹ cung cấp để tấn công nhà tù ở Olenivka, khu định cư do Cộng hòa Nhân dân Donetsk do Moscow hậu thuẫn kiểm soát. Chính quyền ly khai và các quan chức Nga cho biết cuộc tấn công đã sát hại 53 tù binh Ukraine và khiến 75 người khác bị thương.

Quân đội Ukraine phủ nhận việc thực hiện bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc pháo binh nào nhắm vào nhà tù Olenivka. Phía Kyiv cho biết, họ chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự của Nga. Ukraine cáo buộc phía Nga đã pháo kích vào nhà tù để che đậy việc tra tấn và hành quyết người Ukraine ở đó.

Không có tuyên bố nào có thể được xác minh một cách độc lập.

Ông Denis Pushilin, lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Donetsk do Moscow hậu thuẫn, cho biết nhà tù giam giữ 193 tù nhân. Ông không nói rõ có bao nhiêu người trong số họ là tù binh Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, mô tả cuộc tấn công là một “hành động khiêu khích đẫm máu” nhằm ngăn cản binh sĩ Ukraine đầu hàng. Ông cho biết Ukraine đã sử dụng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) bắn trúng nhà tù khiến 8 lính canh bị thương.

Các lực lượng Ukraine đang chiến đấu để giữ lấy phần lãnh thổ còn lại dưới sự kiểm soát của họ ở Donetsk, cùng với tỉnh Luhansk lân cận tạo nên vùng Donbass chủ yếu nói tiếng Nga của Ukraine.

Trong vài tháng diễn ra cuộc chiến ở Ukraine, Moscow đã tập trung vào việc cố gắng chiếm giữ các khu vực lãnh thổ của Donbass mà phe ly khai chưa nắm giữ.

Thống đốc Donetsk Pavlo Kyrylenko cho biết, một người đã thiệt mạng và 5 người khác bị thương trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào thành phố Kramatorsk hôm 29/7.

Các tù nhân tại nhà tù Donetsk bao gồm các thành viên từ Trung đoàn Azov bị bắt khi pháo đài ở Mariupol bị thất thủ vào tháng Năm. Khi đó, hơn 2.400 thành viên từ Trung đoàn Azov của vệ binh quốc gia Ukraine và các đơn vị quân đội khác đã ra đầu hàng.

Nhiều binh sĩ Ukraine đã được đưa đến các nhà tù ở các khu vực do Nga kiểm soát như vùng Donetsk, một khu vực ly khai ở miền đông Ukraine do chính quyền ly khai do Nga hậu thuẫn điều hành. Một số đã trở về Ukraine như một phần của cuộc trao đổi tù nhân với Nga.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Nga cắt giảm 80% lượng khí đốt sang Âu Châu, thúc đẩy biến động giá

Đường ống tại các cơ sở ngoài khơi của đường ống dẫn khí đốt ‘Nord Stream 1’ được chụp ở Lubmin, Đức hôm 08/03/2022. (Ảnh: Hannibal Hanschke/Reuters)

Giá khí đốt tự nhiên ở Âu Châu đã ổn định vào thứ Sáu (29/07) sau một tuần đầy biến động, trong đó Nga cắt giảm 80% dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng cho khối này trước mùa đông lạnh giá.

Hợp đồng bán buôn tương lai của Hà Lan, tiêu chuẩn Âu Châu, đạt mức 190.25 euro mỗi megawatt-giờ hôm 29/07.

Tổng số hợp đồng khí đốt tương lai đã tăng 400% so với cùng thời điểm vào năm 2021.

Giá năng lượng tương lai của Đức ở mức 359 euro mỗi megawatt-giờ sau khi đạt mức cao kỷ lục vào đầu tuần.

Đường ống Nord Stream 1 hiện là tuyến đường chính dẫn khí đốt tự nhiên của Nga đến phần lớn Âu Châu, chiếm một phần ba lượng khí đốt nhập cảng từ quốc gia này.

Hôm 26/07, EU đã quyết định thu hẹp quy mô một kế hoạch khẩn cấp nhằm giảm nhu cầu về khí đốt sau khi đạt được một thỏa hiệp, trong đó một số quốc gia sẽ tự nguyện giảm sử dụng năng lượng với sự lường trước về việc cắt giảm dẫn khí đốt qua đường ống này.

Nếu việc tự nguyện giảm sử dụng năng lượng trên toàn khối 27 thành viên không thể giải quyết vấn đề, việc cắt giảm sẽ được thực hiện bắt buộc.

Khối sẽ cắt giảm nhập cảng khí đốt 15% từ tháng 08/2022 đến tháng 03/2023, với hy vọng rằng việc giảm tỷ lệ tiêu thụ sẽ hạ bớt tác động của tình trạng thiếu hụt nếu Gazprom cuối cùng chấm dứt cung cấp năng lượng.

Không đủ năng lượng cho mùa đông

Cho đến nay, Điện Kremlin đã cắt giảm hoặc cắt hoàn toàn khí đốt tự nhiên đối với 12 nước Âu Châu kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, một phần do một số nước EU từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.

Cũng có nhiều lo ngại rằng một số thành viên EU sẽ không thể tăng cường khả năng lưu trữ khí đốt kịp thời cho mùa đông để giữ ấm cho công dân của họ và cho phép các nhà máy dễ bị ảnh hưởng của họ hoạt động.

Tăng trưởng kinh tế của Âu Châu, vốn đang phục hồi sau đại dịch và bị tác động bởi nhiều đợt thiếu hụt nguồn cung cùng lạm phát gia tăng, có thể bị ảnh hưởng thêm nếu khí đốt tiếp tục được phân bổ.

Tính đến ngày 27/07, lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1 đã giảm xuống còn 14.4 triệu KWh/h ở Âu Châu, giảm so với khoảng 28 triệu KWh/h ngày trước đó, vốn chỉ đạt 40% công suất bình thường. 

Đường ống khởi động lại mới chỉ một tuần sau thời gian bảo trì 10 ngày theo lịch trình.

Gazprom đổ lỗi cho việc trì hoãn đưa trở lại một tuabin đang được bảo dưỡng sửa chữa ở Canada đã gây ra cuộc khủng hoảng đường ống, bên cạnh các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây vì cuộc chiến ở Ukraine.

Phó Giám đốc điều hành Gazprom Vitaly Markelov cáo buộc Canada không giao một tuabin chính do Siemens thiết kế và được sử dụng tại trạm máy nén Portovaya của Nord Stream 1. Tuabin này đang được bảo trì ở Canada.

Siemens Energy AG phản hồi rằng Gazprom không cung cấp được giấy tờ hải quan để đưa tuabin trở lại Nga.

Ông Klaus Mueller, người đứng đầu cơ quan quản lý mạng lưới năng lượng của Đức, nói với đài phát thanh Deutschlandfunk: “Khí đốt hiện là một phần trong chính sách ngoại giao của Nga và có thể là chiến lược chiến tranh của Nga.”

Nga bị cáo buộc tống tiền năng lượng

Brussels đã cáo buộc Moscow sử dụng xuất cảng năng lượng như một vũ khí để tống tiền các nền kinh tế EU, trong khi các nhà chức trách Nga đáp trả rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm về sự thiếu hụt của chính họ do các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của chính họ gây ra.

Các quan chức EU thừa nhận rằng Moscow có thể chặn hoàn toàn các dòng khí đốt vào mùa đông năm 2022, đẩy các nhà nhập cảng năng lượng lớn như Đức và Ý vào tình trạng suy thoái và khiến giá vốn đã cao đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất trở nên tồi tệ hơn.

Cả hai quốc gia này đều cho biết họ đã nhập cảng ít khí đốt hơn từ Gazprom trong những ngày gần đây.

Đức là nhà nhập cảng khí đốt của Nga lớn nhất EU và là nền kinh tế lớn nhất của khu vực đồng euro. Các ngành công nghiệp của Đức có thể không tồn tại nếu không có nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Berlin đã đối mặt với cuộc khủng hoảng cung cấp năng lượng kể từ giữa tháng Sáu, khi công ty khí đốt quốc gia Uniper của họ buộc phải nhận khoản cứu trợ của chính phủ trị giá 15 tỷ euro (15.21 tỷ USD) sau khi cắt giảm cung cấp năng lượng của Nga.

Ý cũng dễ bị tổn thất, vì nước này thường nhập cảng 40% khí đốt từ Nga.

Công ty khí đốt Ý Eni, cùng với các quan chức chính phủ ở Rome, dự đoán rằng họ sẽ đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung năng lượng vào cuối mùa đông 2022–2023 nếu nguồn cung từ Nga bị cắt giảm nhiều hơn nữa.

Đức đang ở giai đoạn hai của kế hoạch năng lượng khẩn cấp ba giai đoạn. Trong giai đoạn ba, việc phân bổ khí sẽ không thể tránh được nữa.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết chính phủ cởi mở hơn trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân để tránh tình trạng thiếu điện. Cựu Thủ tướng Angela Merkel đã dùng cả một thập niên để thu hẹp ngành năng lượng hạt nhân của quốc gia trước khi bà rời nhiệm sở.

Ông Lindner cho biết ba nhà máy hạt nhân còn lại của Đức có thể sản xuất 6% điện năng cần thiết để duy trì tăng trưởng nếu nước này mất nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.

Các đại diện của ngành công nghiệp Đức cảnh báo họ có thể cắt giảm tỷ lệ sản xuất để tồn tại tài chính trong tình trạng thiếu khí đốt do phản ứng chậm chạp của chính phủ trong việc tìm kiếm một nguồn nhiên liệu thay thế đáng tin cậy.

Chính phủ Đức đang tiếp tục kêu gọi các hộ gia đình và các ngành công nghiệp tiết kiệm khí đốt để tránh phải phân bổ trong tương lai.

Bryan S. Jung

Nhật Thăng biên dịch

Cô bé 13 tuổi là thực tập sinh nhỏ nhất của NASA, cũng là học sinh nhỏ nhất được vào trường y Mỹ

Analeigh Wicker, mới 13 tuổi, đã được nhận vào một trường y khoa nổi tiếng, trở thành học sinh Mỹ gốc Phi nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nước này được nhận vào một trường y (NY Times)

Gần đây, cô bé Alena Analeigh Wicker, mới 13 tuổi, đã được nhận vào một trường y khoa nổi tiếng, trở thành học sinh Mỹ gốc Phi nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nước này được nhận vào một trường y.

Cô bé Alena Analeigh Wicker, 13 tuổi đến từ Texas, Hoa Kỳ, mặc dù trông còn khá non nớt nhưng đã vào học để lấy bằng của 2 trường đại học. Hơn nữa cô bé còn sớm được nhận vào trường đại học Alabama – Birmingham theo chương trình Burroughs Wellcome Scholars dành cho học sinh xuất sắc, trở thành sinh viên người Mỹ gốc Phi trẻ tuổi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Vào tháng 5 năm nay, Alena, với danh hiệu “cô gái thiên tài”, đã xuất sắc đạt được bằng cấp để vào Trường Y Heersink thuộc Đại học Alabama. Dự kiến sẽ nhập học vào năm 2024

Cô bé đã chia sẻ những tin tức thú vị trên Instagram ngay sau khi nhận được thư chấp nhận của mình. Cô nói: “Để đạt được mục tiêu và thực hiện ước mơ của mình, em đã rất nỗ lực.”

Cô bé được mẹ Daphne McCarter nhận nuôi sau khi chào đời không lâu. Mẹ nuôi McCarter đã đưa cô về Texas và nuôi nấng và chăm sóc rất cẩn thận. Cô bé có năng khiếu từ khi còn nhỏ, đọc sách năm 3 tuổi, tự học các khóa học trung học năm 11 tuổi, và theo học cả Đại học Bang Arizona và Đại học Oakwood ở Alabama sau khi tốt nghiệp trung học năm 12 tuổi. Trở thành cử nhân khoa sinh học.

Theo dự kiến, sau khi hoàn thành 2 bằng đại học riêng biệt vào mùa xuân năm 2024, cô bé ​​sẽ theo học Trường Y của Đại học Alabama Helsinki vào mùa thu cùng năm.

Alena nói: “Em yêu trường học, em thích học, thích đọc và em khao khát có được kiến ​​thức!”

Điều đáng ngạc nhiên là Alena vẫn có thể chơi bóng, đi mua sắm, xem phim, ca hát, nấu ăn cùng bạn bè trong thời gian bận rộn với bài vở. Cô bé có một cuộc sống rất thú vị.

Dù cuộc sống đặc biệt như vậy, Alena vẫn cảm thấy mình chỉ là một đứa trẻ 13 tuổi bình thường, điểm khác biệt là cô bé biết quản lý thời gian rất tốt và rất tự giác. Đồng thời, cô bé luôn biết ơn mẹ: “Mẹ em thật tuyệt, mẹ đã dạy em không ngừng nghĩ xa hơn. Mẹ đã cho em rất nhiều cơ hội, không chỉ là về vật chất, mẹ còn cổ vũ em rất nhiều.”

Còn nhớ, ở trường tiểu học, cô bé Alena hay bị bạn cùng lớp bắt nạt vì “quá thông minh”. Sau đó, cảm thấy tiến độ giảng dạy của trường không đáp ứng được nhu cầu của mình, cô bé bắt đầu tự học ở nhà. Đến năm lớp 5, cô bé quay trở lại trường để phát triển khả năng hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa, và tự học các khóa trung học khi tan học trở về nhà.

Alena cho biết luôn hy vọng sẽ theo đuổi một bằng y khoa để giúp đỡ những người có nhu cầu. “Em muốn nghiên cứu chủ yếu về miễn dịch học virus và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương, những người không được chăm sóc sức khỏe, em đam mê công việc đó.” Cô bé mong muốn đạt được mục tiêu trở thành bác sĩ vào năm 18 tuổi.

Khi nói đến việc học của mình, Alena không chỉ tập trung vào lớp học. Vào mùa hè năm 2021, cô bé cũng đã trở thành thực tập sinh trẻ nhất của NASA khi mới 12 tuổi và hy vọng một ngày nào đó sẽ được làm việc tại NASA.

Ngoài ra, cô bé cũng đã nhận được một số giải thưởng và danh hiệu, bao gồm cả việc trở thành ứng cử viên cho “Kid of the Year 2022″ của Tạp chí Time.

Alena gửi đến các bạn cùng trang lứa đừng rằng: “Đừng nên nghĩ bạn còn quá trẻ để có thể làm được mọi việc. Mình nghĩ mình đã chứng minh được rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ bằng cả trái tim thì bản thân có thể làm được bất cứ điều gì mình muốn.”

Trúc Nhi/ Theo Epoch Times

Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với Nhật Bản về lĩnh vực công nghệ và kinh tế

(Từ trái sang) Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken bắt tay trong một cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hôm 29/7/2022 tại Washington, Hoa Kỳ. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Hoa Kỳ và Nhật Bản hôm thứ Sáu (29/7) tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và xây dựng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng để đối phó với những thách thức do Trung Quốc và cuộc chiến Nga-Ukraine gây ra.

Các quan chức cấp cao của cả hai quốc gia đã gặp nhau tại Washington trong cuộc Đối thoại Kinh tế “2+2”, trong đó họ tiết lộ kế hoạch khởi động một trung tâm nghiên cứu chung mới cho chất bán dẫn thế hệ tiếp theo.

Phát biểu trước báo giới, ông Hagiuda nói rằng “Nhật Bản sẽ nhanh chóng hành động” để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn thế hệ tiếp theo thông qua việc thành lập trung tâm nghiên cứu chất bán dẫn quốc tế mới.

Trung tâm nghiên cứu sẽ mở cửa cho “các doanh nghiệp và viện nghiên cứu ở nước ngoài”, bao gồm cả sự hợp tác từ các “quốc gia cùng chí hướng”, ông nói.

“Bất kể quy mô của đất nước như thế nào, nghiên cứu phải mang lại lợi ích cho tất cả các bên”. Ông Hagiuda nhận xét, cuộc Đối thoại Kinh tế kinh tế [2+2] là một chiếc la bàn để hiện thực hóa một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Hai nước chưa công bố ngay chi tiết kế hoạch của mình, nhưng tờ Nikkei Shimbun của Nhật Bản cho biết, trung tâm này sẽ được thành lập tại Nhật Bản vào cuối năm nay để nghiên cứu chip bán dẫn 2 nanomet.

Hoa Kỳ cũng đang theo đuổi hợp tác bán dẫn với Hàn Quốc thông qua khuôn khổ liên minh “Chip 4”, trong đó Đài Loan và Nhật Bản đã đồng ý tham gia.

Đài Loan hiện sản xuất phần lớn chất bán dẫn dưới 10 nanomet, nhưng có lo ngại về sự ổn định của nguồn cung nếu căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn.

Chống lại các mối đe dọa

Hai quốc gia cũng đã ra một tuyên bố chung, trong đó họ tái khẳng định cam kết “chống lại các mối đe dọa đối với an ninh kinh tế và trật tự kinh tế quốc tế dựa trên luật lệ”, đồng thời cam kết làm cho nền kinh tế của họ “cạnh tranh và phục hồi hơn”.

Tuyên bố chung nhằm “làm sâu sắc thêm các cuộc thảo luận và thúc đẩy hợp tác giữa các đối tác cùng chí hướng”, đồng thời kêu gọi tất cả các nền kinh tế lớn tuân thủ các quy tắc và nghĩa vụ quốc tế, theo tuyên bố.

Ngoại trưởng Blinken cho biết đại dịch COVID-19 và chiến tranh Nga-Ukraine đã cho thấy tính dễ bị tổn thương của các chuỗi cung ứng quan trọng, trong khi “ngày càng nhiều quốc gia” đang phải vật lộn với gánh nặng nợ nần do “các hoạt động cho vay không bền vững và thiếu minh bạch”.

Ông nói với các phóng viên: “Các hoạt động kinh tế cưỡng bức và trả đũa của Trung Quốc buộc các quốc gia phải đưa ra sự lựa chọn gây phương hại đến an ninh, sở hữu trí tuệ, sự độc lập về kinh tế của họ”.

Hoa Kỳ và Nhật Bản cam kết phối hợp với các đối tác cùng chí hướng khác để giải quyết “sự ép buộc kinh tế, đối đầu hiệu quả với các chính sách và thực tiễn phi thị trường, đồng thời đưa ra thông điệp đã hiệu chỉnh cho cộng đồng quốc tế”.

Ông Blinken nói: “Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba thế giới, điều quan trọng là chúng ta phải làm việc cùng nhau để bảo vệ một trật tự kinh tế quốc tế dựa trên các quy tắc, một trật tự mà tất cả các quốc gia đều có thể tham gia, cạnh tranh và thịnh vượng”.

Hoa Kỳ và các quốc gia khác trước đây đã tố cáo Bắc Kinh sử dụng “ngoại giao bẫy nợ” để thu hút các nước tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, được nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013 nhằm tăng cường mạng lưới thương mại của Bắc Kinh.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Thông điệp nắn gân nhau trong cuộc điện đàm của lãnh đạo Mỹ–Trung

Thanh Tâm (Theo BBC, NY Times, Washington Post, WSJ)

Tổng thống Joe Biden điện đàm cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng hôm 28/7. Ảnh: Zuma Press.

Những cảnh báo hai bên đưa ra trong cuộc điện đàm hơn hai tiếng giữa ông Tập và ông Biden cho thấy quan hệ Mỹ – Trung có thể thêm căng thẳng.

Trong cuộc điện đàm dài hai tiếng 17 phút ngày 28/7, Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo Tổng thống Mỹ Joe Biden nên thận trọng trong từng bước đi và chú ý đến lợi ích của Bắc Kinh trong những vấn đề mà họ xem là “thuộc về chủ quyền”.

“Những người đùa với lửa sẽ bị bỏng. Hy vọng phía Mỹ hiểu rõ điều này”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tập trong cuộc trao đổi.

Rupert Wingfield-Hayes, bình luận viên của BBC, cho rằng đây là cảnh báo ở cấp độ cao nhất Trung Quốc từng đưa ra đối với Mỹ. Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng phát đi những thông điệp tương tự liên quan đến vấn đề Đài Loan, nhưng đây là lần đầu tiên ông Tập nhắc nhở Mỹ về nguy cơ “bỏng tay khi đùa với lửa” trong vấn đề Đài Loan, khiến cảnh báo mang tính “nắn gân” này có sức nặng hơn rất nhiều.

Về phía Mỹ, Tổng thống Biden khẳng định Washington không tìm cách làm đảo lộn mối quan hệ hai nước, đồng thời cảnh báo cả hai bên đều không nên làm như vậy.

“Tổng thống Biden nhấn mạnh chính sách của Mỹ không thay đổi và Washington phản đối mạnh mẽ bất kỳ ai thay đổi hiện trạng hoặc làm suy yếu hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan”, Karine Jean-Pierre, thư ký báo chí Nhà Trắng, nói sau cuộc điện đàm.

Cuộc điện đàm hôm 28/7 là lần trao đổi thứ năm của hai lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức, diễn ra trong bối cảnh quan hệ Washington – Bắc Kinh đang ở thời điểm vô cùng nhạy cảm liên quan đến vấn đề Đài Loan.

Căng thẳng đã tăng cao trong khu vực suốt nhiều tháng qua, khi Trung Quốc từ chối tham gia loạt lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga. Bắc Kinh cũng đưa ra những tuyên bố cứng rắn về kiểm soát eo biển Đài Loan, tăng cường hoạt động quân sự ở các vùng biển xung quanh và bị tố có hành vi nguy hiểm trong những lần chạm mặt máy bay Mỹ, Canada và Australia.

Hồi tháng 5, ông Biden tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo bị tấn công. Đây là lần thứ ba ông đưa ra tuyên bố như vậy kể từ khi lên nắm quyền, dù sau đó ông và các trợ lý khẳng định không thay đổi chính sách “mơ hồ chiến lược” lâu nay của Mỹ trong cam kết bảo vệ Đài Loan.

Tuyên bố của Tổng thống Biden khi đó nhận được sự hưởng ứng từ giới lãnh đạo Đài Loan cũng như những người có lập trường cứng rắn ở Washington, nhưng lại vấp phải chỉ trích gay gắt từ Bắc Kinh.

Phản ứng gay gắt của Bắc Kinh về Đài Loan cho thấy căng thẳng giữa hai cường quốc vẫn ở mức cao, khi ông chủ Nhà Trắng tích cực tìm cách thay đổi chính sách đối ngoại, huy động sức mạnh của đồng minh, đối tác để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Căng thẳng tiếp tục gia tăng sau nhiều thông tin rằng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ thăm Đài Loan vào tháng 8. Dù chưa có thông báo chính thức, bà Pelosi đã yêu cầu các thành viên quốc hội khác cùng tham gia vào chuyến thăm đầu tiên của một chủ tịch Hạ viện Mỹ tới hòn đảo trong 25 năm.

Thông tin về chuyến đi của bà Pelosi đã làm dấy lên làn sóng phản đối gay gắt từ phía Trung Quốc, khi Bắc Kinh cảnh báo Mỹ “sẽ gánh hậu quả” nếu Chủ tịch Hạ viện tới thăm Đài Loan, thậm chí để ngỏ “hành động quân sự”

Lời đe dọa này đã khiến Lầu Năm Góc phải lên phương án cho các biện pháp quân sự để đảm bảo an ninh cho chuyến thăm nếu bà Pelosi quyết định lên đường. Nhóm tác chiến tàu sân bay tàu sân bay USS Ronald Reagan đã được lệnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông sau khi thăm cảng Singapore.

Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cho rằng những cảnh báo này được phát đi nhằm ngăn Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới Đài Loan, nhưng không có nghĩa Trung Quốc sẽ sử dụng biện pháp mạnh.

Trung Quốc rõ ràng muốn bà Pelosi hủy chuyến thăm, nhưng Bắc Kinh chắc chắn không muốn xung đột quân sự với Mỹ vào thời điểm này”, ông nói.

Tuy nhiên, giáo sư Thời nhận định bầu không khí giữa hai nước đã “tồi tệ hơn nhiều” so với hồi tháng 3, khi hai lãnh đạo điện đàm với nhau.

“Nếu bà Pelosi thăm Đài Loan, điều đó thực sự sẽ đẩy mọi thứ đến bên bờ vực và sẽ phá vỡ giới hạn an toàn của mối quan hệ”, tiến sĩ Lu Xiang, giám đốc nghiên cứu tại Viện Trung Quốc của Hong Kong, một chi nhánh của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói.

Ông nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận lập luận rằng Tổng thống Biden không thể can thiệp vào chuyến thăm của bà Pelosi vì sự phân chia quyền lực trong chính phủ Mỹ, đồng thời coi chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ sẵn sàng xa rời nền tảng cơ bản trong mối quan hệ hai nước.

Tháng 8 cũng là thời kỳ rất quan trọng đối với chính trị Trung Quốc. Đây là thời gian các lãnh đạo nước này tổ chức cuộc họp bí mật ở khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà, cũng như chuẩn bị cho đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào cuối năm. Quân đội Trung Quốc cũng sẽ kỷ niệm ngày thành lập vào 1/8.

“Trong thời điểm nhạy cảm đó, ông Tập có thể bị chỉ trích nếu không phản ứng mạnh mẽ khi vấn đề mà Trung Quốc coi là chủ quyền bị thách thức”, Bonnie Glaser, giám đốc chương trình châu Á thuộc Quỹ Marshall của Đức ở Mỹ, nói.

Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, nhận định căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đã làm tăng đáng kể nguy cơ dẫn tới tính toán sai lầm, thậm chí gây ra xung đột. Ông Wang cho rằng cuộc điện đàm hôm 28/7 là cơ hội để lãnh đạo hai nước đưa ra một số điểm thống nhất về Đài Loan và các vấn đề nhạy cảm khác.

Ngoài vấn đề Đài Loan, lãnh đạo Mỹ – Trung còn thảo luận về thuế quan được Mỹ tung ra dưới thời tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc điện đàm không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào trong lĩnh vực này, theo các quan chức Mỹ.

Trung Quốc cũng tỏ ra nhạy cảm với dự luật công nghiệp mà quốc hội Mỹ mới thông qua để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, nhằm giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh và các bên sản xuất khác.

“Những nỗ lực tách rời hoặc cắt đứt chuỗi cung ứng bất chấp các quy luật cơ bản sẽ không giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Nó chỉ khiến cho kinh tế thế giới dễ bị tổn thương hơn”, tuyên bố của Trung Quốc nêu rõ.

Hai lãnh đạo cũng trao đổi về xung đột ở Ukraine, vấn đề đã làm phức tạp thêm mối quan hệ Mỹ – Trung, nhưng cũng không đạt bất kỳ bước đột phá nào, các quan chức Mỹ cho hay.

Dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả cuộc nói chuyện giữa hai lãnh đạo là “hiệu quả”, bình luận viên Wingfield-Hayes không nhận thấy bất kỳ tín hiệu tích cực nào cho quan hệ Mỹ – Trung trong tương lai, ngoài một cam kết rằng hai lãnh đạo sẽ gặp mặt trực tiếp. Thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp chưa được xác định.

Khi hai lãnh đạo chỉ đưa ra những cảnh báo mà không tìm được tiếng nói chung sau cuộc điện đàm hơn hai tiếng, giới quan sát không khỏi lo ngại căng thẳng Mỹ – Trung tiếp tục leo thang.

Ali Wyne, nhà phân tích cấp cao tại Eurasia Group, hy vọng Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc tìm ra cách thức giúp hai bên tránh các tính toán sai lầm có thể dẫn đến sự cố, đặc biệt là về vấn đề Đài Loan.

“Hậu quả một cuộc đối đầu quân sự giữa Washington và Bắc Kinh sẽ tàn khốc hơn nhiều so với cuộc chiến ác liệt ở Ukraine hay đà phục hồi yếu ớt của nền kinh tế thế giới sau đại dịch”, ông Wyne nói.

T.N.

Related posts