Tin thế giới trưa Chủ Nhật: Anh truy nã người liên quan đến vụ 39 công dân Việt Nam tử vong trên container

Hiện trường 39 người tử vong trong xe tải đông lạnh tại Anh. (Ảnh chụp màn hình)

Cảnh sát Anh hiện đang truy nã một người đàn ông Romania có liên quan đến vụ 39 công dân Việt Nam thiệt mạng trên container ở Essex xảy ra hồi năm 2019.

Cụ thể, cảnh sát Essex cho hay rằng họ muốn nói chuyện với ông Marius Mihai Draghici, 48 tuổi, người bị tình nghi là một phần nằm trong mạng lưới điều phối các chuyến xe nhập cảnh trái phép vào Anh.

Một phát ngôn viên của cảnh sát nói: “Draghici còn có các bí danh Marius Mihai Selaru và Marius Lupu, sinh ra ở thành phố Romania, Onesti. Chúng tôi biết người này có các mối quan hệ cụ thể ở khu vực Bacau của Romania cũng như ở Tây Ban Nha. Ông này cũng được biết là người công tác trong ngành vận tải”.

Det Ch Insp Louise Metcalfe, người đứng đầu cuộc điều tra, cho biết: “Đây là cuộc điều tra phức tạp nhất từ ​​trước đến nay của cảnh sát Essex. Ông Draghici bị truy nã vì liên quan đến một hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Chúng tôi thực sự tin rằng người này có liên quan đến âm mưu về vụ việc thảm khốc của 39 công dân Việt Nam vô tội, những người đã thiệt mạng trên đất nước của chúng tôi vào năm 2019. Chúng tôi hiện đã đưa 10 người ra trước công lý và họ phải lĩnh án tù tổng cộng gần 100 năm. Dẫu vậy, chúng tôi đã hứa với gia đình của những người tử vong ở Essex vào tháng 10/2019 rằng chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi công lý được thực thi hoàn toàn”.

Được biết, toàn bộ thi thể và tro cốt của cả 39 nạn nhân đã được đưa về nước sau quá trình xác minh danh tính của họ.

Phan Anh

Anh: Thái tử Charles nhận 1 triệu bảng Anh từ gia đình Osama bin Laden

Charles, Thân vương xứ Wales, thăm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, tại Portsmouth, Anh, 20/07/2022. (Eddie Mulholland – WPA Pool / Getty Images)

Charles, Thân vương xứ Wales, được đưa tin nhận khoản đóng góp 1 triệu bảng Anh cho Quỹ từ thiện Thân vương xứ Wales của ông, từ gia đình trùm khủng bố Osama bin Laden, 2 năm sau khi bin Laden bị triệt hạ bởi Mỹ.

Charles, Thân vương xứ Wales — người thừa kế ngai vàng Anh — đã gặp riêng anh em của Osama bin Laden là Bakr bin Laden và Shafiq bin Laden, tại nhà riêng và cũng là văn phòng riêng của mình là Clarence House ở London, vào ngày 30/10/2013, và chấp nhận khoản đóng góp 1 triệu bảng Anh từ gia đình bin Laden, theo tờ Sunday Times của Anh — thuộc hãng truyền thông khổng lồ News Corp — vừa cho hay.   

Trước đó 2 năm, vào ngày 2/5/2011, Osama bin Laden — người sáng lập tổ chức chiến binh Hồi giáo cực đoan al-Qaeda — đã bị lực lượng đặc nhiệm của Mỹ triệt hạ.

Thân vương xứ Wales Charles đã nhận khoản đóng góp này mặc cho sự phản đối từ các cố vấn của ông tại Clarence House và tại Quỹ từ thiện Thân vương xứ Wales, theo tờ Sunday Times đưa tin. 

Các cố vấn khuyên Thân vương xứ Wales rằng, nếu giao dịch này bị lộ ra, cả đất nước sẽ phẫn nộ, và danh tiếng của ông sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng, bài báo cho biết. “Sẽ không tốt lành gì cho bất cứ ai cả”. 

Thân vương xứ Wales Charles cho rằng, sẽ quá xấu hổ nếu ông trả lại tiền cho 2 anh em bin Laden và sợ họ sẽ nghi ngờ, theo tờ Sunday Times đưa tin. 

Bài báo cho biết, Chủ tịch Quỹ từ thiện Thân vương xứ Wales là Ngài Ian Cheshire nói rằng, có 5 ủy viên quản trị của Quỹ đã hoàn toàn đồng ý chấp nhận khoản đóng góp, sau khi tiền đã vào tài khoản của Quỹ. Ông nói rằng, theo quy định của Quỹ, khoản tiền khi đó đang để treo chưa xử lý. 

“Khoản quyên góp từ Sheik Bakr Bin Laden vào năm 2013 đã được các Ủy viên Quỹ từ thiện Thân vương xứ Wales cân nhắc kỹ lưỡng vào thời điểm đó. Quá trình thẩm định đã được tiến hành, với thông tin được tìm kiếm từ nhiều nguồn, bao gồm cả từ chính phủ. Quyết định chấp nhận đóng góp hoàn toàn do những ủy viên quản trị đưa ra. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm nói khác đi đều gây hiểu lầm và không chính xác”, Ngài Cheshire cũng cho hay.

Tin này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Thân vương xứ Wales Charles được đưa tin nhận 3 triệu euro tiền mặt từ cựu thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim bin Jaber Al Thani (HBJ) — một chính trị gia gây nhiều tranh cãi do những vụ bê bối như khi thông tin về tài sản bị che giấu của ông xuất hiện trong “Hồ sơ Panama”. Văn phòng riêng của Thân vương xứ Wales Charles cho biết, số tiền nhận từ ông HBJ đã được đưa vào Quỹ từ thiện Thân vương xứ Wales. 

Cao Dương

Hoa Kỳ, Indonesia sẽ tổ chức tập trận chung quy mô lớn ở Sumatra

Các binh sĩ quân đội Indonesia tham gia Cuộc tập trận chung Lá chắn Garuda 2021 tại Trung tâm Huấn luyện Chiến đấu của Quân đội Indonesia ở Martapura, tỉnh Nam Sumatra, Indonesia hôm 04/08/2021. (Ảnh: Antara Foto/Nova Wahyudi/qua Reuters)

Indonesia và Hoa Kỳ sẽ tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn vào tuần tới để tăng cường khả năng tương tác tổng hợp của họ, với 11 quốc gia khác tham gia với tư cách là các quốc gia đối tác hoặc quan sát viên.

Cuộc tập trận Lá chắn Garuda thường niên sẽ được tiến hành trên các đảo Sumatra và Kalimantan của Indonesia từ ngày 01 đến ngày 14/08.

Theo Đại sứ quán và Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Indonesia, cuộc tập trận này nhằm mục đích tăng cường Quan hệ Đối tác Chiến lược Hoa Kỳ-Indonesia và thúc đẩy hợp tác trong khu vực nhằm hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Họ tuyên bố rằng cuộc tập trận chung sẽ “lớn hơn đáng kể về phạm vi và quy mô so với các cuộc tập trận trước đó” với hàng chục quốc gia khác lần đầu tiên tham gia, trong đó có Singapore, Úc, và Nhật Bản.

Đại tướng Charles Flynn, Tổng Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, cho biết trong một tuyên bố: “Đó là một biểu tượng của mối bang giao giữa Hoa Kỳ-Indonesia và mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa các lực lượng trên bộ trong khu vực quan trọng này.”

Đại tướng Andika Perkasa của Indonesia nói với các phóng viên hồi tuần trước (18-24/07) rằng Indonesia sẽ khai triển 7 trực thăng Blackhawk, 41 xe bọc thép, và 618 vũ khí cho cuộc tập trận Lá chắn Garuda sắp tới.

Cuộc diễn tập sẽ bao gồm 2,000 lính Mỹ, 2,000 lính Indonesia, và quân đội từ các quốc gia đối tác. Canada, Pháp, Ấn Độ, Malaysia, Nam Hàn, Papua New Guinea, Timor Leste, và Vương quốc Anh sẽ tham gia với tư cách là các quốc gia quan sát viên.

Căng thẳng trong khu vực

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì Bắc Kinh ngày càng leo thang hành vi gây hấn trong khu vực.

Nhưng Thiếu tướng Stephen G. Smith, người sẽ chỉ đạo các hoạt động trên bộ trong cuộc tập trận, nói với các phóng viên ở Jakarta hôm thứ Sáu (29/07) rằng cuộc diễn tập không nên được coi là một phản ứng đối với bất kỳ căng thẳng nào.

“Cuộc tập trận này không phải là một mối đe dọa hoặc không nên được xem là mối đe dọa đối với bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu. Đây là một cuộc tập trận thuần túy giữa các quân đội với nhau,” ông nói.

Căng thẳng và luận điệu bùng lên trong tuần này trong bối cảnh các tin tức cho biết Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi có kế hoạch thăm Đài Loan sớm nhất là vào tháng Tám.

Tuy nhiên, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đã xoay sở để tránh leo thang trong cuộc điện đàm hôm thứ Năm, cho thấy rằng không bên nào — đang bận tâm về những khó khăn kinh tế trong nước — muốn có một cuộc khủng hoảng mới trên Eo biển Đài Loan.

Aldgra Fredly

An Nhiên biên dịch

Đặc phái viên Mỹ: Nga muốn xóa sổ Ukraine khỏi bản đồ thế giới

Đặc phái viên Mỹ: Nga muốn xóa sổ Ukraine khỏi bản đồ thế giới
Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, tại một cuộc họp giao ban ở Thành phố New York vào ngày 1/3/2021. (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)

Hôm 29/7, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho hay, chắc chắn Nga có ý định “xóa sổ Ukraine khỏi bản đồ thế giới”. Ngoại trưởng Nga mới đây cho biết mục tiêu chiến tranh của Moscow là “giải phóng” Ukraine.

Theo hãng tin AP, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày thứ Sáu (29/7) rằng, Hoa Kỳ đang nhận thấy những dấu hiệu ngày càng tăng báo hiệu việc Nga đang tìm cách sáp nhập Donetsk và Lugan ở miền đông Ukraine

Bà nói rằng Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei “thậm chí còn nói đây là mục tiêu chiến tranh của Nga”.

Ông Lavrov phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Ả Rập tại Cairo, Ai Cập hôm Chủ nhật (24/7) rằng mục tiêu của Moscow ở Ukraine là “giải phóng” người dân khỏi một “chế độ không thể chấp nhận được”.

Ngoại trưởng Lavrov, dường như gợi ý rằng các mục tiêu chiến tranh của Moscow vượt ra ngoài khu vực Donbas, trung tâm công nghiệp của miền đông Ukraine, bao gồm Donetsk và Luhansk.

Ông nói: “Chúng tôi chắc chắn sẽ giúp người dân Ukraine xoá sổ hoàn toàn những người chống lại lịch sử”.

Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky cũng nói với Hội đồng Bảo an hôm thứ Sáu (29/7) rằng, “các hoạt động phi phát xít hóa và phi quân sự hóa (hoạt động) của Nga ở Ukraine sẽ hoạt động hiệu quả”.

Ông nói: “Từ giai đoạn này, không còn có mối đe dọa nào đối với Donbass. Nga và các vùng lãnh thổ Ukraine đã được giải phóng, và trong một vài năm, mọi người cuối cùng cũng có thể sống theo cách họ muốn”.

Ông Poliansky cũng cảnh báo các nước phương Tây, vốn cung cấp cho Ukraine pháo tầm xa và nhiều bệ phóng tên lửa đất đối đất, rằng quân đội Nga đang di chuyển cái gọi là “giới tuyến an ninh tạm thời” về phía tây. Ông nhấn mạnh rằng: “Việc làm này càng làm sáng tỏ mục đích và mục tiêu của các hoạt động quân sự”.

Đại sứ Thomas Greenfield trích dẫn khẳng định của một số quốc gia rằng “an ninh của một quốc gia này không nên bị tổn hại bởi sự tổn hại của quốc gia khác” và hỏi các quốc gia đó hiện đang bình luận như thế nào về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Bà không nêu tên bất kỳ quốc gia nào, nhưng tuyên bố rõ ràng là một điểm mà ĐCSTQ thường lặp lại, bao gồm những điều mà ông Geng Shuang, phó đại sứ của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, đã nói vào thứ Sáu (29/7).

Ông Geng Shuang nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng: “Đặt an ninh của chính mình lên trên những người khác, cố gắng củng cố các khối quân sự và thiết lập sự thống trị tuyệt đối … sẽ chỉ dẫn đến xung đột và đối đầu, chia rẽ cộng đồng quốc tế và khiến bản thân trở nên bất an hơn”.

Đại sứ Thomas-Greenfield cũng nhấn mạnh: “Hãy nói rõ: những gì Nga đang làm là một trở ngại để giải quyết cuộc khủng hoảng này”. Câu này là phản ứng của bà với các nước kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến Nga-Ukraine mà không chỉ trích Nga. Vẫn không có nước nào được đề cập cụ thể, nhưng một số lượng lớn các quốc gia ở châu Phi, châu Á và Trung Đông đảm nhận vị trí này.

Bà Thomas Greenfield đã trích dẫn bằng chứng về những hành động tàn bạo của Nga, bao gồm vụ đánh bom trường học và bệnh viện Ukraine, “sát hại nhân viên cứu trợ và nhà báo, nhắm vào dân thường cố gắng tháo chạy, các vụ hành quyết tàn bạo ở Ukraine. Những người đang nhìn vào cuộc sống hàng ngày ở (Bucha)”. Butcha là một thị trấn nhỏ ở ngoại ô thủ đô Kyiv của Ukraine, nơi chính phủ Ukraine cáo buộc quân đội Nga đã sát hại hàng trăm thường dân trong thời gian chiếm đóng, được cộng đồng quốc tế mệnh danh là “Thảm sát Butcha”.

Bà Thomas Greenfield cho biết, có bằng chứng cho thấy các lực lượng Nga “đã thẩm vấn, cưỡng bức bắt giữ và trục xuất hàng trăm nghìn công dân Ukraine, bao gồm cả trẻ em – đưa họ đến các khu vực hẻo lánh ở miền đông nước Nga”.

Theo các quan chức Ukraine và Nga, gần 2 triệu người tị nạn Ukraine đã được gửi đến Nga. Ukraine cáo buộc đây là một cuộc chuyển giao cưỡng bức sang lãnh thổ của đối phương và nên bị coi là một tội ác chiến tranh. Nga tuyên bố đây là cuộc sơ tán nhân đạo của họ đối với các nạn nhân của cuộc chiến, nói thêm rằng những người này nói tiếng Nga và biết ơn vì ngôi nhà mới của họ.

Một cuộc điều tra gần đây của tờ Associated Press dựa trên hàng chục cuộc phỏng vấn cho thấy, nhiều người tị nạn Ukraine thực sự bị buộc phải bước vào một cuộc hành trình vào nước Nga, bị vi phạm nhân quyền trên đường đi, bị tước tài liệu và bối rối không biết họ đang ở đâu, thậm chí bị mất tích. Những người Ukraine bị đưa đến một loạt địa điểm được gọi là “trại thanh lọc”, nơi họ đi từ bị thẩm vấn, lục soát, bị kéo sang một bên và không bao giờ còn được nhìn thấy nữa.

Bà Thomas Greenfield nói với hội đồng: “Liên Hợp Quốc có thông tin rằng các quan chức trong nhiệm kỳ tổng thống Nga đang theo dõi và điều phối một ‘hoạt động thanh lọc'”.

Ông Poliansky phản bác rằng Ukraine đã nỗ lực đe dọa công dân của mình và “mọi người đang chọn một quốc gia mà họ tin tưởng” – nước Nga.

Ông cũng nói rằng vũ khí hạng nặng mà phương Tây bán cho Ukraine “sẽ lan sang châu Âu” vì ông tin rằng, nó là do “sự tham nhũng tràn lan của giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Ukraine”.

Ông Poliansky cũng nói rằng vũ khí của phương Tây sẽ chỉ “kéo dài và gia tăng sự đau khổ của người dân Ukraine”.

Ông cũng nói với các đại sứ phương Tây tại Liên Hợp Quốc: “Dù quý vị có đổ bao nhiêu dầu vào lửa dưới dạng vũ khí, các mục tiêu của các hoạt động quân sự đặc biệt của Nga cuối cùng vẫn sẽ đạt được”.

Điều này cho thấy mục tiêu chiến tranh thực tế của Nga thực sự là nhằm thôn tính Ukraine và xóa sổ sự tồn tại của Ukraine với tư cách là một quốc gia có chủ quyền và độc lập.

Huyền Anh

Theo Visiontimes

Ông Maduro muốn lấy lại 31 tấn vàng dự trữ, bị Tòa án Tối cao London bác bỏ

Ông Nicolas Maduro. (Ảnh: StringerAL/Shutterstock)

Hôm thứ Sáu (29/7), Tòa án Tối cao ở London đã bác bỏ nỗ lực mới nhất của Chính phủ Venezuela của ông Nicolas Maduro, nhằm có được một lô vàng từ kho ngầm của Ngân hàng Trung ương Anh. Số vàng này nặng 31 tấn và trị giá hơn 1 tỷ USD.

Tòa án Anh ra phán quyết rằng không cần phải tôn trọng các quyết định trước đây của Tòa án Tối cao Venezuela do ông Maduro hậu thuẫn, nhằm hạ thấp tiếng nói của thủ lĩnh đối lập Juan Guaido về vấn đề vàng. Điều này đánh dấu một chiến thắng khác cho ông Guaido.

Việc Chính phủ Anh công nhận ông, chứ không phải ông Maduro, là Tổng thống của quốc gia Nam Mỹ này, đã giúp ông giành chiến thắng trong một loạt cuộc chiến pháp lý về vàng thỏi.

Vương quốc Anh công nhận nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido là Tổng thống Venezuela vào đầu năm 2019, cùng với khoảng 50 quốc gia khác.

“Tôi đã … kết luận rằng Ủy ban của ông Guaido đã thành công: Phán quyết của Tòa án Tối cao Venezuela (STJ) không thể được công nhận”, Thẩm phán phụ trách vụ án nói.

Cả hai phe Maduro và Guaido đều đã bổ nhiệm hội đồng quản trị riêng cho Ngân hàng Trung ương Venezuela (BCV) và cả hai bên đều đã đưa ra các chỉ thị mâu thuẫn nhau về dự trữ vàng.

Các luật sư của Hội đồng BCV do ông Maduro hậu thuẫn cho biết, sau phán quyết hôm thứ Sáu (29/7), Ngân hàng Trung ương đang xem xét kháng cáo. Còn ông Guaido lại gọi đây là một chiến thắng lớn.

Trong một tuyên bố, Hội đồng BCV do ông Maduro hậu thuẫn, cho biết họ bác bỏ quyết định của tòa án và giữ lại “tất cả các lựa chọn về hành động pháp lý, nhằm kháng cáo lại quyết định tai hại bất thường này”.

Đội pháp lý của ông Maduro cho biết, ông muốn bán một phần trong số 31 tấn vàng trên, nhằm tài trợ cho Venezuela đối phó với đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) và hỗ trợ hệ thống y tế bị tàn phá bởi nhiều năm khủng hoảng kinh tế.

Ông Guaido thuộc phe đối lập chỉ ra rằng Chính phủ của Maduro đang thiếu tiền và muốn sử dụng tiền để mua chuộc các đồng minh nước ngoài của mình. Nhưng luật sư của ông Maduro đã phủ nhận điều này.

“Quyết định này thể hiện một bước nữa trong việc bảo vệ nguồn dự trữ vàng quốc tế của Venezuela và bảo tồn chúng cho người dân Venezuela”, ông Guaido cho biết trong một tuyên bố. “Một quy trình tư pháp trung thực và minh bạch như vậy không tồn tại ở Venezuela,” ông nói.

Tháng 1/2019, một phong trào dân chủ chống lại chế độ Maduro đã nổ ra ở Venezuela. Ông Guaido, thủ lĩnh phe đối lập, đã trở thành tổng thống lâm thời theo luật định, được nhiều nước phương Tây, gồm Hoa Kỳ và Anh công nhận. Ông Maduro bị cáo buộc gian lận cuộc bầu cử năm 2018 nhưng luôn từ chối việc từ chức.

Trước đó, ông Guaido đã yêu cầu Ngân hàng Trung ương Anh ngăn chặn Chính phủ của ông Maduro tiếp cận với vàng. Sau đó, Ngân hàng Trung ương của ông Maduro đã kiện Ngân hàng Trung ương Anh, nhằm giành lại quyền kiểm soát vàng. Họ nói rằng Ngân hàng Trung ương Anh đã tước đi số tiền cần thiết của BCV, nhằm tài trợ cho việc ứng phó với COVID-19 của Venezuela.

Ngày 2/7/2020, Tòa án Tối cao Anh đã ra phán quyết rằng Vương quốc Anh công nhận ông Guaido, lãnh đạo phe đối lập Venezuela, là Tổng thống của nước này, chứ không phải ông Maduro. Điều đó có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Venezuela không thể lấy lại số vàng dự trữ trị giá 1 tỷ USD đã gửi vào Ngân hàng Trung ương Anh.

Bình Minh (t/h)

Related posts