Newt Gingrich: Nếu ĐCSTQ tấn công máy bay chở bà Pelosi, phương Tây sẽ trả đũa lớn
Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich, người đã đến thăm Đài Loan năm 1997, nói rằng mặc dù các ngôn luận đe dọa liên tiếp leo thang, nhưng Đảng Cộng sản Trung (ĐCSTQ) không có quá nhiều khả năng sẽ hành động. Nếu Bắc Kinh bắn rơi máy bay của bà Pelosi, thì sẽ dẫn đến hành động trả đũa lớn của phương Tây.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm thứ Hai (ngày 1/8), ông Gingrich chỉ ra rằng mặc dù ĐCSTQ có thể làm cho tình hình trở nên rất nghiêm trọng, nhưng cao tầng của ĐCSTQ cũng biết rằng nếu bà Pelosi bị tấn công khi bà đến thăm Đài Loan, thì Mỹ và các đồng minh Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ không ngần ngại phản kích, gây thiệt hại nặng nề cho quốc gia đông dân nhất thế giới này.
“Trường hợp xấu nhất là nếu họ bắn rơi máy bay của bà ấy, thì đó sẽ là một hành động chiến tranh thực sự. Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả đũa trên quy mô lớn,” ông Gingrich nói.
Ông nói: “Mọi người có xu hướng quên rằng mặc dù Lầu 5 góc có nhược điểm, hoặc có một số hành động ngu ngốc và theo chủ nghĩa thức tỉnh, thì họ vẫn có một đội quân mạnh mẽ.”
Với sự trợ giúp của các đồng minh như Úc và Nhật Bản, Trung Quốc không chỉ có thể bị tấn công trả đũa, mà nền kinh tế của họ sẽ bị tê liệt khi thương mại với Mỹ bị chấm dứt.
“Chúng ta có thể cô lập Trung Quốc rất nhanh”, ông Gingrich nói. “Các thành phố của họ sẽ bắt đầu xuất hiện làn sóng thất nghiệp. Nếu không thể nhập khẩu hàng hóa, họ sẽ bắt đầu phải chịu đói. Vì vậy, Trung Quốc không hẳn đang ở địa vị có ưu thế bắt nạt chúng ta. Tôi cho rằng chúng ta cần nhận ra điểm này.”
Ngoài ra, ông Gingrich nói rằng đối với bất kỳ chế độ độc tài nào, các nền dân chủ như Mỹ phải đứng ra và chứng minh rằng trên thực tế, họ không bất khả xâm phạm như họ đã biểu hiện ra cho thế giới thấy.
Ông nói: “Nếu chúng ta nhượng bộ bây giờ, ai biết được trong lòng họ sẽ có được kết luận gì, và liệu họ có cố gắng chiếm Đài Loan và gây thêm áp lực cho chúng ta hay không.”
Vào lúc 22:43 ngày 2/8 theo giờ Đài Bắc, chuyên cơ của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn, Đài Loan, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp và các quan chức khác của Đài Loan đã sẵn sàng đón tiếp bà.
Hơn 16 triệu người Trung Quốc đã xem tường thuật trực tiếp từ kênh Weibo của “China Net Live” đưa tin về chuyến hạ cánh của máy bay chở bà Pelosi thăm Đài Loan. Từ khi bà Mạnh Vãn Châu về nước đến nay, người dân Đại Lục chưa từng quan tâm đến chuyến bay nào đến vậy.
Trước khi bà Pelosi đến Đài Loan, trang web chính thức của Văn phòng Tổng thống Đài Loan đã bị tấn công DDos từ nước ngoài, lưu lượng tấn công gấp 200 lần so với ngày bình thường khiến trang web bị tê liệt trong một khoản thời gian. Sau 20 phút xử lý, trang web đã khôi phục hoạt động bình thường.
Trí Đạt
Bà Pelosi thăm Đài Loan: Điện Kremlin tuyên bố ủng hộ TQ trong vấn đề Đài Loan
Phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby hôm thứ Ba (2/8) nói rằng chính quyền Biden không muốn căng thẳng với Trung Quốc vì chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan. Trong khi đó, Điện Kremlin tuyên bố chuyến thăm của bà Pelosi tới đảo quốc dân chủ là “khiêu khích” và công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo nhanh hôm 2/8, ông Kirby lưu ý rằng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hoàn toàn làm đúng quyền hạn của mình khi tới thăm Đài Loan vào tối thứ Ba (2/8, giờ địa phương), nhưng cũng nhấn mạnh rằng chuyến thăm đó không vi phạm chủ quyền của Trung Quốc cũng như chính sách “một Trung Quốc” từ lâu của Mỹ.
“Những gì chúng tôi không muốn thấy là căng thẳng này sẽ biến thành bất kỳ một dạng khủng hoảng hay xung đột nào đó”, ông Kirby nói với báo giới. “Không có lý do gì để khuếch đại sự kiện này”, phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng nói thêm.
Ông Kirby cũng nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động trên vùng biển và vùng trời tại Tây Thái Bình Dương. Ông cũng cảnh báo rằng vượt ra ngoài các động thái quân sự, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng hành vi “bắt nạt kinh tế” để gây sức ép lên Đài Loan.
Bà Pelosi đã tới Đài Loan vào khoảng 22:45 tối thứ Ba (2/8, giờ địa phương). Bà nói chuyến thăm này thể hiện cam kết kiên định của Mỹ đối với đảo quốc dân chủ. Nhưng Trung Quốc lên án chuyến thăm cấp cao nhất của Mỹ trong 25 năm qua là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định tại Eo Biển Đài Loan.
Theo Reuters, nhiều máy bay quân sự Trung Quốc đã bay sát giới tuyến chia cắt hai bờ Eo biển Đài Loan trước khi bà Pelosi đáp xuống quốc đảo. Quân đội Trung Quốc cũng đã loan báo bắt đầu thực hiện diễn tập quân sự trên không và trên biển gần Đài Loan ngay trong đêm 2/8, đồng thời phóng thử tên lửa thông thường trên biển phía đông của Đài Loan. Tân Hoa Xã đưa tin quân đội Trung Quốc sẽ tập trận bắn đạn thật và các màn diễn tập quân sự khác quanh Đài Loan từ thứ Năm (4/8) đến Chủ Nhật (7/8).
Giới chức Nga ngay trong đêm 2/8 đã tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc về chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan. Điện Kremlin cảnh báo Washington rằng chuyến thăm mang tính khiêu khích như vậy sẽ đặt Mỹ vào thế đụng độ với Bắc Kinh.
“Phía Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm và trả giá cho việc gây tổn hại đến lợi ích an ninh chủ quyền của Trung Quốc”, một phát ngôn viên của Điện Kremlin đưa ra cảnh báo, theo Express.
Hải Đăng
ĐCSTQ “thả chiến lang” trước chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi
Căng thẳng Mỹ – Trung đang nóng lên cùng với chuyến thăm châu Á của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng cường những phát ngôn “sói chiến” và đe dọa quân sự, trong khi Mỹ và Đài Loan cũng đã bày thế trận đề phòng quân địch.
Truyền thông Đài Loan và Mỹ đã đưa tin rộng rãi rằng chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã được thực hiện. Bà đã đáp máy bay đến Đài Bắc vào tối ngày 2/8. Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, Mỹ đã thông báo cho một số đồng minh về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi.
Ngay khi có thông tin về việc bà Pelosi có thể đến thăm Đài Loan trong chuyến công du châu Á lần này, ĐCSTQ đã cho ‘xuất quân’ dàn ‘chiến lang’ để cảnh báo và đe dọa.
Cựu tổng biên tập Hồ Tích Tiến đã tweet vào đêm muộn ngày 29/7 rằng: “Nếu máy bay chiến đấu của Mỹ hộ tống Pelosi đến thăm Đài Loan, đó là một hành động gây hấn. Quân Giải phóng có quyền cưỡng chế xua đuổi máy bay của Pelosi và máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ, kể cả bắn các loại đạn cảnh báo, thực hiện các động tác bay mang tính ngăn chặn. Nếu việc xua đuổi không hiệu quả, thì có thể bắn hạ chúng.” Tuy nhiên sau đó ông thông báo phải xóa tweet này vì cảnh báo vi phạm quy định của Twitter.
Thay vào đó, ông sửa lại phát ngôn như sau: “Nếu máy bay của bà Pelosi được phát hiện bay vào không phận của chúng tôi, các máy bay chiến đấu của Giải phóng quân có thể cảnh báo, theo dõi, đánh chặn, gây nhiễu điện tử, buộc hạ cánh hoặc buộc quay trở lại. Trong quá trình này, mọi hậu quả có thể xảy ra và trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Mỹ.”
Hôm 1/8, ông Hồ Tích Tiến lại một lần nữa “vượt tường lửa” vào Twitter chia sẻ đe dọa, rằng quân đội của ĐCSTQ đã chuẩn bị đầy đủ, “Nếu bà ấy (Pelosi) dám ở lại Đài Loan, đó sẽ là khoảnh khắc châm ngòi cho tình hình ở eo biển Đài Loan”.
Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng tuyên bố mạnh mẽ trong một cuộc họp báo thường kỳ, rằng Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ cứng rắn đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, nhấn mạnh rằng chuyến thăm Đài Loan theo kế hoạch này sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: “Chúng tôi muốn cảnh báo Mỹ một lần nữa rằng phía Trung Quốc đang sẵn sàng”, quân đội Trung Quốc “sẽ không bao giờ làm ngơ”.
“Nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi thăm Đài Loan, Trung Quốc sẽ có biện pháp đối phó kiên quyết và mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, còn biện pháp nào thì chúng ta hãy chờ xem”, ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh.
Hôm thứ Ba (ngày 2/8) khi bà Pelosi còn chưa đáp máy bay xuống Đài Loan, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng chính Mỹ đã thực hiện “các hành động khiêu khích” và “nên và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này”.
Cùng ngày, ông Tần Cương – Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, đã chia sẻ một đoạn video về quân đội Trung Quốc, nói rằng họ “sẽ không ngồi yên trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.”
Ông Lưu Hiểu Minh – cựu Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh, lặp lại tuyên bố của ĐCSTQ, gọi chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là “can thiệp vào công việc nội bộ và cố ý chà đạp lên nguyên tắc ‘một Trung Quốc’”.
Ngay sau khi máy bay chở bà Pelosi hạ cánh xuống Đài Loan, bà Hoa Xuân Oánh đã phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng: “Đối mặt với việc Hoa Kỳ liều lĩnh coi thường các cảnh báo nghiêm túc của Trung Quốc hết lần này tới lần khác, bất kỳ biện pháp đối phó nào do phía Trung Quốc thực hiện sẽ là chính đáng và cần thiết, đó cũng là quyền của bất kỳ quốc gia độc lập và có chủ quyền nào”.
“Quốc hội, với tư cách là một bộ phận của Chính phủ Hoa Kỳ, vốn có nghĩa vụ tuân thủ nghiêm ngặt chính sách một Trung Quốc của Chính phủ Hoa Kỳ và hạn chế có bất kỳ trao đổi chính thức nào với khu vực Đài Loan của Trung Quốc. Trung Quốc phản đối bất kỳ chuyến thăm Đài Loan của các thành viên quốc hội Hoa Kỳ và cơ quan hành pháp Hoa Kỳ có trách nhiệm dừng chuyến thăm đó. Vì bà Pelosi là lãnh đạo đương nhiệm của Quốc hội Hoa Kỳ, chuyến thăm và các hoạt động của bà ở Đài Loan, dưới bất kỳ hình thức nào và vì lý do gì, là một hành động khiêu khích chính trị lớn nhằm nâng cấp các trao đổi chính thức của Hoa Kỳ với Đài Loan. Trung Quốc hoàn toàn không chấp nhận điều này, và người dân Trung Quốc cũng tuyệt đối bác bỏ điều này.”
“Hoa Kỳ đang cố gắng sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc. Họ liên tục bóp méo, che lấp và làm rỗng nguyên tắc một Trung Quốc, tăng cường trao đổi chính thức với Đài Loan và cổ xúy cho các hoạt động ly khai “Đài Loan độc lập”. Những động tác này, giống như chơi với lửa, cực kỳ nguy hiểm. Những người chơi với lửa sẽ bị thiêu bởi nó.”
Để phòng thủ, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã cảnh báo rằng quân đội sẽ được điều động thích hợp để đối phó với “các mối đe dọa của kẻ thù”. Từ ngày 2 đến ngày 4/8, ba lực lượng vũ trang ở Đài Loan sẽ bước vào “giai đoạn chỉ đạo tăng cường sẵn sàng chiến đấu”, và thời gian sẽ được điều chỉnh tùy theo sự đe dọa của ĐCSTQ.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết trong một tuyên bố rằng họ hoàn toàn nắm được các hoạt động quân sự gần Đài Loan và đã lên nhiều kế hoạch cho các trường hợp khẩn cấp.
Trước đó, Reuters đưa tin các tàu chiến và máy bay Trung Quốc đã tiếp cận đường trung tuyến eo biển Đài Loan vào sáng thứ Ba (ngày 2/8), nguồn tin nói với Reuters rằng đây là một động thái “rất khiêu khích”. Máy bay của hai bên (Trung Quốc và Đài Loan) thường không vượt qua đường trung tuyến.
Theo các nguồn tin, vào sáng thứ Ba, các máy bay quân sự của Trung Quốc đã “đè vạch” nhiều lần rồi bay vòng trở lại phía bên kia eo biển, trong khi các máy bay quân sự của Đài Loan đang túc trực gần đó.
Vào thời điểm nhạy cảm đối với Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan, ngày 30/7, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã hiếm hoi tiết lộ cảnh quay một vụ phóng thử tên lửa, điều này đã làm dấy lên sự chú ý. Chiến khu Đông bộ của quân đội ĐCSTQ cũng đăng các video tuyên truyền, tuyên bố “sẵn sàng đợi lệnh, tuân theo mệnh lệnh để chiến đấu và chôn vùi tất cả kẻ thù xâm phạm”.
Quân đội Mỹ hiện cũng đang đẩy mạnh các đợt triển khai quân sự khác gần eo biển Đài Loan. Ngoài tàu USS Ronald Reagan quay trở lại Biển Đông, tờ Nikkei đưa tin, một tàu tấn công đổ bộ khác là USS Tripoli hiện đang được triển khai gần Okinawa, và một tàu tấn công đổ bộ khác là USS America hiện được triển khai ở Sasebo, Nhật Bản.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, Mỹ sẽ không bị mắc bẫy, cũng không làm tình hình căng thẳng, đồng thời cũng sẽ không bị những lời đe dọa của ĐCSTQ làm cho sợ hãi, “Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động trên các đại dương và bầu trời ở Tây Thái Bình Dương, như chúng tôi đã làm trong nhiều thập kỷ.”
Trí Đạt
Mỹ: Có 26 đảng viên Cộng Hòa tuyên bố ủng hộ chuyến thăm Đài Loan của Nancy Pelosi
Một tuyên bố chung hôm 2/8 cho biết có 26 đảng viên Cộng Hòa, bao gồm Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell ủng hộ chuyến thăm đảo quốc Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và tái khẳng định rằng chuyến đi không thay đổi các chính sách của Mỹ liên quan đến Trung Quốc – Đài Loan.
Chuyến đi của bà Pelosi đến quốc đảo tự do Đài Loan thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế và cũng nhận được sự đe dọa nghiêm trọng từ phía Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Aritra Deb/Shutterstock)
Tối ngày 2/8, máy bay chở bà Pelosi đã chính thức hạ cánh xuống Đài Loan và bắt đầu chuyến thăm đảo quốc này, dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên tục đưa ra các lời hâm dọa, thậm chí có cả việc bắn máy bay.
Theo một tuyên bố chung cùng ngày, 26 đảng viên Cộng Hòa, bao gồm Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell ủng hộ chuyến đi này của bà Pelosi và phái đoàn của mình.
Các thượng nghị sĩ (TNS) Kevin Cramer và Dan Sullivan đã dẫn đầu nỗ lực ký văn bản. “Chúng tôi ủng hộ chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan”, tuyên bố cho biết.
‘Trong nhiều thập kỷ, các thành viên của Quốc hội Mỹ, bao gồm cả các Chủ tịch Hạ viện trước đây đã đến Đài Loan”.
“Các thành viên của Quốc hội đã đến thăm Đài Loan trong nhiều thập kỷ và chúng tôi cam kết bây giờ, hơn bao giờ hết, với các đồng minh Đài Loan của chúng tôi và Đạo luật Quan hệ Đài Loan”, TNS Cramer nói trong một tweet.
Chuyến đi được nhiều người mong đợi của bà Pelosi tới Đài Loan đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, lãnh đạo ĐCSTQ bắt đầu đưa ra những lời đe dọa ngày càng hiếu chiến và bất thường về chuyến đi, tuyên bố sai sự thật rằng đó sẽ là một sự vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo Tổng thống Joe Biden vào tuần trước rằng chuyến đi là “đùa với lửa”, và một số phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa ra lời kêu gọi bắn hạ máy bay của bà Pelosi.
Nhà Trắng khẳng định rằng không có gì khác thường về chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện. “Chủ tịch Hạ viện có quyền thăm Đài Loan và Chủ tịch Hạ viện đã đến thăm Đài Loan trước đây, không có sự cố nào”, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết hôm 1/8.
“Nói một cách đơn giản, không có lý do gì để Bắc Kinh biến một chuyến thăm đơn giản, phù hợp với chính sách lâu đời của Mỹ thành một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột nào đó, hoặc sử dụng nó để tăng cường hoạt động quân sự hung hăng trong hoặc xung quanh eo biển Đài Loan”.
Tương tự như vậy, tuyên bố của đảng Cộng hòa được đưa ra hôm thứ Ba nhấn mạnh rằng không có thay đổi nào đối với các chính sách và chuẩn mực hành vi lâu đời của Mỹ liên quan đến Trung Quốc và Đài Loan.
ĐCSTQ coi Đài Loan là một tỉnh ly khai phải thống nhất với đại lục và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để thực hiện điều đó. Về phần mình, Đài Loan đã có sự tự chủ từ năm 1949, chưa bao giờ bị ĐCSTQ kiểm soát. Bên cạnh đó, Đài Loan có một Chính phủ dân chủ độc lập, quân đội riêng và nền kinh tế thị trường phát triển mạnh.
Ngoài ra, Mỹ bị ràng buộc bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 để cung cấp cho Đài Loan vũ khí cần thiết để tự vệ trước sự xâm lược từ bên ngoài, bao gồm cả từ đại lục.
Về việc liệu Mỹ có tích cực bảo vệ Đài Loan khỏi đại lục hay không, quốc gia này duy trì một chính sách được gọi là “sự mơ hồ chiến lược”, trong đó họ sẽ không tiết lộ công khai sự sẵn sàng hoặc không sẵn sàng bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự.
Quang Minh, theo The Epoch Times