Tâm sự của tấm hình một ngôi trường

Lê Học Lãnh Vân

Tấm hình dưới đây chụp ngôi trường nổi tiếng của Sài Gòn nói riêng, của Miền Nam nói chung. Trước năm 1975, khi chúng tôi theo học, trường mang tên Petrus Ký, tức ông Trương Vĩnh Ký. Sau năm 1975 tên trường được đặt lại theo tên ông Lê Hồng Phong.

Khoảng thời gian chục năm lại đây, bắt đầu có những tiếng nói cất lên nêu câu hỏi có nên đặt lại tên trường là Petrus Ký hay không. Quan điểm này có lập luận rằng ông Trương Vĩnh Ký là người xuất sắc trong giới học vấn, người miệt mài phổ biến văn minh, văn hoá của thế giới và của Việt Nam tới người Việt. Sự miệt mài dùng chữ quốc ngữ trong giai đoạn phôi thai khiến ông có công lớn củng cố loại chữ viết này cho tiếng Việt, một lợi khí rất sắc bén góp phần khẳng định nền tự chủ nước nhà về măt tâm lý và tri thức. Điều này khiến tên ông Trương Vĩnh Ký thích hợp hơn với ngôi trường đào tạo những con người học vấn nếu so sánh với ông Lê Hồng Phong vốn là nhà cách mạng chiến đấu.

Tuy vậy, bài viết này không thảo luận về việc giữa hai ông, tên của ông nào đặt cho trường thì thích hợp hơn. Bài viết chỉ chú ý rằng trường mang tên ông Trương Vĩnh Ký từ lúc mới thành lập năm 1927 cho tới năm 1975 và mang tên ông Lê Hồng Phong từ năm 1975 tới nay. Vậy là trong lịch sử hoạt động gần một trăm năm, trường có phân nửa thời gian mang tên mỗi vị.

Hai tấm hình được chụp vài ngày trước. Tấm thứ nhất cho thấy từ cổng trường ngó vào, chính giữa có tháp đồng hồ gợi nhớ Khuê Văn Các của Văn miếu Hà Nội, hai bên là hai cánh của hành lang danh dự. Tấm thứ hai chụp cánh bên phải có tượng ông Lê Hồng Phong, cánh bên trái trống trơn không có bức tượng nào, cũng không thấy tượng ông Trương Vĩnh Ký ở đâu hết!

Bài viết này nhớ những ngôi trường trung học và đại học nổi tiếng bên châu Âu, trong phòng truyền thống khắc tên hiệu trưởng các thời kỳ và hình hay tượng các vị được trang trọng trưng bày. Công hay tội nếu có của các vị được ghi lại và phân tích thẳng thắn, còn lịch sử luôn được kính trọng giữ gìn!

Ông Trương Vĩnh Ký nằm ở đâu dưới mái trường đã gần nửa thế kỷ mang tên ông? Lý do gì khiến người ta cố quên ông đi, hay có thể nói cách khác là cố xoá bỏ một lịch sử?

Điều này không phải chỉ xảy ra tại ngôi trường hiện vẫn còn chối bỏ ông Trương Vĩnh Ký. Tên của những vị danh hiền, lương tướng, minh quân mà đức độ và tài thao lược tót vời góp phần rất lớn mở mang, phát triển một vùng lãnh thổ giàu rộng hơn phân nửa nước Việt Nam hiện nay, tên các vị đó bị bỏ đi khỏi những con đường Sài Gòn để thay thế bằng tên những người mà tài năng và đức độ không có gì nổi bật. Mà lòng căm thù nơi họ được đẩy lên cao tột độ và nhiều người trong số họ ít kiến thức học vấn. Khó thấy nơi họ công lao, tài năng, hay lẽ sống cao thượng đủ để được đặt tên cho một con đường của thành phố! Hơn nữa, lòng căm thù và sự ít kiến thức học vấn thường khó thể tạo nên công tích lâu dài cho cộng đồng, đất nước!

Nền tảng tâm lý, tư tưởng gì khiến người ta có thể xoá bỏ quá khứ? Có phải nền tảng tâm lý, tư tưởng đó khiến người ta mạnh tay đưa vào trại cải tạo tầng lớp tinh hoa của Miền Nam mà người ta cho là phản động và đồi truỵ, làm thương tổn khó thể phục hồi toàn bộ nền văn hoá kinh tế của một nửa đất nước được chắt chiu tần tảo xây dựng hàng trăm năm? Sự thương tổn này có phải là nguyên nhân khiến Sài Gòn hiện nay thua kém Seoul, Bangkok, Kuala Lumpur…?

Bài viết này nhìn thấy nhiều tâm sự trong tấm hình của ngôi trường và xin bày tỏ nỗi hổ thẹn. Dù nội chiến Việt Nam kết thúc sau nội chiến Mỹ trên một trăm năm, so với dân Mỹ thời đó, phải chăng cách sắp xếp hậu chiến cho thấy hiện nay đồng bào của tác giả thiếu lòng bao dung lẫn kiến thức?

Tương lai gì chờ đợi quốc gia sẵn sàng quên đi quá khứ của mình?

Làm sao để phục dựng, phục hồi những gì Sài Gòn nói riêng, đất nước nói chung đã bị mất đi?

Ngày 26 tháng 7 năm 2021

Lê Học Lãnh Vân

Related posts