Những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể đang ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh

Trần Phong

Rất có thể, Trung Quốc đang chuẩn bị cho CHIẾN TRANH. (Ảnh minh hoạ: Taiwan news).

Tăng cường dự trữ lương thực, năng lượng, tăng tốc chạy đua vũ khí hạt nhân, ra sắc lệnh “hoạt động quân sự phi chiến tranh”, thậm chí cả chính sách “zero covid”… một loạt các hoạt động của Trung Quốc trong thời gian ngắn vừa qua khiến các nhà quan sát trên thế giới không khỏi băn khoăn về mục đích thật sự đằng sau đó. Và một kịch bản mà rất nhiều chuyên gia đã nghĩ tới: Rất có thể, Trung Quốc đang chuẩn bị cho CHIẾN TRANH.

Dự trữ 50 – 70% lương thực toàn cầu

Trung Quốc đã âm thầm tích trữ lương thực trong vài năm qua và đang tăng cường nhập khẩu lương thực.

Vào tháng 12/2021, hãng tin RT đưa tin rằng Trung Quốc có kho dự trữ ngũ cốc lớn nhất thế giới: “Quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc, đã dự trữ hơn một nửa lượng ngô và các loại ngũ cốc khác trên toàn cầu, và dự kiến sẽ tăng cường dự trữ lương thực hơn nữa”. (bạn nào dịch Anh trích nguyên văn câu đó trong bài nha)

Bloomberg cho biết, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, dự trữ ngô của Trung Quốc có khả năng chiếm 69% toàn cầu trong nửa đầu niên vụ 2022, dự trữ gạo chiếm 60% và lúa mì là 51%. 

Tờ Asia Nikkei trích dẫn dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy quốc gia này đã chi 98,1 tỷ USD nhập khẩu thực phẩm vào năm 2020, tăng 4,6 lần so với một thập kỷ trước đó. 

Cũng theo Asia Nikkei, người đứng đầu dự trữ ngũ cốc tại Cục Dự trữ Thực phẩm và Chiến lược Quốc gia, Qin Yuyun nói với các phóng viên vào tháng 11/2021 rằng Trung Quốc đang duy trì kho dự trữ lương thực của mình ở “mức cao trong lịch sử”.

Vơ vét năng lượng: dự trữ đủ cho ¾ nhu cầu toàn cầu

Trung Quốc tăng cường vơ vét dầu thô khi đại dịch Covid-19 bùng phát khắp toàn cầu năm 2020, thời điểm mà giá dầu thô thấp nhất mọi thời đại.

Theo Reuters, trong năm 2020, nước này đã nhập khẩu 542,4 tấn dầu thô – tương đương 10,85 triệu thùng mỗi ngày. CNN ngày 1/7/2020 cũng cho biết, tính đến ngày 29 tháng 6, Trung Quốc đã tích trữ 73 triệu thùng dầu trên 59 con tàu khác nhau trôi dạt trên biển ngoài khơi bờ biển phía bắc của đất nước, theo ClipperData, chuyên theo dõi các dòng chảy trên mặt nước của dầu thô trong thời gian thực. Tại thời điểm đó, đó được xác định là ba phần tư nhu cầu cho toàn bộ hành tinh.

Cũng theo CNN: “Kho lưu trữ nổi của Trung Quốc”  – được hiểu là các thùng dầu trên các tàu chờ từ 7 ngày trở lên vào cuối tháng 6/2020 đã tăng gần gấp 4 lần kể từ cuối tháng 5/2022 và tăng gấp 7 lần so với mức trung bình hàng tháng trong quý I/2020. 

Theo OEC, Brazil là nguồn cung cấp dầu hàng đầu trong “kho lưu trữ nổi” của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung quốc cũng nhập khẩu dầu từ Iraq, Ả Rập Saudi và Nigeria, Iran và Venezuela.

Tất nhiên, có nhiều quốc gia khác cũng tận dụng thời điểm giá dầu xuống thấp trong thời kỳ đại dịch để củng cố kho dự trữ khẩn cấp của họ. Nhưng hành động tích trữ dầu của Trung Quốc không dừng lại khi giá tăng, thậm chí kể cả khi nhu cầu về dầu thô ở Trung Quốc giảm dần vì đại dịch, hay chính sách zero-covid,…

Ngày 4/2 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố các hợp đồng mới cung cấp khí đốt tự nhiên và dầu mỏ của Nga cho Trung Quốc, ước tính trị giá 117,5 tỷ USD.

Theo số liệu từ Reuters, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga đã tăng 55% so với một năm trước đó lên mức kỷ lục vào tháng 5/2022; điều này khá ngạc nhiên khi cầu về dầu thô của Trung Quốc đang suy giảm do phong tỏa kinh tế. 

Chạy đua vũ khí, mở rộng kho vũ khí hạt nhân chưa từng có

Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng các lực lượng vũ trang, đặc biệt là Hải quân và Cảnh sát biển. Từ năm 2013–2018, Trung Quốc đã xây dựng các rạn san hô và các đảo không có người ở ở Biển Đông – bao gồm cả Đá Chữ Thập, Rạn Woody, Đá Vành Khăn và Đá ngầm Subi – làm tăng diện tích đất của họ thêm 3.200 mẫu Anh thông qua cải tạo và nạo vét. 

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản vào tháng 9 năm 2021 đã tổng hợp các hình ảnh vệ tinh cho thấy rõ ràng những thay đổi quân sự hóa mạnh mẽ đối với những hòn đảo ở Biển Đông trong khoảng thời gian từ 2015–2018. 

Ngoài ra, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc xây dựng các hầm chứa tên lửa silo (Missile Silo Field) trên diện rộng, điều này khiến quốc tế lo ngại rằng Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân.

Báo cáo đánh giá, đây là sự tích tụ hạt nhân chưa từng có của Trung Quốc.

Với khoảng 250 hầm chứa rõ ràng đang được xây dựng – gấp hơn mười lần số lượng ICBM silo đang hoạt động hiện nay, số lượng các hầm chứa mới của Trung Quốc đang được xây dựng vượt quá số lượng silo-based ICBMs do Nga vận hành và chiếm hơn một nửa quy mô của toàn bộ lực lượng ICBM của Mỹ. Chương trình hầm chứa tên lửa của Trung Quốc là công trình xây dựng hầm chứa tên lửa quy mô nhất kể từ khi Hoa Kỳ và Liên Xô xây dựng hầm chứa tên lửa trong Chiến tranh Lạnh.

Coi việc lấy lại Đài Loan là ưu tiên hàng đầu

Vào tháng 11/2021, ĐCSTQ đã thông qua Nghị quyết lịch sử lần thứ ba tại Hội nghị toàn thể lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19, đưa ra “Chiến lược tổng thể để giải quyết vấn đề Đài Loan trong kỷ nguyên mới” của ông Tập Cận Bình.

Theo VOA, ĐCSTQ đang tiến hành một cuộc chiến tuyên truyền trong cộng đồng quốc tế để định hình lại dư luận như nhằm hợp pháp hóa việc chiếm đóng Đài Loan. 

Đó có thể là một cuộc xâm lược vũ trang toàn diện, hoặc phong tỏa hoàn toàn Đài Loan bằng các biện pháp quân sự mềm, hoặc hỗ trợ các lực lượng ủng hộ ĐCSTQ bên trong Đài Loan thực hiện các hành động ly khai, cố tình gây bất ổn xã hội, rồi lấy đó làm cớ để gửi quân…

Theo tiết lộ của Vương Lập Cường (William Wang,), một cựu điệp viên TQ đã trốn sang Úc. Trước khi đào tẩu, nhiệm vụ chính của Wang là chia rẽ người dân Đài Loan, thao túng bầu cử, lật đổ các ứng cử viên từ phe thù địch với chính quyền Trung Quốc. 

Ra sắc lệnh “các hoạt động quân sự ngoài chiến tranh”

Hãng tin Taiwan News dẫn nguồn từ Tân Hoa Xã, cho biết ông Tập Cận Bình – với tư cách là Chủ tịch Quân uỷ Trung ương – đã ký một sắc lệnh về “bản phác thảo thử nghiệm các hoạt động quân sự ngoài chiến tranh” vào hôm 13/6. Theo các chuyên gia, sắc lệnh này được cho là dọn đường chuẩn bị vũ lực nhắm vào Đài Loan.

ABC News của Úc trích dẫn ý kiến chuyên gia Eugen Kuo, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Chính sách Quốc gia, nói rằng trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra, một sắc lệnh như vậy từ Bắc Kinh đã “gửi đi một tín hiệu đe dọa tới Đài Loan, Nhật Bản và các quốc gia xung quanh Biển Đông”.

ABC cũng trích dẫn nhận định của nhà phân tích Wa Qiang tại Bắc Kinh, giải thích rằng theo quan điểm của Bắc Kinh thì một chiến dịch quân sự xâm lược Đài Loan sẽ chỉ là phần tiếp theo của một cuộc nội chiến chưa hoàn thành hồi năm 1949. Do đó, một sắc lệnh như vậy sẽ cho phép Bắc Kinh thực hiện “hoạt động phi chiến tranh” chứ không phải là một cuộc chiến mới ở eo biển.

Cũng trong ngày ông Tập ký sắc lệnh “hoạt động quân sự phi chiến tranh”, Trung Quốc đã đưa máy bay chiến đấu xâm phạm vùng nhận diện phòng không của Đài Loan; lần thứ 4 liên tiếp trong tháng 6/2022.

Nhưng chiến tranh khó có thể diễn ra nếu toàn bộ lực lượng quốc phòng của Bắc Kinh, toàn bộ nguồn tài chính cũng như sự tuân thủ từ trung ương đến địa phương chưa quy về một mối. Ở đây, ám chỉ quyền lực của ông Tập chưa hoàn toàn lấy lại được từ các phe phái chính trị Giang Trạch Dân – Tăng Khánh Hồng. Zero-Covid có thể là câu trả lời cho vấn đề này.

Thanh trừng nội bộ bằng Zero-covid? 

Bất chấp việc đã buộc người dân phải tiêm chủng hàng loạt, bất chấp bằng chứng tỷ lệ tử vong do Covid-19 rất thấp và bất chấp cả thế giới mở cửa trở lại, Bắc Kinh kiên quyết thực thi chính sách “zero-Covid” gây tranh cãi.

Việc đóng cửa khắc nghiệt cả một thành phố trong nhiều tháng đã tạo ra nạn đói, tự tử hàng loạt và những cái chết do không được chăm sóc y tế kịp thời. Các tổn thất này lớn hơn nhiều so với tổn thất do đại dịch gây ra. 

Cả thế giới đều không thể hiểu vì sao Bắc Kinh phải đi một mình một con đường kỳ lạ đến thế.

Các nhà quan sát bên ngoài Trung Quốc tin rằng “zero-Covid” có thể là cái cớ hoàn hảo để ông Tập xử lý các bất đồng trong nội bộ. Ông Tập hy vọng chính sách zero-COVID sẽ thành công trong việc ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lớn về tính chính danh trước Đại hội Đảng lần thứ 20 vào tháng 10/2022 tới đây, ngay cả khi nó phải trả giá cao về mặt kinh tế và xã hội. Các nhà quan sát cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà Thượng Hải – nơi được coi là địa bàn hoạt động chính của phe Giang Trạch Dân bị phong tỏa nặng nề nhất, thiệt hại nặng nề nhất vì “zero-Covid”.

Theo chuyên gia các vấn đề thời sự Hắc Bình viết trên Epoch Times, kể từ khi bùng phát dịch bệnh COVID-19, chính sách xóa sổ bằng không (zero covid) của Tập Cận Bình đã bị chỉ trích trong và ngoài nước, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc. Nó cũng trở thành một viên đạn pháo hạng nặng của phe chống Tập do phe Giang đứng đầu dùng để tấn công Tập Cận Bình trong hai năm qua. Nên Tập phải kiên quyết giành thắng lợi trong chính sách zero covid.

Tất cả những lý do trên đây có thể cho thấy Bắc Kinh dường như đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lớn, chuẩn bị các tấm đệm chống đỡ các đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Trung Quốc đang cố tình dự trữ một lượng lớn nguồn cung cấp lương thực, vi mạch, đạn dược, hàng hóa và các mặt hàng khác để chuẩn bị cho việc bị phương Tây cắt đứt kinh tế, giống như Mỹ và NATO đã làm với Nga. Với một tấm gương rất xấu từ việc Nga xâm lược Ukraine, việc Trung Quốc có thể tiến hành xâm lược Đài Loan và hoặc Biển Đông là một điều rất có thể xảy ra trong một tương lai gần.

Related posts