Ấn Độ sẽ thực hiện ‘mọi biện pháp cần thiết’ để chống lại việc tàu Trung Quốc cập cảng Sri Lanka

Aldgra Fredly

Tàu chuyên chở phương tiện Grand Aurora neo đậu tại Cảng Quốc tế Hambantota, do Tập đoàn Thương gia Trung Quốc (China Merchants Group) điều hành, ở Hambantota, Sri Lanka, vào ngày 28/03/2018. (Ảnh: Atul Loke/Getty Images)

Ấn Độ đang cảnh giác cao độ về một tàu Trung Quốc trên đường cập Cảng Quốc tế Hambantota của Sri Lanka, nhưng Sri Lanka tuyên bố rằng con tàu này sẽ chỉ dừng lại để tiếp nhiên liệu.

Sri Lanka đã cấp phép thông quan cho tàu Trung Quốc này vài tuần trước khi Tổng thống mới được bổ nhiệm Ranil Wickremesinghe nhậm chức, theo tờ The Sunday Times của Sri Lanka.

Quốc gia bị khủng hoảng này đã bắt đầu các cuộc đàm phán ngoại giao với cả Ấn Độ và Trung Quốc nhằm đạt được “một giải pháp hòa giải” liên quan đến sự xuất hiện của con tàu này để không xảy ra bất kỳ cuộc đụng độ tiềm năng nào.

Ông Arindam Bagchi, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, bình luận về việc dự kiến ​​cập cảng của tàu Trung Quốc này, dự kiến ​​sẽ neo đậu từ ngày 11/08 đến ngày 17/08.

Ông Bagchi nói với các phóng viên, “Hãy để tôi nói chính xác rằng chính phủ đang theo dõi cẩn thận bất kỳ diễn biến nào có liên quan đến an ninh và các lợi ích kinh tế của Ấn Độ và thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ những lợi ích đó.”

Trung Quốc cho biết tàu Viễn Vọng 5 (Yuan Wang 5) là một “tàu nghiên cứu” sẽ tiến hành “việc điều khiển vệ tinh và theo dõi nghiên cứu các vệ tinh của Trung Quốc ở phần tây bắc của khu vực Ấn Độ Dương trong suốt tháng Tám và tháng Chín”.

Chính phủ Sri Lanka đã cho Trung Quốc thuê toàn bộ cảng Hambantota trong 99 năm vào năm 2017 sau khi không trả được khoản vay 1.4 tỷ USD cho Bắc Kinh, dẫn đến hàng chục ngàn người biểu tình phản đối thỏa thuận này.

Đàm phán tái cơ cấu nợ với Trung Quốc

Điều này xảy ra sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi Sri Lanka eo hẹp tiền mặt bắt đầu các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ với bên cho vay song phương Trung Quốc của họ, trong khi nước này tìm kiếm các gói cho vay từ IMF để bù đắp cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước.

Ông Krishna Srinivasan, giám đốc bộ phận Á Châu và Thái Bình Dương của IMF, nói rằng Sri Lanka phải “tiếp xúc với các chủ nợ của mình, cả tư nhân và song phương chính thức, về việc xử lý nợ để bảo đảm tính bền vững của nợ được khôi phục.”

Ông Krishna nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, “Trung Quốc là một chủ nợ lớn, và Sri Lanka phải tích cực tham gia với họ trong việc tái cơ cấu nợ.”

Sri Lanka đã vỡ nợ hồi tháng Năm. Nước này còn 51 tỷ USD nợ ngoại quốc, trong đó nợ Trung Quốc 6.5 tỷ USD.

Theo IMF, nước này nợ Ấn Độ 3.8 tỷ USD và nợ Nhật Bản ít nhất 3.5 tỷ USD.

Hôm 05/07, ông Wickremesinghe tuyên bố Sri Lanka phá sản và cho biết chính phủ sẽ cần phải đệ trình kế hoạch quản lý nợ bền vững và tái cơ cấu nợ lên IMF vào tháng Tám.

Cô Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.

Cẩm An biên dịch

Related posts