Úc đánh giá lại năng lực quân đội quốc gia sau một thập niên

Huyền Anh

Úc đánh giá lại năng lực quân đội quốc gia sau một thập niên
Một Lựu pháo M777 của Quân đội Úc khai hoả trong Cuộc tập trận Talisman Sabre 2021 tại Khu vực Huấn luyện Vịnh Shoalwater ở Queensland, Úc. Cuộc tập trận Talisman Sabre 2021 (TS21) là hoạt động huấn luyện song phương lớn nhất giữa Úc và Hoa Kỳ, bắt đầu vào ngày 14/7/2021. (Ảnh: Được sự cho phép của Bộ Quốc phòng Úc)

Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho hay, nước này đang triển khai một cuộc đánh giá chiến lược lớn đối với Lực lượng Phòng vệ Úc để đảm bảo lực lượng này có thể đáp ứng các thách thức an ninh trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên khắp thế giới đang làm phức tạp thêm triển vọng chiến lược của nước này.

Đánh giá mới nhất sẽ được thực hiện bởi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith và cựu Giám đốc Lực lượng Quốc phòng Angus Houston. Hai năm trước, Úc đã triển khai Bản cập nhật Chiến lược Quốc phòng năm 2020, đưa lực lượng quân sự của quốc gia này thoát khỏi tình trạng bất ổn để tập trung vào vị thế tấn công.

Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Richard Marles cho biết: “Vào năm 2020, Bản cập nhật Chiến lược Quốc phòng đã xác định rằng những thay đổi trong môi trường chiến lược của Úc đang tăng tốc nhanh hơn dự đoán trong Đánh giá Vị thế Lực lượng năm 2012″.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc Richard Marles phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Shangri-La ở Singapore, hôm 11/6/2022. (Ảnh: Roslan Rahman/AFP/Getty Images)

Ông nói trong một tuyên bố: “Điều này đòi hỏi một phân tích tức thì về vị thế và cách thức bố trí hợp lý nhất các tài sản và nhân viên Quốc phòng Úc, để bảo vệ các lợi ích quốc gia”. “Nó cũng yêu cầu đánh giá cơ cấu lực lượng của Bộ Quốc phòng Úc và Chương trình Đầu tư Tích hợp”.

Đánh giá Chiến lược Quốc phòng mới của Úc cũng sẽ nghiên cứu khả năng tích hợp với lực lượng quốc phòng của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và các đồng minh khác.

Theo các điều khoản tham chiếu của bài đánh giá, thế giới đang trải qua quá trình tái cơ cấu chiến lược quan trọng.

Theo đó, “Hiện đại hóa quân sự, gián đoạn công nghệ và nguy cơ xung đột giữa các quốc gia đang làm phức tạp thêm hoàn cảnh chiến lược của Úc”.

“Những thay đổi chiến lược này đòi hỏi chính phủ Úc phải đánh giá lại năng lực và thế trận của Lực lượng Phòng vệ Úc và rộng hơn là Bộ Quốc phòng”.

Năm 2020: Úc tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 270 tỷ AUD

Theo bản cập nhật Chiến lược quốc phòng năm 2020 và Kế hoạch cấu trúc lực lượng được công bố ngày 29/6/2021, Úc dự kiến chi 800 triệu AUD mua tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C (LRASM) của Hải quân Mỹ. Loại tên lửa này có tầm bắn hơn 370 km, ưu việt hơn hẳn tên lửa chống hạm AGM-84 được đưa vào sử dụng ở Úc từ đầu những năm 1980, với tầm bắn chỉ 124 km.

Úc dự kiến chi 9,3 tỷ AUD cho nghiên cứu và phát triển vũ khí tầm xa, tốc độ cao, bao gồm cả vũ khí siêu âm và đầu tư từ 5 – 7 tỷ AUD cho một hệ thống giám sát dưới nước quy mô lớn sử dụng các cảm biến công nghệ cao, có thể bao gồm cả tàu ngầm không người lái.

Ngoài ra, cũng theo bản cập nhật Chiến lược quốc phòng năm 2020, Chính phủ Úc sẽ chi 15 tỷ AUD để tăng cường năng lực chiến tranh thông tin và chiến tranh mạng trong vòng 10 năm tới. Bên cạnh đó, nước này chi 1,3 tỷ AUD thúc đẩy các hoạt động an ninh mạng của các cơ quan tình báo an ninh bao gồm một mạng lưới các vệ tinh cho một mạng thông tin độc lập và 7 tỷ AUD cho việc cải thiện năng lực không gian của Bộ Quốc phòng.

Như vậy, dưới thời Thủ tướng Morrison, cam kết chi tiêu quốc phòng mới của Chính phủ liên bang Úc lên đến hơn 270 tỷ AUD cho 10 năm tới, và vượt mức cam kết chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng nước này.

Thay đổi cam kết quốc phòng của chính phủ tiền nhiệm

Được đưa ra vào tháng 7/2020, ý nghĩa của đánh giá mới nhất sẽ đặt Chương trình Đầu tư Tích hợp trị giá 270 tỷ AUD (khoảng 190 tỷ USD) của chính phủ Thủ tướng Morrison dưới ‘kính hiển vi’.

Tuy nhiên, đã có những lo ngại rằng một số chương trình mất quá nhiều thời gian để chuyển giao, đặc biệt là chương trình Tàu khu trục lớp Hunter và việc hủy bỏ tàu ngầm lớp Tấn công của Pháp.

Cả hai chương trình đã tiêu tốn hàng tỷ USD và tốn rất nhiều thời gian chờ đợi thiết kế, trái ngược với việc mua các tàu “sẵn có” hiện nay, có thể đưa vào sử dụng gần như ngay lập tức.

Hơn nữa, cả hai chương trình đều dự kiến sẽ hạ thuỷ vào năm 2030. Tuy nhiên, trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng gia tăng về xung đột với Bắc Kinh trong khu vực, điều này khó có thể trở thành sự thực.

Mặc dù tàu ngầm lớp Tấn công cuối cùng đã bị cựu Thủ tướng Scott Morrison hủy bỏ vào năm 2021 để ủng hộ việc mua lại các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh theo thỏa thuận AUKUS, vẫn còn những lo ngại về thời điểm các tàu mới này có thể sẵn sàng đưa vào sử dụng. 

Huyền Anh

Related posts