Tin thế giới sáng thứ Bảy: Kỷ lục: 68 máy bay chiến đấu Trung Quốc xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan

Kỷ lục: 68 máy bay chiến đấu Trung Quốc xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan

Máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc biểu diễn trên bầu trời Trường Xuân, Trung Quốc, ngày 17/10/2019. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Thứ 6 (05/08), 68 máy bay quân sự cùng 13 tàu hải quân của Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan; nhiều máy bay và tàu trong số này đã vượt qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan.

Vào 5 giờ chiều hôm qua, Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo rằng 68 máy bay chiến đấu của Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAAF) và 13 tàu chiến của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN) đã xâm phạm ADIZ của Đài Loan. Ngoài ra, nhiều máy bay và tàu chiến trong số này đã vượt qua đường trung tuyến và “làm xấu đi một cách nghiêm trọng tình hình hiện tại ở eo biển Đài Loan”, Taiwan News đưa tin.

49 máy bay Trung Quốc bị phát hiện ở phía đông đường trung tuyến bao gồm: 7 máy bay chiến đấu Chengdu J-10; 6 máy bay chiến đấu Shenyang J-11; 10 máy bay chiến đấu Shenyang J-16; 24 máy bay chiến đấu phản lực Sukhoi Su-30; 01 máy bay tác chiến điện tử Thiểm Tây Y-8 và 01 máy bay tác chiến chống ngầm Thiểm Tây Y-8. Trong số này, 6 máy bay chiến đấu J-11 và 24 máy bay chiến đấu Su-30 đã vượt qua đường trung tuyến.

Bộ Quốc phòng Đài Loan đã lên án Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc “cố tình vượt qua đường trung tuyến tại eo biển và xâm phạm vùng biển và không phận xung quanh Đài Loan”. Bộ này cho biết các lực lượng vũ trang của quốc đảo sẽ “hành động kiên quyết để bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo rằng dân chủ và tự do không bị đe dọa”.

68 máy bay chiến đấu của PLAAF xâm phạm ADIZ của Đài Loan là một kỷ lục mới về số lượng máy bay quân sự Trung Quốc được nhìn thấy trong khu vực này trong một ngày. Kỷ lục trước đó là 56 chiếc, được thiết lập vào ngày 04/10/2021.

Theo Taiwan News, kể từ năm 1955, đã có một thỏa thuận ngầm giữa Trung Quốc và Đài Loan rằng Trung Quốc không vượt qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, vào ngày 21/09/2020, Bắc Kinh đã đơn phương phủ nhận sự tồn tại của đường trung tuyến này.

Xuân Hoa

Latvia ngừng cấp thị thực cho công dân Nga từ 4/8

Giới chức Latvia loan báo đã ngừng cấp thị thực cho hầu hết công dân Nga từ ngày 4/8 và trong thời gian không hạn định. (Đồ họa: GagoDesign/ShutterStock)

Đại sứ quán Latvia tại Nga hôm thứ Năm (4/8) loan báo rằng họ đã ngừng cấp thị thực cho công dân Nga “trong thời gian không hạn định”.

Đại sứ quán Latvia viết trên Twitter cho biết việc ngừng cấp thị thực cho công dân Nga chỉ ngoại lệ với những người xin nhập cảnh vào Latvia “để dự lễ tang người thân”. Trên trang web của Trung tâm thị thực Latvia tại Moscow cũng đã đăng tải thông báo tương tự.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Latvia tại Nga nói với hãng tin RIA Novosti hôm thứ Sáu (5/8) rằng việc cấp thị thực cho công dân Nga nhập cảnh Lativa đã bị đình chỉ từ ngày 4/8.

Giới chức Latvia hiện chưa loan báo rõ lý do đưa ra quyết định nêu trên, nhưng trước đó Riga cũng đã áp đặt các biện pháp khác lên công dân Nga sau khi Điện Kremlin phát động cuộc tấn công xâm lược nước láng giềng Ukraine vào cuối tháng Hai.

Vào thời điểm đó, giới chức Latvia loan báo rằng họ sẽ ngừng xử lý tất cả các thị thực du lịch của công dân Nga. Tuy nhiên, khi đó người Nga vẫn được phép xin thị thực lao động dài hạn và tác nghiệp báo chí, cũng như yêu cầu nhập cảnh vì các lý do nhân đạo. Các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) như Litva, Estonia, Ba Lan và Cộng hòa Séc cũng đã áp đặt các hạn chế tương tự lên công dân Nga.

Hôm thứ Năm (4/8), hãng tin Delfi của Latvia loan báo rằng chính phủ Latvia đã lên kế hoạch tuân thủ khuyến cáo của Cơ quan Mật vụ Nhà nước và sẽ bắt buộc những người nộp đơn xin thị thực vào Latvia từ Nga và Belarus phải tuân thủ một số kiểm tra tiểu sử bổ sung.

Vào cuối tháng Bảy vừa qua, Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics đã kêu gọi ban hành lệnh cấm toàn EU đối với cấp thị thực du lịch cho công dân Nga.

Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu thậm chí đã đề xuất biện pháp cứng rắng hơn khi yêu cầu lệnh cấm ban hành thị thực đối với toàn bộ công dân Nga. Theo hãng tin Bloomberg, ông Reinsalu khi đó hy vọng biện pháp do ông đề xuất sẽ được đưa vào gói chế tài Nga tiếp theo của EU.

Ba Lan trước đó cũng đã xem xét thực hiện biện pháp như kêu gọi của hai ngoại trưởng Latvia và Estonia.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Đức khi trả lời trên tờ Deutsche Welle gần đây đã nói rằng việc phát hành thị thực Schengen chỉ có thể dừng lại khi có sự đồng thuận của tất cả các quốc gia trong khối Schengen và lúc này chưa có quyết định như vậy.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hồi tháng Bảy khi bình luận về các đề xuất cấm thị thực Schengen đã nói rằng Nga hy vọng EU sẽ thể hiện lương tri. Tuy nhiên, ông Peskov cũng không loại trừ “những hành động xuất phát từ cảm tính”.

Hải Đăng

Lầu Năm Góc hoãn vụ thử tên lửa Minuteman III giữa căng thẳng với Trung Quốc

Một tên lửa đạn đạo Minuteman đã ngừng hoạt động được trưng bày trong công viên Lewistown ở Lewistown, Montana vào ngày 8/4/2022. (Ảnh: Demetrius Freeman/The Washington Post/Getty Images)

Lầu Năm Góc đã trì hoãn vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lần thứ hai được lên kế hoạch từ lâu trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, Nhà Trắng xác nhận hôm thứ Năm (05/8).

Lực lượng Không quân Hoa Kỳ ban đầu dự định tiến hành vụ phóng thử Minuteman III trong tuần này. Tuy nhiên, phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, việc hoãn sự kiện là “việc có trách nhiệm phải làm” để tránh leo thang căng thẳng với Bắc Kinh trong thời gian Trung Quốc phô trương lực lượng gần Đài Loan.

Ông Kirby nói: “Khi Trung Quốc tham gia vào các cuộc tập trận gây bất ổn xung quanh Đài Loan, Hoa Kỳ đang thể hiện hành vi của một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm bằng cách giảm thiểu rủi ro tính toán sai lầm và ngộ nhận”.

“Chúng tôi không tin rằng đó là lợi ích của chúng tôi, lợi ích của Đài Loan, lợi ích của khu vực, khi cho phép căng thẳng leo thang hơn nữa”, ông nói thêm. “Đó là lý do tại sao một cuộc thử nghiệm ICBM Minuteman III đã được lên kế hoạch từ lâu được lên lịch cho tuần này đã được dời lịch trong tương lai gần”.

Ông Kirby nhấn mạnh việc trì hoãn sẽ không kéo dài và nó sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng hạt nhân của quốc gia. Ông lưu ý, một ngày phóng thử nghiệm mới đã được ấn định, song không nói chính xác ngày nào.

Đây là lần thứ hai vụ thử Minuteman III bị trì hoãn sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vào tháng 3 đã chỉ đạo Lực lượng Không quân hoãn một vụ phóng theo lịch trình. Vụ thử đó đã được lùi lại nhằm giảm căng thẳng với Nga về cuộc tấn công vào Ukraine.

Trước khi các quan chức hoãn cuộc thử nghiệm mới nhất, được tờ The Wall Street Journal đưa tin, Lực lượng Không quân Mỹ đã bắn một tên lửa không vũ trang từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg, California và bắn xung quanh Quần đảo Marshall, một trong 16 đảo quốc nằm trong hiệp ước nghề cá giữa Hoa Kỳ và các quốc đảo Thái Bình Dương.

Từ năm 1946 đến năm 1958, Hoa Kỳ đã thực hiện 67 vụ thử hạt nhân tại khu vực ngày nay là quần đảo Marshall ở phía bắc, theo Bộ Ngoại giao.

Tên lửa Minuteman III có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, do công ty Boeing chế tạo, là vũ khí then chốt trong kho vũ khí chiến lược của quân đội Mỹ. Nó có thể bay xa hơn 9.660km với tốc độ xấp xỉ 24.000 km/h.

Mỹ hiện cất giữ khoảng 400 tên lửa này ở các căn cứ không quân tại Wyoming, Montana và North Dakota.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đại lục triển khai nhiều máy bay và bắn tên lửa đạn thật ở eo biển Đài Loan hôm thứ Năm (05/8), một ngày sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (Dân chủ-California) có chuyến công du tới hòn đảo tự trị. Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của mình.

Sau chuyến đi của bà Pelosi, chính quyền Trung Quốc thông báo rằng họ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quan chức cấp cao của Mỹ để trả đũa việc bà bất chấp Bắc Kinh.

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao của Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố vào ngày 05/8 rằng lệnh trừng phạt nhắm vào bà Pelosi và những người thân trực tiếp của bà nhưng không nêu rõ các biện pháp trừng phạt.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Mỹ triệu tập đại sứ Trung Quốc, lên án hành vi gây hấn quân sự

Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Tần Cương (Reuteurs)

Chính phủ Mỹ hôm thứ Sáu (5/8) đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Tần Cương để lên án chính quyền Bắc Kinh leo thang gây hấn quân sự chống lại Đài Loan chưa từng có tiền lệ.

Giám đốc truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby đã nói rằng hành động của chế độ cộng sản Trung Quốc đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan. Ông cũng tái khẳng định rằng Mỹ không theo đuổi một cuộc khủng hoảng trong khu vực quanh đảo quốc dân chủ.

“Sau những hành động ngay trong đêm của Trung Quốc, chúng tôi đã triệu tập Đại sứ Tần Cương tới Nhà Trắng để lên án ông ta về những hành động khiêu khích của Trung Quốc”, ông Kirby nói với Washington Post.

Quân đội Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập quân sự quanh Đài Loan sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới thăm đảo quốc vào đầu tuần này. Bắc Kinh lên án chuyến thăm của bà Pelosi là công nhận các lực lượng ly khai tại Đài Loan.

Chế độ Trung Quốc sau đó đã lập tức áp đặt chế tài lên bà Pelosi và gia đình bà, tiến hành các cuộc diễn tập quân sự lớn chưa từng có trong các vùng biển và vùng trời quanh Đài Loan, cấm nhập khẩu hàng nghìn mặt hàng từ Đài Loan, và bắt đầu hàng loạt các cuộc tấn công mạng liên tục vào cơ sở hạ tầng điện tử của đảo quốc.

Các cuộc diễn tập bắn đạn thật của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tể ở cả trong và ngoài khu vực châu Á lên án, đặc biệt từ khi có báo cáo cho biết Trung Quốc đã bắn tên lửa đạn đạo bay qua Đài Loan rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Trước khi triệu tập Đại sứ Trung Quốc một ngày, Mỹ cũng đã mạnh mẽ lên án hành động khiêu khích quân sự quanh Đài Loan của Bắc Kinh.

Ông Kirby, trong cuộc họp báo hôm 4/8, cho hay: “Chúng tôi lên án những hành động này. Đây là những hành động vô trách nhiệm và đi ngược lại với mục tiêu lâu dài của chúng tôi về duy trì hòa bình và ổn định xuyên Eo biển Đài Loan và trong khu vực”.

“Không có lý do gì để cho cuộc khủng hoảng tự tạo này tồn tại”, ông Kirby khẳng định.

Xuân Thành

“Đánh cược 90% tài sản” bà Pelosi không dám đến Đài Loan, doanh nhân TQ phải xóa bài đăng

Doanh nhân Trung Quốc Trần Quang Tiêu (Chen Guangbiao) gần đây đã đăng bài trước chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi, nói rằng bà Pelosi sẽ không thực sự đến Đài Loan, “Nếu đến Đài Loan, anh Tiêu sẵn sàng hiến 90% gia sản cho quốc phòng ngay”. Tuy nhiên hiện ông đã xóa bài viết này, và bị cư dân mạng chế giễu.

Vào ngày 25/6/2014, Trần Quang Tiêu và đoàn tùy tùng Hồng vệ binh của ông ta đã tổ chức một bữa tiệc tối tại Boathouse ở Công viên Trung tâm (Manhattan, thành phố New York, Mỹ), giả từ thiện, chân ngụy kế, một lần nữa bôi nhọ Pháp Luân Công. (Ảnh: Dai Bing / Epoch Times)

Ban đầu, Trần Quang Tiêu đăng trên Weibo nói rằng cả Nhà Trắng và bà Pelosi đều không đề cập đến chuyến thăm Đài Loan, nhưng một kênh truyền thông tại Anh đi đầu tiết lộ về việc này, do đó, ông ta suy đoán rằng cái gọi là tin tức về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi chỉ là để kiểm một chút về phản ứng của Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) mà thôi.

“Cư dân mạng hãy yên tâm rằng bà Pelosi sẽ không đến Đài Loan, đi theo hình thức riêng tư cá nhân cũng sẽ không.”

Trần Quang Tiêu còn đặt cược 90% tài sản của gia đình mình như một sự đảm bảo, nói rằng, “Nếu [bà Pelosi] đến thăm Đài Loan, anh Tiêu sẵn sàng hiến tặng 90% gia sản cho quốc phòng ngay.”

Kết quả là Pelosi đã thực sự đến thăm Đài Loan vào tối ngày 2/8, và Trần Quang Tiêu đã vội vàng xóa bài đăng, nhưng bài đăng đã được lan truyền rộng rãi bằng ảnh chụp màn hình.

Trần Quang Tiêu nói rằng nếu bà Pelosi đến thăm Đài Loan, anh ta sẽ hiến tặng 90% gia sản cho quốc phòng. (Ảnh chụp màn hình Weibo)

Bài viết này của Trần Quang Tiêu đã bị xóa. (Ảnh chụp màn hình Weibo)

Nhiều cư dân mạng đã để lại lời nhắn dưới Weibo của anh ta và chế giễu “Không quyên góp không phải là người Trung Quốc”; “Anh thật là mất mặt”; “90%, hãy thực hiện”; “Kẻ lừa đảo”; “90% cống hiến cho đất nước, xin hãy thực hiện lời hứa của anh”; “90%, thực hiện đi, người dân cả nước đang xem kìa”; “Anh Tiêu hào phóng, giá trị tài sản của anh đã giảm 90%”.

Một số cư dân mạng nói đùa rằng có lẽ giá trị tài sản ròng của Trần Quang Tiêu bây giờ là âm, và việc xóa bài đăng là không muốn gây ra gánh nặng cho đất nước.

Theo thông tin công khai, Trần Quang Tiêu sinh tháng 7/1968, tại thị trấn Thiên Ngạn Hồ, huyện Tứ Hồng, thành phố Túc Thiên, tỉnh Giang Tô; tốt nghiệp Đại học Y học cổ truyền Nam Kinh. Năm 1991, Trần Quang Tiêu bắt đầu kinh doanh ở Nam Kinh và kiếm sống bằng cách bán thiết bị chăm sóc sức khỏe giả. Năm 1998, có thông tin cho rằng ông bắt đầu chuyển sang hoạt động từ thiện. Sau đó, ông đứng đầu trong “Bảng xếp hạng từ thiện Trung Quốc năm 2008” do “Thời báo Công ích” tổ chức, và được truyền thông Trung Quốc Đại Lục gọi là “nhà từ thiện số 1 Trung Quốc”.

Trần Quang Tiêu từng là thành viên của Ủy ban Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) tỉnh Giang Tô, Phó Đại biểu Đại hội Nhân dân (Nhân đại) thành phố Nam Kinh và là thành viên ủy ban điều hành của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại toàn quốc Trung Quốc. Tuy nhiên, đằng sau những lần từ thiện được quảng bá rầm rộ, tài sản bí ẩn của ông vẫn luôn đi kèm với những nghi ngờ và tranh chấp.

Vào năm 2016, trang tin Caixin đã xuất bản một bài báo với tiêu đề “Trần Quang Tiêu: ‘Nhà từ thiện hàng đầu’ hay ‘kẻ bịp bợm hàng đầu’?” Bài báo điều tra cho rằng Trần Quang Tiêu đã có hành vi gian lận dữ liệu từ thiện, tuyên truyền sai sự thật và thiết lập mạng lưới quan hệ nhân danh từ thiện để mưu cầu danh lợi, đồng thời bị nghi ngờ liên quan đến các tội danh gây quỹ bất hợp pháp, giả mạo con dấu, v.v.

Caixin cho rằng khả năng tạo ra nguồn năng lượng khổng lồ như vậy của Trần Quang Tiêu không thể tách rời sự ủng hộ của Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Chính hiệp toàn quốc và cựu Bộ trưởng Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ.

Vào tháng 1/2014, Trần Quang Tiêu đã tổ chức một cuộc họp báo ở New York với lý do là mua lại tờ New York Times, thổi phồng vụ tự thiêu giả ở Thiên An Môn do phe Giang của ĐCSTQ dựng lên để vu khống Pháp Luân Công. Vào tháng 6/2014, ông lại đến New York để rải tiền cho những người vô gia cư, làm màu cho ĐCSTQ. Lý Đông Sinh (Li Dongsheng), cựu Thứ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ, người tham gia dàn dựng sản xuất vụ tự thiêu giả, đã từ chức vào tháng 12/2013. Lệnh Kế Hoạch “ngã ngựa” vào tháng 6/2014.

Sau nhiều lần bị truyền thông “bóc mẽ”, Trần Quang Tiêu dần dần biến mất khỏi tầm mắt công chúng. Năm ngoái, các phương tiện truyền thông đã tiết lộ những bức ảnh Trần làm ruộng trên cánh đồng. Cư dân mạng cho rằng Trần Quang Tiêu “từ việc lừa đảo quyên góp 2 tỷ bị vạch trần, giờ lại bị chụp ảnh làm ruộng ở nhà? Làm lại công việc mà bố mẹ từng làm”.

Tôn Vân, Epoch Times

Related posts