Tin thế giới trưa thứ Bảy: Nga cho biết sẵn sàng thảo luận về trao đổi tù nhân với Mỹ

Nga cho biết sẵn sàng thảo luận về trao đổi tù nhân với Mỹ

Ngôi sao bóng rổ Brittney Griner 9 năm tù vì tội liên quan đến ma túy.

Hôm thứ Sáu (5/8), Nga cho biết họ đã sẵn sàng thảo luận về việc hoán đổi tù nhân với Hoa Kỳ thông qua một kênh ngoại giao hiện có. Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi tòa án Nga kết án ngôi sao bóng rổ Brittney Griner 9 năm tù vì tội liên quan đến ma túy.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden trước đó đã nhất trí về một kênh ngoại giao nên được sử dụng để thảo luận về những vấn đề như vậy.

“Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về chủ đề này, nhưng trong khuôn khổ kênh [ngoại giao] đã được hai tổng thống Putin và Biden nhất trí”, ông Lavrov nói trong chuyến thăm Campuchia.

“Nếu người Mỹ quyết định một lần nữa sử dụng ngoại giao công chúng … đó là việc của họ và tôi thậm chí sẽ nói rằng đó là vấn đề của họ.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng cho biết hôm thứ Sáu rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét đề nghị mới nhất của Nga để thảo luận ở cấp Tổng thống về vụ hoán đổi tù nhân liên quan đến Griner.

Điện Kremlin trước đó đã cảnh báo Mỹ không nên tiến hành ngoại giao một cách ầm ỹ trong trường hợp của Griner, nói rằng họ chỉ có thể làm trật bánh các nỗ lực để đảm bảo việc hoán đổi.

Bản án của Griner – mà TT Biden gọi là “không thể chấp nhận được” – có thể mở đường cho một cuộc hoán đổi tù nhân bao gồm vận động viên 31 tuổi và một tay buôn vũ khí người Nga đang thụ án 25 năm tù tại Mỹ.

Mỹ đã đưa ra điều mà Ngoại trưởng Antony Blinken gọi là “lời đề nghị quan trọng” để đảm bảo thả những người Mỹ bị giam giữ ở Nga, bao gồm cả Griner và cựu lính thủy đánh bộ Paul Whelan.

Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết sau tuyên án của Griner rằng Mỹ đã đưa ra đề nghị nghiêm túc với Nga.

Washington đã đề nghị trao đổi kẻ buôn vũ khí người Nga Viktor Bout lấy Griner và Whelan, các nguồn thạo tin cho biết với Reuters.

Nga đã cố gắng bổ sung kẻ sát nhân bị kết án Vadim Krasikov – hiện đang bị giam giữ ở Đức – vào danh sách đề xuất hoán đổi, the một nguồn tin quen thuộc với thủ tục tố tụng cũng nói với Reuters.

Griner, người từng hai lần đoạt huy chương vàng Olympic và ngôi sao của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Nữ (WNBA), đã bị bắt vào ngày 17 tháng 2 tại Sheremetyevo của Moscow vì bị phát hiện chứa cần sa trong hành lý.

Mỹ cho rằng cô Griner đã bị bắt giữ một cách sai trái và bị Moscow sử dụng như một con bài thương lượng chính trị. Các quan chức Nga đã bác bỏ các tuyên bố của Mỹ, nói rằng Griner đã vi phạm luật pháp của Nga và cần bị phán xét phù hợp.

Griner được cho là đã được kê đơn cần sa y tế ở Mỹ để giảm đau do chấn thương mãn tính. Cần sa là bất hợp pháp ở Nga cho cả mục đích y tế và giải trí.

Tiến Minh

Sau vụ Trung Quốc bắn tên lửa, Nhật Bản tăng quyết tâm xây dựng quân đội

Trung Quốc bắn tên lửa Đông Phong (Ảnh: Nguồn: Trang Weibo của Bộ Tư lệnh Mặt trận phía Đông của quân đội Trung Quốc)

Việc Trung Quốc bắn tên lửa vào vùng đặc quyền kinh tế biển (EEZ) cách Nhật Bản chưa đầy 160 km để phô trương sức mạnh sau khi bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan có thể sẽ thúc đẩy hơn nữa sự ủng hộ của công chúng đối với việc Tokyo xây dựng quân đội.

Trung Quốc đã phóng 5 tên lửa đạn đạo vào vùng biển ở cuối phía tây của chuỗi đảo Okinawa hôm thứ Năm, một phần của các cuộc tập trận và hoạt động quân sự rầm rộ hai ngày sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan sau năm 25 năm.

Taro Kono, một nhà lập pháp cấp cao của Đảng Dân chủ Tự do, đồng thời là cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao, cho biết: “Vụ phóng này cho thấy rõ ràng rằng nếu có bất cứ điều gì xảy ra với Đài Loan, chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng.”

Ông nói thêm: “Tình hình rõ ràng đã thay đổi ở Nhật Bản,” khi được hỏi liệu công chúng có ủng hộ tăng ngân sách quân sự cao hơn hay không.

Quốc phòng là một vấn đề gây chia rẽ ở Nhật Bản. Hiến pháp hiện tại của Nhật chủ trương hòa bình và nhiều người dân vẫn cảnh giác trước việc vướng vào các cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ khởi xương.

Các vụ phóng tên lửa chưa từng có của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản diễn ra khi chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida chuẩn bị công bố đề nghị tăng đáng kể ngân sách quốc phòng.

Sau kế hoạch chi tiêu này, Nhật Bản được cho là sẽ thực hiện một cuộc đại tu chính sách quốc phòng vào cuối năm, dự kiến ​​sẽ bao gồm lời kêu gọi mua lại các loại vũ khí tầm xa hơn để chống lại Trung Quốc.

Lo ngại về hoạt động quân sự của Trung Quốc trên các vùng biển và bầu trời xung quanh Đài Loan và Nhật Bản đã gia tăng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2, do Nhật Bản lo ngại điều này tạo tiền lệ cho Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, trong bối cảnh Hoa Kỳ có thể không can thiệp trực tiếp.

“Cán cân quân sự đã thay đổi rất nhiều xung quanh Đài Loan”, đô đốc đã nghỉ hưu Katsutoshi Kawano, người từng giữ chức Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong 5 năm cho đến năm 2019, nói với hãng tin Reuters.

“Tôi hy vọng các cuộc thảo luận về ngân sách quốc phòng sẽ được cân nhắc nghiêm túc.”

Trong một tuyên bố trước cuộc bầu cử lập pháp vào tháng trước, đảng LDP của Thủ tướng Kishida đã cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP trong vòng 5 năm, điều này sẽ đưa Nhật Bản trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới sau đồng minh Hoa Kỳ và Trung Quốc, theo xếp hạng ngân sách quốc phòng năm 2021 do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm công bố.

Takashi Kawakami, giáo sư tại Đại học Takushoku của Nhật Bản ở Tokyo, cho biết tên lửa của Trung Quốc đã giúp ông Kishida có cơ hội làm rõ lập trường về vấn đề quân sự của mình.

Ông Kawakami nói: “Nhật Bản rõ ràng cần cho thấy họ đã sẵn sàng chiến đấu.”

Trong cuộc khủng hoảng Đài Loan vào năm 1996, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận tên lửa để uy hiếp hòn đảo, nhưng quân đội yếu hơn nhiều của Trung Quốc không thể ngăn cản Hoa Kỳ gửi tàu chiến, bao gồm cả một nhóm tàu sân bay tấn công của Hoa Kỳ, qua eo biển Đài Loan.

Kể từ đó, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quốc phòng lên khoảng 20 lần và có hàng trăm tên lửa đạn đạo có thể tấn công các mục tiêu, bao gồm cả tàu bè, cách xa hàng trăm hoặc hàng nghìn km với độ chính xác cao hơn nhiều.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan hôm thứ Năm đã tuần tra Biển Philippines ở Tây Thái Bình Dương trong “các hoạt động theo lịch trình”.

Lê Vy (theo Reuters)

Ông Viên Cung Di bị truy nã, con dâu tuyên bố cắt đứt quan hệ thân thuộc

Ông Viên Cung Di (Ảnh: Zhang Zhilong / Vision Times)

Mới đây, Cục Bảo an Hồng Kông đã ra thông cáo truy nã 3 người trong đó có ông Viên Cung Di, chỉ ra rằng “Quốc hội Hồng Kông” mà họ tổ chức ở nước ngoài bị nghi ngờ vi phạm “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”. Vào ngày 5/8, con dâu của ông Viên Cung Di là Dung Hải Ân, thành viên của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, đã đăng thông báo tuyên bố cắt đứt quan hệ thân thuộc với ông Viên Cung Di.

Ủy ban trù bị “Quốc hội Hồng Kông”, bao gồm các nhân vật ở nước ngoài như nhà tư bản công nghiệp Hồng Kông Viên Cung Di, người làm truyền thông kỳ cựu Hà Lương Mậu, cựu nghị viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông Lương Tụng Hằng, đã thông báo vào cuối tháng Bảy rằng công tác chuẩn bị cho bầu cử “Quốc hội Hồng Kông” đã bắt đầu. Họ hy vọng sẽ bắt đầu trước cuối năm 2023, để chọn ra nghị sĩ thực sự đại diện cho dân ý, lên tiếng cho Hồng Kông trên trường quốc tế.

Vào ngày 3/8, Cục Bảo an Hồng Kông đã chỉ đích danh và truy nã 3 người gồm ông Viên Cung Di, Hà Lương Mậu và Lương Tụng Hằng, nói rằng họ đang tổ chức một “Quốc hội Hồng Kông” ở nước ngoài và bị tình nghi vi phạm Điều 22 của “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” với tội danh lật đổ chính quyền quốc gia. Theo Điều 37 của “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”, cảnh sát phải điều tra sự việc theo quy định của pháp luật và bắt giữ những người nói trên quy án.

Trong một tuyên bố, Cục Bảo an cũng kêu gọi “công chúng vạch ra ranh giới rõ ràng với bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào của những người và các tổ chức của họ vi phạm Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, để không gặp phải những rủi ro pháp lý không cần thiết.”

Sau khi Cục Bảo an đưa ra lệnh truy nã, con dâu của ông Viên Cung Di là Dung Hải Ân (Eunice Yung Hoi-yan), một thành viên của Đảng Dân chủ mới và cũng là thành viên của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, ngay lập tức đăng bài viết lên các nền tảng xã hội, bày tỏ sự ủng hộ đối với việc cảnh sát tấn công tất cả các hoạt động bất hợp pháp theo Điều 37 của “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” để răn đe cảnh cáo.

Ngày 5/8, bà Dung Hải Ân đăng báo tuyên bố cắt đứt quan hệ thân thuộc với ông Viên Cung Di. (Ảnh chụp màn hình)

Vào ngày 5/8, bà Dung Hải Ân thậm chí còn đăng một tuyên bố với tiêu đề “Đại nghĩa của quốc gia”, nội dung viết: “Tôi, Dung Hải Ân, với tư cách là người Trung Quốc, trong người có dòng máu vĩ đại của tổ quốc, dưới tiền đề đại nghĩa của quốc gia, dựa vào tuyên bố của Văn phòng An ninh Quốc gia, ông Viên Cung Di liên quan đến vi phạm ‘Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông’ với tội danh lật đổ chính quyền quốc gia, tôi xin tuyên bố sẽ chính thức cắt đứt mối quan hệ giữa bố chồng và con dâu với ông Viên Cung Di.”

Trả lời các câu hỏi của giới truyền thông, bà Dung Hải Ân giải thích rằng “đại nghĩa của quốc gia” là chỉ về việc duy trì và bảo vệ “một quốc gia, hai chế độ”, nhấn mạnh rằng đó là một việc rất quan trọng, và bà có trách nhiệm nêu rõ quan điểm của mình ngay lập tức. Về mối quan hệ với gia đình, bà Dung Hải Ân cho biết hai con gái còn nhỏ chưa hiểu chuyện nhưng chồng bà là Viên Di Xương thì biết và hiểu về vấn đề này.

Ông Viên Cung Di có 6 người con, trong đó con gái Viên Di Minh và Viên Di Xương được người Hồng Kông biết đến nhiều. Bà Viên Di Minh là người ủng hộ dân chủ và từng là chủ tịch đảng Dân chủ Nhân dân; ông Viên Di Xương là một học giả Hồng Kông, giảng viên đại học và cựu chủ tịch chính sách của Đảng Dân chủ mới, tự xưng là “trung lập chính trị” và “lý tính”. Tuy nhiên năm 2018, ông đã lấy bà Dung Hải Ân – người có lập trường chính trị thân Cộng, làm vợ, và bị người dân Hồng Kông chỉ trích.

Được biết, bố của bà Dung Hải Ân là ông Dung Nhân Bươu, là giám đốc điều hành cấp cao của một công ty thuộc Tập đoàn Tài nguyên Trung Quốc, một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Ông có mối quan hệ sâu sắc với Văn phòng Liên lạc Trung ương ĐCSTQ, do đó bà Dung Hải Ân cũng thường được gắn danh hiệu “con gái nuôi của Văn phòng Liên lạc Trung ương”.

Năm 2020, bà Viên Di Minh và bà Dung Hải Ân ‘giao chiến’ từ xa trên chương trình của Đài phát thanh Hồng Kông. Bà Viên Di Minh nói rằng sau sự cố ngày 21/7/2019 ở nhà ga Yuen Long, bà không muốn gặp lại bất kỳ người nào có lập trường thân Cộng. Bà cho biết, sau khi sự việc xảy ra, nếu bạn vẫn đứng về phía chính quyền thì “thì bạn chính là không thể phân biệt được đúng sai, và bạn đã chôn vùi lương tri của mình”.

Về việc này, bà Dung Hải Ân cũng đáp lại từ xa rằng: “Nói cái quỷ gì về lương tri? Tôi không có lương tri ư? Tôi nghĩ rằng lương tri của bạn là sai. Mỗi người đều có lương tri của riêng mình.”

Trong chương trình, ông Viên Cung Di tuyên bố rằng ông có quan điểm “chống Cộng” rõ ràng, ngay cả khi con dâu “yêu đất nước và Hồng Kông”, ông cũng không kiêng dè gì và nói năng thoải mái. Ông Viên Cung Di cũng nói rằng những việc ông làm sẽ không thay đổi, và những gì Dung Hải Ân làm sẽ không thay đổi, đây là biểu hiện của tự do và là ưu điểm của Hồng Kông, mọi người đều có thể làm những việc của riêng mình. Ông Viên Cung khi đó cũng dự tính rằng ĐCSTQ sẽ chỉ thị cho cho con dâu Dung Hải Ân công khai vạch ra ranh giới với mình, và nói rằng ông sẽ không đổ lỗi cho cô.

Lý Hoài Quất, Vision Times

TT Nga và TT Thổ Nhĩ Kỳ đạt được nhiều thỏa thuận sau cuộc gặp tại Sochi

(Tổng Thống Nga Putin [bên phải] và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan [bên trái]/Nguồn ảnh: Getty Images)

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã thông qua một tuyên bố chung bao gồm các vấn đề từ xuất khẩu ngũ cốc cho đến chống khủng bố.

Thỏa thuận ngũ cốc của Istanbul cần được tuân thủ đầy đủ

Cả ông Putin và ông Erdogan đều ca ngợi vai trò của 2 quốc gia trong việc đạt được thỏa thuận xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp Ukraine hồi tháng Bảy. Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ) đã giúp Moscow và Kiev đàm phán một thỏa thuận cho phép trở lại giao thương hàng hải từ các cảng trên Biển Đen sau khi hoạt động bị tạm dừng trong bối cảnh cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.

Hai nhà lãnh đạo đồng thuận rằng, thỏa thuận cần được “thực hiện đầy đủ” trên cả 2 mặt “tinh thần và ngữ nghĩa”. Đồng thời cần tạo điều kiện để việc xuất khẩu ngũ cốc cũng như phân bón và nguyên liệu của Nga không bị cản trở.

LHQ đặc biệt hứa hẹn sẽ nỗ lực tháo gỡ những trở ngại đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Ngày 5/8, Moscow đổ lỗi cho các lệnh hạn chế do Mỹ và đồng minh áp đặt vẫn đang làm gián đoạn việc thu hoạch ngũ cốc của nước này và có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Thúc đẩy hợp tác thương mại và năng lượng

Hai vị tổng thống đã thảo luận về một chương trình nghị sự song phương có quy mô lớn và cam kết hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực thương mại, giao thông, nông nghiệp, tài chính, du lịch và xây dựng. Theo tuyên bố chung, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý “thỏa hiệp” khi xét đến nhu cầu của mỗi bên trong lĩnh vực thương mại và năng lượng.

Ông Putin ca ngợi khối lượng giao dịch thương mại thực tế giữa hai quốc gia đã tăng 57% trong năm ngoái và tăng gấp đôi trong 5 tháng đầu năm 2022. Ông cũng lưu ý, Nga cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ tất cả các loại tài nguyên năng lượng, bao gồm dầu, khí đốt và than đá một cách bền vững, dễ dự báo và “không có bất kỳ gián đoạn nào”.

Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak trả lời giới báo chí sau cuộc họp, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhất trí về một cơ chế thanh toán mới, trong đó yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chi trả một phần khí đốt mua từ Nga bằng đồng rúp. Theo ông Novak: “Đây là một giai đoạn thực sự mới; những cơ hội mới, bao gồm cả việc phát triển hơn nữa các mối quan hệ tài chính của chúng tôi.”

Tổng thống Erdogan hoan nghênh vai trò của Nga trong việc giúp xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, Akkuyu. Ông Erdogan khẳng định dự án này “rất quan trọng” đối với nền kinh tế của quốc gia và dự kiến ​​sẽ đáp ứng 10% nhu cầu năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà máy Akkuyu đang được xây dựng theo thiết kế của Nga, dự kiến ​​sẽ hoạt động vào năm 2023.

Ổn định khu vực và cuộc chiến chống khủng bố

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận định Nga đóng một “vai trò đặc biệt” trên trường quốc tế và nhất là trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông Erdogan cũng đồng thời phát biểu: “Sự đoàn kết giữa Moscow và Ankara là chìa khóa để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Trung Đông.”

Trong tuyên bố chung, ông Putin và ông Erdogan tái khẳng định cam kết đối với tiến trình chính trị ở Syria. Hai bên nhất trí rằng, điều quan trọng là phải duy trì “sự thống nhất chính trị và toàn vẹn lãnh thổ” của quốc gia Trung Đông này. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định họ sẵn sàng “hành động cùng nhau với sự phối hợp đầy đủ” để chống lại bất kỳ tổ chức khủng bố nào.

Hai bên cũng thảo luận về tình hình ở Libya, cho rằng bản thân người dân Libya nên đóng vai trò then chốt trong các diễn biến chính trị của đất nước họ. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ủng hộ “chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất chính trị” của Libya.

Ông Putin và ông Erdogan còn nhất trí phát triển hơn nữa quan hệ song phương trên cơ sở “tôn trọng lẫn nhau” và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế bất chấp “những thách thức khu vực và toàn cầu hiện nay”.

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine mà ông Putin gọi đó là “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine vẫn chưa kết thúc.

Vy An (Theo RT)

Ukraine phong tỏa Mykolaiv để truy lùng những người chỉ điểm cho quan đội Nga

Một cảnh ở thành phố Mykolaiv (Reuteurs)

Giới chức Ukraine thông báo phong tỏa thành phố Mykolaiv trong hai ngày cuối tuần để truy lùng những người cộng tác với lực lượng Nga.

Vitaliy Kim, lãnh đạo chính quyền quân sự tỉnh Mykolaiv, kêu gọi dân chúng tích trữ thực thực phẩm cùng nước uống, cũng như hợp tác với bất cứ quan chức thực thi pháp luật nào, sau khi thành phố Mykolaiv ngày 5/8 thông báo áp lệnh phong tỏa vào cuối tuần để tìm kiếm những người cộng tác với lực lượng Nga.

“Những người trung thực không có gì phải lo lắng. Chúng tôi sẽ xử lý các đặc tình của Nga”, ông Kim nói, song không cho biết các cơ quan thực thi pháp luật Mykolaiv lên kế hoạch truy lùng những người cộng tác với lực lượng đối phương ra sao.

Trong những tuần qua, ông Kim và các quan chức Ukraine khác nhiều lần cảnh báo về “lực lượng lật đổ” ở Mykolaiv, trong đó có những người chỉ điểm cho lực lượng Nga tập kích các mục tiêu quân sự Ukraine tại thành phố.

Tỉnh trưởng Kim cũng thông báo thưởng khoảng 100 USD cho những ai tố giác người nghi cộng tác với lực lượng Nga. Ông Kim nói giới chức Mykolaiv đã bắt 4 người sau khi nhận lời tố giác, song không cung cấp thêm chi tiết.

Mykolaiv, thủ phủ tỉnh cùng tên ở miền nam Ukraine, thường xuyên bị lực lượng Nga tập kích kể từ ngày đầu chiến sự. Tỉnh tưởng Kim ngày 5/8 tuyên bố lực lượng Ukraine “vô hiệu hóa” một đơn vị Nga dùng tên lửa S-300 “phá hủy trường học, bệnh xá và một số ngôi nhà”.

Related posts